Gần gũi với nhân viên, không hách dịch, không kiêu căng tự phụ, với chúng tôi sếp vừa là người lãnh đạo, là đồng nghiệp, là chú, là anh… là một người rất đỗi thân mật. Cũng là nhà báo nhưng sếp không bao giờ thể hiện những nét phong trần, bụi bặm vốn có của nghề nghiệp. Đã nhiều năm là nhân viên của sếp, điều khiến tôi và nhiều đồng nghiệp chẳng thể nào quên được những cái chau mày sau làn khói thuốc đặc quánh, những lần bóp trán của sếp bên xấp bài của cánh phóng viên còn non trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề chúng tôi. Sếp của tôi: Nhà báo Khoàng Văn Thành – Phó Tổng Biên tập Báo Lai Châu.
Sếp tôi sinh năm 1961, là người dân tộc Thái ở tỉnh Điện Biên. Thời còn cắp sách tới trường sếp luôn đứng trong nhóm học “đỉnh” nhất của cả lớp. Thành tích đó đã giúp sếp có mặt trong danh sách những học sinh ưu tú được cử đi đào tạo tại Liên Xô (cũ). Nhưng khi sự chuẩn bị cho một chuyến du học hoàn thành thì chiến tranh biên giới nổ ra. Sếp tôi chẳng để ý tới chân trời mơ ước tại xứ sở bạch dương mà lại cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. “Khi hết chiến tranh, mình đi học tiếp thì hết cơ hội rồi! Bấy giờ mà không có chiến tranh chắc giờ mình không là nhà báo đâu” – sếp cười nhớ lại. Trong câu nói của sếp hình như có cái gì tiêng tiếc (nhưng riêng tôi lại không hề mong sếp được đi du học vì biết đâu như vậy tôi đã không được gặp và trở thành “quân” của sếp).
 |
Nhà báo tác nghiệp. Ảnh minh họa |
Sếp tôi đến với báo chí cũng rất tình cờ, cuộc sống và những đòi hỏi của nó đã đưa sếp đến với nghiệp viết. Giải ngũ, sếp xin vào Báo Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Ban đầu sếp bảo cũng khó lắm, người ta cũng phải hướng dẫn mãi: “Ôi giời! Lúc đó họ nói nào là 5 vê kép 1 hờ cái gì gì đó mình đâu có nhớ được đâu. Họ (ban biên tập) nói cái gì thì ghi lại cái đó rồi đến khi đi làm trả lời dần dần”. Hồi đó kinh tế đất nước còn nghèo, đời sống báo chí cũng không được phong phú như bây giời, mượn mãi mới được tờ báo Nhân dân mà đọc, học cách người ta viết mà làm theo. “Cứ làm, sai thì sửa, thiếu thì bổ sung. Phải làm mới biết mình thiếu cái gì mà bù đắp chứ” – sếp nhớ lại ngày đó. Vừa làm vừa học, lăn lộn hết hang cùng, ngõ hẻm đến núi đỏ, rừng xanh mà ghi nhận, phản ánh hơi thở cuộc sống một cách chân thực nhất. Rồi cái bút danh Trung Thành cũng có được tiếng nói riêng. Nhiều bài viết của sếp có tính lay động, phát hiện về những vấn đề gai góc, nhạy cảm, nhiều bài viết đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc cho cơ sở. Bây giờ nhớ lại sếp cũng chẳng thể thống kê được số lần mình được lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo tỉnh khen tặng nữa, bởi nó quá nhiều. Những thành tích đó nói thì đơn giản nhưng để có được nó đâu có đơn giản như những “nhà báo sa-lông” bây giờ thực hiện. Xe cộ, phương tiện đi lại thời đó không có, đi bộ là chủ yếu, đến bản may ra nhờ được ngựa nhưng đa số vẫn là… đi bộ. Sếp nhớ: “Hồi đó đi cơ sở mà thấy được xe ô tô là tốt rồi. Bất kể xe gì cũng vẫy lại xin đi nhờ hết. Có hôm đi mệt lắm rồi mà không có xe tải, cũng may dọc đường gặp được một cái xe téc (xe chở xăng, dầu). Vẫy lại, xin lên đi nhờ. Tài xế thò cổ ra khỏi cái cabin móp méo bảo: ở đây hết chỗ rồi nếu ông bám được vào xe thì leo lên. Thôi thì thế nào cũng được miễn là đỡ phải đi bộ cả nửa ngày đường. Nhưng khi lên rồi mới biết mình dại, bám thành xe téc, bụi thì không nói rồi sợ nhất là bị cành cây dọc đường quất vào người. Có lúc bị cành cây đập vào mặt đau lắm nhưng không dám buông tay vì nếu buông là ngã xuống đường”.
Dám lăn lộn, dám đấu tranh và sếp tôi cũng rất bản lĩnh. Có lẽ khói súng trận mạc những khi giáp mặt quân thù lúc còn binh nghiệp rèn cho sếp tôi cái bản lĩnh ấy. Có lần sếp viết về nạn bạo hành phụ nữ, một hôm đi qua bản bị bọn thanh niên du đãng chặn lại định “dạy bảo” sếp một trận vì đã “kể xấu chúng tao”. Hơn chục thanh niên bản lực lưỡng vây lấy phóng viên Trung Thành và chiếc xe đạp cà tàng chực “làm thịt”. Sếp cười chỉ nói đúng một câu mà bọn thanh niên tản hết: “Lính đặc công biên giới về đây. Cảm thấy đánh được chết thì đánh luôn không thì… dở đấy!”. Suốt quãng thời gian làm phóng viên của sếp những tình huống như thế sếp trải qua không ít. Với năng lực của mình, sếp được cơ quan cử đi học báo chí ở Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Đến năm 2004, khi tỉnh Lai Châu chia tách và thành lập mới, sếp được cử lên “khai phá” vùng đất mới với vô vàn khó khăn…
Sếp tôi hiền lắm! Nhiều khi hiền đến phát bực. Sếp chẳng ganh đua, chẳng tranh giành với ai. Trong suy nghĩ của sếp: “Mình cũng đã từng là phóng viên nên biết anh em nó khổ lắm. Giúp được nó cái gì thì giúp để anh em nó đỡ khổ”. Đấy sếp tôi nghĩ thế nên sếp rất ít khi nổi nóng với nhân viên. Chắc cũng là “đồng tật tương lân”! Có những bài đưa lên sếp đến khi đưa lại thấy sếp gạch, sửa đến đỏ cả trang giấy, viết kín lề mới thấy sự non kém của chúng tôi làm sếp thêm vất vả. Tôi đồ rằng chắc chắn với những bài như vậy nếu vào nhưng người khác hẳn là nó đã nằm trong sọt rác hoặc hộc tài liệu lưu trữ “lâu năm” rồi, thế mà sếp tôi vẫn khì khu ngồi sửa cho anh em chúng tôi. Trong những bức ảnh chỉ cách đây chừng mấy năm tôi thấy sếp tôi còn phong độ, trẻ trung lắm! Thế mà làm lãnh đạo mấy năm trông sếp già hẳn đi và đặc biệt tóc trên đầu cứ rụng hết thành ra bây giờ trên đầu sếp có cái “sân bay” mà tác nhân chính là sự tận tụy, tình thương, trách nhiệm của sếp với anh em phóng viên chúng tôi. Có lần nhìn tờ báo chấm nhuận bút của phóng viên thấy sếp cộng thêm nhuận bút cho anh em phóng viên, sếp bảo: “Cho mày có thêm tí tẹo mà rủ bạn gái đi uống nước chứ không thì ế hết à?”. Thế là cả sếp, nhân viên bấm bụng mà cười. Nhiều người bảo sếp tôi rằng: thương nhân viên quá khéo mà nó bắt nạt (!). Sếp tôi lại cười- “phóng viên như con, như cháu, đánh nó một roi thì mình đau ba roi chứ có phải đánh nó mà mình hả hê được đâu”.
Là lãnh đạo nhưng sếp tôi nghèo lắm. Bây giờ cánh nhân viên chúng tôi vẫn kháo với nhau rằng sếp tôi là người chỉ đi chụp ảnh, viết tin, bài mà làm nhà, nuôi vợ, nuôi con đấy. Được cấp một mảnh đất khá đẹp thế mài chạy vạy, vay mượn mãi sếp mới dựng được một ngôi nhà nhỏ mà sếp vẫn gọi là cái… tổ chim. Mấy chục năm làm báo, tài sản mà sếp tích cóp được không phải là cây này, thửa nọ mà là một cặp số toàn ảnh. Hai vợ chồng sếp chỉ có một chiếc xe máy, chiều chiều khi hết giờ hành chính, thấy sếp cầm mũ bảo hiểm đứng tần ngần mà thấy sao mà khổ thế sếp ơi! Không biết hôm nay ai sẽ về cùng đường để sếp đi nhờ?! Tôi vẫn nợ sếp tôi một lời hứa sẽ giúp sếp tìm được chiếc xe máy cà tàng của ai đó bán thanh lý: “miễn nổ được, đi được là tốt rồi nhưng xem cái nào rẻ rẻ chút” – sếp bảo thế.
Cứ mỗi khi đi qua cửa phòng sếp, nhìn vào thấy sếp đang cặm cụi gạch gạch, ghi ghi, không kịp ngẩng lên còn thuốc lá thì hút liên tục tôi lại mong giá mình giỏi hơn chút nữa để sếp đỡ phải đi sớm, về khuya. Nhiều hôm là ngày nghỉ tôi vẫn nhận được những cú điện thoại đột xuất của sếp gọi lên cơ quan sửa bài mới biết sếp tôi không có ngày nghỉ.
Cái khoảng cách lãnh đạo – nhân viên của sếp với chúng tôi nhỏ lắm vì sếp rất hòa đồng. Có khi sếp cũng quần đùi, áo may ô, đi giày cùng đám thanh niên chúng tôi giành nhau quả bóng, có lúc lại là mấy séc cầu lông. Lâu lâu không thấy chúng tôi tới nhà sếp lại trách khéo: “Chúng nó chê rượu nhà chú ấy mà”. Đến với sếp đừng ai mang quà cáp, biếu xén gì vì sếp chẳng màng tới những thứ đó, sếp chỉ đâu đáu cái cần sự đoàn kết, thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau của anh em trong cơ quan thôi.
Mới đây, sếp tôi được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí do Trung ương Hội Nhà báo trao tặng. Đó là sự vinh danh của tỉnh đối với công lao, đóng góp của sếp đối với sự nghiệp báo chí của cả tỉnh. Còn với cánh phóng viên, nhân viên chúng tôi sự vinh danh đó lại chỉ là sự chân thành, yêu mến, kính trọng. Tôi không biết phải làm sao phác họa được chân dung của sếp qua bài viết này vì những lúc trà dư tửu hậu, chú cháu ngồi dốc bầu tâm sự với nhau mới biết sếp tuyệt vời lắm lắm. Nếu ai đó nói tôi viết bài này để tâng bốc, nịnh nọt… tôi mỉm cười chấp nhận, nếu ai bảo tôi ba hoa, khoác lác… tôi không lắc đầu, với lòng mình tôi thấy vui vui vì đã nói được phần nào câu cảm ơn về những gì mà sếp đã làm cho báo chí của tỉnh Lai Châu, làm cho anh em chúng tôi và lớn hơn cả là bầu nhiết huyết, tình thương và sự chân thành của sếp.
Khánh Kiên