Cho đến thời điểm này, những bất cập lại tiếp tục được đưa ra tranh cãi. “Số phận” của VFS với nhiều vấn đề liên quan tương lai chưa biết bao giờ có kết quả.

Loay hoay tranh cãi thoái vốn, thu hồi

Câu chuyện bất cập của VFS - đơn vị được coi là “cánh chim đầu đàn” của ngành điện ảnh Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành điện ảnh Việt Nam (15-3) vừa qua được “xới” lại khi đoàn nghệ sĩ gạo cội trở lại “mái nhà xưa”-trụ sở của hãng tọa lạc tại số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Trước vấn đề dư luận quan tâm, trong cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), bà Phan Linh Chi, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính của Bộ cho biết: “Đơn vị chiến lược đầu tư là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) không hợp tác tích cực. Đến nay, họ vẫn chưa đưa ra văn bản, tính toán chi phí, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để hoàn trả cho Nhà nước số cổ phần đã mua của VFS”.

leftcenterrightdel
 Chưa tháo gỡ được bất cập, trụ sở của VFS tại số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) rơi vào cảnh hoang tàn.

Cũng theo bà Phan Linh Chi, Bộ VHTTDL có văn bản lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về sự việc. Hai cơ quan này tham vấn rằng Bộ VHTTDL không thể đơn phương thu hồi cổ phần đã bán cho Vivaso mà không có sự thống nhất, thỏa thuận với đơn vị này.

Ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (tên trên giấy tờ hiện hành của Hãng phim truyện Việt Nam), Phó tổng giám đốc Vivaso, cho biết: “Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đồng ý để chúng tôi được thoái vốn trước hạn. Nhưng khi thực hiện, Bộ VHTTDL lại tiến hành theo hướng thu hồi cổ phần của nhà đầu tư. Khái niệm thoái vốn và thu hồi cổ phần là khác nhau. Phía Bộ yêu cầu Vivaso tính toán chi phí để hoàn trả tiền, nhưng chúng tôi thấy không có quy định nào của pháp luật hướng dẫn việc thoái vốn trong doanh nghiệp dựa trên cơ sở tính toán chi phí, cũng không biết tính toán thế nào. Trên thực tế, tại Việt Nam cũng chưa từng có tiền lệ để chúng tôi tham khảo”.

Sự việc bắt đầu từ năm 2016 khi VFS chào mời cổ phần hóa, được Vivaso mua lại tháng 6-2017. 3 tháng sau, nghệ sĩ và ban lãnh đạo hãng nhiều lần đối thoại gay gắt do chậm lương, không có định hướng làm phim. Tại cuộc đối thoại này, lãnh đạo Vivaso từng hứa hẹn sẽ “cứu” hãng phim như mời đạo diễn, diễn viên nước ngoài, Hollywood về giao lưu, làm phim; có chiến lược tuyên truyền quảng bá... Tháng 9-2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản... Sau kết quả này, Vivaso (đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim) đề xuất thoái vốn.

Ai sẽ “cứu” VFS?

Trước cổ phần hóa, hãng phim nổi tiếng với dòng phim cách mạng, nghệ thuật rơi vào vòng xoáy thua lỗ do kinh phí sản xuất phim lớn, thời gian kéo dài, trong khi nguồn lực hạn chế, chủ yếu đến từ đặt hàng của Nhà nước. Theo kết luận thanh tra, giai đoạn 2004-2014, VFS lỗ tổng cộng hơn 34 tỷ đồng từ làm phim. Với sự tham gia của nhà đầu tư bên ngoài, Vivaso được kỳ vọng sẽ vực dậy tượng đài của ngành làm phim Việt Nam. “Khi chúng tôi nhận bàn giao, Bộ VHTTDL có quyết định đặt hàng giao cho chúng tôi làm bộ phim đầu tiên là “Người yêu ơi”. Chúng tôi đã rất háo hức đầu tư thiết bị và các máy móc cần thiết chuẩn bị cho việc sản xuất bộ phim hết gần 3 tỷ đồng; thành lập đoàn phim đi khảo sát các địa điểm cũng như casting diễn viên để chuẩn bị quay. Sau đấy xảy ra chuyện các nghệ sĩ làm đơn kiến nghị để Bộ không ký hợp đồng nữa. Chúng tôi rất thiệt hại trong việc đầu tư dự án đầu tiên này”, ông Nguyễn Danh Thắng cho hay.

Về tương lai VFS trong trường hợp Vivaso thoái vốn, bà Phan Linh Chi cho biết, Bộ VHTTDL từng nhiều lần tìm kiếm đối tác chiến lược khác, nhưng chưa thành công. Bởi, đặc thù của ngành điện ảnh vốn nhiều thách thức, giờ càng khó khăn hơn sau đại dịch. “Trong cuộc họp với Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái hôm 22-3, Bộ báo cáo chi tiết những vướng mắc, chờ chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ”, bà Linh Chi thông tin.

Với một số vấn đề khác như xác định giá trị thương hiệu của VFS, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho hay, Bộ VHTTDL đã phối hợp với đơn vị kiểm toán thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và nghiên cứu phương pháp tính toán giá trị thương hiệu, như căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống, song vẫn chưa triển khai được vì chưa có đầy đủ cơ sở tính toán. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện dứt điểm những nội dung kết luận, kiến nghị đã nêu.

Giải pháp lúc này, theo những người trong cuộc, là xử lý vấn đề cổ phần hóa, tức nhà đầu tư chiến lược thoái vốn. “Mong muốn duy nhất của Vivaso khi đầu tư vào VFS là để vực dậy doanh nghiệp đã thua lỗ nhiều năm, được làm phim theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp phát triển để từ đó đem lại lợi nhuận cho công ty và cổ tức cho các nhà đầu tư. Điều quan trọng nữa là sự đồng hành của nghệ sĩ, người lao động. Nếu Nhà nước không muốn chúng tôi đầu tư thì đề nghị cho được thoái vốn theo các quy định pháp luật”, ông Nguyễn Danh Thắng nói thêm.

VIỆT LAM