1. Bay qua giông tố

QĐND - Vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Lào, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã dạy: “Thanh niên phải như cánh chim đại bàng, không sợ bão táp, giông tố. Phải là những dũng sĩ của thời đại”. Câu nói ấy của Chủ tịch Cay-xỏn được đặt ở vị trí trang trọng, là một trong hai khẩu hiệu ngay cổng ra vào của Bộ CHQS các tỉnh Xay-nha-bu-ly, U-đôm-xay, Luông Phra-băng và các Sư đoàn 1, 2, 3… của Quân đội nhân dân Lào. Trong sổ tay của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, dù là sĩ quan có tuổi quân đến hàng chục năm hay mới chỉ nhập ngũ được vài tháng, họ đều trân trọng ghi lời dạy đó của Chủ tịch ngay ở trang đầu, thể hiện một ý chí, khát vọng lớn lao.

Đại úy Thông-sa-vẳn, Đại đội trưởng Quân sự Đại đội 1, Tiểu đoàn Pháo binh số 609 của tỉnh đội Xay-nha-bu-ly giao tiếp bằng tiếng Việt khá tốt, anh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Pháo binh Việt Nam trở về nước năm 2002. Thông-sa-vẳn là người giúp tôi trò chuyện với các chiến sĩ trong đơn vị. Tôi nhận ra rằng, lớp chiến sĩ trẻ hôm nay được sinh ra khi đất nước Lào đã hòa bình, tuy không trực tiếp cầm súng nhưng những giá trị được đánh đổi bằng máu xương của thế hệ cha anh đi trước vẫn sâu đậm trong tâm trí họ và được họ trân trọng gìn giữ, phát huy. Thượng sĩ Vắt-thị Say đang thực hiện nhiệm vụ tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, tâm sự: “Vào bộ đội là để tiếp bước con đường cha anh đã đi, làm tốt trách nhiệm của người chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc”.

Phi đội trực thăng của Trung đoàn Không quân 703 trước giờ cất cánh.

Quả thực, lúc đầu tôi chưa hiểu sâu sắc lắm về lời dạy của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, mà mới tiếp cận ở một câu nói hay nhưng đâu đã biết được nó hàm chứa rất nhiều ý nghĩa cao đẹp với lớp lớp thanh niên Lào!

Đất nước Lào tươi đẹp, hiền hòa nhưng hùng vĩ. Phải vượt qua Quốc lộ 13 xuyên miền Bắc, rẽ vào đường số 4, đi tiếp đường số 2W để lên Bắc Lào mới thấy sự điệp trùng, hệt như hành trình qua Quốc lộ 6 lên Tây Bắc “núi ngút ngàn trùng xa” của Việt Nam. Dòng Mê Công chảy qua Xay-nha-bu-ly có độ dốc cao, lưu tốc lớn. Đây là một trong số ít tỉnh của Lào nằm ở hai bên dòng sông lớn này, còn lại dòng Mê Công là biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia Lào-Thái Lan. Cố đô Luông Phra-băng cũng nghiêng mình soi bóng bên bờ sông và thủ đô Viêng Chăn cũng có diễm phúc này. Quả thực, sông Mê Công là báu vật của thiên nhiên ban tặng, hàm chứa đầy đủ những cung bậc cảm xúc, những trạng thái khi hiền hòa, êm đềm và nên thơ trong sâu lắng nhưng cũng cuồn cuộn, dữ dội và dậy sóng trong khoảnh khắc bất thường. Lào là quốc gia nằm sâu trong đất liền, nên sông như… biển cả cung cấp nguồn thủy sản dồi dào, là nguồn tài nguyên tiềm năng của ngành điện. Sau một ngày làm việc căng thẳng mà được thả mình bên bờ Mê Công đón gió, ngắm cảnh thì thật tuyệt vời… Ở thượng nguồn phần đất Lào, dòng sông ấy xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh, uốn lượn trên các triền núi vách cao, vực sâu mới tạo nên bức tranh sơn thủy hùng vĩ. Bay lượn, làm chủ bầu trời ấy, không một loài chim nào khác ngoài đại bàng-chúa tể của bầu trời!

Và, trên đường đi đến bầu trời tự do, những chiến sĩ Pa-thét Lào chính là đôi cánh đại bàng dang rộng, sải cánh đánh đuổi quân xâm lược là bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hùng mạnh cùng bọn ngụy quân, phỉ Lào tàn ác, dai dẳng, thâm độc… đưa đất nước Lào sang trang sử mới. 

Năm 1858, thực dân Pháp đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) của Việt Nam và tiếp theo đó (1863) chúng đưa quân sang ép được triều đình Cam-pu-chia và năm 1885 đặt lãnh sự tại Luông Phra-băng. Năm 1887, Lào trở thành một xứ Đông Dương thuộc Pháp. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ngay sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, thực dân Pháp lại nhanh chóng đưa quân trở lại Đông Dương. Tháng 3-1946, Pháp đưa quân tái chiếm Lào, dựng lên một chính phủ bù nhìn thân Pháp.        

Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5-1954 chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Tưởng rằng người dân trên bán đảo Đông Dương sẽ thoát khỏi ách thực dân, thì ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ lại tìm cách phá hoại hiệp định, tìm cách hất cẳng, thay chân Pháp, trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Nhân dân ba nước Đông Dương đã sát cánh bên nhau cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, cùng tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và giành được thắng lợi lớn. Ngày 17-4-1975, Cam-pu-chia được giải phóng. Ngày 30-4-1975, chế độ ngụy quyền thân Mỹ ở Việt Nam sụp đổ, Việt Nam thống nhất Tổ quốc. Tháng 5-1975, Cách mạng Lào hoàn toàn thắng lợi.

Cùng chung cội nguồn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng Lào dần dần phát triển, lớn mạnh. 25 chiến sĩ đầu tiên của đội quân cách mạng Pa-thét Lào được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đó là ngày 20-1-1949, tại thị xã Lào Hùng, tỉnh Hủa Phăn, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản là người tuyên bố thành lập đội vũ trang cách mạng Pa-thét Lào-(Đội vũ trang Lát-xa-vông) đội quân đầu tiên này ra đời, đánh dấu bước khởi đầu chặng đường anh dũng của Quân đội nhân dân Lào... Cùng với Đại tướng Khăm-tày Xi-phăn-đon, Tổng Bí thư Đảng nhân dân Cách mạng Lào, người Chính trị viên phó của đội quân 25 người đầu tiên ấy: Đại tướng Xi-sa-vạt Kẹo-bun-phăn (sau này giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước) chính là hai Đại tướng duy nhất (đến nay) là niềm tự hào của quân đội và nhân dân Lào.

2. Chiến công chung

Đất nước Triệu Voi anh em của chúng ta cũng có một đội quân mới thành lập tuy nhỏ bé nhưng đã biết dựa vào dân, vì nhân dân mà chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã liên tiếp giành chiến thắng trên chiến trường, dù phải đương đầu với những thế lực hùng mạnh hơn hẳn về vật chất và thiện chiến nhà nghề. Đội quân ấy đã trở thành lực lượng nòng cốt, chỗ dựa để tập hợp các lực lượng yêu nước bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân… Các lực lượng vũ trang yêu nước Lào ngay từ khi mới thành lập đã phải đương đầu với một kẻ thù đông, có trang bị mạnh hơn mình gấp bội. Nhưng vừa chiến đấu, vừa xây dựng, kiên trì và dẻo dai, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, tác phong chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lại được nhân dân Lào hết lòng thương yêu, giúp đỡ, các lực lượng vũ trang yêu nước Lào càng đánh, càng mạnh, càng đánh, càng thắng, cùng nhân dân các bộ tộc Lào đưa cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc đến thắng lợi.

Chúng tôi được cán bộ của Bộ CHQS tỉnh Xay-nha-bu-ly dẫn đường đến thăm Đại tá Bun-liên Văn-ma-ni, nguyên Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh. Căn nhà ông nằm khiêm nhường ở phía sau con đường đất nhỏ rải đá dăm thuộc tỉnh lỵ, rất gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ và đầy những dò phong lan đơm sắc, tô điểm cho ngôi nhà thêm đẹp. Thân thiết, gần gũi nhưng đàng hoàng và trang trọng, ông cẩn thận dành thời gian mặc bộ quân phục với ngực áo đầy huân, huy chương rồi tiếp chuyện chúng tôi. Sinh năm 1946, tại tỉnh Phông-xa-lỳ trong một gia đình nông dân nhưng ông sớm giác ngộ theo cách mạng. Căm thù giặc Pháp và bọn tay sai đô hộ, 14 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng, làm giao liên. Vì còn bé nên ông được giao nhiệm vụ theo dõi tình hình địch, báo cáo lại cho tổ chức, khu vực hoạt động chủ yếu thuộc huyện Mường Mày (giáp tỉnh Điện Biên của Việt Nam). Giai đoạn 1958-1959, địch đẩy mạnh càn quét, bắt, giết nhiều cán bộ, ông phải trốn khỏi quê hương, tạm rút vào hoạt động bí mật. Nhưng trốn đi đâu khi đất nước còn đầy giặc? Chưa đủ tuổi nhưng Bun-liên Văn-ma-ni xin bằng được vào bộ đội địa phương và trưởng thành từ chính mảnh đất quê hương mình. Những năm sau đó, ông cùng đồng đội chiến đấu khắp mặt trận thuộc ba tỉnh U-đôm-xay, Phông-xa-lỳ và Luông Phra-băng. Ông kể lại 5 trận đánh tiêu biểu của 5 năm (từ 1965 đến 1969) mình trực tiếp tham gia, vừa trên cương vị chiến sĩ, rồi đảm nhiệm đến chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 19 (Đại đội được Đảng, Nhà nước Lào phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân) phối hợp với Đại đội 17 Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu. Cả 5 trận chiến đấu phục kích và tấn công ấy đều giành chiến thắng.

Tôi thích nhất câu chuyện đánh địch ở bản Ôn Tạ Ten, tiêu diệt toàn bộ 32 tên địch, thu đủ 32 khẩu súng. Trận này, 1 tiểu đội bộ đội Lào và 1 tiểu đội bộ đội Việt Nam cùng sát cánh bên nhau tổ chức chiến đấu. Bộ đội Việt Nam phần lớn nói được tiếng Lào nên công tác trinh sát nắm tình hình địch, xác định cách đánh, phân chia, tổ chức lực lượng, phối hợp hiệp đồng rất hiểu nhau. Gần 1 giờ, khi màn đêm còn phủ kín những cánh rừng rậm rạp Ôn Tạ Ten, lực lượng của liên quân bí mật áp sát khu vực đồn trú quân của địch, hình thành các mũi tiến công, chờ lệnh nổ súng. Hồi ấy, nhân dân Lào còn đói lắm, thiếu thốn nhiều, bộ đội Lào cũng vậy, chưa được sự hỗ trợ nhiều từ nhân dân, lương thực, thực phẩm chủ yếu do bộ đội Việt Nam hỗ trợ, san sẻ no đói cùng nhau. Ông nhớ lại, sau gần một đêm hành quân, xây dựng trận địa, khoảng 4 giờ (tức gần giờ nổ súng), bụng đói cồn cào nhưng ai cũng tràn đầy quyết tâm, quên đi cái đói, cái lạnh của vùng núi cao như cứa vào da thịt… Trận chiến đấu dù căng thẳng, ác liệt nhưng cuối cùng ta giành chiến thắng mà không bị tổn thất. Chiến thắng bắt nguồn từ lòng dũng cảm, kiên cường mà mạch nguồn xuyên suốt là sự đồng sức, đồng lòng trên một chiến hào, được xây dựng bằng máu xương của tình đoàn kết đặc biệt, từ lúc “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, kề vai, sát cánh bên nhau đánh đuổi kẻ thù chung.
(còn nữa)

Bài và ảnh: NGÔ ANH THU
Luông Phra-băng - Hà Nội, tháng 12-2013