- Em cứ chờ mãi, mà hôm nay mới nhận được cuộc gọi của chị.

- Chú thông cảm, vì ngách ta, và cả ngõ mình, nhiều người tình nguyện trực chốt. Chú lại là hưu trẻ, nên không thuộc diện ưu tiên số một được tham gia phòng dịch Covid-19. Chiều mai chú toại nguyện nhé…

Đó là trao đổi nhanh qua điện thoại giữa tôi và chị Lê Thị Hoàn, tổ trưởng tổ liên gia.

Từ ngách, ngõ…

Toại nguyện, hôm sau tôi không ngủ trưa, 14 giờ kém 15 có mặt tại chốt phòng dịch của tổ liên gia 11 (ngách 8), tổ dân phố 18, ngõ 344, đường Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội. Người trực ca trước (từ 10 giờ đến 14 giờ) là một thanh niên, anh bàn giao cho tôi băng đỏ, nước sát khuẩn, hộp khẩu trang, tấm nhựa che mặt, nước uống. Cuối cùng, anh ta mới bàn giao cho tôi cuốn nhật ký, cây bút và truyền kinh nghiệm: “Cuốn sổ này là quan trọng nhất, chú ghi chép cẩn thận, là bảo bối để truy vết, nếu có F0, F1, F2… chú ạ”. Tác phong, lời nói của bạn trẻ làm tôi thật cảm mến, yên lòng.

14 giờ, tôi vào vị trí trực. 14 giờ 10 phút… 14 giờ 20 phút…14 giờ 30 phút… 15 giờ, ngách vẫn vắng tanh, không một bóng người. Mãi 15 giờ 15 phút mới có một phụ nữ trung tuổi đi bộ ra siêu thị Vinmart (ở ngay đầu ngõ 344). Chị đứng cách xa tôi đến hơn 2m, cũng chẳng bỏ khẩu trang, xưng tên, số nhà, trình phiếu đi chợ, nói lý do, rồi đọc số điện thoại để tôi ghi vào sổ nhật ký. Ngồi trực hơn một tiếng, lúc ấy tôi mới có việc để làm. 15 phút sau chị về, trên tay xách nước mắm, dầu ăn, mấy mớ rau xanh. Qua barie, chị thân thiện đặt lên bàn tổ chốt 5 chai trà xanh 0 độ, “0 đồng”. Tôi lại có việc quan trọng - viết “15 giờ 30 phút” vào cột “thời gian về” trong sổ nhật ký.

Chốt phòng dịch ngõ 424, đường Ngọc Thụy. 

Ngách 8 lại vắng tanh. Nếu trước đây mà ngõ, ngách vắng thế này thì buồn lắm, đúng như đường mòn ở vùng sâu, vùng xa, như Mường Tè (Lai Châu), Mù Cang Chải (Yên Bái)… mà tôi đã từng đến. Nhưng thời dịch bệnh, khi mà Thủ đô Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội, thì thật mừng. Nghĩa là các chỉ thị đó đã thực sự đi vào cuộc sống thời dịch, “ai ở đâu - ở yên đó” thật đúng.

Tôi đang liên tưởng, so sánh, thì ông chú ruột của vợ từ Nam Định điện lên hỏi thăm từng thành viên trong gia đình tôi về sức khỏe, công việc, sinh hoạt của gia đình khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Nghe tôi kể, chú yên tâm, giọng chậm rãi:

- Xem truyền hình Việt Nam, chú thấy tình hình dịch bệnh ở Hà Nội cũng thật phức tạp, nên lo ngại cho nhà cháu và cả Thủ đô đấy. Nhưng cũng qua Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, chú thấy cung cách phòng, chống dịch của Hà Nội khá ổn và tin tưởng. Nghe cháu kể việc ấy ở phường Ngọc Thụy, chú thấy ổn hơn, giống như “rào làng kháng chiến” thời chống Pháp cháu ạ.

Đại tá nghỉ hưu, cựu chiến binh hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ liên tưởng thú vị quá! Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Chính trị viên xã đội, thời chống Mỹ, ông làm Trưởng ban Phòng không của Tỉnh đội Hà Nam Ninh (cũ); sau đó sang Cuba, làm chuyên gia giúp bạn về chiến tranh du kích. Chắc hẳn, sự liên tưởng, so sánh của ông là sát, đúng. Tôi hỏi thêm về “rào làng kháng chiến” năm xưa, ông rành mạch:

- Rào làng kháng chiến thời chống Pháp là trồng tre, lau, sậy, rải thủy tinh, mảnh sành, vỏ sò, vỏ ốc quanh làng, cùng với hầm chông, nếu làng nào có mìn và lựa đạn thì nơi gài dưới đất, nơi đặt bẫy trên cây. Đó là rào cứng, tạo “thiên la địa võng”, nhưng xây dựng được hàng rào “mềm” mới là quan trọng, mới cứng, mới vững - hàng rào lòng dân cháu ạ!

Trước khi ngừng thoại, như bao lần khác, chú không quên hỏi về vườn rau sân thượng nhà tôi. Nghe tôi tả, chú khích lệ:

- Hà Nội vừa nắng nóng như thế mà vợ chồng cháu vẫn giữ được vườn rau như dịp chú lên chơi thì quá giỏi đấy. Giữa phố phường mà có vườn rau như thế thì lúc bình thường đã quý, lúc dịch bệnh này càng giá trị hơn. Vườn rau nhà cháu chú nghĩ có tầm chiến lược đấy. Cố gắng mà chăm để luôn có rau an toàn và cũng là giữ một vùng xanh nhỏ nhỏ, phải không cháu?

Chú tôi lúc nào cũng ấm áp, sâu sắc và vui vẻ như thế, tuổi đã xấp xỉ 90 mà vẫn minh mẫn lắm, ông chỉ hài hước, dí dỏm chứ không bao giờ tiếu lâm. Ông là Nguyễn Xuân Bê, đang ở khu 9, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải hậu, tỉnh Nam Định.

Từ hôm đó đến nay, tôi đã 3 lần được trực chốt phòng dịch. Lần nào cũng thế, người của ngách đi lại rất hạn chế, người nơi khác đến thì “đếm trên đầu ngón tay” và đều đúng đối tượng, đều khai báo thật chi tiết, cận thận.

Quá trình tham gia phòng, chống dịch tại ngách, phố, rồi tìm hiểu thêm ở các ngõ phố khác trong phường, tôi thấy chú tôi “nhìn xa” nhưng thật chuẩn.

Đoàn viên thanh niên phường Ngọc Thụy trợ giúp người dân bãi giữa.

Cựu chiến binh Trần Văn Xuyên, tuổi đã khá cao, ở ngõ 366, đã nhiều lần “tái ngũ” tình nguyện trực chốt, hôm thì chốt ngõ 344, hôm chốt ngõ nhà mình. Hà Nội độ này mưa nắng thất thường, cán bộ tổ dân phố lo cho sức khỏe của ông mà không bố trí trực chốt nữa, nhưng ông như động viên lại cán bộ phố phường: “Tôi là cựu binh thông tin, nên còn khỏe, còn nhanh tay, nhanh mắt lắm. Với lại chủ yếu là ngồi trực tại chốt. Các anh thì đôn đáo mọi nơi, bất kể ngày đêm, mưa nắng, nên cần giữ sức khỏe hơn để dân được nhờ…”.

Nói về hàng rào cứng ở ngách, ngõ thuộc Tổ dân phố 18 chúng tôi cũng khá đa dạng; ngõ, ngách ở các tổ dân phố khác cũng vậy. Nếu ngõ nào, ngách nào thông, có hai “cửa” đi lại thì rào kín một “cửa”, người dân chỉ đi về, ra vào ở “cửa” còn lại. Ở các “cửa” đó đều bố trí chốt phòng dịch, do các thành viên của Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng và người dân tình nguyện tham gia trực chốt. Rào ở chốt đó chỉ là một thanh barie, nhưng chắc lắm!

Vâng, ngẫm về hàng rào chống dịch Covid ở ngách, ngõ chúng tôi thật yên lòng. Cựu chiến binh Trần Văn Xuyên; bác Bùi Ngọc Bình, Bí thư chi bộ; anh Trịnh Thanh Hà, Tổ trưởng; bác Trịnh Hữu Lợi, Tổ phó; bác Ngô Đình Quyền - Phó bí thư chi bộ, chi hội trưởng CCB, tổ dân phố 18; bác Lê Thị Hoàn, Tổ trưởng tổ liên gia 11; Thiếu tá Nguyễn Hữu Hải, Công an phường Ngọc Thụy (khu vực tổ dân phố 17-18)… Đều là những thanh dọc, thanh ngang bằng tre già, bằng lim, bằng táu; còn “hàng rào” trong lòng, trong tinh thần họ phải là bằng chất liệu đặc biệt, siêu bền, chung đúc kết tụ lòng dân, bằng quyết tâm và ý chí phòng dịch, vì bình an phố phường.

...đến phố phường

Đấy mới là “rào” kháng dịch ở ngách, ngõ của tôi, còn phạm vi cả phường Ngọc Thụy, cả quận Long Biên thì “Rào phố kháng dịch” tạo thế trận “thiên la địa võng” ở cấp độ cao, linh nghiệm và vững chắc. Tân Chủ tịch phường Nguyễn Tiến Dũng vừa nhậm chức thì làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến nhiều địa phương trong cả nước. Mặc dù Ngọc Thụy không phải là vùng cam, vùng đỏ, nhưng thấu hiểu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, anh đã nhanh chóng làm quen, bắt tay vào mọi công việc, cùng Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các đoàn thể thực hiện hiệu quả, an toàn “mục tiêu kép”. Anh rất tâm đắc và tâm huyết trong xây dựng hàng rào kép hữu hình và vô hình phòng dịch. 3 vành đai, 6 lớp “rào” kháng dịch đã và đang vận hành linh hoạt, có độ tin cậy cao. Công an, quân sự, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ phường… luôn sát cánh bên nhau ở những chốt cứng, chốt di động và tổ xung kích phòng dịch. Hệ thống truyền thanh phường và ở các tổ dân phố hoạt động rất “trơn tru”, hiệu quả, góp phần tích cực trong tuyên truyền, xây dựng hàng rào lòng dân vững chắc.

“An sinh tốt” để “An dân vững”, cả hệ thống chính trị ở Ngọc Thụy luôn thực hiện tốt điều này. Với hơn 4 vạn dân và gần 1.000 người ở trọ, lao động tự do đang “mắc kẹt” trên địa bàn thì giải quyết vấn đề an sinh là một bài toán cực khó. Ngọc Thụy đã giải quyết từng bước và thành công. Các tổ dân phố ra soát từng hộ, từng nhà, kể cả người trọ, người mắc kẹt để đề nghị phường, các tổ chức giúp đỡ. Các đối tượng được hưởng theo các “gói an sinh” của Chính phủ và TP Hà Nội, được thực hiện nhanh gọn, chính xác, công khai. Cùng với chăm lo, chi viện của trên, phường Ngọc Thụy đã vận động, phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ những hộ khó khăn, yếm thế. Nhiều rau, củ, quả, các mặt hàng thiết yếu được người dân trực tiếp mang đến Hội trường Ủy ban hỗ trợ, sau đó Đoàn thanh niên tỏa đi các ngả trao tận tay các đối tượng khó khăn cần giúp đỡ.

Gia đình ông Nguyễn Tuấn Linh, ở ngách 8, ngõ 344 đã giảm sâu tiền thuê phòng trọ cho mọi người. Vợ chồng ông cũng tích cực chăm sóc vườn rau trên sân thượng tầng 5 để có rau an toàn, ít phải đi chợ, đồng thời tặng ngay những hộ ở trọ nhà ông, thật quý.

Để tôi hiểu tổng thể “bản đồ tác chiến” phòng, chống dịch của Ngọc Thụy, Chủ tịch phường đã mời tôi tham gia đoàn công tác “xung kích” của Thành đoàn, Quận đoàn, Đoàn phường và Công ty cổ phần Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) thăm và hỗ trợ người dân xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng.

Tuổi trẻ phường Ngọc Thụy và Công ty Cổ phần Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) tặng quà người dân xóm Phao

Xuống bãi giữa sông Hồng, tôi thêm cảm mến Bí thư đoàn phường Ngọc Thụy - anh Trương Phi Long và các bạn trẻ trong màu áo xanh tình nguyện. Họ đã tham mưu đúng cho Đảng ủy, Ủy ban phường và Đoàn cấp trên để đến với “ốc đảo” này.

Xuống xóm Phao, tôi thật cảm kích trước nghĩa tình của Công ty cổ phần Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận. Giám đốc chi nhánh miền Bắc, Phạm Thúy Dung và các bạn trẻ của công ty trong sắc áo vàng tươi đã đến với người dân yếm thế xóm Phao bằng tấm lòng vàng, bằng những món quà rất thiết thực, ý nghĩa - món quà từ TP Hồ Chí Minh, nơi mà dịch bệnh đang hết sức nghiệt ngã, cam go.

Đón nhận tấm lòng, món quà từ các bạn áo vàng, áo xanh, bà con bãi giữa, xóm Phao cảm động lắm. Ông Nguyễn Đăng Được thay mặt người dân nơi đây bày tỏ lòng cảm kích:

Chúng tôi ở tứ xứ tá túc về đây, nhờ phù sa và nước sông Hồng, người sống trên bãi, người sống dưới phao, nhưng cuộc sống thì nhà ai cũng bấp bênh, chìm nổi như những nhà phao dập dềnh theo sóng nước. Bình thường chúng tôi đã khó khăn, thời dịch Covid, phải giãn cách xã hội, khó khăn của chúng tôi càng thêm chồng chất. Hôm nay 35 hộ dân chúng tôi nhận được món quà quý từ miền Nam, của phường Ngọc Thụy, thì rất mừng và cảm động. Món quà này giúp chúng tôi bớt đi khó khăn trong cuộc sống, còn tinh thần thì động viên chúng tôi thật nhiều. Người bãi giữa, xóm Phao chúng tôi tự nhủ - trước phòng chống dịch đã tốt, nay càng phải tốt hơn…

Hàng rào hữu hình, hàng rào vô hình; hàng rào trên cạn, hàng rào dưới sông; hàng rào cứng, hàng rào “mềm”… tạo nên thế trận của “rào phố kháng dịch”, luôn chặt ngoài vững trong, để Ngọc Thụy luôn là vùng xanh an toàn tuyệt đối trên bản đồ Covid Hà Nội. Thật đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đúng với “chiến tranh nhân dân”, hình thành thế trận toàn dân, hàng rào thế trận lòng dân kháng dịch thật vững chắc. Việc gì ở đây cũng được giải quyết nhanh, hợp lý.

Trước đây tôi đã nghe khá nhiều người nói vui vui “Hà Nội không vội được đâu”. Nay chiếu vào tinh thần, tổ chức và hành động trong phòng, chống đại dịch Covid-19 ở phường Ngọc Thụy, nhìn rộng ra là cả quận Long Biên và cả TP Hà Nội, thì ai nói lại câu đó, tôi nghĩ là đã lỗi thời, kể cả nói thật hay nói vui. Bởi nếu lãnh đạo thành phố và cả hệ thống chính trị TP Hà Nội không mau lẹ, kịp thời, lực lượng tuyến đầu không thiện chiến, người dân không đồng lòng thì làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư này đã bùng phát, càn quét Thủ đô của chúng ta rất khủng khiếp rồi.

Mong câu nói trên mãi mãi bị chôn vùi vào dĩ vãng. Và xin được thay bằng câu, trước hết và trên hết là áp vào phòng, chống đại dịch hiện nay “Hà Nội không vội, là có tội với dân”. Xin ngỏ thêm mấy lời, đồng nghĩa tương đối với “không vội” ở đây là “bình chân như vại” và “nước đến chân mới nhảy”. Nghịch nghĩa với “không vội” là mau lẹ, kịp thời… Bây giờ thì người ta hay dùng cụm từ “ngay và luôn”, nhưng xin nhớ cho - cũng là các cụ ta dạy thôi mà “nhanh ẩu đoảng thật là hư”.

Bài và ảnh: TÔ THÀNH TUYÊN