Ảnh minh họa. Nguồn: xydnghplc.vn/.
Kể từ khi tỉnh mới Lai Châu được thành lập cho đến nay đã qua 12 mùa lúa chín. Quãng thời gian chưa phải là dài nhưng cũng đủ để miền đất biên cương này có nhiều thay đổi rõ nét. Mấy năm trở lại đây, nhờ có đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai mà du khách đến với Lai Châu đã nhiều hơn và cũng nhiều háo hức hơn. Đó là thuận lợi để tuyến du lịch “vòng cung Tây Bắc” trở nên thu hút. Đó cũng là cơ hội đến với Lai Châu để từ đó tỉnh có những bước đi thích hợp.
Với tác phong nhanh nhẹn và xởi lởi, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu vừa bắt tay chúng tôi vừa nói ngay: “Các nhà báo lên đây công tác, tỉnh chỉ có một đề nghị. Đó là hãy nói về Lai Châu như Lai Châu vốn có".
Thì ra câu nói “bóng bẩy” của người “đồng hương Hà Nội” (đồng chí An vốn là Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tây, rồi làm Bí thư huyện ủy Thanh Oai. Trước khi lên Lai Châu đảm nhận vai trò Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí là Vụ trưởng thuộc Ban Tổ chức Trung ương) lại mang chủ ý khác. Đồng chí Đỗ Ngọc An không muốn nói về Lai Châu với công trình thủy điện vừa khánh thành, đây là một trong ba công trình thủy điện lớn nhất cả nước, mà đồng chí An muốn nói về Lai Châu với những sắc màu đã làm nên tên đất, tên người nơi đây. Một Lai Châu với những nét văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc anh em như Thái, Mông, Lự,… cùng chung sống đoàn kết trên đất này đã và đang đem lại cho tỉnh những giá trị lâu bền và phát triển.
Tỉnh Lai Châu có dãy núi Hoàng Liên Sơn và dãy núi Sông Mã chạy qua, với nhiều đỉnh núi cao từ 1.500m trở lên, quanh năm mây mù che phủ, khí hậu mát lành. Trong đó phải kể đến các đỉnh núi cao như: Phan Xi Păng cao 3.143m, Pu Ta Leng cao 3.096m và Bạch Mộc Lương Tử cao 3.046m. Ở giữa hai dãy núi đó là vùng đất thấp tương đối rộng lớn với nhiều cao nguyên đá vôi. Tất cả những đặc điểm địa hình đó đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên vừa hùng vĩ lại vừa thích hợp cho du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá và du lịch cộng đồng.
Xã Bản Hon, huyện Tam Đường là địa phương đầu tiên chúng tôi xuống cơ sở. Tiết trời Tây Bắc đã nắng hanh, nắng đang trải màu vàng nhẹ lên khắp các nương chè. Trải ra trước mắt chúng tôi là những vạt đồi lúp xúp vốn trước kia chỉ rặt cỏ với sim, mua thì nay ngập trong màu xanh của lá chè. Người Bản Hon từ khi có thêm cây chè thì tập tục lao động đã có nhiều thay đổi, đời sống khấm khá hẳn lên, tạo thêm thuận lợi cho việc xây dựng nông thôn mới.
Toàn xã có 9 bản thì chỉ có một bản là người Mông, còn lại đều là bản người Lự. Bởi thế mới có chuyện xã Bản Hon được gọi là “xã của người Lự”. Bà con người Lự có tập quán ăn cơm nếp và dệt cửi. Tài nghệ dệt may của người Lự khá cao. Mỗi gia đình thường có vài ba khung cửi. Chúng tôi được biết, chị em người Lự một khi chưa mặc đủ trang phục của dân tộc mình thì chưa ngồi vào khung cửi, nhất là chiếc khăn trùm đầu. Họ sẽ thiếu tự tin nếu chưa trùm khăn.
Đặc biệt là người Lự có truyền thống làm ruộng nước, hiện xã Bản Hon có 205ha trồng lúa. Bên cạnh đó còn có các cây công nghiệp khác như: Lạc, chè, thảo quả và cây ăn quả khoảng hơn 250ha. Và hơn 300ha trồng ngô. Thảo nào ngô ở Bản Hon nhìn đâu cũng thấy.
Nói chuyện với chúng tôi bằng một giọng điệu khá vui như thân quen nhau đã lâu, ông Tao Văn Si, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bản Hon, không quên nhắc tới tập tục riêng có của bà con. Ông cho biết: "Về thăm Bản Hon mà chưa được dự Lễ “Cấm bản” hay gọi là Lễ “Căm Mường” thì kể cũng tiếc". Bên kia dòng Nậm Hon chảy ngang rìa bản có một khu rừng nhỏ, ở đó có một cây sanh cổ thụ sum sê cành lá. Theo phong tục lâu đời, người Bản Hon mỗi năm có hai lần làm Lễ "Cấm bản". Lễ thứ nhất được chọn vào dịp mồng 3 tháng 3 âm lịch và lễ thứ hai được làm vào mồng 6 tháng 6 âm lịch. Điểm chung của hai lễ này là vào dịp đó, bản sẽ được “cấm”. Người trong bản không ai đi đâu khỏi bản. Người nơi khác đến dịp đó sẽ không được vào bản. Ai lỡ bước chân vào bản trước rồi thì phải đợi xong lễ mới được ra. Vào ngày làm lễ, các gia đình cùng tiến hành làm cỗ cúng thần linh. Những mâm cỗ đều bắt buộc phải chế biến và nấu nướng ngay trong rừng và cúng xong sẽ được ăn ngay trong rừng. Tất cả mọi người trong bản đều ăn chung ở đó.
Lễ "Cấm bản" tiến hành vào dịp mồng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây là lễ dâng tế vật tế thần sông, thần núi, thần khe, thần rừng nhằm phù hộ cho bà con dân bản ăn nên làm ra, điều dữ qua đi, điều lành sẽ tới và nguyện cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu.
Còn lễ "Cấm bản" tiến hành vào mồng 6 tháng 6 âm lịch lại mang dáng dấp như lễ cúng “thập vạn chúng sinh” của người Kinh. Chỉ khác là bà con làm cơm cúng cho những người chết rừng, chết suối, chết không ai chôn cất hoặc không có người cúng giỗ, gọi là cúng “ma cơ nhỡ”. Đó là nét sinh hoạt tâm linh rất nhân văn của người dân tộc Lự. Điều đáng nói thêm là tuy làm lễ có cúng có thờ nhưng bà con lại loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan và thay vào đó là đề cao vai trò sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng, làm tăng thêm tính gắn kết mọi người dân trong bản.
Ấn tượng về Bản Hon, về tục “cấm bản” và về tục “nhuộm răng đen” của đàn bà Lự còn chưa thôi vương vấn thì chúng tôi lại phải “để tâm” đến một ấn tượng khác.
Nằm ở độ cao hơn 1.500m trên dãy Hoàng Liên Sơn, xã Sin Suối Hồ thuộc huyện Phong Thổ, một địa bàn mà khi đặt chân lên đây chúng tôi có cảm giác như mình đang được sống giữa một "Sa Pa” của Lai Châu. Xã Sin Suối Hồ có khí hậu vùng núi cao nên mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì rất lạnh, đôi khi xuất hiện băng giá và tuyết. Nhưng lại rất thuận tiện cho việc nghỉ dưỡng và trồng hoa ôn đới.
Tầm này cũng đang vào mùa lúa chín. Ruộng bậc thang Sin Suối Hồ được xếp vào hàng những ruộng bậc thang đẹp và rộng lớn, được ví sánh ngang với ruộng bậc thang Mù Cang Chải bên tỉnh Yên Bái. Xã có 11 bản, riêng bản Sin Suối Hồ có 100% người Mông. Xã có 760 hộ dân và hơn 4.400 nhân khẩu.
Có phải vì điều kiện như thế mà nơi đây đã nhanh chóng hình thành điểm du lịch với những ngôi nhà được dành cho du lịch cộng đồng mang tên “homestay”. Hiện toàn bản đã có 18 homestay luôn rộng cửa chào đón du khách Việt và du khách người nước ngoài. Đến với Sin Suối Hồ, du khách được trải nghiệm với chính gia đình người địa phương. Du khách cùng ra suối bắt cá, cùng lên nương kiếm rau, cùng vào bếp tự làm những món ăn dân tộc và cùng ăn với gia đình. Đêm thì ngủ lại trên những chiếc giường gỗ mộc mạc.
Và chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được ông Hảng A Xà, một người đàn ông sinh năm 1975 và là người đi đầu trong bản về làm kinh tế hộ, cho biết về bí quyết của bà con nơi đây. Đó là việc “thay đổi tư duy của mình, thay đổi tư duy của bà con trong bản”. Quả tình, khái niệm “thay đổi tư duy” được phát ra từ miệng một người Mông đã cùng dân tộc mình có cả hàng mấy trăm năm sống như “biệt lập” trên những triền núi cao xa thì đúng là ngỡ ngàng thật, nhưng suy cho cùng thì có ai giữ mãi những thói quen cũ lạc hậu đâu.
Cũng theo Hảng A Xà cho biết thì hiện tại, người dân Sin Suối Hồ còn chú trọng trồng và kinh doanh hoa địa lan. Mỗi chậu hoa địa lan bán tại chỗ cho thương lái từ 3-15 triệu đồng tùy chậu. Mỗi năm, mỗi gia đình bán được hàng chục cho tới cả trăm chậu địa lan. Thu nhập cũng từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ.
Đấy là chưa kể đến trồng và bán đào cây. Chúng tôi mới nhớ đến những vạt rừng đầy cây đào. Cứ tưởng đó là cây gì khô lá, ai dè lại là đào chơi Tết. Giống đào rừng Hoàng Liên Sơn mấy năm lại đây khá ăn khách. Người Sin Suối Hồ lại có dịp thu nhập gối lên thu nhập. Đúng là một cách làm rất Sin Suối Hồ, năng động và vô cùng ấn tượng.
Cách làm của Bản Hon, của Sin Suối Hồ nói riêng và của tỉnh Lai Châu hiện nay là rất thiết thực. Việc xây dựng kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở đây không phải là chuyện chuyển nếp sống làng bản vốn có sang nếp sống thị trường hay đua theo mô hình miền xuôi. Tập tục cũ nhưng tốt đẹp rất cần được lưu giữ. Do vậy, những giá trị sẵn có cần được đề cao bằng một cách làm bài bản hơn và có trọng tâm hơn.
Một tỉnh Lai Châu mới với quy mô lớn về diện tích, mạnh về thủy điện và giàu về văn hóa sẽ đem tới những sắc màu rạng rỡ. Tạm biệt Lai Châu, chúng tôi đem về Thủ đô những dư vị ngọt ngào cùng những ấn tượng đáng học hỏi.
Ghi chép của NGUYỄN VĂN TRỌNG