QĐND - Thung lũng Asho (A Lưới, Thừa Thiên Huế) được coi là vùng đất chết. Khí hậu khắc nghiệt, chất đất cao lanh nhiều tầng đã làm biết bao kỹ sư nông nghiệp đầy nhiệt huyết đến với vùng đất gian khó này nản lòng. Thành công ban đầu từ mô hình trồng lúa năng suất cao của lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 92 đã mang lại tín hiệu khả quan với đời sống đồng bào Tà Ôi, Ka Tu vốn một lòng theo Đảng, Bác Hồ…

Ruộng lúa Đoàn KT-QP 92!

Mặt trời vừa ló khỏi đỉnh núi, bà con bản Ba Lạch (xã Hương Lâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã gọi nhau đi xem “ruộng lúa Đoàn KT-QP 92” thu hoạch vụ đầu tiên... Nhìn những bông lúa vàng trĩu hạt, đều tăm tắp ai cũng trầm trồ thán phục. Bởi lâu nay cây lúa do bà con dân bản trồng  cứ còi cọc, vụ được, vụ mất.

Anh Hồ Xuân Trăng, trưởng thôn Asho 1 cho chúng tôi biết:
- Đất ở đây cằn cỗi  dân bản lại chưa biết chăm sóc lúa nên năng suất bình quân chỉ đạt hơn 1 tạ/sào. Vụ nào mưa gió thuận hòa lúa còn cho hạt thóc, chứ thời tiết hạn hán thì có khi mất trắng.

Sau phần rút kinh nghiệm đầu bờ giữa Phòng Nông nghiệp huyện A Lưới với Đảng ủy, UBND xã Hương Lâm, lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan Đoàn KT-QP 92, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện bắt tay vào gặt lúa. Năng suất giống lúa mới X23 trên diện tích 2 sào đạt hơn 700kg, gấp 3 lần năng suất bà con trồng lúa lâu nay.

Người vui nhất với thành quả trên là kỹ sư trẻ Dương Thị Hoài, người trực tiếp đưa ra ý tưởng, tổ chức lực lượng cải tạo đất, gieo trồng và chăm sóc. Bao nhiêu trăn trở, công sức, tâm trí, mồ hôi đổ xuống mảnh ruộng này của Hoài giờ được đền đáp xứng đáng. Vui hơn nữa từ mô hình của Hoài, bà con các bản nơi thung lũng Asho có thể học tập, áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống. Cô gái đến từ quê hương Hà Tĩnh phấn khởi cho biết:

- Chất đất khô cằn, háo nước em không sợ; vất vả lại càng không. Em sợ nhất những cơn mưa dài lê thê. Mưa làm côn trùng, sâu bệnh phát triển nhanh chóng, trở thành dịch bệnh, rất khó can thiệp. Cứ sau mỗi cơn mưa, em lại “bám” ruộng lúa mấy ngày liền. Nhờ thế mà dịch bệnh đạo ôn, sâu đục thân vừa xuất hiện đã được ngăn chặn kịp thời, bảo đảm cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Ai cũng hiểu niềm vui mà Hoài và bà con bản Ba Lạch đang thụ hưởng là những tháng ngày vất vả, lăn lộn với dự án của lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 92. Từ cải tạo chất đất đến áp dụng đúng chu trình khoa học vào gieo cấy, chăm sóc lúa. Thế nhưng hơn cả là nhiệt huyết, sự đồng cảm với đời sống vô cùng khó khăn của bà con vùng quê cách mạng năm xưa. Điều đó là động lực thôi thúc Hoài và trí thức trẻ tình nguyện quyết tâm hơn. Ròng rã hơn 4 tháng phấp phỏng, lo âu, hy vọng, công sức của lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 92 cũng được hưởng quả ngọt. Ngày thu hoạch lúa, bà con trong bản gọi vui đó là “Ruộng lúa Đoàn KT-QP 92”.

Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 92 thu hoạch vụ lúa đầu tiên ở thung lũng Asho.

Không để người đi, mô hình cũng đi theo

Có một khó khăn mà khi lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 92 đặt vấn đề với bà con thí điểm trồng lúa năng suất cao là chẳng mấy ai mặn mà. Không phải bà con ngại khó, ngại khổ mà cái chính là dân bản thiếu niềm tin vào các mô hình thí điểm. Trước đây huyện, tỉnh có nhiều dự án trồng thí điểm, khi đến làm thì hiệu quả tốt nhưng việc chuyển giao kỹ thuật cho bà con chưa đầy đủ nên người của dự án rời địa phương cũng là lúc dự án sống trong thoi thóp và chết yểu… Thực tế này đặt ra cho lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 92 yêu cầu cấp bách là vừa làm vừa chuyển giao kỹ thuật tới đồng bào. Thượng úy Nguyễn Trường Sơn, trợ lý kế hoạch, Phòng Tham mưu Đoàn KT-QP 92 cho biết: “Khi đặt vấn đề với hộ dân, nhiều người lắc đầu, bởi họ sợ lại rơi vào thực trạng của những mô hình trước đây. Quá trình thuyết phục chúng tôi đã kiên trì và chọn hộ ông Quỳnh Hà làm thí điểm”.

Rút kinh nghiệm từ những mô hình làm thí điểm từ khi cải tạo đất, chọn giống đến chăm sóc lúa, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện đều mời các thành viên trong gia đình bác Quỳnh Hà và bà con cùng tham gia lao động. Quá trình lao động, trí thức trẻ tình nguyện đã hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật, cách làm từng công đoạn như: Bón vôi khử độ chua phèn; ủ cây xanh làm phân vô cơ để tăng hàm lượng dinh dưỡng cũng như độ tơi xốp cho đất hay bón phân lân để kích thích cây phát triển rễ; bón đạm tăng cường khi lúa đẻ nhánh…

Bác Quỳnh Hà chia sẻ:

- Lúc đầu khi cán bộ Đoàn KT-QP 92 hướng dẫn, pả (bố) thấy khó tiếp thu quá nhưng nó hướng dẫn pả nhiệt tình nên cũng học được nhiều. Giờ thì pả có thể tự làm được rồi, chỗ nào khó thì lại nhờ cán bộ giúp đỡ. Chứng kiến ruộng nhà mình do cán bộ Đoàn KT-QP 92 cấy cho nhiều lúa hơn mọi khi, pả mừng lắm và tin rằng vụ sau mình sẽ làm được như thế.

Với tinh thần xây dựng mô hình mang tính bền vững giúp bà con xóa đói giảm nghèo, Đoàn KT-QP 92 đã chỉ đạo lực lượng trí thức trẻ tình nguyện làm đến đâu chắc đến đó. Đại tá Nguyễn Hữu Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 92 cho biết: “Chúng tôi yêu cầu lực lượng tham gia triển khai mô hình phải hướng dẫn, phân tích rõ để nhân dân hiểu tại sao phải làm như thế, tuyệt đối không được làm thay. Nếu dân bản chưa hiểu thì cầm tay chỉ việc đến khi nào họ thành thạo thì thôi. Có như vậy khi mình rút đi, bà con có thể tự đảm nhiệm được công việc”.

Sau thành công mô hình trồng lúa giống mới năng suất cao ở bản Ba Lạch, thời gian tới Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 92 sẽ tiếp tục hỗ trợ để lực lượng trí thức trẻ tình nguyện sẽ giúp dân mở rộng diện tích. Và, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 92 đã sẵn sàng mang thêm niềm vui đến với dân bản cùng niềm tin no ấm, đủ đầy…

Bài và ảnh: Đức Dục - Sơn Trường