TS Nguyễn Hữu Chiếm - Trưởng Khoa Quản lý môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ cho rằng chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp cần có cái nhìn chính xác hơn về hiệu quả và hậu quả của việc xây dựng các tuyến đê bao ngăn lũ triệt để phục vụ sản xuất. Bởi cái giá hiện nay mà nhiều nơi trong vùng ĐBSCL phải trả cho việc cấm vận nguồn nước của dòng Cửu Long là rất lớn.
Phân và thuốc tăng, sản lượng giảm
Ở miền Tây, nói đến đê bao ngăn lũ phục vụ sản xuất thì cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang là một điển hình. Từ năm 1995, toàn huyện xây dựng 76 tiểu vùng đê bao khép kín 23.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đưa diện tích gieo trồng lên đến 75.000 ha/năm với số vòng quay của đất trung bình gần 4 vụ/năm. Nhờ đê bao khép kín, Chợ Mới còn nổi tiếng với nghề trồng rau màu giữa lúc khắp nơi nước ngập tràn đồng. Năm 2001, Chợ Mới lại xây một bức “trường thành chống lũ” bằng bê tông cao 0,5m, dài gần 30 km chạy dọc tuyến đường tỉnh 942. Trong 76 tiểu vùng đê bao của huyện có 30 tiểu vùng chuyên canh màu và huyện đang chủ trương từng bước giảm diện tích lúa, tăng diện tích rau màu, vì trồng rau màu có thể thu được 300 triệu đồng/ha/năm, vòng quay khai thác đất lên đến 6-7 vụ/năm trong khi trồng lúa 3 vụ chỉ thu được 42 triệu đồng/ha/năm.
Dù trồng lúa, trồng rau màu hay gì đi nữa, nhà nông ở đây cũng đang đối mặt với sản lượng ngày càng giảm, trong khi chi phí phân, thuốc ngày càng tăng. Ông Lê Thành Măng, chủ 14 công ruộng ở ấp Hòa Trung, xã Kiến An - Chợ Mới, cho rằng đất đai những năm qua bị khai thác quá mức, hàm lượng phân hóa học, vật tư nông nghiệp trong đất rất cao nên đất bị nhiễm độc trầm trọng, độ màu mỡ không còn do nhiều năm liền không xả lũ, phù sa không thể vào bồi đắp đồng ruộng.
Ông Măng bảo, cần phải mở cống xả lũ hằng năm trong vòng 2-3 tháng để giải độc đồng ruộng. Theo ông Măng, hiện nay phân bón đổ vô đất ngày một tăng nhưng năng suất lúa cứ giảm dần. Ruộng lúa hè thu muộn của ông đang xơ xác vì bị bệnh vàng lùn tấn công. Ông Măng rầu rĩ: “Hồi trước bón 40 kg phân/công đất thu hoạch 30-40 giạ lúa. Nay bón 60 kg nhưng thu hoạch chỉ 20 giạ. Tôi đang kêu người cho thuê đất để họ trồng rau màu, nghe nói đỡ hơn”. Dân trồng rau màu cũng thừa nhận chi phí canh tác ngày càng tăng. Ông Hồ Văn Hải trồng 3.000 m2 rau màu cho biết: Trước đây, đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu khoảng 600.000 đồng/vụ/công, nhưng bây giờ phải tốn không dưới 1 triệu đồng và còn phải thường xuyên mua vôi bón để khử độc cho đất.
Nhiều nơi khác ở vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, nhà nông và chính quyền cũng thừa nhận, dù năng suất lúa vẫn đạt 18 tấn/ha/năm nhưng cái giá phải trả cho việc bao đê ngăn lũ triệt để và khai thác đất đai cạn kiệt đã bắt đầu lộ diện. Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng căn bệnh vàng lùn, vàng xoắn lá đang hoành hành trên hàng chục ngàn hec-ta ruộng lúa ở Đồng Tháp chính là hậu quả nhãn tiền.
Nhà vườn kêu cứu
Ở cuối nguồn sông Tiền, sông Hậu là miệt vườn trù phú, trải dài từ Tiền Giang qua Vĩnh Long đến Cần Thơ. Khi phong trào đê bao chống lũ rộ lên, miệt vườn cây trái sum sê này cũng không thoát khỏi những dự án hoành tráng. Ở Tiền Giang, 50.000 ha vườn cây ăn trái mơn mởn của tỉnh đã được đặt gọn gàng trong 59 vùng đê bao khép kín. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, hồ hởi: “Cái được lớn nhất của dự án này là giao thông nông thôn đã thông suốt”. Trong lúc đó, những chủ vườn đang bắt đầu trả giá...
Ở miệt vườn Mỹ Lương - Cổ Cò của huyện Cái Bè, ông Tư Quý đang cắn răng đốn bỏ 10 công cam sành bên bờ sông Cái Cối vì bị vàng lá, chết hàng loạt mà chưa thu hoạch được trái nào. Xem kỹ, té ra cây bị rầy chổng cánh cắn phá, dưới gốc rệp sáp đeo đen rễ, không cây nào sống nổi. Ông Quý bảo, vùng này trước đây chịu ảnh hưởng thủy triều sông Tiền, mùa nước nổi, nước dâng lên tràn ngập chân vườn trong 1-2 giờ rồi rút đi, để lại một lớp phù sa màu mỡ. Quan trọng hơn, việc ngâm chân vườn 1-2 giờ mỗi ngày trong nước còn giúp diệt toàn bộ mầm bệnh, côn trùng gây hại cho cây trồng tiềm ẩn trong đất nên năng suất cây trồng luôn cao mà không cần sử dụng phân bón quá nhiều. Ông Hai Thọ, một chủ vườn khác ở Mỹ Lương - Cổ Cò, kể: “Trước đây, năm nào nước về nhiều ngập sâu chân vườn thì năm đó cây trái trúng mùa. Vườn quýt đường của tôi thất bát lắm cũng thu hoạch được mỗi công đất hơn 100 giỏ trái. Từ khi có đê bao, đất thiếu phù sa, bị xì phèn, các loại côn trùng tha hồ sinh sôi, đặc biệt là loại rệp sáp chuyên ăn rễ cây, nên thu hoạch giảm hẳn”.
Phía ngoài Cổ Cò, những nhà vườn chuyên trồng bưởi lông cũng khốn đốn với những bầy rệp sáp và rầy trong đất. Ông Lê Văn Dũng, chủ 2 ha bưởi lông ở ấp An Lạc, xã An Thái Đông, bàng hoàng: “Mấy chục năm làm vườn tôi mới thấy cảnh trái bưởi lông bị ghẻ, đèo đẹt xấu xí, bán không ai mua thế này”.
Theo TS Nguyễn Hữu Chiếm - Trưởng Khoa Quản lý môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ - đê bao triệt để trong nhiều năm qua đã làm thay đổi môi trường tự nhiên của các hệ sinh thái đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Trong và ngoài đê bao không có sự trao đổi nước nên cặn bã, độc chất trong quá trình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của con người bị lắng đọng, tồn lưu trong đất, gây nhiễm độc đất. Mặt khác, đê bao làm khô kiệt nước, tạo điều kiện cho lớp phèn tiềm tàng có cơ hội hoạt động mạnh, làm đất mất dần độ màu mỡ. |
Bài và ảnh: Hùng Anh
Theo: NLĐ