Sau mỗi đêm thức trắng do vết thương cũ hành hạ, thương binh hạng 1/4 Lâm Văn Bảng ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây lại thêm quyết tâm tiếp tục cuộc hành trình tìm lại những kỷ vật, chứng tích một thời ông và đồng đội bị địch tra tấn, tù đày ở những nơi “địa ngục trần gian” thành một bảo tàng nhỏ lưu giữ 2.300 hiện vật. Ông coi mình và những đồng đội tự nguyện đến đây làm việc như “những người giữ lửa” để thắp sáng niềm tin và khí tiết của cha ông vào lòng thế hệ con cháu muôn đời sau.
Ký ức “địa ngục trần gian”
Bộ bàn ghế đá dưới gốc bưởi Phúc Trạch xum xuê, trĩu quả là nơi tạm nghỉ chân cho khách đến thăm bảo tàng, đã có mặt đông đủ các nhân viên tự nguyện: Giám đốc Lâm Văn Bảng, phó giám đốc Kiều Văn Uỵch, nhân viên thuyết minh Nguyễn Văn Khiến, phụ trách hậu cần hành chính Nguyễn Tiến Mộ. Pha ấm trà ngon của đồng đội từ Thái Nguyên gửi tặng, ông Bảng nói với chúng tôi như tâm sự:
- Chia ban bệ để quy định rõ công việc cho từng người trong những ngày đông khách, chứ thực ra 4 anh em chúng tôi làm đủ mọi công việc. Vừa giới thiệu hiện vật, chúng tôi còn là những “nhân chứng sống” kể cho khách những câu chuyện, những kỷ niệm trong những ngày bị địch hành hạ, đánh đập, tra tấn trong “địa ngục trần gian” ở nhà lao Phú Quốc. Còn khi rảnh rỗi thì lại thay nhau đến các địa phương có hiện vật - do bạn tù giới thiệu - để sưu tầm làm phong phú cho bảo tàng.
Qua câu chuyện của ông chúng tôi được biết, năm 1965, như bao chàng trai quê lụa khác, ông Lâm Văn Bảng lên đường vào Nam chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tết Mậu Thân 1968, ông bị thương trong trận tập kích vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ông kể:
- Lúc đó tôi bị thương nặng, mảnh pháo xuyên thủng bụng, gãy cả chân tay. Chập chờn lúc tỉnh lúc mê, tôi nhớ mang máng được đồng đội kéo xuống một hố tránh bom. Khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong trạm phẫu thuật dã chiến của địch, toàn thân băng trắng. Sau đó, chúng giam tôi trong khám Chí Hòa và nhà tù Hố Nai (Biên Hòa). Khi vết thương lành da, chúng đày tôi ra nhà tù Phú Quốc.
Kỷ niệm đau thương, khí tiết của đồng đội, như một khúc ca bi tráng thời bị giam hãm trong nhà tù của giặc luôn khắc sâu trong tâm trí người thương binh - “người giữ lửa” như ông nói trong lần đưa tôi đi thăm các gian trưng bày hiện vật mà ông sưu tầm được. Hình ảnh đọng lại sâu sắc nhất trong tâm trí ông là tiếng kêu rên của đồng đội trong đêm hoang lạnh khi bị bầy chuột đói túa ra từ muôn ngóc ngách của nhà lao rứt thịt ở những vết thương chưa lành miệng, thậm chí có đồng chí còn bị chúng gặm cả vào mắt… Họ quằn quại trong xiềng xích, gông cùm, tiếng la hét đến ngất lịm của đồng đội ngay buồng giam bên cạnh.
Chỉ vào vết thương đã thành sẹo dưới ống chân, ông Bảng khoe:
- Hòm thư di động của tổ chức giao cho tôi “bảo quản” đấy! Mỗi lần đi thay băng gạc, tôi lại bí mật quấn thư vào bông, gạc rồi băng vết thương lại, mang ra vị trí bí mật để các đồng chí ở trại khác lấy chỉ thị về trại mình và ngược lại, thu lượm tin tức của các trại khác để cấp ủy trong nhà tù của địch có những biện pháp chỉ đạo thực tiễn, kịp thời chống lại âm mưu của chúng. Vì thế mà tuy bị giam biệt lập nhưng tin tức của ta vẫn thông suốt.
Biết bao lần vết thương gần lành, ông lại dùng dây thép gai chọc vào cho vết thương mưng mủ, để có cớ giữ “hòm thư bí mật”- một cầu nối quan trọng cho cuộc đấu tranh. Một lần, tên cai ngục nổi tiếng ác ôn ở nhà tù Phú Quốc - thượng sĩ Nhất Nhu - nhìn vết thương của ông đang mưng mủ đã tỏ ý nghi ngờ:
- Bữa qua, chỗ đau của mày đã lên da non, sao hôm nay lại sưng to thế?
Cũng may, lúc đó anh em ở các trại đang đấu tranh chống lao động khổ sai nên tên Nhu không có thời gian để làm rõ nỗi nghi ngờ của hắn.
Hành động đó của ông Bảng và đồng đội nếu bị địch phát hiện, phải đổi bằng cả tính mạng. Không mua chuộc được những người con kiên trung của Đảng, bọn giặc giở nhiều thủ đoạn hết sức dã man: đục răng, móc mắt, đẽo bánh chè, phơi nắng, dìm vào vạc nước sôi. Có lần chúng nhốt 180 người vào các “chuồng cọp”, mỗi chuồng có chiều ngang 3m, dài 9m (tính ra mỗi tù nhân được ở diện tích 0,15m2)… Vậy mà chúng vẫn không lay chuyển được ý chí chiến đấu của những chiến sĩ cộng sản. Đôi mắt ông Bảng vẫn ánh lên lửa căm hờn khi nhắc đến tên thượng sĩ nhất Trần Văn Nhu - trùm ác ôn của nhà tù Phú Quốc:
- Ngày nào nó không tra tấn được một chiến sĩ cách mạng thì dường như nó ăn không ngon, ngủ không yên.
Dù phải tắm máu dưới đòn roi tra tấn của kẻ thù, những chiến sĩ của ta vẫn vùng lên phản kháng quyết liệt trong những đợt đấu tranh chống đánh đập, chống chào cờ ngụy, chống bớt khẩu phần ăn, chống đi lao động khổ sai… Ông Vũ Kim đã tự mổ bụng mình rồi tuyệt thực đến chết để phản đối và biểu thị quyết tâm. Trong nhà tù man rợ này, những người tù cộng sản vẫn bí mật tổ chức Lễ kết nạp đảng viên, giảng chính trị, thông báo thời sự cho nhau nghe. Đặc biệt, 6 giờ 30 phút ngày 2-10-1969, ông Bảng còn cùng đồng đội tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong nhà lao. Bọn cai ngục phát hiện, chúng lôi các đồng chí ra đánh đập, tra khảo. “Mỗi ngọn roi quất xuống như một ngọn lửa nung đỏ ý chí sắt đá của anh em chúng tôi”- ông Bảng nói.
Trong số những chiến sĩ bị địch bắt tù đày năm ấy, nhiều người đã anh dũng hy sinh, nhưng cũng có người sống sót trở về.
Ông Kiều Văn Uỵch, hằng ngày cứ 5 giờ sáng lại đạp xe từ xã Phúc Tiến quê ông để 6 giờ có mặt ở bảo tàng. Chỉ cho chúng tôi xem chiếc chuồng cọp mà ông bị địch nhốt 20 ngày ở nhà tù Phú Quốc, ông kể lại:
- Một lần chúng tôi tổ chức đấu tranh chống lại việc làm hàng rào, biến trại tù thành khu quân sự của địch. Chúng nhốt tôi trong cái lồng sắt rộng 80cm, dài 1m, cao 70cm và chằng kín dây thép gai. Cái lồng sắt ấy cai tù và tù binh gọi là “chuồng cọp”, đặt giữa bãi cát, người tù chỉ được mặc độc chiếc quần đùi. Ban ngày nắng rát như đổ lửa, cát nóng như rang, da tù binh phỏng rộp, đầu đau nhức như chuẩn bị nổ tung. Ban đêm gió biển lạnh, thỉnh thoảng chúng lại múc nước giội từ đầu xuống, chân tay cứng lại, hàm răng đánh vào nhau như đánh đàn. Mỗi ngày chúng chỉ cho ăn một nắm cơm trộn muối và một chén nước nhỏ. Có lần phát hiện anh em tiếp tế, chúng dùng ni-lông đốt cháy cho chảy nhựa xuống đầu và cổ, da thịt bỏng cháy, phỏng rộp, bóc từng mảng. Chúng gọi đó là “B52 ném bom”. Nhiều đồng chí sức yếu, sau vài hôm nằm chuồng cọp bị cảm thương hàn rồi hy sinh. Chỉ vào ông Nguyễn Văn Khiến ngồi bên cạnh, ông nói tiếp:
- Đến bây giờ chúng tôi thường gọi đùa ông Khiến là “Khiến móm”, vì hai hàm răng cửa của ông đã bị địch nhổ phắt sau một lần tra khảo chúng không moi được tin tức gì từ ông.
Lần theo địa chỉ, chúng tôi đến quận Hai Bà Trưng gặp ông Nguyễn Tiến Long. Ông cho biết:
- Chúng tôi tổ chức vượt ngục nhiều lần, đã có lần thành công nhưng cũng có lần bị lộ vì có kẻ chiêu hồi báo cho địch biết. Một thằng cai ngục dùng dùi cui phang vào miệng tôi, lấy kìm nhổ phắt hàm răng cửa, máu phun ra xối xả. Rồi nó nói:
- Mày đã muốn câm thì tao cho mày câm luôn.
Ông Long tự hào:
- Những người tù cộng sản chúng tôi, dù bị tra tấn bằng cực hình dã man nhất, dù bị đày ải thân thể đến tận cùng của sự đau đớn, vẫn lạc quan và tin tưởng vào chiến thắng.
Hơn 20 năm gom chứng tích chiến tranh
Năm 1973, ông Lâm Văn Bảng trở về sau đợt trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Ông chuyển ngành về công tác tại Hạt giao thông 5, quản lý Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Năm 1985, đơn vị ông sửa chữa Cầu Giẽ, phát hiện một quả bom lớn. Ông cho tháo thuốc và ngòi nổ rồi đem kê trên bệ xi măng, đặt ngay cổng cơ quan, ở thân bom ông cho anh em ghi dòng chữ “Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”. Bà con đi qua ai cũng dừng lại xem. Anh em trong cơ quan coi đó như một hiện vật quý để tưởng nhớ thời kỳ hào hùng của dân tộc ta trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khắc ghi công lao to lớn của lớp người đi trước. Từ đó ông Bảng nảy ra ý tưởng đi sưu tầm, lưu giữ những hiện vật ở các nhà tù dưới thời Mỹ-ngụy để con cháu đời sau hiểu hơn về cuộc đấu tranh của cha ông mình. Sau khi về hưu, ông dành toàn bộ thời gian và số tiền trợ cấp thương binh hạng 1 và tiền lương hưu vào việc sưu tầm hiện vật chiến tranh và dành khuôn viên rộng 1.600m2 của gia đình làm bảo tàng mang tên “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày” với hơn 2.000 hiện vật. Mỗi hiện vật lại gắn với một câu chuyện như những bản hùng ca về tinh thần đấu tranh bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù.
Bảo tàng được chia thành 9 phòng. Phòng số 1 là Đền thờ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ở đảo Phú Quốc. Phòng số 2 lưu giữ bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phòng số 3 lưu giữ những tấm áo trấn thủ, ba lô, bi-đông, mã tấu, mũ tai bèo, dép cao su, gậy Trường Sơn và nhiều bức ảnh tư liệu về chiến tranh chống Mỹ. Ba phòng tiếp theo trưng bày nhiều bức ảnh, dựng mô hình các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - ngụy đối với các chiến sĩ cách mạng bị chúng giam giữ. Cuối cùng là 3 gian phòng giới thiệu tấm gương kiên trung của chiến sĩ cách mạng, những hình ảnh quý về sự lãnh đạo của chi bộ Đảng các nhà tù với nhiều hiện vật như cờ Đảng, cờ Đoàn tự tạo…
Thắp nén nhang cắm vào lư hương Đền thờ liệt sĩ, ông Lâm Văn Bảng giới thiệu:
- Tôi đã đi đến tận Đền thờ Bác Hồ ở Đá Chông, Nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, đền Bến Dược, các nhà tù từ Sơn La, Hỏa Lò, đến Côn Đảo, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột… mỗi nơi xin một ít đất và chân hương mang về đây đưa vào lư hương để khách đến viếng là viếng Bác Hồ, viếng các liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: VŨ ĐẠT – HỒNG THẠNH