Một chiều tháng Bảy, Hà Nội trút xuống một cơn mưa dai dẳng, khiến không gian bên trong căn hộ nhỏ trên đường Nguyễn Tuân (phường Thanh Xuân) cũng trở nên tĩnh lặng lạ thường. Ngồi đối diện tôi, người đàn ông có vóc dáng nhỏ, nụ cười hiền hậu và chỉ còn lại một cánh tay. Đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh. Giọng ông trầm ấm, chậm rãi, như thể mỗi lời nói đều được chắt chiu từ một miền ký ức sâu thẳm.

“Tháng Bảy về, lòng tôi lại hay nhớ về đồng đội, về những người đã hy sinh” ông bắt đầu câu chuyện. “Một tâm trạng nhớ thương, luyến tiếc, chứ không phải sụp đổ vì mất mát”. 

Ký ức một thời hoa lửa

Đáp lời non sông, năm 1966 chàng thanh niên 16 tuổi - Bùi Đăng Thanh đã "xếp bút nghiên lên đường", hòa vào dòng người ra trận. Những năm tháng tuổi trẻ của ông đã ở lại nơi chiến trường Tây Nguyên khốc liệt trong vai trò một người lính trinh sát gan dạ của Trung đoàn 66 anh hùng. Bên cạnh những trận đánh ác liệt, những ký ức hằn sâu nhất trong tâm trí người lính già lại là những khoảnh khắc đậm tình người bên đồng đội.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh - thương binh Bùi Đăng Thanh vẫn miệt mài bên cạnh chiếc bàn làm việc nhỏ. 

“Kỷ niệm sâu sắc nhất là những buổi tiễn biệt không lời trước mỗi chuyến đi trinh sát, không hẹn ngày về”, ông bồi hồi kể lại. “Chỉ là một vài cử chỉ như ôm nhau, có thể là cái ôm lâu hơn bình thường… rồi rủ rỉ với nhau những lời dặn dò, gửi gắm cả gia đình, quê hương cho người ở lại, bởi không ai biết chắc sau lần chia tay ấy có còn nhìn thấy nhau không”.

Sự khốc liệt của chiến tranh không chỉ là bom đạn, mà còn là những gian khổ đến tận cùng. Ông kể về nỗi ám ảnh của cơn sốt rét rừng, về những bộ quần áo rách bươm sau vài năm chinh chiến. Nhưng có lẽ, không có gì kinh khủng bằng “đói muối”. “Đói cơm chưa bằng đói muối”, ông nhớ lại. “Đói cơm thì còn nhặt rau, nhặt cỏ, đào củ mà ăn. Nhưng muối thì không có gì thay thế được. Mấy ngày không có muối, chân tay bủn rủn, đi không nổi”.

Và rồi, cái ngày định mệnh ấy cũng đến. Đúng ngày 21 tháng Chạp năm 1971 (ngày 6-2-1972)  trong trận đánh mùa khô ác liệt, một quả đạn cối đã nổ ngay trước mặt người lính trẻ. “Nếu ngóc cao tí nữa là coi như xong. May làm sao nó chỉ phạt mất một đoạn tay này, xương quay không còn nữa. Mạch máu đứt luôn… Tay phải của tôi bị thương nát bét. Quả lựu đạn chưa ném được, vẫn đang trên tay, tôi gục xuống”, ông kể lại.

Sau đó là chuỗi ngày đau đớn ở trạm phẫu, ông phải chịu cảnh “khâu sống” bốn mũi chỉ mà không có thuốc tê hay thuốc kháng sinh. Chiến tranh đã kết thúc với người lính Bùi Đăng Thanh, nhưng một cuộc chiến mới, thầm lặng và dai dẳng hơn, chỉ vừa mới bắt đầu.

Cuộc chiến không tiếng súng và kỷ luật người lính trinh sát

Trở về từ chiến trường với tấm thẻ thương binh hạng 3/4, tỷ lệ thương tật 57%, cuộc đời ông tưởng chừng đã rẽ sang một lối đi đầy bóng tối. Ý nghĩ mình còn sống là còn may mắn hơn biết bao đồng đội đã nằm lại thôi thúc ông phải sống một cuộc đời thật trọn vẹn, thật ý nghĩa, sống cho cả phần của họ.

Ông Thanh hiểu rằng, để sống một cuộc đời đàng hoàng, dứt khoát phải học hành. Dù chỉ mới học hết lớp 7, với một cánh tay còn lại, ông quyết tâm làm lại. Những ngày đầu tiên là cuộc vật lộn với chính mình, với những nét chữ nguệch ngoạc không theo ý muốn trên trang giấy. Đã có những lúc bất lực tưởng chừng muốn buông xuôi, khi những ngón tay trái vụng về không thể điều khiển cây bút. Nhưng rồi, chính sự kỷ luật thép của người lính trinh sát đã giúp ông chiến thắng. “Người lính trinh sát cho tôi cái chất cẩn thận, từng bước, từng quy trình. Cái kỷ luật của người lính trinh sát rất đặc biệt”. Đức tính ấy đã giúp ông kiên trì từng nét chữ, vượt qua nỗi đau và mặc cảm để chinh phục con đường học vấn và đến tận sau này còn giúp ông trở thành một người thầy, một nghệ sĩ nghiêm túc với nghề.

Khi đau thương hóa thành đam mê - Triết lý “trồng hoa”

Khi những vết thương thể xác dần lành lại, ông đối mặt với những vết sẹo vô hình trong tâm hồn. Và rồi, như một cơ duyên, nhiếp ảnh đã đến với người thương binh trẻ. Đó là một lựa chọn táo bạo, bởi nghề ảnh vốn đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay. Chỉ với một cánh tay còn lại, ông loay hoay với chiếc máy ảnh nặng trịch, tự mình mày mò cách lên phim, chỉnh nét, bấm máy.

Nhiếp ảnh dần trở thành một liệu pháp tinh thần kỳ diệu. Tiếng màn trập rung lên như xua tan đi sự tĩnh lặng của mặc cảm. Mỗi lần giơ máy lên, ông như quên đi mọi nỗi đau. Chính trong những ngày tháng ấy, triết lý sống của ông được hình thành. “Hãy trồng thật nhiều hoa để bớt đi sự chen lấn của cỏ dại”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh giải thích: “Mình cứ trồng hoa thì những suy nghĩ tiêu cực, việc làm tiêu cực bớt đi. Mà bớt thì chỉ có đẹp thôi”.

Ông chọn cái đẹp của thiên nhiên, của những đóa hoa tinh khôi, của biển đảo quê hương hùng vĩ để chống lại những mảng tối của quá khứ. Với ông, nhiếp ảnh không chỉ là kỹ thuật, mà phải là sự rung động sâu sắc. Và có lẽ, triết lý “không sống đẹp, không thể làm ra tác phẩm đẹp” đã trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp sáng tác của ông.

Những tác phẩm của nghệ sĩ Bùi Đăng Thanh là minh chứng rõ nét cho tinh thần đó. Với “Bến lở” được chụp năm 1999 là một trong những tác phẩm mang giá trị riêng biệt trong lòng ông - một kỷ niệm không thể quên. Giữa khung cảnh dữ dội của thiên nhiên, ông bất chợt bắt gặp hình ảnh một thôn nữ áo hồng đặt gánh cỏ trên bờ rồi lội xuống bến sông vớt nước rửa mặt. Để ghi lại khoảnh khắc ấy trọn vẹn ông đã không ngần ngại trèo lên mố cầu đang xây dựng giữa dòng nước cuồn cuộn để có được góc máy từ trên cao. Khoảnh khắc ấy, với vẻ đẹp dịu dàng, bình yên của con người, đã làm mềm đi sự hung bạo của đất trời, tạo nên một tác phẩm đầy chất thơ…

Người lính tiếp tục phụng sự qua ống kính

Nhiếp ảnh không chỉ giúp ông chữa lành, mà còn trở thành con đường để ông tiếp tục phụng sự Tổ quốc. Ông đã có hai lần may mắn được ra Trường Sa. Với một người lính đã từng đổ máu vì non sông, chuyến đi ấy không đơn thuần là hành trình khám phá, trải nghiệm, mà là sự kết nối đầy cảm xúc. “Khi ra đến đấy thì thấy Tổ quốc mình thiêng liêng lắm”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh chia sẻ.

Lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh giữa biển trời Trường Sa. Với người lính già, mỗi chuyến đi là một lần sống lại cảm xúc thiêng liêng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ống kính của ông không chỉ ghi lại vẻ đẹp hùng vĩ của biển trời, mà còn bắt trọn những khoảnh khắc đời thường của những người lính trẻ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền. Đó là nụ cười rạng rỡ sau giờ tuần tra, là ánh mắt rắn rỏi hướng về phía chân trời, là những mầm rau xanh mơn mởn được chắt chiu vun trồng trên mảnh đất cằn cỗi. Mỗi bức ảnh là một lời khẳng định, một sự tri ân sâu sắc đến những người đồng đội thế hệ sau.

Không chỉ có biển đảo, những vùng biên cương địa đầu Tổ quốc cũng in dấu chân không mỏi của người nghệ sĩ – cựu chiến binh Bùi Đăng Thanh. Ông rong ruổi trên chiếc xe máy, vượt hàng ngàn cây số để đến với những cột mốc nơi Hà Giang, Điện Biên. “Mỗi lần đến biên giới, đứng bên cột mốc chủ quyền mới càng thấy Tổ quốc thật thiêng liêng” - ông nói về cảm xúc của mình. Chiếc máy ảnh lúc này không còn đơn thuần là công cụ sáng tác, nó trở thành một thứ “vũ khí” mới để ông bảo vệ Tổ quốc theo cách riêng của mình: Ghi lại và lan tỏa vẻ đẹp, sự toàn vẹn của giang sơn, của những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Chân dung người lính biển kiên trung qua ống kính của người nghệ sĩ thương binh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Người thầy không ngừng học hỏi

Bằng nỗ lực phi thường, người thương binh Bùi Đăng Thanh đã trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh được công nhận, với nhiều tác phẩm đoạt giải và được triển lãm ở cả trong và ngoài nước. Nhưng có lẽ, vai trò mà ông tâm đắc nhất chính là làm thầy. Từ việc tự học để dạy điêu khắc cho đến trở thành giảng viên nhiếp ảnh ở nhiều trường đại học, ông luôn mang một tâm niệm: “Tôi dạy học là để tôi được học. Bởi vì không học không thể dạy được”.

Ông nghiêm túc với việc dạy như cách một người lính trinh sát thực hiện nhiệm vụ: Bài bản, cẩn thận và luôn chuẩn bị kỹ lưỡng. “Đã dạy học thì phải có giáo trình, giáo án”, ông khẳng định. Chính sự nghiêm túc đó đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học trò, giúp họ không chỉ học về kỹ thuật mà còn học về thái độ sống và làm nghề.

Nghệ sĩ Bùi Đăng Thanh chia sẻ về các tác phẩm của ông. 

Với các bạn trẻ, ông nhắn gửi một cách chân thành: “Trước hết là phải suy nghĩ trước khi hành động. Suy nghĩ các vấn đề cuộc sống mà tác động đến bản thân mình và sau đó là hành động. Và trong cuộc sống, mình sống rất cần cái “cảm”. Cái cảm của con người rất quan trọng, cảm cái yêu thương, cảm nhận được những giá trị của cuộc sống”.

Câu chuyện của nghệ sĩ Bùi Đăng Thanh là một minh chứng sống động rằng, người cựu chiến binh không chỉ là người mang vết tích chiến tranh, mà còn là người tiếp tục cống hiến trong hòa bình. Hình ảnh người thương binh - nghệ sĩ với một cánh tay và chiếc máy ảnh đã trở thành tấm gương cho sức sống mãnh liệt, cho tinh thần thép và lòng yêu nước nồng nàn. Những người như ông chính là những đóa hoa kiên cường, rực rỡ đã mọc lên từ chính những vết thương của thời gian, tiếp tục tô thắm và lan tỏa hương thơm cho cuộc đời.

Bài, ảnh: QUỲNH TRANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.