 |
Trạm thu phí trên Quốc lộ 51 |
Dải phân cách mềm của Quốc lộ 51, chạy từ ngã tư Xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 51 thuộc tỉnh Đồng Nai đến thành phố Vũng Tàu, được đưa vào sử dụng từ năm 1998. Quốc lộ 51 là đường cấp 1, nên phía trong dải phân cách mềm rộng 3m, dành cho các xe thô sơ và người đi bộ, còn phía ngoài rộng 9m dành cho hai làn xe ô tô và xe gắn máy. Dải phân cách mềm được thiết kế nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người đi đường, nhưng thực tế nó đã trở thành vật cản trở, ảnh hưởng đến an toàn giao thông ở các khu dân cư sát Quốc lộ 51.
Thực trạng bất cập
Sáng ngày 23-11, chúng tôi có mặt tại ngã tư Vũng Tàu (Xa lộ Hà Nội -Quốc lộ 51) thuộc phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, được chứng kiến cảnh buôn bán khá nhộn nhịp ngay tại lan can dải phân cách mềm (DPCM). Mỗi khi có xe ghé vào đón khách, những người buôn thúng bán bưng lại níu kéo, mời chào khách ngay tại phần đường dành cho xe cơ giới, khiến khu vực này trở nên nhốn nháo, mất trật tự. Phía trong lan can sắt là đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ thì thấy chủ yếu là các xe máy chạy ngược chiều, người đi bộ thì phải dạt lên vỉa hè để đi. Một xe hon đa chở hai cô gái đang chạy đúng chiều, thì gặp ngay một chiếc xe máy của một thanh niên phóng khá nhanh đi ngược chiều. Do phần đường trong dải phân cách hẹp nên cả hai xe va vào nhau, làm những người trên xe bị ngã. Chị Hạnh, bán cà phê cạnh đó nói với chúng tôi: "Ở đây cảnh này diễn ra thường xuyên!”. Còn bà Lương Thị Huỳnh, số nhà 54 ngay sát quốc lộ thì bức xúc: "Chúng tôi chỉ mong sớm dẹp bỏ lan can sắt này, vì lan can sắt mà biết bao tai nạn xảy ra”. Bà kéo tay chúng tôi vào nhà, chỉ vào cậu con trai tên là Được, đang ngồi ủ rũ với cái chân gãy: “Đấy các anh xem, con trai tôi đi bộ trong dải phân cách dành cho người đi bộ mà bị xe máy tông vào gãy chân”.
Chúng tôi đi dọc Quốc lộ (QL) 51, thấy rất nhiều đoạn lan can sắt của GPCM đã bị tháo, một số đoạn do kẻ gian tháo bán “ve chai”, nhưng một số đoạn bị biến mất do những người dân muốn nới đường tắt ngang. Hàng trăm “cửa ngõ” như vậy đã được mở dọc tuyến, nhất là nơi ra, vào của các hàng ăn, quán cà phê hay các cửa hàng tạp hóa.
Đề cập đến chuyện trụ sắt đỡ DPCM bị mất cắp, nhiều cư dân ở hai bên đường cho biết, muốn "ra" được khúc quẹo, mọi người ở hai bên đường phải đi ngược lên trên vài cây số mới có lối ra. Cho nên, để thuận tiện hơn trong việc đi lại, người dân đã chọn giải pháp chạy xe... ngược chiều trong phần đường dành cho xe thô sơ. Cũng do sự bất tiện (và cả ý thức của người tham gia giao thông) mà nhiều phương tiện thô sơ như xe bò, xe ba gác, xe đạp...đã bỏ phần đường dành cho xe thô sơ, ngang nhiên lưu thông trên phần đường bên ngoài, dành cho xe cơ giới.
Phần đường dành cho xe cơ giới có mật độ cao, những người lái xe gắn máy luôn trong tình trạng căng thẳng vì các xe ô tô chạy tốc độ cao. Và khi các ô tô tránh nhau hoặc lấn đường, các xe gắn máy hầu như không có đường thoát, trong khi đó phần đường bên trong lại gần như bỏ trống. Một số đoạn trên QL51 không có DPCM như đường qua thị xã Long Thành dài 3 km, hoặc đoạn từ trại bò sữa vào khu công nghiệp Long Thành thì việc đi lại trên những đoạn đường này thoải mái, an toàn hơn. Tại những khu vực kể trên, người điều khiển xe gắn máy không chạy song song với các loại xe ô tô, mà hầu hết đều đi cặp phía trong lề đường do đường thông thoáng. Điều này cho thấy, nếu DPCM được xây dựng không đúng chỗ, sẽ trở nên phản tác dụng, một khi ý thức chấp hành của người đi đường chưa cao. Đáng kể là trong số những vụ TNGT xảy ra trên tuyến đường này trong thời gian qua, có không ít vụ do tác nhân từ DPCM.
Những kiến nghị
Chúng tôi đã gặp ông Phạm Công Ngự, tổ trưởng tổ dân cư số 3, khu phố Bình Dương, phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai). Ông cho biết, tổ 3 có 80 hộ dân sống ven QL51 thì tất cả đều kiến nghị Nhà nước tháo bỏ lan can sắt DPCM trên đường QL 51. Ông kể, những lan can sắt đã làm cản trở giao thông và việc buôn bán của người dân. Muốn đưa hàng hoá vào các cửa hàng thì xe ô tô đậu ở bên ngoài lan can sắt sẽ cản trở giao thông sẽ bị phạt, còn chạy vào trong DPCM sẽ phạm luật giao thông cũng sẽ bị phạt... Thực tế, nếu như hai bên QL51 là vùng đồng ruộng trống trải thì DPCM là một trong những điều kiện để người đi đường dễ dàng lưu thông theo phần luồng đã được phân định. Đằng này, dọc QL51 thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu đều có khu dân cư tập trung. Việc xây dựng DPCM tại những nơi này lại trở thành cản ngại, thậm chí rất nguy hiểm trong việc sinh hoạt, đi lại hằng ngày của người dân...
Trao đổi với ông Đỗ Tiến Dũng, trưởng phòng quản lý giao thông Khu quản lý đường bộ 7, Cục Đường bộ Việt Nam, chúng tôi được biết, QL 51 có quy chế quản lý riêng, mọi thay đổi trái với thiết kế ban đầu đều phải do Bộ GT-VT quyết định, chứ khu quản lý cũng không thể quyết định được. Đây là đường cao cấp cấp 1, nên phải có DPCM để bảo đảm an toàn giao thông. Khi QL 51 được triển khai làm thì các khu dân cư chưa phát triển. Vừa qua, Khu quản lý đường bộ 7 cũng nhận được các công văn đề nghị của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu về việc gỡ bỏ DPCM các khu dân cư. Các ý kiến này đã được chuyển lên Bộ GT-VT, nhưng chưa có kết quả gì. Theo ý kiến riêng, ông Dũng cho rằng, cần giữ nguyên DPCM nhưng nên mở rộng phần trong DPCM khoảng 6m, và để các xe gắn máy lưu thông trên tuyến đường này.
Qua thực tế khảo sát và ý kiến của người dân và các nhà chuyên môn, chúng tôi thấy DPCM trên QL51 chỉ phát huy tác dụng trên các đoạn đường không có dân cư tập trung; tuy nhiên, tại những khu vực đông dân cư, cuộc sống của người dân tập trung ven đường, phần lớn đều gắn bó với kinh doanh buôn bán, thì cần xem xét lại. Chẳng hạn như tại ngã tư Vũng Tàu và rất nhiều đoạn khác trên QL51, DPCM kéo dài đã khiến việc sinh hoạt, đi lại hằng ngày của người dân nơi đây bị cản trở. Việc thiết kế DPCM tại những khu dân cư tập trung không phù hợp càng khiến cho lòng đường chật hẹp hơn, đồng thời càng trở nên nguy hiểm, nhất là đối với xe hai bánh, bởi người điều khiển phương tiện sẽ không có đường thoát hiểm khi gặp sự cố từ bên ngoài... Đề nghị Bộ GT-VT xem xét những kiến nghị nêu trên.
ĐOÀN HOÀI TRUNG