QĐND - Chưa đầy một tuần lễ sau khi nhân dân hai nước Việt Nam-Cam-pu-chia long trọng kỷ niệm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt, một trong những chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã đặt chân tới thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Cam-pu-chia trong chuyến thăm, làm việc theo lời mời của Thủ tướng Hun Xen…
Bệ phóng từ quá khứ
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri - Khiêu Xăm-phon, trong khi thực hiện một chính sách cực kỳ phản động, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của nước láng giềng Việt Nam, thì lại cũng đồng thời thi hành một chính sách diệt chủng có tổ chức chính quy từ trên xuống dưới với dân tộc mình. Những kẻ phản bội thường như vậy!
Đó là một sự phản bội “kép”: Vừa thọc dao vào hông người anh em đã từng giúp chính bọn chúng trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, rồi lại dùng vồ, dùng cuốc để đập đầu chính đồng bào mình trong cơn cuồng hứng tàn bạo của một cuộc diệt chủng đại quy mô. Trường học, chùa chiền, chợ búa đều bị triệt hạ, đồng tiền bị xóa bỏ… Những yếu tố căn bản nhất của một đời sống bình thường đều bị chính quyền Khơ-me Đỏ tàn phá.
Có thể nói rằng, nếu như bộ đội Việt Nam-“đội quân nhà Phật” như cách mà nhiều người dân Cam-pu-chia đã đặt tên như vậy-chỉ đến chậm chút ít thôi thì không cứ cả một dân tộc bị hủy diệt mà đất nước Cam-pu-chia cũng bị đẩy lùi về thời hoang dã. Ngày 7-1-1979 là ngày chiến thắng chung của hai dân tộc trước những sự tàn bạo mù quáng của chế độ diệt chủng, nhưng đó cũng là ngày mà đất nước Cam-pu-chia phải đi lên từ hoang tàn kiệt quệ về mọi mặt, với hầu hết các cơ sở kinh tế, xã hội đều đã bị triệt phá.
Trên thế giới, liệu có một dân tộc nào, sau khi đã hy sinh bao xương máu để cứu giúp một dân tộc khác khỏi họa diệt chủng, rồi lại tiếp tục công cuộc hồi sinh cả một đất nước đi lên từ số 0 như thế?
Giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, các chiến sĩ Quân tình nguyện và cán bộ chuyên gia Việt Nam tiếp tục ở lại, một mặt giúp bạn củng cố chính quyền vững mạnh đủ để chống lại sự phục hồi của Khơ-me Đỏ, mặt khác cũng giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia xây lại các công trình bị tàn phá dưới chế độ diệt chủng. Từ những viên thuốc quý báu mà các bác sĩ quân y Việt Nam nhường cho những người dân Cam-pu-chia, cho đến các trạm y tế cơ sở, bệnh viện được xây dựng sau chiến thắng 7-1-1979; từ những nắm cơm mà các chiến sĩ Quân tình nguyện chia cho những người dân Cam-pu-chia thiếu đói, cho đến những hợp đồng viện trợ lương thực, những nhà máy được xây dựng nhờ sự trợ giúp về tài chính của Việt Nam…
Sau thảm họa, đất nước Cam-pu-chia hồi sinh và những tượng đá trên tháp Bayon đã nở lại nụ cười.
Tiếng nói của các con số
Sẽ bớt đi nhiều ý nghĩa nếu như quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Cam-pu-chia chỉ dừng lại ở những lời nhắc nhở về quá khứ mà không đi vào sự hợp tác cụ thể trong quá trình xây dựng và phát triển của mỗi nước. Bản thân những con số cũng nói lên nhiều ý nghĩa!
Về thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm qua (2007-2012) tăng nhanh, với tốc độ tăng trung bình gần 25%/năm. Ước tính trong cả năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Cam-pu-chia đạt 3,5 tỷ USD. Việt Nam luôn duy trì tỷ trọng xuất khẩu/tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang Cam-pu-chia hằng năm ở mức cao và là đối tác thương mại lớn thứ ba trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Cam-pu-chia.
Thực hiện chủ trương của hai Chính phủ Việt Nam và Cam-pu-chia trong việc đưa quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng của hai nước và quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống, toàn diện, bền chặt giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước, thời gian qua, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tăng cao cả về số lượng dự án, quy mô vốn đăng ký và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam vào Cam-pu-chia lần thứ nhất, được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh của Việt Nam vào ngày 26-12-2009.
Tính đến hết tháng 12-2013, có 127 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép đầu tư vào Cam-pu-chia còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam đạt 2,975 tỷ USD. Trong đó, riêng giai đoạn 2009-2013 đã có 102 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 2,6 tỷ USD. Riêng trong năm 2013, đã có 19 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký cấp mới phía Việt Nam đạt 363,93 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông lâm ngiệp, một số dự án nhỏ trong lĩnh vực vận tải kho bãi, thương mại, dịch vụ điện-điện tử.
Cam-pu-chia hiện đứng vị trí thứ hai về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký trên tổng số hơn 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thăm dò khoáng sản, viễn thông, hàng không, ngân hàng, sản xuất... đã triển khai thực hiện đúng tiến độ, trong đó nhiều dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, đạt được kết quả tốt và đã có những đóng góp bước đầu cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Cam-pu-chia, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích nhiều mặt kinh tế-xã hội cho địa phương nơi thực hiện dự án thông qua các khoản đóng góp cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, góp phần phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực dự án; đồng thời cũng tiến hành nhiều công tác đóng góp cho an sinh xã hội của địa phương.
Về phía Cam-pu-chia, tính đến nay có 12 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 54,62 triệu USD, đứng thứ 49 trong tổng số 93 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Những công trình kết nối hữu nghị
Trong chuyến thăm, làm việc tại Cam-pu-chia lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen đã đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Cam-pu-chia lần thứ 4, tham dự lễ khánh thành Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnôm Pênh, kết quả cụ thể của sự hợp tác giữa chính quyền TP Hồ Chí Minh và chính quyền thủ đô Phnôm Pênh theo chủ trương của Chính phủ hai nước, với mục tiêu đầu tư một bệnh viện đa khoa chuyên sâu với đầy đủ các dịch vụ khám chữa bệnh, đội ngũ y bác sĩ có trình độ tay nghề cao nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân Cam-pu-chia ngay tại thủ đô Phnôm Pênh.
Không dừng lại ở việc xây dựng công trình bệnh viện, Thủ tướng mong muốn đội ngũ y, bác sĩ từ Việt Nam sang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy- Phnôm Pênh tiếp tục phát huy tinh thần chia sẻ, hỗ trợ và đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ Cam-pu-chia, trở thành cầu nối của tình hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia. Với đội ngũ y, bác sĩ chuyên môn giỏi cùng với trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnêm Pênh sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe, trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân Cam-pu-chia, cũng như đáp ứng được sự kỳ vọng của Chính phủ hai nước. Phải chăng một bệnh viện hiện đại với 200 giường tiêu chuẩn châu Âu mà Việt Nam giúp đỡ xây dựng ngay ở thủ đô Phnôm Pênh đã bắt nguồn từ những viên thuốc của các y, bác sĩ Quân tình nguyện Việt Nam giúp cho những người dân Cam-pu-chia bị bệnh trong rừng già năm xưa?
Trong ngày cuối cùng của chuyến thăm, làm việc ở Cam-pu-chia, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã dùng trực thăng đi dự lễ khởi công xây dựng cầu Long Bình-Chray Thom, dài 428m, nối tỉnh An Giang của Việt Nam với tỉnh Căng-đan của Cam-pu-chia. Không chỉ kết nối hai tỉnh biên giới, công trình này còn mang tính biểu tượng, là nhịp cầu hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Cam-pu-chia, kết nối giữa quá khứ với hiện tại và hướng tới tương lai.
Mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, được khắc ghi bằng xương máu trong quá khứ, tiếp tục được củng cố và phát triển bằng mồ hôi, tiền của trên những công trình hữu nghị, sẽ mãi trường tồn như nụ cười đá trên những tượng tháp Bayon.
VĂN YÊN (từ Phnôm Pênh)