Giữ vững thế chủ động tiến công trong mọi trường hợp, hoàn cảnh
Giao nhiệm vụ cho phái đoàn ngoại giao của Việt Nam trước khi đàm phán tại Hội nghị Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả”. Đây là sự đúc rút kinh nghiệm ứng xử ngoại giao đầy chất văn hóa Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trước thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, năm 1965, đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang, triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và dã tâm tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Tiến hành chiến tranh phá hoại, mục tiêu trọng tâm của Mỹ nhằm ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đánh thẳng vào hậu phương chiến lược, gây sức ép đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ký thỏa thuận với ngụy quyền tay sai Sài Gòn. Tăng cường lực lượng và phương tiện chiến tranh, hòng đánh mạnh, thắng nhanh về quân sự; đồng thời, Mỹ tăng cường những thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt, để giải quyết vấn đề Việt Nam, nhưng lại đòi Việt Nam đàm phán không điều kiện. Đến cuối năm 1966, Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc vận động ngoại giao, toan tính, nếu bị khước từ Mỹ sẽ lấy đó làm cớ tiến hành leo thang chiến tranh.
Nghiên cứu sâu sắc, đánh giá cơ bản đúng về chiều hướng chiến lược, những mâu thuẫn, khó khăn, sự ngoan cố và xảo quyệt của Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), nhận định ta hoàn toàn có khả năng đánh thắng đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh hạn chế ở phạm vi Việt Nam, đề ra chủ trương đấu tranh sắc bén và kịp thời. Đối đầu với Mỹ, một mặt, Đảng ta nhấn mạnh quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, đập lại mọi luận điệu hoà bình giả hiệu, đòi thương lượng không điều kiện của Mỹ; mặt khác, Đảng trù tính việc đưa Mỹ vào cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.
Từ Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (12-1965) đến Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (1-1967), Đảng nêu rõ phải tiến hành đấu tranh trên ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, đề ra việc tranh thủ khả năng vừa đánh vừa đàm, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ, cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ. Hội nghị Trung ương lần thứ 13 tính đến hai khả năng trong tiến công ngoại giao: Một là, nếu Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom và các hành động chiến tranh khác thì có thể nói chuyện; Hai là, nếu Mỹ ngoan cố không chịu ngừng ném bom thì sẽ lộ rõ bộ mặt hiếu chiến và những thủ đoạn hoà bình giả hiệu trước dư luận thế giới, trong khi Việt Nam có cơ hội nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, hòa bình và do đó cuộc đấu tranh ngoại giao sẽ giành được thắng lợi về chính trị. Trong bất cứ trường hợp nào cũng phải giữ vững thế chủ động tiến công. Đảng chỉ đạo kiên định nguyên tắc “kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, cần vận dụng sách lược ngoại giao một cách linh hoạt, khôn khéo.
 |
Hiệp định Paris đã đạt tới đỉnh cao triết lý “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trong ảnh: Đại diện đoàn đàm phán 4 bên ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu
|
Bất biến và vạn biến của ta trên bàn đàm phán
“Bất biến” tại Hội nghị Paris là kiên quyết không khoan nhượng đối với những vấn đề có tính nguyên tắc. Tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Mỹ cùng quân đội các đồng minh phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Trong suốt quá trình đàm phán từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973, Đảng Lao động Việt Nam đã kiên quyết giữ vững lập trường nguyên tắc, bất chấp những sức ép, cả sức ép đến từ kẻ thù hay bạn bè quốc tế của cách mạng Việt Nam. Những vấn đề có tính nguyên tắc được trình bày trong giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (5-1968) về cơ bản vẫn là khung nội dung chính của Hiệp định Paris “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
“Vạn biến” ở Hội nghị Paris là luôn tích cực, chủ động, linh hoạt, khôn khéo trong lựa chọn phương pháp, hình thức đấu tranh ngoại giao, trong nhân nhượng với đối phương khi đàm phán trên những vấn đề thứ yếu có thể nhân nhượng được, biết giành thắng lợi từng bước trong đấu tranh ngoại giao.
Với tất thảy thực tiễn diễn ra, Hiệp định Paris đã đạt tới đỉnh cao triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” khi Mỹ buộc phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất của dân tộc, buộc phải cam kết rút quân và không can thiệp trở lại, còn chúng ta vẫn giữ nguyên lực lượng chính trị, vũ trang của ta ở miền Nam, tạo cục diện chính trị và chiến trường thuận lợi để đi tới thắng lợi triệt để, thực sự. Nắm vững quy luật cách mạng, nắm vững và biết cách tạo thời, tạo thế; thắng lợi của Hiệp định Paris là thắng lợi của nền ngoại giao nhân văn Việt Nam trước nền ngoại giao trên thế mạnh của đế quốc Mỹ, cũng có nghĩa là chúng ta đã “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, biến nghịch thành thuận, biến những khả năng mỏng manh thành hiện thực có lợi cho cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris “Về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” cho biết: “Tháng 4-1969, tôi về Hà Nội nhận chỉ thị mới. Khi trở sang Paris đem theo Lập trường 10 điểm của Mặt trận. Ngày 8-5-1969, ta đưa ra “giải pháp toàn bộ 10 điểm” chấm dứt chiến tranh và giải quyết vấn đề chính trị ở miền Nam, có tác động rất lớn, đặc biệt đối với dư luận Mỹ. Tại bàn đàm phán, ngày 17-9-1970, ta tiếp tục đưa ra tuyên bố 8 điểm đòi Mỹ rút quân trước ngày 30-6-1971 và gạt bỏ chính quyền Sài Gòn, thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam. Tuyên bố gây tiếng vang lớn ở các đô thị miền Nam và dư luận quốc tế”. Bà Nguyễn Thị Bình chỉ rõ: “Năm 1971, tình hình chiến trường rất căng thẳng. Trên bàn Hội nghị, cuộc đấu lý cũng hết sức gay gắt. Đoàn đàm phán ta thực hiện “đối ngoại phối hợp chiến trường”. Tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh cục bộ” thất bại, Mỹ đi vào âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thế của ta ngày càng mạnh lên, trên chiến trường ta ở thế phản công. Cục diện dẫn đến ngày 1-7-1971, ta đưa ra giải pháp 7 điểm chấn động: Mỹ rút hết quân đi; chính quyền Sài Gòn từ chức, nhường chỗ cho một chính quyền mới, bàn bạc với Chính phủ Cách mạng lâm thời để lập ra Chính phủ hòa hợp dân tộc”.
Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: “Ta chủ động tách vấn đề rút quân Mỹ với vấn đề chính trị ở miền Nam. Đây là một bước đi rất quan trọng, linh hoạt, khôn khéo. Trong ngoại giao, rất nhiều khi mềm dẻo lại chính là tiến công. Chúng ta giữ vững lập trường kiên quyết, sắt đá, đấu tranh trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao trong bối cảnh quan hệ phức tạp giữa các cường quốc; đồng thời tìm giải pháp có lợi nhất ra khỏi chiến tranh, giành thắng lợi. Tiếp đó, đầu năm 1972, ta đưa ra tuyên bố 2 điểm nói thêm: Rút quân Mỹ, thành lập ở miền Nam một Chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần. Đây là sự thể hiện “một sách lược lớn” tạm gác vấn đề chính trị ở miền Nam, tập trung đòi Mỹ rút quân - đã có tác động rất mạnh, đúng lúc, đẩy đối phương vào thế bị động”.
Bám sát tình hình, giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn
Trong suốt quá trình đàm phán Paris về Việt Nam, hai phái đoàn của ta luôn bám sát diễn biến trên chiến trường, tình hình nội bộ nước Mỹ, biết tiến, lui hợp lý giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Quá trình đó có thể chia thành các giai đoạn sau:
Giai đoạn thứ nhất (1967 - 1968)
Ngày 28-1-1967, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trả lời phỏng vấn nhà báo Australia Burchettt, tuyên bố: “Chỉ khi sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện”. Đến ngày 29-12-1967, trong buổi tiệc chiêu đãi Đoàn đại biểu Mông Cổ tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: “Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Mỹ về các vấn đề liên quan”. Khẳng định dứt khoát “sẽ nói chuyện” thay cho “có thể nói chuyện”, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng dồn Mỹ vào thế bị động về ngoại giao.
Ngày 13-5-1968, Hội nghị Paris khai mạc phiên họp đầu tiên. Ba tháng sau khi Hội nghị Paris diễn ra, tháng 8-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 được tổ chức. Trong Báo cáo “Về thắng lợi to lớn của ta trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế từ đầu Xuân 1968 đến nay” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã nêu rõ: “Chủ trương nói chuyện ở Paris là đúng đắn, cục diện vừa đánh vừa nói chuyện cơ bản có lợi cho ta, không có lợi cho Mỹ”. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặc biệt nhấn mạnh: “Cuộc đấu tranh của ta trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế vô cùng phức tạp; quân địch có một tiềm lực quân sự và kinh tế to lớn, lại có khả năng to lớn và nhiều kinh nghiệm về ngoại giao; việc vận dụng sách lược ngoại giao của ta hết sức tế nhị, vì bản thân vấn đề đã phức tạp và tình hình phe ta, tình hình quốc tế nói chung cũng rất phức tạp. Do đó, việc tăng cường chỉ đạo của Đảng trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế là hết sức cần thiết”.
Trước quan điểm đúng đắn, thái độ kiên quyết của phái đoàn Việt Nam cùng với những thất bại nặng nề trên chiến trường và tình hình nước Mỹ trước ngày bầu cử Tổng thống, ngày 1-11-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn tuyên bố ngừng ném bom bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chấp nhận nói chuyện trực tiếp với đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị bốn bên ở Thủ đô Paris. Ngày 2-11-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố ghi nhận việc Mỹ chấm dứt không điều kiện ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và việc mở Hội nghị bốn bên gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Ngày 3-11-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước tiếp tục chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn, “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam bước sang một giai đoạn mới: Giai đoạn “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
 |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27-1-1973. Ảnh: Phòng lưu trữ Bộ Ngoại giao |
Giai đoạn thứ hai (từ năm 1969 đến trước Chiến dịch Xuân - Hè 1972)
Sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và chuẩn bị mở Hội nghị bốn bên, đầu năm 1969, Bộ Chính trị đề ra một số nhiệm vụ của cách mạng: Một là, đẩy địch xuống thang một bước trên chiến trường chính, ép Hoa Kỳ đơn phương rút một bộ phận quân Mỹ. Hai là, khoét sâu mâu thuẫn, khó khăn nội bộ Mỹ, nội bộ ngụy, mâu thuẫn Mỹ - ngụy. Ba là, đề cao vị trí quốc tế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời). Bốn là, tranh thủ các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ ta về vật chất và chính trị, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ mạnh mẽ, có hiệu quả của phong trào nhân dân thế giới, bao gồm cả nhân dân Mỹ, đấu tranh đòi Mỹ rút nhanh, rút hết và không điều kiện quân ra khỏi miền Nam.
Tháng 4-1969, Nghị quyết Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: “Ngoại giao trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Ngoại giao tự nó phải tăng cường và xây dựng lực lượng, vừa phát huy thắng lợi của đấu tranh quân sự, chính trị trên chiến trường”, vừa phối hợp và hỗ trợ với đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị. Như vậy, mặt trận ngoại giao xuất phát từ chiến lược đánh Mỹ với chủ trương nhất quán là đánh lùi Mỹ từng bước, đánh thắng Mỹ từng bộ phận, kết hợp vừa đánh vừa đàm và cuối cùng buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam.
Giai đoạn thứ 3 (từ giữa năm 1972 đến năm 1973)
Sau chiến thắng Xuân - Hè 1972, trên năm mặt trận lớn, từ Trị Thiên đến Đồng bằng sông Cửu Long, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, làm thay đổi tương quan lực lượng, tạo ra khả năng kết thúc chiến tranh. Tháng 7-1972, Bộ Chính trị đưa ra quyết sách chuyển từ chiến lược chiến tranh sang chiến lược hòa bình. Tại Hội nghị Paris, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Mỹ đi vào đàm phán “bí mật” - một cuộc đấu trí lịch sử, hai mặt trận quân sự và ngoại giao đi vào hồi quyết liệt. Cuối tháng 9-1972, ta đưa ra “Dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Đầu tháng 10-1972, hai bên thỏa thuận về cơ bản Dự thảo và dự định ngày 30-10-1972 sẽ ký kết Hiệp định.
Tuy nhiên, đầu tháng 11-1972, phía Mỹ lật lọng, đòi sửa lại nội dung Hiệp định có lợi cho Mỹ. Và để gây áp lực buộc ta chấp nhận, Mỹ tiến hành cuộc không kích bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972. Ngày 21-12-1972, ta tuyên bố ngừng đàm phán để phản đối. Cuộc đàm phán trong tình trạng đặc biệt căng thẳng. Chiến dịch không kích thất bại, Mỹ phải ngừng ném bom, trở lại chấp nhận Dự thảo và ngày 23-1-1973, ta và Mỹ ký tắt văn bản Hiệp định, rồi sáng 27-1-1973, Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được chính thức ký kết; xác định tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản: Độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris, nêu rõ: “Thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Paris với việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam là một bước tiến vô cùng quan trọng có tính quyết định để đi đến thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975. Đây cũng chính là ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc đàm phán Paris - một mốc đáng nhớ nữa mà tôi muốn nhìn lại, giành thắng lợi từng bước để đạt tới thắng lợi trọn vẹn”.
Kéo địch xuống thang là một kỳ tích của Việt Nam chưa từng có trong các cuộc chiến tranh khác. Từ năm 1968 đến năm 1973, ta đã 5 lần kéo đối phương xuống thang rõ nét: Buộc Mỹ hạn chế ném bom toàn miền Bắc tháng 3-1968; buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc tháng 10-1968; buộc Mỹ đơn phương rút dần 40.000 quân (1969 - 1972); buộc Mỹ phải từ bỏ đòi hỏi “Hai bên cùng rút quân” tháng 10-1971 và cuối cùng là Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, rút hết quân tháng 1-1973.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng