QĐND - Là giám đốc một trung tâm khá đặc biệt, có lẽ không ở đâu có, ở một lĩnh vực khá gai góc và ít người dám làm, ông đã thành công trong việc xây dựng “nhịp cầu” nối ân tình - quá khứ và hiện tại, góp phần “tiếp lửa” truyền thống và thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Ông là cựu chiến binh Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam…

Hoạt động với “5T”

18 năm gây dựng hoạt động của trung tâm, bước chân của người thương binh này đã in dấu khắp các vùng miền trong cả nước và chiến trường xưa trên đất bạn, tổ chức hàng trăm cuộc gặp mặt, giao lưu truyền thống, các chuyến “về nguồn”, góp sức báo tin và quy tập hàng nghìn hài cốt liệt sĩ…

Chiến tranh đã qua nhưng Lê Xuân Niêm vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ về một thời lửa đạn. Những hôm trái gió trở trời, 4 vết thương trong cơ thể thêm đau nhức, càng như nhắc nhở ông ký ức những năm tháng chiến đấu ở chiến trường… Ông day dứt khi nghĩ tới đồng đội đã hy sinh nhưng giờ vẫn còn nằm đâu đó nơi rừng hoang, suối lạnh. Đến năm 1992, sau 27 năm quân ngũ, Lê Xuân Niêm nhận quyết định nghỉ hưu, anh mới có điều kiện thực hiện ước nguyện của mình. Hồi tại ngũ, ông có nhiều năm làm công tác chính sách nên trong tay có hàng nghìn thông tin về phần mộ của các liệt sĩ. Nhưng ông không biết làm thế nào để thông báo hết cho thân nhân của đồng đội được. Vả lại khi đó, phương tiện liên lạc còn khó khăn và địa điểm an táng các liệt sĩ vẫn có người coi là những thông tin không được công khai.

Giao lưu - tôn vinh “Hàm Rồng - Dáng đứng Việt Nam” do Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử tổ chức tháng 3- 2010.

 

Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông đã có một cách làm độc đáo: Đề xuất với một số trường học ở Hà Nội phát động phong trào “Uống nước nhớ nguồn, tiếp bước cha anh”, tổ chức cho các em học sinh gửi tin tức về phần mộ các liệt sĩ. Kết quả là chỉ trong một ngày, ba nghìn lá thư kèm theo những thông tin về nơi an táng các liệt sĩ đã được gửi đi khắp nơi. Phong trào không những đã đáp ứng niềm trông đợi của gia đình thân nhân các liệt sĩ mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ học đường. Hoạt động này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân trực tiếp dự, động viên và khen ngợi.

Thành công bước đầu đã đưa Lê Xuân Niêm đến với các hoạt động ở Ban tư vấn nhân đạo và người cao tuổi, sau đó là Phòng Giáo dục truyền thống và phát triển lên thành Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Nhiệm vụ của Trung tâm không chỉ là cung cấp thông tin về liệt sĩ mà mở rộng và tập trung vào hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống, lịch sử và tôn vinh người có công… Đây là lĩnh vực khó, ít người dám làm. Trung tâm lại phải tự lực về tài chính để tồn tại và phát triển. Nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm, nhiều người tỏ ý nghi ngại cho ông. Anh Lê Ngọc Tú, Phó giám đốc Trung tâm nói với chúng tôi: Từ lúc ra đời và cho đến ngày hôm nay, Trung tâm vẫn hoạt động với “5T”: Tự nguyện, tự lo, tự làm, tự trang trải và tự nuôi nhau”.

Khó khăn là vậy, nhưng Giám đốc Lê Xuân Niêm vẫn quyết chí làm, vì ông cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến lịch sử và truyền thống cách mạng, không chỉ là của một ngành, một đơn vị mà phải được xã hội hóa. Cần phải có nhiều hình thức sáng tạo trong điều kiện đất nước còn nghèo…

 “Nhà văn hóa lưu động”

Với mục tiêu góp phần bồi đắp lòng yêu nước và cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ người Việt Nam, Giám đốc Lê Xuân Niêm đã tổ chức các chuyến “về nguồn”: Về với các triều vua, các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa cách mạng, đặc biệt là các chuyến “về nguồn với Bác Hồ” để truyền bá tư tưởng, đạo đức của Người. Điều làm Lê Xuân Niêm trăn trở là làm sao có được cách làm phù hợp để làm sống động lịch sử, tạo dấu ấn trong mỗi chuyến đi, tránh cách làm sáo mòn, đơn điệu vẫn tồn tại bấy lâu nay. Sau nhiều tìm tòi, thử nghiệm, ông đã áp dụng các hình thức tuyên truyền mới rất có hiệu quả. Trong các chuyến đi, ông lồng ghép hoạt động với các lễ nghi như đặt hoa, tưởng niệm, kèm theo văn tế ca ngợi công đức các danh nhân, các triều đại, phù hợp với đối tượng và địa danh lịch sử. Bên cạnh đó, ông còn biến chiếc xe chở các đoàn “về nguồn” thành “nhà văn hóa lưu động”, thành “sân khấu”. Ở đó, cán bộ Trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, động viên mọi người cùng hăng hái tham gia kể chuyện, ca hát, tâm sự, chia sẻ, trút bầu tâm sự. Nhất là với lớp người kháng chiến, họ được vinh danh và như sống lại với những hoài niệm, ký ức cùng đồng chí, đồng đội và bạn đồng hành. Hành trình chuyến xe như được rút ngắn, ai cũng khỏe ra.

Cùng với đối tượng là các cựu chiến binh, gia đình và người có công, hằng năm Trung tâm còn tổ chức hàng trăm chuyến “về nguồn” cho cán bộ, đảng viên ở các Đảng bộ trong cả nước. Xây dựng và thực hiện đề án giáo dục truyền thống và lịch sử cho thế hệ trẻ ở nhà trường với hàng chục vạn lượt học sinh các bậc học bằng nhiều hình thức. Hoạt động này, được nhà trường và hội cha mẹ học sinh đánh giá cao, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá: “Đi với Trung tâm một buổi, bằng cả nghìn giờ giáo dục công dân”.

Nhà giáo ưu tú Vi Văn Bồng (Quảng Ninh) đã siết chặt tay anh em Trung tâm và nói rằng: “Qua chuyến đi “về nguồn với Bác Hồ” cùng các anh chị, tôi càng yêu nghề, yêu học trò hơn, thấy cần sống có trách nhiệm hơn”. Nghệ sĩ nhân dân Quý Dương sau chuyến đi về quê hương của bài hát “Tấm áo mẹ vá năm xưa” và tham gia hoạt động do Trung tâm tổ chức đã bày tỏ sự khâm phục với giám đốc Niêm: “Tuổi tôi hơn anh một giáp nhưng quả thật tôi phục anh quá, xin lạy anh 3 lạy…”.

“Chính ủy thời bình”

Trong quá trình tổ chức hoạt động, Giám đốc Lê Xuân Niêm rất day dứt vì nhiều gia đình cách mạng và người có công còn rất khó khăn, không ít trường hợp gần như bị rơi vào quên lãng. Tìm được manh mối thông tin, ông lặn lội khắp các vùng miền để tìm ra và tổ chức tri ân các nhân vật lịch sử. Ông nhớ mãi lần tìm “vua bếp” Hoàng Cầm. Đây là cựu chiến binh nổi tiếng một thời gắn với sáng kiến về chiếc bếp dã chiến được dùng suốt trong hai cuộc kháng chiến của bộ đội ta. Tuy nhiên, “vua bếp” này nay ở đâu, sống như thế nào thì không mấy người biết, thậm chí không ít người còn nhầm lẫn với “ông” Hoàng Cầm khác. Giám đốc Niêm lần tìm về nhà ông hiện đang ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Hoàng Cầm khi đó cũng đã già yếu, sống đạm bạc trong một căn nhà nhỏ. Khi Lê Xuân Niêm đặt vấn đề mời về Thủ đô giao lưu thì ông vẫn nằm mệt trên giường và bảo: “Yếu rồi. Không về nữa đâu”. Giám đốc Niêm thuyết phục và bảo sẽ bố trí để ông gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe nói được gặp Đại tướng, “vua bếp” bật dậy và nhận lời đi. Thời gian đó, Trung tâm đã tổ chức ba buổi gặp mặt, giao lưu với cựu chiến binh Hoàng Cầm, đưa ông đến gặp Đại tướng. Hoàng Cầm phấn khởi lắm. Vui hơn là sau đó, nhờ các hoạt động này, Bộ Quốc phòng biết được hoàn cảnh của ông Cầm nên đã cấp cho ông căn hộ ở 28 Điện Biên Phủ, Hà Nội.

Đó còn là câu chuyện xúc động của má Mười ở Bà Rịa - Vũng Tàu, người phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ đã bỏ ra 30 cây vàng cho cách mạng vay để đóng những chiếc tàu đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ chuẩn bị cho các chuyến đi của đoàn tàu không số huyền thoại. Sau giải phóng không ai còn nhắc đến câu chuyện này nữa. Má Mười ngày ngày vẫn bán hàng xén và sống lặng lẽ ở quê. Biết được câu chuyện này, Giám đốc Niêm làm công văn gửi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đón má ra Hà Nội dự giao lưu và tri ân. Sau buổi gặp má rất vui và tuyên bố: “Từ nay xóa nợ cho cách mạng”…

Trong 18 năm hoạt động, Giám đốc Lê Xuân Niêm cùng tập thể Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử đã tổ chức 120 cuộc gặp mặt – giao lưu truyền thống với hơn 48 nghìn lượt người tham dự; tổ chức cho hơn 70 vạn lượt người tham gia các chuyến “về nguồn”; giáo dục truyền thống cho 50 vạn lượt học sinh các bậc học; báo hơn 8 nghìn tin tức về phần mộ các liệt sĩ, tham gia tìm kiếm và quy tập cất bốc 1500 hài cốt liệt sĩ; tặng hàng nghìn suất quà cho gia đình chính sách và người có công. Giám đốc Lê Xuân Niêm được các tổ chức, địa phương tặng 21 bằng khen. Năm 2006 cá nhân giám đốc và tập thể Trung tâm được Chủ tịch nước tặng huân chương Lao động hạng ba. Năm 2010, Giám đốc Lê Xuân Niêm được các cấp xét và đề nghị tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” toàn quốc và huân chương Lao động hạng hai.

 

Những câu chuyện xúc động như vậy, theo ông Niêm đó là những kỷ niệm sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục lớn. Ông bảo, sau mỗi lần ấy, ông rất vui, trong lòng như trút được một gánh nặng tâm tư. Vị giám đốc còn tự hào “khoe” rằng: “Đến nay, hơn 90% anh hùng và gia đình các nhân vật lịch sử nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến vừa qua được ghi trong các trang sách học trò, Trung tâm đã mời về Thủ đô để gặp mặt và tôn vinh”.

18 năm, giám đốc Lê Xuân Niêm đồng hành cùng Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử. Từ thủa ban đầu chỉ có hai người làm việc đến nay Trung tâm đã có một bộ máy chuyên nghiệp với hơn 30 cán bộ, nhân viên và Đội văn nghệ xung kích gồm hơn 20 người. 2/3 quân số là những người đã từng trong quân ngũ, nhiều người là cán bộ trung, cao cấp; một bộ phận trẻ tốt nghiệp từ các trường đại học. Ông còn có thuận lợi là được gia đình ủng hộ, vợ ông cũng về “đầu quân” ở Trung tâm để chia sẻ, hỗ trợ công việc cùng chồng. Giờ đây khi công tác giáo dục truyền thống đã trở thành nhu cầu của cuộc sống và thương hiệu của Trung tâm đã được khẳng định khiến vị giám đốc này luôn bận rộn. Ông vừa lo tổ chức sự kiện, ký kết hợp đồng, điều hành các hoạt động vừa phải lo đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên. Ông bảo, thu nhập của cán bộ ở đây chưa gọi là lương mà chỉ là phụ cấp và công tác phí. Thu nhập ấy chưa cao, bản thân giám đốc cũng vẫn đi làm bằng chiếc xe máy “cà tàng” nhưng anh chị em đều rất tâm huyết và trách nhiệm với công việc của mình, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tinh thần ấy được thể hiện trong 16 quy chuẩn của cán bộ làm công tác giáo dục truyền thống và lịch sử do Giám đốc Lê Xuân Niêm đề ra và được treo trang trọng tại văn phòng làm việc. Họ còn có một động lực lớn khác, đó là tấm gương người giám đốc của mình, một cựu chiến binh tuổi đã ngoài 60, là thương binh hạng 4/4 nhưng ngày ngày vẫn theo đuổi và tâm huyết với công tác giáo dục lịch sử, “tiếp lửa” truyền thống cho thế hệ hôm nay. Ông được mọi người trìu mến gọi là “Chính ủy thời bình”…

Bài và ảnh: Trần Hoàng Tiến