Vừa dìu tôi đi, cô gái vừa tranh thủ nói:

- Em là nữ du kích của làng này. Lúc chập tối em để ý thấy có ba tên đang lúi húi trong ruộng mía, em đoán chúng là kẻ gian, nên đã theo dõi chúng. May mà đến kịp để cứu anh!

Từ đó tôi luôn mang trong mình một tình cảm biết ơn cô gái cứu mạng, nên thường xuyên lui tới thăm nhà. Khi biết tôi là cán bộ Việt Minh, cô gái càng quý mến tôi hơn và đem lòng yêu thương tôi từ lúc nào không biết. Như các cụ ta thường nói: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Đôi trai gái tuổi đương thì, gần nhau mãi cũng dẫn đến việc trao thân gửi phận. Tôi rất yêu cô, nhưng hoàn cảnh công tác lúc bấy giờ không cho phép chúng tôi được yêu nhau, mà chỉ dám ước hẹn đợi đến ngày Cách mạng thành công. Tôi không dám hé lộ một lời với tổ chức về mối tình của mình, nhưng dần dần câu chuyện cũng vỡ lở. Cấp trên biết chuyện liền kiểm điểm tôi nghiêm khắc và yêu cầu tôi phải chấm dứt quan hệ với cô gái. Tôi thực lòng rất đau khổ và hổ thẹn với lương tâm mình, rồi xin vào bộ đội để mong đi thật xa. Trước khi đi, tôi dặn cô gái đừng chờ đợi tôi nữa và coi tôi như đã chết. Mãi đến năm 1955, tôi có dịp đi công tác qua nhà. Vừa đến đầu làng đã bị lực lượng du kích xã bắt, trói giải lên trụ sở ủy ban, gặp đội cải cách ruộng đất, nhận bản án đi tù về tội tham gia hoạt động Quốc dân đảng, chống phá cách mạng. Tôi kinh hãi, một mực kêu oan, nhưng họ đưa ra những lá đơn tố giác của quần chúng, phát hiện tôi trước năm 1945 hay tụ tập họp kín ở chỗ này chỗ kia, nhưng họ không biết là tôi bí mật đi họp chi bộ Đảng Cộng sản. Tôi càng thanh minh, họ càng kết tội là ngoan cố và dùng chiếc cùm làm bằng tre đực, có khoét lỗ đút đôi chân tôi vào, mỗi lần ngọ ngoậy đôi chân sầy da chảy máu và sưng tấy. Đến nay đôi chân tôi chịu ảnh hưởng nặng nề của những ngày tháng đau thương đó. Rất may cho tôi, năm 1956 Nhà nước ta ban hành chính sách sửa sai cải cách ruộng đất. Tôi có dịp được minh oan, được cấp trên khôi phục Đảng tịch và phân công về làm bí thư chi bộ kiêm chủ tịch UBND xã ở quê nhà. Năm 1960, tôi được cấp trên cho đi học thêm văn hóa và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, rồi về nhận công tác mới ở huyện. Mặc dù tôi được cấp trên chú ý nâng đỡ, nhưng do trình độ năng lực có hạn, sức khỏe yếu, phấn đấu mãi cũng chỉ lên đến chức trưởng phòng vật tư nông nghiệp huyện. Năm 1984, tôi được nhà nước cho nghỉ hưu. Ông lão ngừng lời, duỗi thẳng đôi chân ra cho đỡ mỏi rồi đăm chiêu suy nghĩ, làm cho những nếp nhăn trên trán ông càng lõm sâu hơn. Ông lão thở dài và nói tiếp:

- Năm 30 tuổi tôi ra tù, về quê lấy vợ, chính bà lão đang nấu cơm dưới bếp ấy. Vợ tôi kém tôi 3 tuổi, người cùng quê. Bà giỏi làm ruộng và chạy chợ. Chúng tôi một đời yêu thương nhau và sống rất hạnh phúc. Nhưng buồn một nỗi chỉ sinh con một bề toàn gái. Mà hoàn cảnh tôi thật trớ trêu, tôi là trưởng họ, cần phải có con trai để nối dõi tông đường. Cả họ xui tôi phải đi lấy vợ lẽ. Nhưng tôi viện cớ là một cán bộ đảng viên, phải gương mẫu thực hiện pháp luật. Các cụ trong họ bèn trừng phạt tôi bằng cách: mỗi khi họ có giỗ chạp, chỉ cho tôi ngồi chiếu dưới, khiến vợ con tôi rất bất bình và khuyên tôi phải có thêm một đứa con trai. Tôi vẫn cương quyết từ chối và chứng minh cho quyết tâm đó là: đem chia trước đất thổ cư và tài sản cho các con gái. Vợ con tôi vô cùng thán phục, kính nể và tin yêu tôi hơn. Thời gian cứ thế trôi đi, tôi những tưởng cuộc đời mình đã an bài. Bỗng đầu năm 1990, tôi có người anh em họ tổ chức đám cưới cho con gái lấy chồng xa, nhờ tôi thay mặt gia đình, đi đưa dâu về nhà chồng. Khi tôi phát biểu với họ nhà trai xong trở về chỗ ngồi, thì bất ngờ có một bà lớn tuổi len đến sát bên tôi, thì thầm hỏi nhỏ:

- Ông vẫn khỏe chứ ông Xuân?

Tôi hơi chột dạ, mặt mũi nóng bừng, nhưng vẫn tỏ ra điềm tĩnh để cảm ơn người hỏi thăm mình. Thấy tôi không dám nhìn lên, bà ta càng cúi xuống sát hơn, nhìn thật sâu vào mắt tôi và hỏi một lần nữa:

- Ông không nhận ra tôi thật sao? Tôi là Nhi đây mà!

Chỉ mới nghe đến đó, tim tôi đã đánh trống trong lồng ngực, đôi tai ù ù như có tiếng xay lúa. Tôi vội vàng đứng dậy đi ra chỗ chiếc xe ô tô đưa dâu đang đậu ngoài ngõ. Phía sau lưng tôi người đàn bà cũng bước gấp và nói đuổi theo, giọng hổn hển, ngắt quãng thoảng trong gió:

- Ngày ấy… thế mà ông để lại cho tôi… một thằng con trai đấy… Rồi có ngày nó sẽ về thăm ông… Xin ông nhận lấy nó… thằng bé quá tội nghiệp ông ạ!

Tôi bảo anh lái xe ô tô nổ máy và cho xe chạy ngay ra khỏi làng, với lý do tôi bị cảm nặng cần cấp cứu, rồi sẽ trở lại đây đón mọi người về sau. Một tuần lễ sau đó vào một buổi sáng, vợ con tôi đi làm vắng, tôi ở nhà một mình chăm sóc mấy con lợn, gà. Bỗng có tiếng xe ô tô con phanh trước cổng, tội vội nhìn ra, thấy một anh bộ đội mặc quân phục chỉnh tề, đeo quân hàm thượng tá, từ trên xe bước xuống đi thẳng vào nhà, chào hỏi rồi nhìn tôi chằm chằm, một lát tự giới thiệu:

- Thưa bố! Con là Trần Ngọc, con trai của mẹ Nhi và bố, về thăm bố!

Tôi run lên muốn khóc, vì nỗi vui mừng quá đột ngột, nhưng tôi kìm ngay lại được và vội vã trả lời:

- Tôi không biết mẹ Nhi nào của anh. Chắc anh nhầm tôi với ai đó. Vừa nói tôi vừa ngó ra cổng xem chừng hàng xóm, có ai tò mò đến nghe trộm không. Rồi tôi quay vào nhà tiếp tục nhắc lại lời nói ban nãy của mình. Tôi thấy Trần Ngọc mặt đỏ bừng, miệng như mếu và đưa tay gạt nước mắt, nhìn tôi nói rất nhanh:

- Bao nhiêu năm nay con đã đi tìm bố. Cả cuộc đời con chỉ mong ước khát khao được có ngày hôm nay, ấy vậy mà bố không thèm nhận con. Thôi được, lần sau con đến, thế nào rồi bố cũng sẽ nhận con. Con xin chào bố! Mong bố giữ gìn sức khỏe!

Nó ào đến như luồng gió thoảng và cũng ào đi như tia sáng. Tôi vội ngồi phịch xuống ghế, ngước mắt nhìn lên bàn thờ, thấy buốt nhói trong lồng ngực và thốt lên:

- Nó đúng là con tôi! Tôi cũng có con trai rồi! Trần Ngọc ơi! Bố xin con quay lại!

Khi vợ con tôi đi làm về, cả nhà quấn quýt bên nồi cơm trưa, các con tôi vui vẻ điều gì mà cứ cười hơ hớ làm tôi vui lấy và thấy mình vẫn rất hạnh phúc. Tôi chợt nghĩ nếu tôi nói chuyện này ra, vợ và các con tôi sẽ rất đau khổ, sẽ khinh rẻ tôi. Chắc hạnh phúc mà vợ chồng tôi bấy lâu nay dày công vun đắp sẽ tan nát, các con gái tôi sẽ mất niềm tin vào cha mẹ. Rồi các đồng chí trong Đảng và quần chúng nhân dân xung quanh sẽ nghĩ về tôi như thế nào? Uy tín của tôi ra sao? Tôi cứ lan man với suy nghĩ mông lung ấy, quên cả và miếng cơm vào miệng, khiến các con gái tôi càng lăn ra cười nhìn bố. Bẵng đi nửa tháng trời, cùng vào một buổi sáng khi chỉ có một mình tôi ở nhà, tôi chợt nghe có tiếng xe ô tô con đỗ xịch trước cổng, tôi vội quay vào nhà tìm cách chạy trốn. Nhưng còn đang luống cuống khép cửa, thì Trần Ngọc đã bước tới chào tôi. Ngọc vẫn mặc bộ quân phục nghiêm chỉnh như thế. Chỉ khác lần này trên tay trái xách chiếc cặp da và tay phải cầm một chiếc gậy nhỏ bằng gỗ, tôi đoán là nó đề phòng có chõ dữ nên mới mang gậy để phòng thân. Tôi tự bảo mình phải thật bình tĩnh, giữ thế chủ động hoàn toàn, không được tỏ ra mềm yếu. Tôi vui vẻ hỏi nó:

- Thế nào? Anh đã tìm thấy ông bố đẻ của mình chưa? Hôm nay anh đến đây gặp tôi có chuyện gì nữa nào?

Trần Ngọc gật gù nhìn tôi, khẽ cười tỏ ra ranh mãnh và mở chiếc cặp da, lấy ra một chiếc mũ để tang, được bện bằng dây chuối khô, để chiếc gậy gỗ trên bàn ngay trước mặt tôi và nói:

- Thôi, con xin bố đừng đánh trống lảng nữa. Bố hãy dũng cảm chấp nhận sự thật này. Hôm nay, con xin kính tặng bố một món quà có ý nghĩa đặc biệt của người con trai dân Việt. Nếu bố nhận con, thì bố cất giúp con chiếc mũ chuối và cái gậy này để bao giờ bố trăm tuổi, con sẽ lấy ra dùng báo đáp chữ hiếu với bố. Còn ngược lại, bố cho phép con được đội ngay chiếc mũ chuối và chống chiếc gậy này, lạy sống bố bốn lễ trước để tạ ơn. Rồi cho con xin ba cái chân hương ở trên bàn thờ và một nắm đất của nhà bố, để con mang về miền Nam, lập bàn thờ bố, kể như bố đã chết từ hôm nay!

Nghe nó nói thế, tôi không thể kìm nổi nước mắt. Tôi muốn nói ra nhưng thấy nghẹn ở cổ. Tôi muốn giang tay ôm nó vào lòng, nhưng tay chân tê dại như bị trói. Phải đến lúc lâu, nghe nó giục nhiều lần, tôi mới lấy hết can đảm đứng lên và lạnh lùng tuyên bố:

- Tôi không phải là bố của anh và anh cũng không phải là con trai tôi, anh rõ chưa? Xin anh đi ngay ra khỏi nhà tôi tôi nhờ. Vợ con tôi sắp đi làm về biết chuyện này sẽ lôi thôi lắm. Tôi xin anh đi đi.

Trần Ngọc cười to thành tiếng, mắt nó nhắm tít lại thách thức và giễu cợt. Như những mũi tên vô hình bắn trúng trái tim tôi tan nát, khiến tôi càng run lên, mất hết can đảm để đối diện với sự thật, đầy chất bi hài của cuộc đời mình. Tôi dường như sắp ngã. Nó liền chạy lại đỡ tôi ngồi xuống ghế và choàng tay qua vai tôi nói nhỏ nhẹ:

- Một lần nữa bố lại thắng được chính bố. Nhưng lần sau con chắc chắn bố sẽ thua người bố của con. Con chào bố ở lại và nhớ giữ gìn sức khỏe cho tốt.

Một cơn gió lạnh thổi đến, ông lão ôm ngực ho thúng thắng. Tôi vội mở tủ lấy ra cho ông chiếc áo dạ bốn túi bộ đội đã bạc màu, khoác lên bên ngoài bộ quần áo tu hành khổ hạnh của ông. Trông ông có vẻ cứng cáp hơn. Bỗng tôi thốt lên:

- Thật là tuyệt vời! Đúng là phong cách chẳng giống ai của anh Ngọc.

Ông lão ngỡ người ra, đưa tay chỉ về chiếc áo vừa khoác lên người và hỏi tôi:

- Anh khen tôi? Hay là khen chiếc áo của “bố cháu” cho tôi?

- Dạ! Ý cháu là rất thích cách giải quyết vấn đề của anh ấy, như ông vừa nói. Lần thứ ba anh tới nhà van xin bố, chắc ông nhận con chứ ạ?

(Còn nữa)

BÙI NGỌC QUẾ