 |
Ngày đầu xuân trên bến sông Long Mỹ.
|
Tên thường gọi của ông là Tám Hưng. Con kênh cuối ấp 10 chảy ra sông Cái Lớn mang tên ông: Kênh Tám Hưng. Mùa này trên dòng kênh hiền hòa đã tím ngắt, trải dài những thảm hoa lục bình. Ông là liệt sĩ đã tỏ ra rất quả cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, không để rơi vào tay giặc. Ông hy sinh năm 1969, trong trận chống càn, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng Vĩnh Viễn, thuộc huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Người vợ đôn hậu, đảm đang của ông năm nay đã 91 tuổi, là Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Dương Thị Mười (có chồng và 2 con liệt sĩ). Hiện nay, xã Thuận Hưng, đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, có 14 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 226 gia đình chính sách.
Bà má Mười ngồi trên cái sạp bên trái gian giữa ngôi nhà nhìn ra sông Cái Lớn. Anh Đặng Hoàng Vũ, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng ngồi bên cạnh má Mười, giới thiệu:
- Má Mười đây là một trong số rất ít Bà mẹ VNAH còn sống ở Long Mỹ. Má là vợ liệt sĩ Võ Văn Hưng (Tám Hưng). Má sinh đến 9 người con, 2 gái, 7 trai. Chồng và hai con hy sinh, các con của má đều tham gia kháng chiến. Người con trai là Võ Văn Tư, theo gương cha anh đi bộ đội, quân hàm đại tá, sư đoàn phó Sư đoàn 4, không may bị bệnh xơ gan, chết năm 1992 khi mới 43 tuổi.
Nghe anh Vũ nói vậy, tôi bỗng nhớ đến những câu thơ viết về những người Mẹ VNAH: Nước mắt lặn vào đêm/Bưng biền mùa gió chướng/Mẹ nhìn ra sông rộng/Chiếc xuồng nào năm xưa/Chồng và các con mẹ đã sang sông/Tình mẹ như gió lộng/Thổi miên man đồng bằng...
Người liệt sĩ hy sinh anh dũng, kiên cường bám trụ chiến đấu, để lại dòng kênh mang tên ông và biết bao ký ức sâu lắng cho gia đình, bà con xóm ấp. Vợ ông, má Dương Thị Mười, tuy tuổi đã vào hàng đại thọ, tai nghe không rõ, nhưng vẫn còn minh mẫn, nhớ từng trận đánh mà chồng và anh chị em trong ấp đã tham gia trên đất này. Năm 1995, chính quyền địa phương dựng cho bà căn nhà tình nghĩa cột gỗ, vách và mái lợp tôn. Năm 2003, địa phương lại giúp bà nâng cấp căn nhà này, xây tường, lợp tôn, trông thật khang trang.
Thuận Hưng giáp xã Vĩnh Viễn, vùng được coi là “cái lõi” của căn cứ kháng chiến năm xưa trên đất này. Nhìn ra dòng kênh Tám Hưng, rồi nhìn ra sông Cái Lớn, tôi nhớ những kỷ niệm mới đây, cuối năm ngoái, dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi đã cùng Đại tướng Phạm Văn Trà đi dọc theo dòng kênh này trên chiếc bo bo của Tỉnh đội Hậu Giang. Từ thị xã Vị Thanh, chúng tôi đi bo bo trên kênh Xà No rồi rẽ theo dòng sông Cái Lớn. Bờ phải là huyện Gò Quao của tỉnh Kiên Giang, bờ trái là vùng đất ven sông của huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Đại tướng Phạm Văn Trà giới thiệu với chúng tôi:
- Đây là nơi đánh chìm tàu địch, kia là trận địa phục kích diệt gọn một tiểu đoàn địch, sau vườn dừa kia là trạm cứu thương dã chiến của căn cứ Bắc U Minh Thượng. Còn ở phía cánh đồng lúa chín là khu vườn của Má Tám, nơi đã nuôi giấu Đại tướng và những người đồng đội khi địch càn quét gắt gao…
Chúng tôi về xã Vĩnh Viễn, nơi được coi là Trung tâm vùng căn cứ Long Mỹ. Vùng đất ông đã gắn bó từ năm 1964, khi còn là cán bộ chỉ huy phân đội ở trung đoàn U Minh, đơn vị 3 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông nói:
- Về đây như về quê nhà, lâu không về thấy nhớ quá. Bà con ở đây thân tình như ruột thịt. Nơi đây trước kia có một ngôi đình thờ vị anh hùng Nguyễn Trung Trực, nhưng chiến tranh tàn phá sạch trơn. Nay cần xây lại, thờ vị anh hùng Nguyễn Trung Trực và thờ các liệt sĩ đã hy sinh trên đất này trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia.
Theo lý giải của Đại tướng, xã này nghèo, không có tiền xây đình thờ, bà con mong mỏi lắm. Ông đã vận động Tổng công ty Him Lam (Bộ Quốc phòng) tài trợ hơn 500 triệu đồng để xây ngôi đình. Có được ngôi đình, vui lắm, vì ước mong lâu năm nay mới được toại nguyện.
Chúng tôi cùng Đại tướng đi thăm một số gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm các gia đình liệt sĩ, thương binh. Theo con đường dọc kênh Trực Thăng ở ấp 1, chúng tôi ghé thăm và thắp hương tưởng nhớ Bà mẹ VNAH Phạm Thị Gạo vừa qua đời hồi đầu năm, thọ 91 tuổi. Một căn nhà nằm giữa vườn xanh, bóng dừa choàng lên mái nhà. Đây là căn nhà tình nghĩa, do chính quyền địa phương xây tặng má Gạo, Bà mẹ VNAH có 7 người con liệt sĩ. Ở xã Vĩnh Viễn có 18 Bà mẹ VNAH, nhưng đã ra đi 13, nay chỉ có 5 bà mẹ còn sống bên đàn con cháu. Vĩnh Viễn hiện nay có gần 2.500 hộ với hơn 16.000 nhân khẩu. Sau năm 1975, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, toàn xã có hơn 1.500 hộ thì có đến gần 1.300 hộ gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, thương binh. Một xã vùng căn cứ U Minh trung dũng, đã để lại cho đời sau biết bao thành tích, chiến công, truyền lại đến muôn đời sau. Một vùng chiến sự khốc liệt suốt hai cuộc kháng chiến, nay đang từng ngày đổi thay, xây dựng cuộc sống mới ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Nghe tin “người con của quê hương Vĩnh Viễn” về thăm, bà con ấp 1, ấp 3, ấp 4 ra tận bờ kênh đón tiếp. Cuộc gặp gỡ thật cảm động. Tuy Đại tướng đã về đây nhiều lần, tham gia xóa cầu khỉ, bắc cầu bê tông tặng bà con xã Vĩnh Viễn, nhưng mỗi khi nghe tin Đại tướng về với bà con vùng căn cứ xưa, ai cũng cảm động, chờ mong. Lại cuời nói râm ran, kể chuyện xưa, chuyện nay. Rồi nhắc lại kỷ niệm, lại rơm rớm nước mắt khi kể về những đồng đội, những bà con đã ra đi... Tôi mở sổ tay cũng không ghi kịp những câu chuyện hết sức cảm động, những kỷ niệm khó quên một thời đạn bom, những tự sự, uớc mong, tâm tình một thời hòa bình. Một cựu chiến binh đã đọc một đoạn trong bài thơ “Nhìn lại dấu xưa” mà ông đã thuộc lòng từ lâu: “Các anh đi/Chân đất/Đầu trần/Hai bàn tay trắng ... /Tiền gạo của dân/Súng đạn cũng nhờ dân/ Đến từng ấp gom đồng tiền quyên góp/Dựa sức dân xây căn cứ bưng biền...”.
Gần trưa, chúng tôi cùng Đại tướng đến thăm nhà bà Giang Thị Thảo (Tư Thảo), thương binh hạng 3/4 ở ấp 4. Những năm đầu Đồng Khởi, dấy lên phong trào đấu tranh của “đội quân tóc dài”, bà Tư Thảo là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Viễn từ năm 1960-1962. Năm 1961, bà bị địch bắt giam ở Long Mỹ, rồi bị địch giải lên nhà giam ở Cần Thơ. Gia đình bà Tư Thảo có 5 người thân là bố, mẹ và 3 chị em gái đều bị bắt giam. Căn nhà bà đang ở hiện nay, xưa là chỗ dựa tin cậy của Trung đoàn 1, đơn vị 3 lần được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân. Đây cũng là nơi mà Đại tướng Phạm Văn Trà coi như tình thân trong nhà. Bây giờ, gặp Đại tướng, cả nhà đều gọi thân mật là cậu Ba. Những năm tháng khốc liệt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Tư Thảo đã hăng hái tham gia và vận động bà con trong ấp, trong xã chuyển thương, tải đạn, tiếp tế quân lương, nuôi giấu và chở che bộ đội những khi địch càn quét, đánh chiếm gắt gao. Năm nay đã 70, nhưng bà Tư Thảo vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Thân sinh ra bà Tư Thảo là má Nguyễn Thị Chắc đã 88 tuổi, vẫn ngồi tiếp chuyện với Đại tướng và ăn cơm trưa cùng với chúng tôi rất vui vẻ. Bà rất tự hào về 3 đứa cháu ngoại của bà được đặt tên rất duyên dáng là: Hoa Thơ, Hoa Tuơi, Hoa Đẹp. Nay các cháu ngoại của bà đều trưởng thành. Cô Hoa Tươi, người dẫn chúng tôi trên chiếc bo bo về Vĩnh Viễn, nay là Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang. Hoa Tươi tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một gia đình có công với cách mạng, quê hương là vùng căn cứ, nổi tiếng có truyền thống cách mạng, tôi phải luôn luôn sống và làm việc đóng Chuyện xưa cứ như nước trên dòng kênh, chảy hoài không dứt. Ông Ba Khía ngày xưa chuyển thương qua bót gác, bị đạn trúng chân phải, thương binh 2/4, năm nay đã gần 80 tuổi. Bà Chín Dứa năm xưa dẫn đầu đội quân tóc dài, một đoàn xuồng gần trăm chiếc, lên biểu tình ở Vị Thanh, Tết Canh Dần này là 78 tuổi, đang đi nằm viện vì huyết áp cao. Cô Mười Nhẹ một mình cứu 3 thương binh khỏi vòng vây giặc, nay đã có con đàn cháu đống, là nông dân giỏi cấp huyện...
Đại tướng Phạm Văn Trà còn nhớ rõ từng tên người, từng trận đánh, nhớ cả bà má huy động hơn 30 phụ nữ suốt đêm gói bánh tét kịp chuyển ra trận địa cho bộ đội đón xuân vào sáng mồng Một Tết năm “Mùa hè đỏ lửa” (1972)...
Rồi chuyện làm ăn bây giờ. Đại tướng hỏi thăm bà con nông dân làm lúa ở đây có còn chuyện được mùa mất giá, chuyện trồng lúa kết hợp nuôi cá rô, cá thác lác, rồi việc xóa cầu khỉ nông thôn, đào kênh thủy lợi, mở đường giao thông nông thôn về xóm ấp. Xưa, chặt cây chuối, kéo cây lục bình, đắp rơm làm công sự. Nay, nuôi lục bình trên kênh đan hàng mỹ nghệ xuất khẩu, trồng chuối xuất khẩu, và nấm rơm cũng xuất khẩu. Ông Nguyễn Hoàng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Viễn, nói với tôi:
- Mới rồi, sơ kết đợt 2 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xã có thêm nhiều điển hình về sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải tiến tổ chức ma chay, cưới hỏi theo nếp sống mới, được bà con hưởng ứng nhiệt tình và phấn khởi lắm. Toàn xã có 265 đảng viên, thực sự làm đầu tàu, gương mẫu trong mọi phong trào.
Ông Thái cho biết: Năm “con Trâu” mưa thuận gió hòa, lại có chính sách khuyến nông thích hợp, có Nghị quyết “Tam nông” triển khai, xã Vĩnh Viễn vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu về lúa, màu, cây công nghiệp, thủy sản. Tổng sản lượng lúa vượt chỉ tiêu kế hoạch đến 140%, thật đáng mừng. Thu nhập từ cây màu cũng tăng trên 30%. Xã đã xây dựng được cánh đồng mẫu, chuyên sản xuất lúa chất lượng cao để xuất khẩu.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hoàng Thái hồ hởi khoe: “Khủng hoảng tài chính ở đâu thì không biết, nhưng năm 2009 toàn xã đã thu ngân sách được hơn 530 triệu đồng.
Cuối năm ở đồng đất miệt rừng vùng căn cứ U Minh năm xưa thật mát mẻ, gió hiu hiu như mùa thu, hơi lành lạnh đầu sáng và về đêm. Trưa, ra bờ kênh Trực Thăng, nơi sẽ khởi công xây dựng đến thờ vị anh hùng Nguyễn Trung Trực và thờ các liệt sĩ vùng căn cứ này, chúng tôi đi trong nắng vàng rực, như mật ong đầu mùa chảy xuống cánh đồng, làng quê, kênh rạch. Biết bao khởi sắc ở vùng quê căn cứ năm xưa.
Từ Vĩnh Viễn trở về thị xã Vị Thanh, đi trên kênh Trực Thăng giữa lúc nước lớn đang lên, Đại tướng Phạm Văn Trà nói với tôi: “Long Mỹ là nơi có truyền thống cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Căn cứ cách mạng ở đây bền vững là vì đó là căn cứ cách mạng trong lòng dân. Có thời kỳ gian khổ, thiếu thốn, bộ đội hoàn toàn phải dựa vào dân, căn cứ được xây dựng nên và giữ vững cũng nhờ dân. Tiền, gạo nhờ dân. Súng đạn cũng nhờ dân. Dựa sức dân xây căn cứ bưng biền. Các nhà báo nên về Long Mỹ, viết về những đổi thay ở vùng căn cứ xưa, và viết cả những khó khăn, ách tắc, những mặt còn yếu kém để giúp địa phương “vực” nơi đây khá lên”.
Huyện Long Mỹ cách thị xã Vị Thanh khoảng 28km, cách thành phố Cần Thơ khoảng 60km. Đây là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Hậu Giang và khu Tây Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Long Mỹ là huyện vùng sâu của tỉnh Hậu Giang, địa bàn vùng đệm của rừng U Minh mênh mông bát ngát. Một bên Kiên Giang, một bên Bạc Liêu, lại thông đường thủy về Cà Mau, huyện Long Mỹ được địa phương coi là “ngã ba căn cứ”. Đúng thế, trong hai cuộc kháng chiến trải suốt “Ba mươi năm dân chủ cộng hòa”, Long Mỹ là vùng sâu căn cứ nổi tiếng miền Tây Nam bộ. Nơi đây là cửa ngõ an toàn khi tiếp nhận quân từ miệt sông Hậu, sông Tiền về vùng đất rừng phương Nam (U Minh Thượng và U Minh Hạ). Đây cũng là cầu nối giao nhận vũ khí, quân trang, quân dụng, quân bưu từ Sóc Trăng sang, từ Bạc Liêu qua, từ U Minh lên. Cán bộ cách mạng nằm vùng, đơn vị huấn luyện trợ chiến… cũng được nhân dân Long Mỹ chở che, đùm bọc. Gần giống như ở vùng Việt Bắc, Tây Bắc, nơi đây được coi là “an toàn khu” của miền cực Nam Tổ quốc.
Bí thư huyện ủy Long Mỹ, anh Đặng Văn An (Tám An), nói với chúng tôi: Long Mỹ là vùng đất ở giữa vùng đất U Minh và vùng sông nước Hậu Giang. Là vùng rừng tràm, rừng bần cách đây hơn 200 năm.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Bùi Văn Bồng