Làng nghề Từ Vân cách thủ đô Hà Nội khoảng 30 km về phía Nam, nơi đây được biết đến là địa chỉ duy nhất chuyên sản xuất cờ Tổ quốc cho cả nước. Tìm đến làng Từ Vân vào một ngày cuối tháng 8 để tìm hiểu kỹ hơn về các công đoạn làm ra một lá cờ đỏ sao vàng, tôi may mắn được trò chuyện với ông Đặng Hồng Hưởng, chủ của một cơ sở sản xuất cờ lâu năm.

Thổi “hồn” cho lá cờ Tổ quốc

Trò chuyện với tôi, ông Hưởng cho biết: “Nghề làm cờ Tổ quốc ở Từ Vân có từ năm 1945. Nghề này ở làng chủ yếu là cha truyền con nối, các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau. Tuy nhiên, hiện nay, trong làng chỉ còn 2 nhà làm cờ. Tại đây, cờ được thiết kế với nhiều loại và nhiều kích cỡ khác nhau nhưng phổ biến hơn cả là cờ in có kích thước 0,8m x 1,2m. Bên cạnh những lá cờ Tổ quốc, người dân trong làng còn sản xuất cả cờ Đoàn, cờ Đội, băng rôn, khẩu hiệu... Những sản phẩm cờ Tổ quốc do gia đình tôi tạo ra được phân phối trên khắp các thị trường trong nước, nhưng nhiều nhất là khu phố cổ, trong đó có Hàng Mã, Hàng Lược... Để làm ra một lá cờ Tổ quốc, người thợ làm nghề sẽ trải qua các công đoạn, đó là: Pha vải, đo, cắt, chèn sao… Trong đó, khó nhất chính là khâu đính sao vàng ở chính giữa. Để làm được một lá cờ đẹp và chỉn chu, người thợ phải căn chỉnh cho ngôi sao thật ngay ngắn, cân đối".

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Thiết tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ bên khung thêu. 

Nếu như trước đây, các công đoạn làm ra một lá cờ đều được người dân trong làng làm hoàn toàn thủ công thì giờ đây, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người làm nghề đã đưa vào trong quá trình sản xuất một số máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy may, máy thêu, máy cắt vải bằng laser... Nhờ có sự hỗ trợ của các máy móc, thiết bị, năng suất làm việc đã được cải thiện đáng kể. Sản phẩm làm ra cũng đạt được độ chính xác cao hơn, sắc nét hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. 

Cũng theo ông Hưởng, người làm nghề ở Từ Vân bận rộn nhất vào dịp chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc như: Tết dương lịch, Tết nguyên đán, Quốc khánh, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; các sự kiện thể thao, đặc biệt là các giải bóng đá. Mỗi lần đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu ở đấu trường quốc tế, không khí làm việc tại làng nghề lại sôi động hơn hẳn. Vào những dịp như vậy, hầu hết các cơ sở sản xuất phải tuyển thêm nhân công, đẩy nhanh tiến độ để phục vụ nhu cầu của người dân. 

“Mặc dù phải chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành các đơn hàng, nhưng tôi cũng như các nhân công luôn ý thức được rằng lá cờ là hình ảnh của quốc gia nên phải tuyệt đối cẩn thận, dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu”, ông Hưởng bày tỏ.

Để lá cờ Tổ quốc mãi tung bay

“Cờ in máu mang hồn nước” nên mỗi khi đứng trước cờ Tổ quốc, chắc hẳn mỗi người dân đều cảm nhận được sự thiêng liêng của hồn thiêng sông núi. Ý thức được lá cờ là hình ảnh của quốc gia, thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, mỗi người thợ làm nghề tại làng Từ Vân luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, miệt mài trong những đường kim, mũi chỉ, thêu tận tâm những lá cờ đỏ sao vàng. 

leftcenterrightdel
Quá trình làm cờ Tổ quốc đòi hỏi người thợ luôn phải cẩn thận và chính xác trong từng mũi kim. 

Là một người gắn bó với nghề làm cờ Tổ quốc gần nửa đời người, bà Nguyễn Thị Thiết (71 tuổi) đến nay vẫn miệt mài bên tấm vải đỏ, cần mẫn làm nên những lá cờ mang hồn Tổ quốc. Vừa cặm cụi hoàn thiện những mũi thêu cuối cùng, bà Thiết vừa tranh thủ chia sẻ với tôi về công việc của mình. Bà Thiết cho biết: “Để hoàn thiện một lá cờ Tổ quốc đạt tiêu chuẩn của thị trường, bắt buộc phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Mặc dù công việc này không đòi hỏi phải có kỹ thuật cao nhưng mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Bởi, chỉ cần một cần một thao tác sai, lá cờ Tổ quốc đó sẽ không được sử dụng.

Mất nhiều thời gian và kỳ công là thế nhưng thu nhập từ công việc này lại không cao. Dẫu biết là có khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm theo nghề đến cùng. Bởi đối với tôi, việc tiếp tục gắn bó với nghề không chỉ là để kiếm kế sinh nhai mà còn là trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, giữ lấy màu cờ sắc áo của dân tộc".

leftcenterrightdel
Một số hình ảnh tại cơ sở sản xuất cờ Tổ quốc. 

Mặc dù làng Từ Vân được biết đến là địa chỉ duy nhất còn làm cờ Tổ quốc phân phối cho cả nước, nhưng hiện nay nhân công trong làng chủ yếu là những người có tuổi. Bày tỏ sự lo lắng về sự mai một của nghề làm cờ tại làng, bà Thiết cho hay: "Hiện nay, số lượng người trẻ bám trụ với nghề của cha ông còn rất ít bởi công việc này rất vất vả mà tiền công lại thấp. Tuy nhiên, ý thức được đây là nghề cha ông truyền lại, cũng là niềm tự hào của dân làng Từ Vân nên tôi cũng như nhiều gia đình trong làng luôn cố gắng dạy các con, các cháu làm quen với nghề từ khi còn nhỏ. Hằng năm, vào mỗi kỳ nghỉ hè, tôi lại hướng dẫn các cháu cách thêu cờ và động viên các cháu cố gắng học lấy nghề để giữ gìn truyền thống của làng".

Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, những người thợ lành nghề tại làng Từ Vân vẫn luôn cố gắng kế thừa và giữ gìn nghề của cha ông để lại. Hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới vào những dịp trọng đại của đất nước chính là niềm tự hào và cũng là niềm tin để nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân mãi trường tồn cùng với thời gian.

Bài, ảnh: TRẦN YẾN