Đó là các nữ chiến sĩ của Cục Địch vận, như: Hoàng Thị Nghị, Lê Thị Chính, Phạm Thị Soi, Trần Thị Hải, Trần Thị Chung... Giờ đây, dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, được sum vầy bên con cháu, nhưng các bà, các mẹ vẫn luôn ấm áp tình đồng chí, đồng đội và luôn nhớ về một thời lửa đạn đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng rất đỗi tự hào...

Tri ân các thế hệ cán bộ ngành dân vận, binh-địch vận, hằng năm Cục Dân vận đều cử cán bộ đến thăm một số gia đình chính sách của cục. Những dịp ấy, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động, học được những kinh nghiệm quý, góp phần làm phong phú thêm hành trang của mình trong công tác và cuộc sống.

Theo các đồng chí nguyên lãnh đạo Cục Địch vận, sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, miền Bắc vừa được hưởng không khí hòa bình, những đồng chí được cử vào Nam (“tập kết ngược”) là chấp nhận đi vào nơi gian khổ, đầy hy sinh, thử thách. Trong số họ có đồng chí vợ yếu, con nhỏ, có nữ đồng chí đang có người yêu, chỉ chờ tổ chức đám cưới… Vậy mà khi được giao nhiệm vụ, họ đều sẵn sàng, hào hứng lên đường nhận nhiệm vụ, không mảy may đắn đo, suy nghĩ. Các đồng chí ra đi được giáo dục về tư tưởng và trang bị các nội dung về nghiệp vụ công tác binh-địch vận. Trước khi lên đường, được các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Cục Địch vận mời cơm, động viên. Họ vào Nam bằng nhiều cách: Đi máy bay, đi tàu thủy theo đường di cư; có người vào giới tuyến rồi vượt biển vào Nam…

leftcenterrightdel

Cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Cục Dân vận đến thăm, tặng quà gia đình mẹ Phạm Thị Soi. 

Những cán bộ ưu tú “tập kết ngược” chi viện cho chiến trường miền Nam, làm lực lượng nòng cốt cho phong trào binh-địch vận; phối hợp và trực tiếp tổ chức công tác tuyên truyền vận động, giác ngộ binh sĩ địch…, được Trung ương Cục miền Nam đánh giá cao. Việc “tập kết ngược” cán bộ chi viện cho cách mạng miền Nam trong thời kỳ 1954-1955 có sự tham gia của nhiều ngành, như tình báo, quân báo… Nhưng với Cục Địch vận, đây thực sự là một chủ trương nhạy bén, chủ động tiến công địch, nên được trên nhanh chóng chấp nhận và đánh giá cao.

Đầu tháng 10-1954, đoàn đầu tiên, gồm 3 cán bộ của Cục Địch vận (gồm các đồng chí: Trần Bá, Lê Quốc Chinh và Trương Tế Mỹ) vào Nam Bộ theo đường hàng không, dưới danh nghĩa phái đoàn Việt Nam trong Ủy hội quốc tế. Sau chuyến đi B đầu tiên thuận lợi, Cục Địch vận tiếp tục lựa chọn, huấn luyện rồi đưa cán bộ địch vận vào giúp Khu V và Nam Bộ. Đợt thứ nhất (từ cuối năm 1954 đến tháng 4-1955), cục đã cử vào Nam 36 đồng chí (trong đó, 35 đồng chí là cán bộ quân đội từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn bậc phó; 34 đồng chí là đảng viên, hầu hết đã có kinh nghiệm công tác địch vận trong kháng chiến chống Pháp). Đợt hai, từ tháng 5-1955 đến 7-1958, cục cử tiếp 17 đồng chí đi B...

Trong số những phụ nữ được chọn “tập kết ngược” ngày ấy, có người chưa kịp yêu, có người sắp cưới, nhưng khi được Cục Địch vận giao nhiệm vụ tìm cách bám nắm địch, xây dựng cơ sở nội tuyến, làm nhân mối cho ta, tất cả đều sẵn sàng lên đường, không hề tính toán so đo.

Mỗi người lên đường vào Nam theo cách riêng, người đi máy bay, người xuống tàu “há mồm” trong vai người di cư vào Sài Gòn, rồi phân tán đi các nơi nhận nhiệm vụ. Thời kỳ đầu vào Nam, hoạt động của các chị khá thuận lợi, vừa buôn bán lấy tiền bảo đảm sinh sống cho mình và hoạt động của tổ công tác, vừa tạo được thế hợp pháp, bắt liên lạc được với tổ chức và nắm được khá nhiều nhân mối để xây dựng thành cơ sở nội tuyến của ta trong hàng ngũ địch. Những năm tháng hoạt động trong lòng địch, họ luôn kiên trung, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và trong số đó, 3 người bị địch bắt tù đày nơi "địa ngục trần gian" Côn Đảo. Đó là các nữ chiến sĩ: Hoàng Thị Nghị, Phạm Thị Soi, Trần Thị Hải.

Mẹ Hoàng Thị Nghị từng có 30 năm liên tục công tác trong quân đội, trong đó 20 năm công tác ở miền Nam, hoạt động nội tuyến, làm công tác binh-địch vận; đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng. Hiện mẹ sống cùng con cháu tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng.Mỗi khi các cán bộ Cục Dân vận về thăm, lại được nghe mẹ kể về những năm tháng hoạt động nội tuyến gian khổ, đầy hy sinh, nhưng rất đỗi hào hùng. Năm 1956, địch khủng bố dữ dội hơn, một số cơ sở của ta bị vỡ, có người không chịu nổi sự tra tấn tàn khốc của kẻ thù, nên đã khai báo. Tháng 3-1956, mẹ bị cảnh sát ngụy bắt tại Sài Gòn; các chị em khác người ở Sài Gòn, người ở Nha Trang cũng lần lượt bị bắt. Trong 20 năm hoạt động nội tuyến, nhiều lần, với tổng cộng hơn 10 năm mẹ bị bắt giam, tù đày (hai lần tù ở Côn Đảo và tại các Nhà lao Thủ Đức, Tân Hiệp…). Mẹ Nghị kể cho chúng tôi về những thủ đoạn tra tấn tàn độc của kẻ thù đối với chị em tù cộng sản, mà ánh mắt cứ rực lửa, giọng chùng xuống, nghẹn ngào.

Mẹ Nghị bị đày ra Côn Đảo lần thứ nhất ngày 2-1-1957, trong đợt 41 nữ tù đầu tiên ra đảo. Ở nơi “địa ngục trần gian” ấy, bọn cai tù thả sức hành hạ tù nhân, nhằm đày đọa về thể xác, khủng bố về tinh thần, làm cho người tù chỉ có con đường hoặc là ly khai cộng sản, hoặc là chết dần chết mòn trong xà lim, chuồng cọp. Trại tù nữ cũng không hề khác gì với các trại tù nam, mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh đều tại chỗ, mỗi tuần chúng mới cho đổ cầu một lần, nửa tháng được tắm 10 phút; mỗi ngày đêm được một lon nước uống và rửa tay. Những thương tích do địch tra tấn, đánh đập, do ghẻ lở, nhiễm trùng không có thuốc men chữa trị, khiến cho các chị chỉ còn như những “hình nhân” da bọc xương. Dù vậy, địch vẫn không thể khuất phục được những nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung. Đầu năm 1960, trước sức ép của dư luận, địch buộc phải trả hết tù nhân nữ về đất liền, giam tại các Nhà tù Phú Lợi, Gia Định.

Ra tù, mẹ Nghị tiếp tục về lại Sài Gòn, hoạt động lúc hợp pháp, lúc bán hợp pháp. Thời gian đầu mẹ làm dân vận, trí vận, sau lại làm binh vận, tập trung xây dựng, phát triển cơ sở trong hàng ngũ sĩ quan địch. Năm 1969 mẹ bị địch bắt lần thứ hai; bị giam qua các Nhà lao Thủ Đức, Tân Hiệp, đến tháng 5-1973, bị bắt lần 3 và bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Sau khi Sài Gòn giải phóng, Đảng ủy Nhà tù Côn Đảo đã tổ chức cho anh chị em nổi dậy phá ngục, tự giải phóng cho mình. Mẹ Nghị bảo, cái lần ấy có lẽ là hạnh phúc lớn nhất trong suốt cuộc đời những người tù cộng sản như mẹ. Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của mẹ, năm 1978, Đảng, Nhà nước đã phong tặng Thiếu tá Hoàng Thị Nghị danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Cùng trong đội hình đi B lần đầu của Cục Địch vận ngày ấy, mẹ Chính, mẹ Soi, mẹ Hải… cũng từng nhiều năm bị tù đày. Ngoảnh đi ngoảnh lại, các mẹ đã đi hết cuộc chiến tranh và cả một thời xuân sắc. Non sông thu về một mối, trở về với đời thường, mỗi người một cách riêng, các mẹ lại cùng con cháu, đồng đội, đồng chí, bà con làng xóm tiếp tục góp phần sức lực của mình cho Đảng, cho dân, cho chính gia đình mình. 

Với mẹ Trần Thị Hải, những vết thương đòn roi tra tấn, hành hạ của kẻ thù ngày trước, khi trở về với đời thường có những lúc thần kinh mẹ không ổn định, có khi còn lên cơn điên. Thật xót xa! Đã hơn nửa năm nay mẹ phải ăn uống qua ống sông, nhưng vẫn sống trong tình yêu thương của họ hàng và gia đình người em trai ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Người em dâu của mẹ kể: “Cùng với tình cảm, sự quan tâm của cơ quan cũ, thì chính quyền địa phương từ huyện, xã, bà con làng xóm cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên mẹ và gia đình”. Về thăm mẹ, chúng tôi quây quần bên mẹ, trong niềm xúc động, mắt ai cũng ngấn lệ. Kể chuyện với mẹ về cơ quan Cục Dân vận, về công việc của chúng tôi hôm nay, mẹ nằm đó, đôi mắt cứ chớp chớp liên hồi, gương mặt xúc động, khóe miệng luôn giật giật như muốn nói rất nhiều với chúng tôi, nhưng không thể…

Cục Địch vận (nay là Cục Dân vận) và ngành binh-địch vận có 4 cán bộ được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 3 cán bộ của cục được truy tặng và phong tặng danh hiệu cao quý này, gồm: Anh hùng, liệt sĩ Trần Bá (truy tặng tháng 11-1978); Anh hùng Hoàng Thị Nghị (phong tặng tháng 11-1978); Anh hùng Nguyễn Trọng Tâm (phong tặng tháng 8-1995). Anh hùng Nguyễn Văn Lập (Kostas Sarantidis), người Hy Lạp, nguyên chiến sĩ quốc tế thuộc Trung đoàn 803 và Trung đoàn 108 (Liên khu 5); được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1949; được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tháng 5-2013; được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và Huân chương Hữu nghị. Từ năm 1947 đến 2007, có 28 cán bộ, chiến sĩ của cục đã hy sinh, được công nhận là liệt sĩ. 

Mẹ Phạm Thị Soi sống cùng người em dâu và con cháu ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tuy lúc nhớ lúc quên, nhưng mẹ còn khỏe hơn so với mẹ Hải, mẹ Nghị, gương mặt vẫn lưu giữ nét đẹp thời con gái. Chúng tôi đến thăm, mẹ vẫn tất bật đi ra đi vào, tự tay rót nước cho chúng tôi, dặn chúng tôi phải giữ sức khỏe và làm việc, công tác tốt.

Mỗi lần đến thăm, chúng tôi quây quần bên các mẹ với bao tình cảm buồn vui, xúc động, với tất cả niềm yêu thương, kính phục, biết ơn... Mẹ Nghị, mẹ Hải, mẹ Soi, mẹ Chính… và các mẹ khác-những nữ chiến sĩ kiên trung làm công tác binh-địch vận của Cục Địch vận (nay là Cục Dân vận), mãi là niềm tự hào trong trái tim chúng tôi!

ĐỖ PHƯƠNG - ANH QUANG

(Tiếp theo và hết)