Trước cửa hang Hội trường Bộ Quốc phòng Lào

Với nhiều người dân Việt Nam, Sầm Nưa đã trở thành địa danh khá quen thuộc qua bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng và bài hát “Cô gái Sầm Nưa” của nhạc sĩ Trần Tiến. Đây là căn cứ địa chung của Việt Nam và Lào trong hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt chống đế quốc xâm lược, nơi thể hiện sinh động mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước với những chuẩn mực vượt khỏi khuôn khổ thông lệ bang giao quốc tế. Sầm Nưa - Thủ đô cách mạng của nước bạn Lào anh em, nay đã đổi thay khá nhiều so với thế kỷ trước nhưng vẫn còn chứa đựng vô vàn điều huyền bí về chiến tranh...

Kỳ 1 - Viêng Xay: Thủ đô trong hang núi

Tôi đã được đi một số nước trên thế giới, được chứng kiến nhiều cuộc đón tiếp ngoại giao, nhưng chưa bao giờ thấy được sự đón tiếp nhiệt thành của nhân dân nước bạn như chuyến về thăm căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa thuộc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào của các cựu chiến binh Việt Nam vừa qua. Nhà báo Xuân Ba, phóng viên của Báo Tiền Phong đã tỉ mẩn đếm dọc đường gần 80 cây số từ cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) đến Sầm Nưa có cả thảy 34 làng bản mà dân Lào có đầy đủ nam phụ lão ấu vẫy cờ hoa chào mừng các cựu chiến binh là nhân chứng lịch sử. Cánh nhà báo chúng tôi ngạc nhiên hỏi tiến sĩ Phăn-khăm Vi-la-phăn, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng Hủa Phăn rằng, tỉnh có vận động nhân dân đi đón không. Đồng chí Bí thư kiêm Tỉnh trưởng nói: “Cán bộ của chúng tôi chỉ thông báo với dân là hôm nay có các cụ lão thành cách mạng Việt Nam, người ít thì mươi năm, người nhiều thì gần 40 năm từng vào sống ra chết với nước Lào đến thăm tỉnh. Dân của chúng tôi nói ngay: Vậy đây là bậc bố, bậc mẹ về với con cháu rồi. Và người dân trong tỉnh tôi đón tiếp đoàn theo nghi thức như vậy”.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương năm nay 89 tuổi quê ở Quảng Ngãi, hiện là Trưởng ban Liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào đã giải thích cho chúng tôi lý do mà hai nước Lào -Việt chọn Sầm Nưa là căn cứ địa kháng chiến. Theo Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương thì Sầm Nưa đã hội đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Thiên thời vì Sầm Nưa là nơi tích lũy hào khí bất khuất của nhân dân các bộ tộc Lào, nơi sinh ra và nuôi dưỡng tinh thần thượng võ của các bộ tộc Lào. Địa lợi là Sầm Nưa có thế núi cao hiểm trở nhiều hang động, tạo thế tiến thoái đều thuận lợi. Nhân hòa là nhân dân Sầm Nưa có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng đi theo cách mạng.

Trong tỉnh Hủa Phăn có huyện Viêng Xay tiếp giáp với Việt Nam với địa hình nhiều núi đá vôi và hang động lớn. Đây mới thực sự là Thủ đô kháng chiến của nước bạn Lào anh em và cũng là nơi đoàn chuyên gia 959 của Việt Nam một thời gắn bó.

Viêng Xay hiện nay đã mang dáng dấp của một khu đô thị du lịch với đường sá được trải nhựa, bãi cỏ xanh mượt, hồ nước rộng, khu bảo tàng, nhà hàng, khách sạn… khá hiện đại. Nghe các bác cựu chiến binh giới thiệu, chúng tôi không còn nhận ra dấu vết của các lán trại cơ quan đóng trong rừng rậm thời trước, những hố bom, hố đạn trước kia. Duy chỉ có các hang động, nơi các cơ quan của bạn và đoàn chuyên gia Việt Nam ở thì đến nay vẫn gần như còn nguyên vẹn. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi đến thăm hang Hội trường Bộ Quốc phòng Lào ở núi Na Cay bởi diện tích trong hang rất lớn, có thể chứa được hàng nghìn người. Hang được cải tạo xây dựng mang dáng dấp một hội trường với đầy đủ sân khấu, nơi kê bàn ghế, nơi hóa trang của các diễn viên… Theo chị Viên Kẹo, Vụ trưởng vụ Đối ngoại, Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào thì hang này trước kia có tên gọi là Xạng Lọt, tiếng Lào là “Voi Lọt” có nghĩa là con voi đi lọt qua hang. Trước kia, hang Xạng Lọt là kho chứa vũ khí của quân đội Pa-thét Lào. Được sự giúp đỡ của các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam, hang Xạng Lọt đã được cải tạo, làm trần cao hơn, nền đổ bê tông, xung quanh xây tường… Theo Thiếu tướng Lê Thanh, 85 tuổi, nguyên Chính trị viên Đội Vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở Khu Xiềng Khọ căn cứ địa Sầm Nưa thì hang Xạng Lọt đã là nơi diễn ra rất nhiều cuộc họp quan trọng của quân đội Pa-thét Lào. Nơi đây còn là địa điểm tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ. Có điều kỳ lạ là máy bay Mỹ đã nhiều lần bắn phá hang, nhưng chưa lần nào bom Mỹ rơi vào gần cửa hang. Trong suốt mấy chục năm chiến tranh ác liệt, hang Xạng Lọt vẫn an toàn.

Tại hang Xạng Lọt, chúng tôi đã được chứng kiến buổi lễ “buộc chỉ cổ tay” theo đúng nghi lễ Lào cho các cựu chiến binh và các cán bộ Việt Nam đến thăm. Trên bàn lễ đặt xôi, gà, trứng gà và rất nhiều hoa trái. Kết xung quanh bàn là các sợi dây làm bằng chỉ trắng. Một nhà sư làm lễ đọc bằng tiếng Lào, tất cả chắp tay trước ngực. Sau đó một người mang muối và gạo rắc xung quanh. Buổi lễ kết thúc, nhà sư lấy chỉ buộc cho một số vị cao tuổi nhất. Sau đó tất cả những người tham dự dùng sợi chỉ trên bàn (thật ra là nhiều sợi) buộc cho nhau theo nguyên tắc, nam buộc cho nữ, nữ buộc cho nam. Theo quan niệm của người Lào, sợi chỉ là món quà của Phật ban tặng, buộc cho nhau là mang theo điều tốt lành. Người càng được nhiều sợi buộc, người đó càng được nhiều điều tốt.

Nhân dân Viêng Xay chào mừng các cựu chiến binh Việt Nam về thăm lại chiến trường xưa

Gần hang Xạng Lọt là hang ở và làm việc của đồng chí Đại tướng Khăm-tày Xi-phăn-đon, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào. Hang miệng nhỏ dưới chân vách đá vôi cao vút này là nơi đồng chí Bộ trưởng Bộ quốc phòng Lào đã chỉ đạo các đơn vị vũ trang Lào đấu tranh giành thắng lợi. Trước cửa hang là một bức tường bê tông dày hơn một mét. Theo Đại tá Vũ Đức Mai, nguyên Phó trưởng đoàn 600-Đoàn làm nhiệm vụ giúp bạn xây dựng “Thủ đô Viêng Xay” thì bức tường bê tông này có thể ngăn được cả tên lửa. Bên cạnh hang là ngôi nhà dùng làm nơi ở và làm việc của đồng chí Đại tướng Khăm-tày Xi-phăn-đon. Ngôi nhà có cấu trúc hai tầng được làm theo kiểu nhà sàn của nhân dân Lào, tường được làm bằng cót ép, cột là bê tông. Đại tá Vũ Đức Mai kể với tôi rằng, ngôi nhà này do chính đồng chí thiết kế vào đầu năm 1973, sau Hội nghị Pa-ri về Việt Nam và được thi công trong thời gian kỷ lục, chỉ có hơn một tháng, được đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon rất hài lòng.

Cách hang của đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon khoảng 3km là hai hang được đồng chí Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Hoàng thân-Chủ tịch Xu-pha-nu-vông chọn làm nơi ở và làm việc. Hai hang ở sâu trong lòng núi nhưng vẫn có đủ phòng họp, phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ của gia đình và đặc biệt có cả gian phòng chống chiến tranh hóa học và phóng xạ. Hiện vật đơn sơ, bàn, ghế, giường phản… giản dị, cũ, đã gây xúc động cho mọi người.

Từ hang ở và làm việc của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản có một đường hầm nhân tạo xuyên núi dài khoảng 50 mét, cao khoảng 2 mét đi đến hang họp của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Phòng họp đơn sơ trong lòng núi, nhưng chính tại nơi đây đã ra đời nhiều quyết sách quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nước bạn Lào anh em. Kế bên cạnh phòng họp là 6 chiếc giường cá nhân của 6 đồng chí Ủy viên Bộ chính trị nghỉ sau giờ họp.

Đại tá Nguyễn Khiên 82 tuổi, nguyên Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn công binh 217 kể lại rằng, để đào được đường hầm xuyên núi trong thời điểm những năm sáu mươi của thế kỷ trước hết sức khó khăn bởi phải hạn chế dùng thuốc nổ. Công binh của ta lúc bấy giờ cũng có rất ít máy móc mà chủ yếu dùng sức người. Công việc đòi hỏi phải khẩn trương nên bộ đội công binh Việt Nam phải thi công liên tục cả ngày lẫn đêm.

Đại tá Quách Bá Đạt, người có tới 38 năm công tác ở Lào, trong đó nhiều năm là chuyên gia giúp việc trực tiếp cho đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản kể: Theo yêu cầu của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã đi tìm vị trí thích hợp để đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản ở và làm việc. Nhờ các bạn Lào giúp đỡ, sau một tuần tìm kiếm, chúng ta đã chọn được hang này, nhưng lúc đó còn hoang sơ lắm. Dân Lào không dám ở trong núi đá vì nước ở đây rất độc. Bộ đội Việt Nam đã phải kỳ công cải tạo tại hang đá, xây dựng nhà ở trong hang, đưa nước sạch vào trong hang, bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho đồng chí Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Lào thắng lợi.

Trước hang làm việc của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Đại tá Quách Bá Đạt bồi hồi nhớ lại kỷ niệm quãng thời gian được làm việc bên cạnh đồng chí Tổng bí thư của bạn. Đại tá Đạt nhớ rất rõ lời căn dặn của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản về phương châm tác chiến trên chiến trường Lào: “Nước Lào dân số rất ít, do vậy chọn phương án chiến đấu phải làm sao chiến thắng được địch, nhưng thương vong ít nhất. Đối với những tên tay sai người Lào, phải vận động chúng ra hàng, quay về với cách mạng, chỉ tiêu diệt những tên đầu sỏ nguy hiểm”. Quán triệt phương châm ấy, các chuyên gia Việt Nam đã cùng với quân đội bạn xây dựng các phương án chiến đấu phù hợp với tình hình và đã giành thắng lợi. Đồng chí Đại tá Quách Bá Đạt đã được đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản quý mến đặt cho cái tên “Nai-phôn Đạt” có nghĩa là “Tướng Đạt”.

Cũng giống như hang của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, hang Hoàng thân Xu-pha-nu-vông ở cũng đã được bộ đội Việt Nam cải tạo lại. Xung quanh hang được trồng rau dền đỏ-màu được Hoàng thân ưa thích nhất vì tượng trưng cho cách mạng. Trước cửa hang là cây bưởi quý được lấy giống từ chính cây bưởi của Bác Hồ trong Phủ chủ tịch ở Hà Nội. Phía trước cây bưởi là một hố bom lớn của Mỹ đã được đích thân Hoàng thân thiết kế thành ao thả cá mang hình trái tim. Chị Viên Kẹo, Vụ trưởng vụ Đối ngoại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào kể với chúng tôi: Khi đó, Hoàng thân đã nói với mọi người rằng, giặc Mỹ đã bắn vào trái tim của nhân dân Lào.

Thủ đô trong hang núi Viêng Xay giờ đây trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của nước bạn Lào anh em. Chị Viên Kẹo cho biết: Hằng năm, Viêng Xay đã đón tiếp hàng triệu du khách tới thăm. Viêng Xay là biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào và là thủ đô kháng chiến trong lòng núi.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Đỗ Phú Thọ

Kỳ sau: Pa Thí: Kỳ vĩ và bi tráng