Rảo bước dưới tán rừng cổ thụ bạt ngàn, xanh mát, câu chuyện về vùng đất “Mã Đà sơn cước” những năm kháng chiến hào hùng được tái hiện qua lời kể của anh Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Sinh thái-văn hóa-lịch sử Chiến khu Đ thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai.
“Pháo đài” cách mạng kiên trung
Vốn là người yêu rừng, gắn bó với rừng nhiều năm, anh Hà mở đầu câu chuyện bằng lời hát: “Ai đã qua rừng miền Ðông đất đỏ/ Nghe máu đổ nhuộm hồng đã bao lần...”, rồi anh kể: “Rừng Mã Đà mang đậm nét đặc trưng “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Nơi đây chứng kiến bao huyền thoại của đất và người Chiến khu Đ. Qua nghiên cứu nhiều sử liệu đều cho thấy: Sau Phong trào Đồng Khởi năm 1960, để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, có căn cứ địa ở Chiến khu Đ, trung tâm đặt tại rừng Mã Đà (nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu). Đây là nơi đứng chân xây dựng các cơ quan đầu não, lực lượng kháng chiến và truyền tải những chỉ đạo của cách mạng miền Nam.
Ngày 10-10-1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam diễn ra tại Mã Đà đã xây dựng và kiện toàn bộ máy lãnh đạo; 12 cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Trung ương Cục. Nơi “rừng thiêng nước độc” lúc bấy giờ chỉ có đường mòn đi bộ, không có đường ô tô, đi lại rất khó khăn. Thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ có phương tiện chiến tranh hiện đại nhưng cũng rất khó đổ quân đánh chiếm Mã Đà. Bởi vậy, giới nghiên cứu quân sự Mỹ từng đánh giá: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”.
 |
Đại diện Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai tri ân gia đình chính sách nơi chiến khu xưa.
|
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chiến khu Đ trở thành căn cứ quan trọng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, nơi đóng quân của Bộ tư lệnh Miền và các cơ quan lãnh đạo cách mạng ở Nam Bộ. Nơi đây còn là điểm tập trung LLVT, cung cấp hậu cần, đào tạo cán bộ, huấn luyện bộ đội và phát triển các binh chủng mới; là nơi sản xuất vũ khí, đạn dược và tổ chức các chiến dịch quân sự lớn trên khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ. Chiến khu Đ cũng là hậu cứ quan trọng hỗ trợ cho các trận đánh lớn ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị Sài Gòn. Trong các chiến thắng: Tua Hai, Bình Giã, Đồng Xoài, pháo kích sân bay Biên Hòa... và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân, dân Chiến khu Đ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các chiến dịch lớn và trực tiếp tham gia các trận đánh ở miền Đông Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đúng như nhận định của PGS, TS Hà Minh Hồng, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh: Giữa vùng đất Đông Nam Bộ kiên cường, Chiến khu Đ nổi bật như một “pháo đài” cách mạng kiên trung, là nơi hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường của quân và dân ta. Từ những ngày đầu kháng chiến nhiều gian khó, Chiến khu Đ đã khẳng định vai trò của một căn cứ chiến lược, là trung tâm của chiến tranh nhân dân và là nơi tạo nên những chiến thắng oanh liệt, góp phần viết nên trang sử vàng của dân tộc.
Bừng lên sức sống mới
Vùng căn cứ Chiến khu Đ chịu ảnh hưởng nặng nề của bom đạn chiến tranh tàn phá. Đất nước được giải phóng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trăn trở tìm cách nâng cao đời sống nhân dân, kết hợp bảo tồn rừng nguyên sinh Mã Đà và phát huy giá trị di tích lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Theo đồng chí Phan Văn Trang, 94 tuổi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai: Ngay từ năm 1986, mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số Chơ Ro vùng Chiến khu Đ đã được tỉnh xây dựng nhà ở, đào giếng nước, cấp 1ha đất nông nghiệp.
10 năm sau, Lâm trường Vĩnh An đầu tư toàn bộ hệ thống điện thắp sáng cho mỗi hộ dân; nhận nhiều đồng bào vào lâm trường làm công nhân. Đặc biệt, thực hiện đề án xây dựng làng dân tộc thiểu số phát triển bền vững, năm 2005, Bộ tư lệnh Quân khu 7 cùng tỉnh Đồng Nai triển khai xây mới 64 căn nhà tặng hộ nghèo, 40 công trình vệ sinh, nhà dài truyền thống, trạm cấp nước sạch, điện thắp sáng và hơn 2,2km đường trải nhựa nhằm phát triển kinh tế, ổn định đời sống đồng bào vùng căn cứ cách mạng. Song, để bảo đảm ổn định lâu dài, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (nay là Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai).
Từ khi được thành lập đến nay, Khu bảo tồn đã thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kết nối các tuyến du lịch về nguồn, phối hợp chăm lo đời sống người dân và bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Chiến khu Đ. LLVT tỉnh Đồng Nai cũng chung tay chăm lo gia đình chính sách, bảo vệ môi trường và tuyên truyền giá trị lịch sử của “địa chỉ đỏ”.
 |
Du khách tham quan khu tưởng niệm tại Chiến khu Đ (Đồng Nai). Ảnh do Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai cung cấp |
Với chủ trương đẩy mạnh ngành kinh tế du lịch gắn với địa danh lịch sử, văn hóa, cuối năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai, giai đoạn 2021-2030. Đề án được triển khai đã thổi “làn gió mới”, tạo ra nhiều đổi thay cho du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử Đồng Nai mà Chiến khu Đ là một điểm nhấn.
Trên tuyến đường hoa giấy rực rỡ sắc hồng pha trắng tinh khôi đua nở khắp núi rừng Chiến khu Đ, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai chia sẻ: "Ban giám đốc Khu bảo tồn chỉ đạo tổ chức và đăng cai tổ chức nhiều chương trình, hoạt động bổ ích để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử, văn hóa; tích cực tìm tòi, đổi mới sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo điểm nhấn trong mỗi tour du lịch kết nối nhằm quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa Chiến khu Đ. Chúng tôi quyết tâm hiện thực hóa ý thơ của thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ: "Núi non hớn hở thay màu áo/ Suối biếc ngân reo chuỗi hạt châu" để Chiến khu Đ mãi tỏa sáng biểu tượng kiên trung, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: CHÂU GIANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.