Bài 4: Hòn ngọc biển Đông
Trong định hướng phát triển, Cồn Cỏ sẽ phát huy lợi thế để trở thành hòn đảo du lịch, là một trong ba điểm của tam giác du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn: Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ. Tương lai không xa, “Đảo thép” sẽ là một “hòn ngọc biển Đông”…
Thế mạnh và tiềm năng du lịch của đảo
Đảo Cồn Cỏ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rất lớn. Với diện tích rộng hơn 230 héc-ta, chu vi quanh đảo khoảng 5km, độ cao từ 5 đến 30m so với mặt nước biển, riêng giữa đảo có một đỉnh đồi nhô lên cao 63,4m mà trong chiến tranh bộ đội ta vẫn gọi với cái tên gần gũi là đồi “Hải Phòng”. Gần 80% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên, hệ thực vật khá đa dạng, phong phú. Tuy bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh song trên đảo còn nhiều cây cổ thụ to 3 đến 4 người ôm. Nhiều loài cây lạ không có ở đất liền như loại cây thân vằn vèo, nhiều đốt rất kỳ quái. Có cây gỗ cứng khi xây xát thì vỏ tiết ra thứ nhựa đỏ như máu, nên gọi là cây “dầu máu”, cùng một số loài khoai dại, lá to hơn cả lá chuối, cây sâm cau, nhàu nhàu...
 |
Một góc đảo Cồn Cỏ nhìn từ biển. |
Nếu như ở Hà Nội, cây bàng lá đỏ đã đi vào thơ ca thì ở Cồn Cỏ, có đến cả... rừng bàng, mỗi độ thu về, lá đỏ kín thân, tương phản với màu trắng của loài hoa phong ba như sự hòa quyện lý thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho đảo. Chạy dọc xung quanh đảo còn có 4.000 cây dừa tượng trưng cho 4.000 năm lịch sử của đất nước do lực lượng thanh niên xung phong trồng từ khi tỉnh Quảng Trị được tái lập năm 1989. Hiện nay, số dừa trồng này đã lớn và ra quả, tạo nên cảnh đẹp độc đáo của Cồn Cỏ lúc hoàng hôn buông xuống cũng như lúc bình minh của ngày mới trên đảo.
Bên cạnh hệ sinh thái phong phú, đảo có ngư trường khoảng 9.000km2 với nhiều loại hải sản quý, giá trị kinh tế cao. Trong một dự án nghiên cứu về “Bảo tồn Biển” (của Bộ Thuỷ sản cũ) phát hiện vùng đáy biển Cồn Cỏ, ở độ sâu 8m đến 10m có rất nhiều rạn san hô quý, hiếm và đa dạng sinh học. Riêng loài san hô đỏ, nhiều nơi có, song san hô đỏ ở Cồn Cỏ có màu sắc rất đặc biệt. Nơi đây còn có một số loài hải sâm đen, sao biển xanh, là món ăn rất bổ dưỡng và dùng làm vị thuốc, được ví ngang với yến sào. Nếu như trên bờ, Cồn Cỏ có loài rắn lục độc nổi tiếng thì dưới nước, loài rắn biển cũng độc không kém nhưng có thể dùng ngâm rượu hay làm thuốc rất quý, chữa bệnh đau lưng, nhức mỏi cơ thể...
Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai
Từ lâu, tuy chưa có tua du lịch ra đảo, trên đảo cũng chưa có nơi ăn, nghỉ đủ tiêu chuẩn hạng “sao” nhưng vẫn có không ít đoàn khách du lịch cả trong và ngoài nước vượt sóng gió đại dương ra với “đảo thép”.
Khi chúng tôi đến thăm đảo vào những ngày cuối tháng 4, cũng là lúc có một đoàn khách du lịch nước ngoài đi du lịch “bụi” đến tham quan, nghỉ lại đảo. Đây có lẽ là đoàn khách du lịch quy mô đầu tiên đến và ở lại dài ngày trên đảo. Ông Nguyễn Bác Ái quê ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên trong đoàn, cho chúng tôi biết: “Đây là đoàn thuộc những người chơi vô tuyến điện và sóng ngắn nghiệp dư quốc tế, đến tham quan nghỉ lại đảo đã hơn 10 ngày nay. Đoàn khách du lịch này gồm 6 nước: Thụy Sĩ, Slô-va-ki-a, Hà Lan, Mỹ, Thụy Điển và Việt Nam. Hiện trên thế giới có nhiều câu lạc bộ chơi vô tuyến điện nghiệp dư, họ thường thích đến những nơi xa xôi trên thế giới để khám phá. Đảo Cồn Cỏ là nơi chưa có một thành viên thuộc hội chơi vô tuyến điện nghiệp dư và sóng ngắn trên thế giới đặt chân đến. Do vậy, những thành viên này đã liên hệ xin giấy phép của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Cục Tần số Vô tuyến điện Việt Nam để đến Cồn Cỏ tham quan và thực hiện các cuộc gọi trên sóng vô tuyến điện ra toàn thế giới”. Hơn 10 ngày trên đảo, các thành viên trong đoàn đã thực hiện tổng cộng hơn 19.000 cuộc gọi. Mỗi một cuộc gọi, các thành viên khác trên khắp thế giới đều biết thông tin về Cồn Cỏ nhờ những hình ảnh và thông tin truyền theo.
Tiếp xúc với các thành viên trong đoàn ai cũng có chung một cảm nhận, Cồn Cỏ rất hoang sơ, không khí trên đảo trong lành, nhịp sống của người dân bình dị và thân thiện. Bản thân họ rất muốn có cơ hội quay trở lại đảo. Trong lần đến Cồn Cỏ này, bên cạnh việc đến chơi, thăm đảo, họ còn dành thời gian đi thăm nhà trẻ, tự tổ chức ăn uống như người dân trên đảo.
Trong thời gian ở lại đảo, chúng tôi đã đi tham quan một vòng quanh đảo, gặp gỡ với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đóng quân và nhân viên trạm hải đăng nơi đây. Tất cả họ đều có chung một mong muốn, xây dựng Cồn Cỏ phát triển giàu, đẹp và trở thành điểm du lịch trong tương lai. Thượng úy Đoàn Minh Cử, nhân viên Trạm ra-đa 540, Vùng D Hải quân, một người con của quê lúa Thái Bình đã gắn bó với đảo hàng chục năm nay cho biết: “Đến đảo chắc các anh thấy, khí hậu ở đây trong lành và dễ chịu lắm, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Từ ngày ở đảo đến nay, đơn vị mình gần như chưa dùng đến quạt. Với khí hậu như thế này mà xây dựng Cồn Cỏ trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng rất thích hợp. Ở đảo có nhiều món đặc sản, trong đó có rau xanh, bí. Bí ở đây rất to và sai trĩu quả”.
Ở Cồn Cỏ, từ người dân đến chiến sĩ trong các đơn vị đóng quân đều rất thân thiện. Anh Cử đã tự nguyện làm hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh đảo. Điều làm tôi hết sức bất ngờ và ấn tượng, bởi dường như anh Cử thuộc mọi ngóc ngách của đảo, thuộc đến từng loại cây, bụi cỏ nơi đây. Sau gần ba tiếng đồng hồ dẫn tôi đi thăm, giới thiệu đặc trưng của Cồn Cỏ, anh vẫn cứ tiếc với tôi một điều, ở đảo có hai món đặc sản dễ kiếm, rất ngon miệng là cua đá và ốc nón nổi tiếng, có lẽ ít nơi có. Song do biển động, sóng to nên không thể đi kiếm, anh đành hẹn với chúng tôi trong lần sau trở lại đảo sẽ chiêu đãi phóng viên.
Vợ chồng anh Vĩnh, chị Na, một trong 10 hộ thanh niên xung phong ra đảo hiện đang thuê một khu đất của Ủy ban nhân dân huyện đảo để kinh doanh, cho biết: “Chúng em mong muốn Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch để khai thác và tận dụng được thế mạnh của đảo. Đồng thời, cải thiện đời sống của người dân”.
Phát triển tam giác du lịch
Đảo Cồn Cỏ chỉ cách Cửa Tùng 15 hải lý, cách Cửa Việt 17 hải lý về phía Đông Bắc, cách Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch) 13 hải lý về phía Đông. Với khoảng cách tương đối gần này, chỉ mất chừng một giờ tàu chạy là có thể đến đảo. Nếu xây dựng thành công tuyến du lịch tại Cồn Cỏ, sẽ hình thành tuyến tam giác du lịch “Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ” hết sức độc đáo và ấn tượng của không chỉ Quảng Trị mà còn cả dải đất miền Trung sóng gió này.
 |
Đoàn khách thuộc Câu lạc bộ chơi vô tuyến điện nghiệp dư dựng ăng-ten liên lạc trên đảo. |
Đến Cồn Cỏ thời gian này, rất dễ thấy đảo đang phát triển từng ngày. Nếu như cách đây một, hai năm, trên đảo chủ yếu là đường mòn, thì hiện nay, đường sá đang mở rộng và nâng cấp. Toàn bộ tuyến đường vòng quanh đảo đều trải nhựa phẳng lỳ, nhiều tuyến đường, nối liền các cơ quan trên đảo được mở rộng, làm mới. Theo ông Cao Văn Tân – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo cho biết: “Quy hoạch Cồn Cỏ được chia thành từng giai đoạn, từng lĩnh vực khác nhau. Trong đó, quy hoạch chung về xây dựng từ năm 2010 – 2015, có định hướng đến năm 2020, quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch chi tiết về du lịch... Ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng mọi mặt, nhất là về giao thông thủy, bộ. Từ đó, làm nền móng cho việc phát triển kinh tế, xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch vào năm 2020. Mặt khác, tiếp tục phương án di dân ra đảo, mở tua du lịch... tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân”.
Trước mắt, để tàu thuyền ra vào đảo thuận lợi, âu cảng và đường đi trên đảo đang được đầu tư mở rộng với trị giá hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống phát thanh, truyền hình, viễn thông đã được phủ kín, riêng trạm thu phát tín hiệu của Vinaphone, Viettel (cao 1,65m so với mặt nước biển) nên sóng điện thoại ở đây lúc nào cũng đầy ắp.
Tuy nhiên, để xây dựng, phát triển Cồn Cỏ thành đảo du lịch trong thời gian tới, còn rất nhiều việc phải làm. Những ý tưởng xây dựng đảo đều tâm huyết, Đảng bộ huyện đã có Nghị quyết về quy hoạch, phát triển du lịch nhưng có lẽ vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa tương xứng với những gì mà Cồn Cỏ hiện đang có. Mặt khác, phát triển du lịch cũng cần đặc biệt chú ý đến việc củng cố quốc phòng, an ninh. Kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là điều cần được thực hiện song song. Bởi, Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu, có vị trí hết sức quan trọng trong thế trận phòng thủ của Quảng Trị.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, hệ thống nước sinh hoạt chỉ đủ phục vụ lực lượng trên đảo; toàn đảo chưa có nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách. Song, khó khăn nhất vẫn là yếu tố con người. Huyện đảo chưa có cơ quan hay công ty làm du lịch để giúp huyện phát triển du lịch. Ngoài ra, nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với tiềm năng vốn có, Cồn Cỏ rất cần sự chung tay giúp sức của các cơ quan chức năng trong tỉnh Quảng Trị và sự hỗ trợ từ Trung ương để mảnh đất thép này đơm hoa kết trái, trở thành “hòn ngọc biển Đông”, đưa cuộc sống của người dân huyện đảo ngày càng no ấm, hạnh phúc.
Theo đề án quy hoạch mới nhất mà UBND tỉnh Quảng Trị trình bày tại kỳ họp lần thứ 20 Hội đồng nhân dân tỉnh, thì huyện đảo Cồn Cỏ sẽ trở thành đảo du lịch vào năm 2020. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, sẽ có nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau như: Vốn ngân sách, vốn của nhà đầu tư, của các tổ chức phi chính phủ, với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2015, nguồn vốn đang được kêu gọi đầu tư vào khoảng 640 tỷ đồng.
|
Bài và ảnh: Hoàng Tiến - Quang Thái
“Đảo thép Cồn Cỏ” (bài 3)
“Đảo thép Cồn Cỏ” (bài 2)
“Đảo thép Cồn Cỏ” (bài 1)