Chuẩn bị chu đáo việc tiếp nhận giống gà từ Cuba

Vào cuối năm 1968, Bộ Nông nghiệp Việt Nam cử Bác sĩ thú y Nguyễn Ngọc Cảnh sang Cuba nghiên cứu, lập đề án xây dựng phát triển ngành chăn nuôi gia cầm cho Việt Nam. Sau chuyến đi, bản đề án được xây dựng và đệ trình lên cấp trên của hai nước.

Phía Cuba, đích thân Chủ tịch Fidel Castro xem xét phê chuẩn. Sau đó, một chương trình hợp tác viện trợ kinh tế, xây dựng phát triển ngành chăn nuôi (bò và gà) của Việt Nam đã được Chính phủ Cuba thông qua. Cuối năm 1969, đoàn cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân chăn nuôi gà của Việt Nam gồm 16 người, do đồng chí Nguyễn Huệ, Giám đốc Nông trường quốc doanh An Khánh làm trưởng đoàn sang Cuba nghiên cứu, thực tập trong thời gian 6 tháng.    

 Các chuyên gia Cuba làm việc tại Xí nghiệp gà giống Tam Dương. Ảnh tư liệu

Trong tiết trời Đông Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Huy Đạt nhớ lại: Sau đợt tập huấn bên nước bạn, năm 1970, Phòng Gia cầm trong Cục Chăn nuôi gia súc nhỏ được thành lập do Bác sĩ thú y Nguyễn Ngọc Cảnh làm trưởng phòng.

Cùng năm đó, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương cho triển khai đầu tư xây dựng ban đầu các cơ sở giống gà với sự cố vấn của chuyên gia đến từ Cuba. Hai trung tâm giống gà thuần chủng được khởi công xây dựng tại Tam Đảo và Ba Vì theo thiết kế mẫu của Cuba, phù hợp với hệ thống công nghệ Cuba chuyển giao. Trực tiếp tham gia cố vấn, hướng dẫn xây dựng khi đó là Kỹ sư Bernabe Mesa Ariss do Bộ Nông nghiệp Cuba cử sang để lựa chọn địa điểm, thiết kế kỹ thuật mặt bằng chuồng trại...

Tháng 5-1973, Cuba cử đoàn chuyên gia đầu tiên đến Hà Nội làm việc với Công ty kinh doanh Gia cầm Trung ương. Đoàn do kỹ sư José M.Jimenes Hurtado làm trưởng đoàn và các thành viên gồm chuyên gia vệ sinh thú y, bác sĩ thú y Espronceda; chuyên gia quản lý và dinh dưỡng Abdón; chuyên gia giống Pedroso và Minel, nữ chuyên gia chọn trống mái Maricela. 

Trong tiết trời oi nắng của mùa hè miền Bắc, không quản ngại gian khổ, đoàn chuyên gia Cuba đã cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm tra đôn đốc công tác chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật để tiếp nhận trứng giống gốc từ Cuba chuyển sang bằng chuyên cơ trong thời gian thích hợp; trực tiếp chỉ đạo ấp nở và nuôi dưỡng thành công hai đàn gà giống gốc; huấn luyện đào tạo chuyên môn vệ sinh phòng bệnh, giống, nuôi dưỡng... cho cán bộ, công nhân ngành gà Việt Nam.

Đoàn cùng lãnh đạo Công ty Gia cầm Trung ương đi khảo sát, chọn địa điểm xây dựng trại gà bố mẹ Lương Mỹ và Tam Dương. Cùng cán bộ, công nhân của Việt Nam tổ chức tổng vệ sinh sát trùng trại gà An Khánh và nuôi thử đàn gà Leghom thương phẩm trên chuồng lồng lần đầu tiên tại Việt Nam. Các chuyên gia Espronceda cùng đồng chí Võ Bá Thọ, Nguyễn Huy Đạt, Phương Song Liên trực tiếp quét dọn, tiêm phòng, mổ khám gà bệnh; Abdón hướng dẫn lắp đặt lồng gà đẻ thương phẩm. Riêng đồng chí Espronceda còn có nhiệm vụ chỉ đạo, giúp đỡ về kỹ thuật cho các xí nghiệp gà ở Hải Phòng trong những buổi đầu còn khó khăn, thiếu kinh nghiệm.

“Đầu năm 1974, Việt Nam tiến hành nuôi thử nghiệm gà công nghiệp lô đầu tiên ở An Khánh theo quy trình mới. Cuba giao 10.000 trứng gà leghorn thương phẩm đưa về ấp tại Trại gà Cầu Diễn, sau khi nở chọn được khoảng 4.000 gà mái 1 ngày tuổi”, ông Đạt cho biết.

Đồng chí Nguyễn Danh Nguyên, nguyên Giám đốc Trung tâm gà giống trứng dòng thuần Việt Nam – Cuba tại Ba Vì trò chuyện với tác giả về các chuyên gia Cuba. Ảnh: MINH ANH 

Theo PGS, TS Nguyễn Huy Đạt, Cuba đã chuyển giao miễn phí cho ta các dòng gà thuần quý cùng toàn bộ công nghệ tương ứng. Đồng thời, Cuba cung cấp cho ta ban đầu các nguyên liệu bổ sung thức ăn hỗn hợp, một số thuốc thú y, dụng cụ trang thiết bị chăn nuôi thú y, chuyên dùng cho công tác giống. Cung cấp bản vẽ thiết kế mẫu xây dựng chuồng trại, viện trợ gần như toàn bộ nguyên liệu vật tư và nhân công thiết bị xây dựng trại gà Lương Mỹ. Giúp đào tạo, tập huấn từ 3 đến 6 tháng một số đoàn cán bộ kỹ thuật, quản lý của Việt Nam tại Cuba vào các năm 1982 và 1984, phía bạn tài trợ 100% kinh phí.

Chúng tôi trở về huyện Ba Vì, TP Hà Nội để tìm gặp đồng chí Nguyễn Danh Nguyên, nguyên Giám đốc Trung tâm gà giống trứng dòng thuần Việt Nam – Cuba (hay gọi là Trại gà Ba Vì) để được nghe lại những câu chuyện xung quanh sự giúp đỡ của Cuba đối sự phát triển của ngành gà Việt Nam.

Ông Nguyên chia sẻ: “Trong tháng 4 và tháng 5-1974, các lô trứng giống dòng thuần được chuyển từ Cuba sang Việt Nam bằng máy bay, đưa về ấp tại hai trung tâm giống dòng thuần. Tại Tam Đảo nuôi giống gà thịt Plymouth Rock gồm dòng mái màu trắng 433 (6.200 con 1 ngày tuổi); dòng trống trung gian màu trắng 488 (3.200 con 1 ngày tuổi) và dòng trống màu vằn 799 (1.970 con 1 ngày tuổi). Giống gà Leghorn trắng nuôi tại Ba Vì gồm 2 dòng X và Y (vào ấp 7.200 trứng X, 12.998 trứng Y; nở chọn được 2.260 con dòng X và 7.918 con dòng Y)”.

Thầy tôi thế đấy... và bản lĩnh nhà khoa học Việt Nam

Quá trình tìm hiểu tư liệu để viết bài này, chúng tôi được tiếp cận những dòng hồi ký của Bác sĩ thú y Võ Bá Thọ, Bác sĩ thú y đầu tiên của ngành gà công nghiệp miền Bắc. Bác sĩ thú y Võ Bá Thọ đã chia sẻ câu chuyện với chuyên gia Cuba Espronceda, đồng thời là người thầy của mình, qua đó thấy được tinh thần làm việc thẳng thắn, chân thành, nhiệt huyết của các chuyên gia Cuba.

Bác sĩ thú y Võ Bá Thọ kể lại trong hồi ký: "Trong thời gian làm việc ở Công ty gia cầm Trung ương, tôi cùng chị Phương Song Liên và thầy Espronceda làm việc với nhau. Mọi việc thầy Espronceda đều bàn bạc với chúng tôi. Thỉnh thoảng, ông cũng có ý kiến khác chúng tôi trong việc xác định bệnh qua mổ khám gà bệnh. Có lần tôi chẩn đoán ca bệnh “gút phủ tạng” (Gota Visceral) ở gà con Leghorn nuôi thử ở An Khánh nhưng thầy Espronceda không đồng tình và cho là ở gà con không thấy có bệnh này. Thầy trò bất đồng ý kiến. Thấy vậy, Phương Song Liên đã nói đỡ cho tôi, giải thích là tôi chưa kết luận mà chỉ nói giống bệnh gút mà thôi! Buổi chiều trên đường về, không khí im ắng khác thường, không nói chuyện cười đùa như mọi khi. Về đến Kim Liên, thầy Espronceda bảo tôi ngồi chờ. Một lúc sau, thầy mang ra quyển sách của Jean Perdrix, mở ra xem bệnh gút ở gà con. Thầy nói: Cậu đúng, tôi sai! Làm thầy mà nói sai là chuyện không thể chấp nhận. Thầy sai phải nói để học trò biết sai, không nên giấu dốt... và ông xin lỗi tôi. Cảm động quá, tôi đã ôm siết thầy trong vòng tay của mình! Thầy Espronceda của tôi như thế đó!”.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu gặp gỡ các chuyên gia về gia cầm của Cuba (tháng 9-1983). Ảnh tư liệu

Nhờ sự hỗ trợ đặc biệt của Cuba, cuối năm 1974, đầu năm 1975, Cuba bắt đầu triển khai xây dựng trại gà giống sinh sản Lương Mỹ gồm khu gà con, gà dò và khu gà đẻ. Toàn bộ thiết kế, nguyên vật liệu chính là cấu kiện khung bê tông cốt thép, tấm lợp mái, lưới thép bao che chuồng, các trang thiết bị chính như máy ấp nở, ổ đẻ, máng ăn uống, khay, hộp đựng trứng đều được chuyển từ Cuba sang bằng tàu thủy đến cảng Hải Phòng.

Một đoàn chuyên gia xây dựng Cuba gồm cán bộ và công nhân hàng trăm người cùng trang thiết bị xe máy thi công, vận chuyển, cấu kiện, vật liệu được đưa sang công trường trực tiếp thi công lắp dựng. Tại công trình Trại gà Lương Mỹ, Đội xây dựng Cuba mang tên Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, chỉ huy trưởng công trường là kỹ sư Rigoberto de la Rosa Artega, kỹ sư Igmacio Brito Jimenes là Bí thư chi bộ, chỉ huy phó. Các hạng mục xây lắp chính đều cho Cuba đảm nhiệm, còn phía Việt Nam chỉ làm các hạng mục phụ trợ và bổ sung.

Nhắc đến những kỷ niệm trong thời gian “ăn cùng gà, thức cùng gà” với các chuyên gia Cuba, PGS, TS Nguyễn Huy Đạt kể: "Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ một kỷ niệm với chuyên gia Cuba Falcon. Đó là năm 1985, đàn gà Cuba hỗ trợ Việt Nam đang nuôi tại trại gà ở Tam Đảo xuất hiện bệnh mới (sau này mới biết là bệnh làm suy giảm miễn dịch ở gà). Chuyên gia Falcon giữ nguyên tắc là tiêu hủy hết đàn gà 25.000 con. Tôi thấy tiếc nên kiến nghị không tiêu hủy mà chuyển hết đàn gà bị bệnh lên quả đồi ở Thái Nguyên. Sau đó bao vây Trại gà Tam Đảo cho phun thuốc sát khuẩn trong vòng 6 tháng. Toàn bộ công nhân chuyển lên Thái nguyên chăm sóc gà. Tôi cam kết, nếu sau 6 tháng gà không đẻ sẽ tiến hành tiêu hủy hết. Kết quả là sau 6 tháng nuôi trên Thái Nguyên, đàn gà vẫn đẻ bình thường, gà khỏe mạnh và tiếp tục được đưa trở lại trại gà Tam Đảo chăm sóc. Nhờ vậy, tôi thoát “án” kỷ luật đang chờ sẵn mình. Nhưng qua đó, cũng cho thấy bản lĩnh của những nhà khoa học Việt Nam”.

PGS, TS Nguyễn Huy Đạt, nguyên Giám đốc kể lại những kỷ niệm với chuyên gia Cuba. 

Với sự giúp đỡ chân thành của Cuba, Liên hiệp xí nghiệp gia cầm Việt Nam đã nuôi giữ thành công các dòng gà thuần chủng mà bạn tặng. Như vậy, từ năm 1974 đến 1993, Liên hiệp xí nghiệp gia cầm Việt Nam đã trực tiếp tiếp nhận viện trợ không hoàn lại từ Liên hiệp gia cầm Cuba 15 dòng gà thuần chủng. Các dòng gà này đều được nuôi giữ thuần chủng thành công trong điều kiện khí hậu Việt Nam.

Sau nhiều đời nuôi giữ tại 2 trung tâm giống gốc quốc gia Ba Vì và Tam Đảo, được Hội đồng khoa học kỹ thuật ngành Nông nghiệp Việt Nam nghiệm thu đánh giá xuất sắc và được Bộ Nông nghiệp công nhận và cho phát triển rộng rãi vào sản xuất trên cả nước. Trong nhiều năm liền, cán bộ, công nhân viên các thế hệ ở Trung tâm Ba Vì và Tam Đảo đã cùng phòng Kỹ thuật của liên hiệp và đoàn chuyên gia Cuba miệt mài, nghiêm túc nuôi chọn lọc, giữ thuần chủng thành công các bộ giống gà thuần chủng quý do Cuba trao tặng.

Điều đó khẳng định, cán bộ, nhân viên Liên hiệp Xí nghiệp gia cầm Việt Nam đã tiếp nhận, chuyển giao hiệu quả viện trợ không điều kiện của Cuba cho ngành gia cầm Việt Nam. Các công nghệ, lĩnh vực về giống, thức ăn, thú y, kỹ thuật nuôi dưỡng, vật tư trang thiết bị, xây dựng chuồng trại, đào tạo nhân lực được chuyển giao trong 21 năm liên tục (1972-1993).

Ngày nay, ngành chăn nuôi gà nước ta đã phát triển với nhiều dòng giống công nghiệp tiên tiến trên thế giới cho năng suất trứng, thịt cao. Nhưng đối với ngành gà Việt Nam sự giúp đỡ vô tư, chí nghĩa, chí tình của nhân dân Cuba trong những năm đất nước ta còn nghèo nàn, lạc hậu đã đặt nền móng để ngành chăn nuôi gà Việt Nam chuyển dần sang hướng sản xuất công nghiệp chuyên thịt và chuyên trứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra một số thị trường trên thế giới.

Đại sứ Cuba thăm Xí nghiệp gà giống Tam Dương (tháng 7-1983). Ảnh tư liệu 

Thay cho lời kết: Các thế hệ người Việt Nam thường truyền dạy nhau rằng: Không bao giờ được quên những người bạn đã gắn bó với nhau lúc hoạn nạn. Lịch sử là dòng chảy liên tục nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Càng tự hào, càng nâng niu tình đoàn kết quốc tế cao cả Việt Nam - Cuba mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Fidel Castro cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước tạo dựng, vun đắp trong suốt thời gian qua, chúng ta càng tin tưởng tình đoàn kết keo sơn giữa hai nước sẽ ngày càng bền vững và phát triển lên tầm cao mới, góp phần thiết thực nối dài tình cảm chí tình, chí nghĩa, nhất là trong thế hệ trẻ của hai đất nước ở hiện tại và tương lai. 

Bài và ảnh: DUY THÀNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.