QĐND Online - Chẳng biết tự lúc nào, người dân quanh vùng đã quen gọi làng Lưu Thượng (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bằng cái tên rất đỗi bình dị “làng đan guột”. Với lịch sử làng nghề hơn 400 năm, nơi đây nổi tiếng với nghề đan cỏ guột thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo.

Sôi động một làng nghề

Đường về “làng đan guột” những ngày đầu tháng 6 thơm nồng hương lúa đang thời kỳ chín rộ. Lẫn trong vàng tươi, no ấm ấy là màu vàng óng mượt của những sợi guột mềm. Trên con đường làng san sát nhà cao tầng khang trang, rộng rãi, nườm nượp ô tô, xe máy chở hàng qua lại. Đó chính là thành quả lao động, là nỗ lực của những người có tâm huyết với nghề truyền thống của cha ông.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Lương (Giám đốc Công ty TNHH Hiền Lương) khi công nhân đang tất bật mang những lô hàng ra sân “hóng” nắng, chờ ngày xuất ngoại. Với tổng diện tích 6000 m2 (bao gồm hệ thống nhà kho, nhà điều hành, sân phơi và nhà xưởng), Công ty TNHH Hiền Lương đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho “làng đan guột”. Hiện, công ty tạo công ăn việc làm cho gần 30 nhân công làm việc trực tiếp tại xưởng và hàng nghìn người dân trong xã làm hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng của công ty.

“Hong” nắng cho các sản phẩm làm từ cỏ guộc, mây, bèo tây...

Chị Lương cho biết, vào những dịp cao điểm, công ty có tới gần 2000 lao động làm việc thường xuyên, với mức thu nhập bình quân là 40 nghìn đồng/ ngày. Sản phẩm của công ty vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Canada…với mẫu mã đa dạng, phong phú: rổ, rá, giường, tủ, bàn ghế, khung ảnh, lọ hoa và con giống...

Theo người dân Lưu Thượng, nghề đan guột có từ thế kỷ 17, do cụ Nguyễn Thảo Lâm sáng tạo, rồi truyền dạy cho dân làng. Người làng Lưu Thượng thường nhập cỏ guột từ các tỉnh: Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hoá… vì guột ở nơi này có chất lượng tốt hơn so với các vùng khác. Để có được một sản phẩm hoàn chỉnh, nghệ nhân phải tiến hành rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn guột, đến bóc vỏ, phơi, đan, rồi sấy và phết keo, cuối cùng là bôi dầu bóng.

Anh Nguyễn Văn Rồng, (Chủ Cơ sở sản xuất hàng mây-tre-guột đan thôn Lưu Thượng) cho biết, cơ sở chủ yếu thu mua sản phẩm thô trong dân để sản xuất thành hàng thủ công mỹ nghệ, rồi xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ….Rồng mong muốn trong thời gian tới anh sẽ thành lập công ty, mở rộng cơ sở sản xuất, tạo thêm công ăn, việc làm cho người dân quanh vùng.

Hướng đi mới cho “làng đan guộc”

Hiện nay thôn Lưu Thượng là trung tâm của xã Phú Túc, với 9 công ty và doanh nghiệp, 20 tổ hợp sản xuất, chiếm hơn 90% số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất của toàn xã.

Trước đây, người dân Lưu Thượng chủ yếu dùng cỏ guột để đan các đồ dùng hàng ngày hay chẻ thành sợi đem bán cho các địa phương có nghề đan rổ, rá... Thế nhưng, dưới bàn tay tài hoa, khéo khéo của mình, những người thợ “làng đan guộc” đã tạo ra nhiều sản phẩm mới phong phú về kiểu dáng, mẫu mã, thu hút khách hàng trong nước và quốc tế. Những hợp đồng lớn ngày càng “dày” hơn từ nhiều quốc gia như: các nước Đông Âu, Canada, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... đã tạo việc làm thường xuyên, với thu nhập cao cho người dân làng Lưu Thượng, cũng như người dân 8 làng của xã Phú Túc và các vùng lân cận.

Công nhân Công ty TNHH Hiền Lương đang kiểm tra lô hàng chuẩn bị xuất sang Nhật Bản.

Với sự năng động của một làng nghề, những nghệ nhân nơi đây còn có thể tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua tranh, ảnh….đáp ứng yêu cầu khách hàng đến từng chi tiết. Để đáp ứng thị hiếu khách hàng, những người thợ “làng guộc” đã không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã mới. Hiện nay, ngoài nguyên liệu chính là cỏ guột, nghệ nhân nơi đây còn xen vào các nguyên liệu khác như bèo tây, cói, mây... để tạo nên những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, công dụng và màu sắc.

Ông Đặng Quốc Triệu, Cán bộ phụ trách Tiểu thủ Công nghiệp xã Phú Túc cho biết, hiện nay, tỉ trọng tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 70% trong cơ cấu kinh tế toàn xã. Vài năm gần đây, làng nghề Lưu Thượng tuy đã có những bước phát triển mạnh mẽ, song vấn đề mặt bằng vẫn rất khó khăn. Vì không có khu sản xuất tập trung nên các doanh nghiệp phải mua sản phẩm thô từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ về sản xuất lại khiến giá thành sản phẩm tương đối cao. Đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề ô nhiễm môi trường, do chưa có khu chế xuất riêng, nước thải từ các cơ sở sơ chế nguyên liệu chảy thẳng ra sông Nhuệ, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Để ủng hộ, góp phần giải quyết những khó khăn của làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội và Phòng Công nghiệp huyện Phú Xuyên đã có những chính sách hỗ trợ như: Kết hợp với các doanh nghiệp và nghệ nhân tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 40 người mỗi năm; hướng dẫn xây dựng, lắp đặt thiết bị nhà xưởng, đưa các sản phẩm của làng nghề tham gia các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ; đưa các đoàn về thăm quan, phát triển du lịch làng nghề truyền thống; cùng với UBND xã Phú Túc xây dựng đề án quy hoạch khu sản xuất công nghiệp tập trung trên diện tích hơn 10 ha.

“Với những lợi thế đó, chúng tôi tin rằng làng nghề truyền thống Lưu Thượng sẽ phát huy được hết tiềm năng của mình, ngày càng khẳng định được thương hiệu “làng đan guột” trên thị trường quốc tế…”, ông Đặng Quốc Triệu khẳng định.

Bài, ảnh: Nguyễn Oanh