Anh cũng “giảm nghèo” ngay bằng cách mua xe máy cao cấp, tivi đời mới, quần áo hàng hiệu… Thế là chẳng mấy chốc “Mèo lại hoàn mèo”! Quả thật, việc giúp hộ nghèo thoát nghèo, nếu không có cách hữu hiệu thì dễ thành “Đánh bùn sang ao”. Đại tá công an hưu trí Nguyễn Trung Tấn có cách “xóa đói giảm nghèo” thiết thực. Đó là giúp hộ nghèo xây ý chí tẩy chay cái nghèo.
Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ trong lực lượng Công an nhân dân, cuối năm 2013, Đại tá Nguyễn Trung Tấn (thường trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội) về phường Vân Phú, TP Việt Trì, Phú Thọ làm nhà để thờ cúng gia tiên và tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Tiến Hùng - anh trai ông hy sinh hồi đánh Mỹ ở chiến trường B.
Vùng đất này, ra khỏi những khu công nghiệp sầm uất là gặp ngay nẻo quê mộc mạc với ngô lúa sắn khoai. Biết chuyện gia đình chị Hạnh hàng xóm là hộ nghèo hơn mười năm rồi mà vẫn chưa thoát nghèo được… ông Tấn không khỏi chạnh lòng.
 |
Ông Tấn trao đổi với gia đình chị Hạnh về ý chí xóa đói, giảm nghèo. |
Chị Hạnh sinh năm 1977, quê xã Hùng Lô, TP Việt Trì. Năm 2000, chị kết hôn cùng anh Chất, làm dâu bà Be ở phường Vân Phú. Không nghề nghiệp, chỉ làm thuê việc thủ công, vợ chồng chị chẳng có tài sản gì đáng kể ngoài gian nhà quây bằng gạch tuềnh toàng bên lối dốc. Cuối năm 2004, anh Chất qua đời sau 12 ngày suy thận. Chị Hạnh ôm đứa con trai đầu là Nguyễn Văn Lượng 3 tuổi và đứa kế là Nguyễn Văn Nhượng mới lọt lòng mẹ được 6 tháng, lả đi như tàu lá chuối gặp bão. Được sự bao bọc của mẹ chồng và người thân, mẹ con chị qua được đận ấy và trở thành hộ nghèo nhất làng…
Biết chuyện ba mẹ con chị Hạnh giờ đây vẫn lầm lụi “cày thuê cuốc mướn”, ông Tấn đến tận nhà khuyên chị phải tìm cách “thoát nghèo”! Nhưng chị Hạnh tự ty: “Cháu “đất xấu nặn chẳng nên nồi”. Mẹ chồng ngày một già. Cháu phải lo phụng dưỡng mẹ khỏe, nuôi hai đứa con ăn học. Thế thì làm sao để ra khỏi cảnh nghèo được hả bác!”. Ông Tấn bảo: “Cháu phải tìm cách “cởi trói” cho mình để các con của cháu noi gương. Đấy là thứ quý nhất mà cháu dành cho con cái. Nếu cháu quyết tâm, bác tin là sẽ có người giúp đỡ”. Nghe đến chỗ này, chị Hạnh hào hứng: “Cháu cũng muốn được như thế. Cho con, chẳng gì bằng cho cái chí khí vươn lên!”. Nhưng chị cũng thành thật: “Chúng cháu có cái khó! Không nghề ngỗng. Làm thuê việc vặt, lúc có lúc không. “Vặt mũi không đủ đút miệng”. Vì vậy, muốn xóa nghèo cũng không thể làm được!”.
Hiểu tâm trạng của chị Hạnh, ông Tấn tính nước tạo cho chị một việc làm có thu nhập ổn định, rồi từ đấy dần khơi lên trong tâm hồn chị “ngọn lửa ý chí” chiến thắng cái nghèo. Ông đặt phương án: Vợ chồng ông sẽ tiếp tục tham gia những công việc hữu ích giành cho người hưu trí ở TP Hà Nội. Chị Hạnh sẽ trông coi nhà cửa, vườn tược của gia đình ông. Thù lao theo thỏa thuận. Hai đứa trẻ nếu học tốt, ngoài giờ học tham gia làm việc phù hợp lứa tuổi như chăm sóc cây kiểng, giữ nhà cửa sạch sẽ… thì cũng có tiền bồi dưỡng, khoản này chị Hạnh phải quản lý cho chúng ăn học.
Tại cuộc họp anh em trong nhà, chủ đề “Góp phần vì người nghèo” năm 2015, ông Tấn đưa vấn đề này ra. Các ông bà Công - Én, Mạnh - Thiện, Quảng - Tâm và bà Điểm-nhà giáo đều “hoan nghênh ý định của hai bác!”. Ông bà Bản - Nguyệt là cả, từ TP Hồ Chí Minh gọi qua video zalo, nhấn mạnh: “Mình giúp người ta, là giúp cái ý chí, tạo cho người ta cái “cần câu” chứ đừng đưa “con cá”! Quá trình có gặp trở ngại gì, chú thím Tấn cứ trao đổi để anh em hỗ trợ”. Bà Điểm thì phấn chấn: “Nếu mỗi gia đình “đủ ăn đủ tiêu” nhận giúp một hộ nghèo thoát nghèo, thì sẽ không còn các cháu thất học vì nghèo”…
Cảm động trước sự quan tâm, tạo điều kiện của gia đình ông Tấn, chị Hạnh chăm chỉ lao động và có những sáng kiến tốt được ông ghi nhận. Chị cũng lên kế hoạch làm việc hợp lý để có thể nhận thêm công việc khác, tăng thu nhập, dành ra một phần làm quỹ… Hằng tháng, khi gửi tiền thù lao trả chị Hạnh, ông Tấn thấy vui vui với khoản dành cho hai đứa trẻ, vì chúng chăm học, kết quả tốt hơn trước và siêng năng giúp mẹ.
“Con người ta có chỗ ở càng chu tất thì tâm hồn càng phấn chấn để có thể bay bổng”. Nghĩ vậy, năm 2017, ông Tấn khuyên chị Hạnh làm nhà mới. Chị Hạnh thổ lộ: “Cháu cũng đã được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà ở, cháu chờ đến khi nào điều kiện cho phép thì mới làm. Cốt để cho con. Chứ đời cháu, cái số nghèo đâu được ở nhà đẹp ạ!”. Ông Tấn lại khuyên chị: “Một năm làm nhà ba năm trả nợ. Cháu quyết tâm thì người xung quanh sẽ lại tin tưởng, giúp đỡ”.
Chị Hạnh còn chưa dám bày tỏ gì thêm thì ông Tấn đã đưa việc này ra thăm dò ý kiến mọi người. Bà Be lên tiếng trước: “Tôi cổ lai hy rồi. Tôi có 50 triệu đồng, tiền về chuyển nhượng đất dạo trước. Thằng Lượng là cháu đích tôn của tôi. Nếu mẹ con nó làm nhà, tôi không cho cháu tôi thì cho ai!”. Ông Tấn tiếp lời: “Nếu cháu Hạnh làm nhà thì vợ chồng tôi giúp bản vẽ thiết kế, một số vật liệu và toàn bộ gạch lát nền nhà, lát sân. Làm xong, tôi sẽ cho cháu thêm một số đồ dùng sinh hoạt thiết yếu”. Thế là thân nhân đôi bên của chị Hạnh cùng hưởng ứng. Người hỗ trợ. Người cho vay. Ông Nguyễn Văn Thành em rể bà Be là giáo viên dạy nghề giúp vẽ thiết kế, tổ chức thi công.
Chỉ sau vài tháng, ngôi nhà mới của gia đình chị Hạnh gồm 3 gian 2 chái, tường gạch xi măng, mái tôn chống nóng, cao thoáng đẹp mắt đã hoàn thành. Hôm chuyển vào nhà mới, có đủ giường, bàn ghế, tivi 43 inch… vợ chồng ông Tấn cho, chị Hạnh xúc động nói: “Mẹ con cháu giờ cũng coi như có tiền lương hằng tháng. Cháu sẽ giành dụm để sớm hoàn trả các khoản vay ạ!”.
 |
Gia đình chị Hạnh đã thoát nghèo, bên ngôi nhà mới dựng. |
Đứng giữa căn nhà mới, chị Hạnh rưng rưng nghĩ: “Nước đến đâu bắc cầu đến đấy!”, cho hai đứa con học tốt nghiệp THPT rồi ở nhà lao động, xây xáo thuê, giúp mẹ phụng dưỡng bà. Ông Tấn lại vào cuộc đánh bại tư tưởng “An phận thủ thường” ấy. Ông bảo chị Hạnh: “Cháu Lượng là con trưởng, là trụ cột, phải có việc làm ổn định, gia cảnh căn cơ tại mảnh đất cha ông để lại. Muốn vậy, nó phải có cái “cần câu cơm” ngay trên quê hương Việt Trì sừng sững những khu công nghiệp này”. Năm Lượng bắt đầu học lớp 12, Ông Tấn thường kể cho cậu nghe những kỷ niệm trong cuộc đời của ông. Lượng thích quá, “khen” ông “tài giỏi, làm to nhất làng”. Ông bảo với Lượng rằng, những thứ đó đều được hình thành từ tuổi trẻ của ông. Tuổi trẻ phải có ước mơ, hoài bão và phải quyết chí thực hiện thì về sau mới đàng hoàng được. Ông nói đùa nhưng ý sâu xa: “Bây giờ ông cho cháu tất cả những thứ ông đang có, chỉ để xin cháu một thứ. Đó là tuổi trẻ!”. Lượng hiểu ra, cậu hình dung con đường đời của mình dứt khoát không thể “Gà què ăn quẩn cối xay”!
Lượng tốt nghiệp lớp 12. Ông Mạnh (em trai ông Tấn, sĩ quan quân đội) hướng cho cậu thi vào hệ B (dân sự), ngành điện công nghiệp, chương trình 3 năm tại một trường kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng. Nay Lượng đang học năm thứ 2. Ông Tấn dặn dò Lượng: “Cháu phải chăm chỉ học hành thành đạt để có việc làm trong những khu công nghiệp trên quê hương Việt Trì; để cháu có thể tìm được người vợ đức độ và giỏi giang. Con trưởng phải lo trụ cột gia đình, làm bổn phận với tiền nhân, định hướng cho em trai và chăm lo con cháu…”. Lượng nhìn ông, nuốt từng lời, cậu coi ông là người hướng đạo…
Gia đình chị Hạnh đã thoát nghèo được 2 năm. Hôm 27-7-2020, vợ chồng ông Tấn cúng cơm liệt sĩ Nguyễn Tiến Hùng, chị Hạnh thắp nén hương xong, đứng trước ban thờ, khấn tâu: “Thưa bác liệt sĩ! Nhờ có vợ chồng bác Tấn truyền cho ý chí quyết tâm, chỉ bảo đường hướng, mẹ con cháu đã vươn lên và nhận được sự khích lệ, giúp đỡ của cộng đồng… Nay nhà cháu đã thoát nghèo. Mẹ con cháu hứa với bác liệt sĩ, sẽ quyết không để giặc đói nghèo ngồi trong nhà cháu nữa”. Một số người đến hỏi kinh nghiệm thoát nghèo, chị cũng nói với họ cái ý như thế…
Bài, ảnh: PHẠM XƯỞNG