Danh tiếng và những chiến công hiển hách của ông đã được nhiều người biết tới, vang đến tận bên kia bán cầu. Đó là lý do mà nhiều cựu phi công Mỹ muốn gặp lại “huyền thoại bầu trời” Nguyễn Đức Soát để biết vì sao ngày trước máy bay của mình bị bắn rơi.
Bức thư đi tìm nguyên nhân thất bại
“Nếu năm 1995, Việt Nam và Mỹ chưa bình thường hóa quan hệ thì khó có thể tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa các cựu phi công hai nước sau này”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát tiếp tục câu chuyện nhưng chuyển sang chủ đề mới “hòa giải với các cựu phi công Mỹ”.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho rằng, nếu không có bức thư của Đại úy Richard Berry, một cựu phi công Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, thì chắc chắn các cựu phi công Mỹ và Việt Nam chưa thể hóa giải nhiều nghi ngờ. “Đầu tháng 10-2011, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam chuyển cho tôi hai bức thư. Một bức thư của Đại úy Richard Berry gửi Đại tá Tùy viên quân sự Mỹ tại Việt Nam và thư của Tùy viên quân sự Mỹ gửi cho Cục Đối ngoại đề nghị để Đại úy Richard Berry được gặp tôi”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát vào đề.
 |
Trung tướng Nguyễn Đức Soát (thứ hai từ phải sang) cùng vợ chồng cựu phi công John P.Cerak, người bị ông bắn rơi trong trận chiến đấu ngày 27-6-1972. Ảnh: NGUYỄN SỸ HƯNG |
Trong thư gửi Đại tá Tùy viên quân sự Mỹ, Đại úy Richard Berry cho biết, ông hiện là chủ một ngân hàng và là bạn thân của Sam Garry Cordova, phi công bay F-4J bị phi công Nguyễn Đức Soát bắn rơi. Ông Berry bày tỏ muốn gặp phi công Nguyễn Đức Soát và nhấn mạnh cuộc gặp đơn thuần chỉ là hai phi công chiến đấu trao đổi về các chiến thuật áp dụng để bắn hạ máy bay đối phương.
Tối 26-12-2011, tại một nhà hàng ven Hồ Tây, Hà Nội, cuộc gặp giữa phi công Việt Nam Nguyễn Đức Soát và vợ chồng cựu Đại úy phi công Mỹ Richard Berry đã diễn ra. Trong không khí cởi mở, ông Nguyễn Đức Soát đã giải thích lý do vì sao máy bay của phi công Cordova bị bắn hạ. Còn phi công Berry giải đáp câu hỏi đeo đuổi ông Nguyễn Đức Soát hơn 38 năm qua: “Vì sao chiếc F-4J duy nhất của thủy quân lục chiến Mỹ lại bay ra miền Bắc và bị bắn hạ vào ngày 26-8-1972, trong khi lẽ ra nó phải ở miền Nam Việt Nam?”.
Thái độ thiện chí và cởi mở của ông Richard Berry trong buổi gặp gỡ tối 26-12-2011 cùng với thông tin về việc phi công Jack Timblle năm 2012 sang Việt Nam để gặp Thiếu tướng phi công Trần Việt chỉ để chuyển lời cảm ơn của mẹ ông tới phi công Trần Việt rằng: Tuy hạ máy bay nhưng không bắn chết con bà trong trận đánh ngày 27-12-1972, đã thôi thúc Trung tướng Nguyễn Đức Soát lên kế hoạch tổ chức để các cựu phi công hai nước gặp nhau.
5 năm để biến ý tưởng thành hiện thực
Ý tưởng là vậy nhưng cũng phải mất đến 5 năm thư từ trao đổi, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cùng cựu phi công Nguyễn Sỹ Hưng, với sự tham gia tích cực từ Đại tá Charlie Tutt-cựu phi công lái F-4J của thủy quân lục chiến Mỹ từng đóng quân tại căn cứ Chu Lai, Quảng Nam (1967-1968) mới tổ chức được cuộc gặp mặt đầu tiên vào ngày 13-4-2016 tại Hà Nội.
Cuộc gặp này có sự tham dự của 12 phi công Việt Nam, 11 phi công Mỹ và sự hiện diện của Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam, Douglas Pete Peterson, cũng là một phi công lái F-4 từng bị tên lửa phòng không của ta bắn rơi tại Hải Dương. Ngoài việc làm sáng tỏ thêm những tình huống trong các trận không chiến, cuộc gặp còn đạt được mục đích cao cả hơn, đó là hòa giải, đúng với chủ trương của Đảng ta là “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
 |
Các cựu phi công Việt Nam và Mỹ tại cuộc gặp lần thứ hai ở thành phố San Diego, California. Ảnh: NGUYỄN SỸ HƯNG |
Để chuẩn bị cho cuộc gặp thứ hai diễn ra tại Mỹ vào năm sau, Đại sứ Pete Peterson đã hỗ trợ đoàn cựu phi công Việt Nam rất nhiều, từ làm thủ tục visa, hộ chiếu đến lập kế hoạch làm việc cụ thể, chu đáo.
Cuộc gặp thứ hai giữa các cựu phi công Việt Nam và Mỹ diễn ra vào mùa thu năm 2017 trên tàu sân bay Midway tại căn cứ Hải quân Mỹ ở thành phố San Diego, California. Cuộc gặp có chủ đề “Từ không chiến đến hòa giải” thu hút sự tham gia của gần 100 cựu phi công đến từ 50 bang trên khắp nước Mỹ và 700 khán giả, trong đó có hơn 50 Việt kiều đến từ quận Cam. Phía Việt Nam có 12 cựu phi công.
Tại cuộc gặp, một cựu phi công Mỹ đứng dậy hỏi: “Ông Soát đã bắn rơi 6 máy bay của chúng tôi. Vậy ông có ghét người Mỹ không?”. Câu hỏi khá bất ngờ, nhưng cựu phi công Việt Nam Nguyễn Đức Soát vẫn điềm tĩnh trả lời: “Tôi cũng như các ông, vào tình huống nguy hiểm chỉ nghĩ phải bắn rơi máy bay chứ không nghĩ là bắn chết phi công. Đó là điều khác biệt giữa trận chiến bộ binh và trận không chiến”. Lúc đó, tất cả mọi người ở dưới vỗ tay không ngớt.
Cũng trong cuộc gặp này, ông Nguyễn Đức Soát đã gặp Đại úy John P.Cerak, người bị ông bắn rơi trong trận chiến ngày 27-6-1972. Đại úy Cerak kể lại rằng, nếu hôm đó máy bay của ông không bị bắn rơi thì chắc chắn ông đã có một chuyến du ngoạn thú vị trên bầu trời trong một ngày đẹp trời. Câu chuyện của Đại úy Cerak khiến cả hội trường rộ lên tiếng cười vui vẻ.
Cuộc gặp lần thứ 3 giữa các cựu phi công Mỹ và Việt Nam với chủ đề “Từ không chiến đến hòa giải và hợp tác phát triển” đã diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 10-2018. “Chúng tôi đã quyết định chủ đề này, lấy từ ý tưởng của các cựu phi công Mỹ trong lần gặp thứ hai, có bổ sung thêm cho hợp với xu thế phát triển trong quan hệ hai nước”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết. Trong không khí hòa hữu, khép lại chuyện xưa, các chi tiết giải thích cho các tình huống xảy ra hơn 50 năm trước được chia sẻ, những người cựu binh đã cùng ồ, à lên thú vị. Họ chân thành trò chuyện và mong muốn con cháu sẽ không phải chịu cảnh như cha ông đã trải qua.
Sau 3 lần gặp mặt ấy, những cựu phi công từng ở hai bên chiến tuyến giờ trở thành người bạn của nhau, tuy tuổi tác đều đã ngoài 70-80. Dù không thay đổi được quá khứ, nhưng những cựu phi công đều ý thức được trách nhiệm của mình, đó là phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ. Hơn lúc nào hết, họ đang chờ đợi cuộc gặp tiếp theo ngay khi dịch Covid-19 được đẩy lùi.
YÊN BÌNH