Xoa dịu những khiếm khuyết

Văn phòng của anh Đào Văn Phúc nằm sâu trong một con ngõ nhỏ thuộc địa phận quận Thanh Xuân. "Hướng dẫn viên" nhiệt tình dẫn đường cho tôi hôm đó là anh Hiệp, người cộng sự đã đồng hành với anh Phúc trong 6 năm qua. Bước vào văn phòng của hai anh, tôi hơi bất ngờ. Đó là một căn nhà vừa tầm. Nơi đây vừa làm văn phòng tiếp khách, vừa là kho chứa vật liệu, phòng trưng bày sản phẩm mẫu, đồng thời cũng là xưởng sản xuất chính, cho ra đời những bộ phận cơ thể giả như ngón tay, ngón chân, tai, mũi... làm bằng silicon dành cho người khiếm khuyết.

Anh Hiệp đưa tôi xem hai hộp nhựa lớn chứa đựng những sản phẩm mẫu, thoạt nhìn qua trông khá giống các món đồ chơi hóa trang dành cho các bạn trẻ. Anh khuyến khích tôi đeo thử một ngón tay giả để cảm nhận được chất liệu và độ bám dính của sản phẩm. Lựa hồi lâu, tôi mới tìm được một chiếc có cùng tông da với mình.

leftcenterrightdel
Anh Đào Văn Phúc thực hiện đổ khuôn cho sản phẩm. 

Anh Hiệp tỉ mỉ hướng dẫn tôi cách đeo và kể về yêu cầu của một sản phẩm ngón tay giả đạt chuẩn: "Quan trọng nhất vẫn là sự tự nhiên, đó là nhìn tự nhiên và cảm giác tự nhiên. Hầu như khách tìm đến cơ sở của chúng tôi là những người không may bị khiếm khuyết một phần nhỏ trên cơ thể. Nhu cầu về công năng không phải là không có nhưng sẽ không cao bằng tính thẩm mĩ. Từ màu da, hình dạng, kích cỡ, độ kết dính tới những tiểu tiết nhỏ như móng tay, vân tay, độ vênh... cũng cần được chú ý".

Nhìn quanh không gian để sản phẩm mẫu, thứ thu hút và khiến tôi ấn tượng nhất chính là hũ đựng trên dưới 20 chiếc mũi giả mà anh Hiệp và anh Phúc đã mải miết tạo hình trong ba tháng cho cho chị Trương V.T.A (Lâm Đồng), người không may bị khiếm khuyết phần mũi từ nhỏ do tai nạn. Những chiếc mũi này thoạt nhìn trông giống hệt nhau: Đều dáng L-size thời thượng, tông màu trắng sáng, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy có sự khác biệt rất nhỏ về màu sắc và độ dày.

Theo anh Phúc chia sẻ, T.A là một khách hàng đặc biệt bởi chị đã trải qua khoảng 15 lần phẫu thuật cả trong và ngoài nước nhưng vẫn không đạt được chiếc mũi tự nhiên và ưng ý. Cũng chính vì trở ngại ấy, chị T.A đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc.

"Bạn nữ khách hàng ở xa, chỉ có điều kiện ra cơ sở hai lần để lấy mẫu và đeo thử. Vì thế mà tôi và Hiệp quyết phải tạo ra thật nhiều mẫu để bạn ướm thử, đến khi nào ưng dáng và hợp màu da của bạn ấy mới thôi. Mừng là cuối cùng hai anh em cũng tạo được một dáng mũi vừa vặn cho em, bám tệp vào da, rất khó nhận biết ngay cả khi không có lớp phấn phủ viền", anh Hiệp tiếp lời.

leftcenterrightdel

Anh Trần Văn Hiệp sắp xếp lại các hộp mẫu sản phẩm trên kệ.

Đối tượng khách hàng tìm đến anh Phúc và anh Hiệp rất đa dạng, từ những người bị tai nạn nghề nghiệp, tai nạn giao thông, dị tật bẩm sinh cho tới những vị khách gặp tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày. Mỗi người mang trong mình một tổn thương khác nhau, nhưng họ lại cùng chung một nỗi buồn, nỗi tự ti về bản thân và mất niềm tin vào cuộc sống. Rất nhiều câu chuyện tôi được nghe kể lại vào ngày hôm đó, tường tận và rõ nét, không chỉ từ tên nhân vật, quê quán, hình dạng vết thương, chi tiết tai nạn mà còn là cảm xúc bi quan của họ trước đây.

Anh Phúc từ từ lật giở lại cuốn sổ của mình, lướt qua từng hình vẽ phác họa mẫu, anh có đôi chút trầm ngâm. Anh bảo, vì thấu hiểu câu chuyện của những khách hàng đặc biệt nên hai anh đặt mục tiêu làm sản phẩm cá nhân hóa có tính thẩm mĩ cao. Nỗi đau của vết thương rồi cũng qua đi, nhưng nỗi sợ hãi và sự thất vọng có thể sẽ đeo đuổi họ mãi. Mà thực tế, quy trình điều trị tại khoa chấn thương chỉnh hình tại các bệnh viện hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt thẩm mĩ và phù hợp với riêng từng người.

"Chúng tôi từng gặp nhiều bệnh nhân bị sang chấn tâm lý, sau khi trải qua tai nạn và điều trị tại bệnh viện. Khi vết thương dần lành, có người còn không dám nhìn vào vết thương của mình, có người trốn gặp gia đình hay không dám đi làm lại vì sợ ánh nhìn của những người xung quanh...", anh Hiệp tiếp lời.

Tỉ mỉ từng công đoạn

Do đề cao tính cá nhân hóa nên quy trình sản xuất cũng không cố định, nhưng những bước cơ bản nhất sẽ bắt đầu với việc lấy dấu và đổ khuôn dựa vào phần bị khiếm khuyết và các bộ phận khác, rồi sau đó là tạo màu cho phù hợp với da của khách hàng. Nói rõ hơn về công đoạn này, anh Hiệp chia sẻ rằng, cái khó cho người thợ chính là da người không có tông màu cố định bởi nó còn phụ thuộc vào thời tiết, hoạt động của con người... Hơn nữa, khi tương tác với những chất liệu như silicon và đất sét, màu pha lên rất khác so với hướng dẫn của nhà sản xuất.

Anh lấy ví dụ: "Có lần tôi làm được chiếc chân giả vô cùng ưng ý. Nhưng khi đeo lên thử lại lệch với màu da chân bạn khách quá nhiều. Thế là sản phẩm của mình phải làm lại cho phù hợp". Quy trình từ lúc tư vấn cho tới khi ra thành phẩm cuối cùng mất ít nhất hai tuần, mỗi sản phẩm có giá dao động từ 1-3 triệu đồng nhưng nhiều lần chi phí cho các mẫu thử nghiệm đội lên gấp 5-6 lần giá các anh báo cho khách hàng. Sau khoảng thời gian dài làm việc, số mẫu thử nghiệm của hai anh đã lên tới con số hàng trăm, một sự hy sinh để cho tác phẩm được hoàn thiện nhất.

leftcenterrightdel

Những người thợ tỉ mỉ tạo nên từng sản phẩm ưng ý cho người khiếm khuyết, giúp khách hàng của mình nối dài ước mơ và tự tin hơn trong cuộc sống.

Thời điểm khi mới bắt tay vào công việc này, các anh phải tự mày mò qua những cuốn sách và những đoạn video hướng dẫn của người nước ngoài. Mặc dù trước đó, anh Phúc có kinh nghiệm nhiều năm tạo hình silicon, anh Hiệp lại từng là nhân viên kỹ thuật xét nghiệm, nhưng khi bắt tay thực hiện vào lĩnh vực đặc thù này, "tay nải" kinh nghiệm ấy dường như không đáng là bao. Sau hàng trăm lần thất bại, hai anh mới tạo nên được sản phẩm đầu tiên hoàn chỉnh và ưng ý.

Hiện nay, dù đã định hình được quy trình sản xuất và bước đầu có được tên tuổi nhất định trong nghề, chủ yếu do truyền miệng của khách hàng nhưng anh Phúc vẫn tự đảm đương mọi việc từ tư vấn, sản xuất đến vận chuyển hàng hóa. "Lĩnh vực này thường xuyên đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cao, tìm được người phù hợp để đồng hành với mình không hề đơn giản. Tuy vậy, tôi nghĩ trong tương lai bản thân sẽ phát triển hơn nữa lĩnh vực này vì những giá trị cảm xúc và tinh thần tốt đẹp của nó", anh Phúc chia sẻ.

Mang cái tâm, cùng với mong muốn lan tỏa những điều nhân văn, anh Đào Văn Phúc và anh Trần Văn Hiệp thực sự đã và đang góp phần chữa lành vết thương và phục hồi tâm lý cho những người còn đang kém may mắn trong xã hội.

Bài và ảnh: NGỌC TRÂM