LTS: Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15-5-1941/15-5-2011) phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trở về thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) - nơi thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc đầu tiên (nay là Đội TNTP Hồ Chí Minh). Chúng tôi đã gặp ông Lý Văn Tinh (bí danh là Thanh Minh), một trong 5 người đội viên ngày ấy. Qua ký ức của ông, câu chuyện về những đội viên tuổi nhỏ chí lớn hiện về rõ nét ...

Kỳ 1: Tuổi nhỏ chí lớn

Lời thề dưới chân núi Thoong Mạ 

Đến thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) trời đã quá trưa, nhưng không mấy khó khăn để chúng tôi tìm được tới nhà ông Lý Văn Tinh, một trong 5 người đội viên đầu tiên. Năm nay đã 87 tuổi, đôi chân không đi lại được, nhưng trí óc của ông vẫn còn rất minh tuệ. Anh Lý Ngọc Bính, người con trai thứ ba của ông cho biết:

- Bố tôi bị liệt mấy năm nay, nhưng khi ngồi dậy được ông lại đọc sách. Thứ bảy nào ông cũng dành thời gian nghe con cháu kể chuyện làm ăn, chuyện học tập, thậm chí cả những vấn đề thời sự trong nước và trên thế giới... Rồi ông lại kể cho con cháu nghe chuyện mình làm liên lạc cho cách mạng.

Biết chúng tôi là nhà báo đến ông vui lắm. Giọng sang sảng ông gọi người con út lấy chai rượu. Thấy vậy, người bạn đi cùng tôi công tác ở Báo Cao Bằng giải thích:

- Khách quý mới được mời rượu đấy!

Ông nhấm một ngụm, gật gù:

- Rượu quê mình nấu bằng men gia truyền, êm lắm, say là ngủ, tỉnh dậy như chưa uống. Cũng chất men này mà 70 năm trước, 5 anh em chúng tôi trong buổi kết nạp đội viên Đội Nhi đồng cứu quốc ai cũng chếnh choáng...

Nói rồi ông thủng thẳng đưa chúng tôi về miền ký ức hào hùng.

 Ông Lý Văn Tinh (Thanh Minh) trò chuyện với phóng viên.

Ngày đó, thôn Nà Mạ, xã Trường Hà chỉ có mấy nóc nhà. Trẻ con trong xã vẫn chơi khăng, chơi quay ngoài bìa rừng. Nghe người lớn nói, bọn trẻ đều biết trên địa bàn xã mình có một ông Ké và nhiều khách "giang hồ" đến. Họ ở trong khe đá và các hang núi để bàn cách đánh giặc. (Ông Ké là Bác Hồ, còn khách "giang hồ" là các chiến sĩ cách mạng). Ở xã, ai cũng căm ghét bọn lính hống hách nên mọi người đều quý ông Ké và những người khách...

Tháng 5-1941, ở Pác Bó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII họp từ ngày 10 đến ngày 19, ông Ké cũng tham gia (Bác Hồ lúc đó với danh nghĩa đại biểu Quốc tế Cộng sản về chỉ đạo cách mạng Việt Nam).

Ngày 3-5-1941, anh Đức Thanh cùng nhóm trẻ trong làng đi câu cá. Ai cũng muốn được ngồi gần nghe anh Đức Thanh kể chuyện. Bên bờ suối, anh kể cho các em nhỏ nghe chuyện về đời sống đồng bào ở dưới xuôi; về tội ác của thực dân, phong kiến; về phong trào cách mạng đang nổi lên... Bọn trẻ ai cũng khen anh Đức Thanh giỏi, nói chuyện dễ nghe. Lúc đó, không ai biết anh Đức Thanh có tên thật là Đàm Minh Viễn, quê ở bản Nà Nghiêng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Anh là người được học chữ từ nhỏ, ít tuổi nhưng đã là Ủy viên Ban chấp hành Châu ủy Hà Quảng. Sau này, anh làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và hy sinh trong chiến trường miền Nam. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII anh được giao nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy lực lượng bảo vệ vòng ngoài.

Trưa 14-5, anh Đức Thanh đến gặp Lý Văn Tinh. Anh Thanh hỏi Lý Văn Tinh về bọn lính canh các đồn bốt. Anh Thanh chưa kịp nói hết câu, Lý Văn Tinh đã sôi nổi:

- Nhà em ai cũng căm thù giặc. Bọn lính thu nhiều thuế, bắt gánh thóc đi nộp ở rất xa. Anh rể em là Nông Nhật Sơn chống lại không những bị chúng đánh gãy tay mà sau đó còn bị chặt đầu...

Tuổi nhỏ nên Lý Văn Tinh hồn nhiên không giấu giếm khi kể về nỗi nhục mất nước và khảng khái với quyết tâm của mình, muốn giúp khách "giang hồ" đánh giặc.

- Em muốn lấy khẩu súng bắn chết bọn giặc kia anh ạ!

Thấy vậy, anh Đức Thanh khuyên Lý Văn Tinh bình tĩnh và hẹn em giờ Hợi ngày 15-5, có mặt ở chân núi Thoong Mạ.

Đúng hẹn, Lý Văn Tinh đến đã thấy 4 người bạn là Nông Văn Dền, Nông Văn Thàn, Lý Thị Nì, Lý Thị Xạu ở đó. Anh Đức Thanh giải thích:

- Tôi bí mật hẹn các em đến đây là có nhiệm vụ rất quan trọng giao cho cả nhóm và từng người. Các em là những người nhỏ tuổi nhưng có lòng yêu nước, yêu đồng bào, tôi thay mặt cán bộ cách mạng quyết định thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc. Đội này do Nông Văn Dền làm Đội trưởng. Nhiệm vụ của các đội viên là làm chiến sĩ liên lạc; đưa đón, bảo vệ cán bộ; canh gác các cuộc họp; chuyển công văn, tài liệu và các nhiệm vụ đột xuất khác. Các em có sẵn sàng không?

Nghe anh Đức Thanh nói vậy 5 đội viên vui mừng rồi đồng thanh hô: Sẵn sàng!

Di tích nơi thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc (nay là Đội TNTP Hồ Chí Minh).

Anh Đức Thanh quy định tên cách mạng cho từng người. Anh nói chậm, giải thích cặn kẽ theo tiếng dân tộc Tày và tiếng Hán:

- Nông Văn Dền, có tên cách mạng là Kim Đồng, nghĩa là thiếu niên xinh đẹp, xán lạn. Nông Văn Thàn tên cách mạng là Cao Sơn, nghĩa là người có đức hạnh như ngọn núi cao. Lý Thị Nì là Thủy Tiên, nghĩa là cây hoa của mùa xuân. Lý Thị Xạu là Thanh Thủy, nghĩa là làn nước trong xanh tinh khiết. Lý Văn Tinh gọi là Thanh Minh, nghĩa là ngọc của buổi sớm.

Dừng lại hồi lâu để mọi người có thể nhớ thuộc tên mình và tên của từng thành viên, anh Đức Thanh nói về vị trí thuận lợi của thôn Nà Mạ:

- Từ Nà Mạ có thể đi đến các nơi cách mạng đang phát triển; là chỗ đón tiếp đại biểu đến hoạt động ở Pác Bó...

Sau đó, anh Đức Thanh đề nghị mọi người nhắc lại nhiệm vụ. Thấy Thanh Minh còn lúng túng, anh động viên:

- Quá trình hoạt động dần dần rồi các đồng chí sẽ hiểu. Đội Nhi đồng cứu quốc làm càng tốt nhiệm vụ của mình bao nhiêu thì sẽ góp phần đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà sớm bấy nhiêu.

Buổi kết nạp đơn sơ được kết thúc bằng lời thề: “Dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội đồng đội”. Theo ý kiến của các em, mọi người đồng ý cắt máu ăn thề để lời thề được linh thiêng. Anh Thanh lấy trong túi ra một chiếc chai nhỏ, một chiếc bát sắt và một con dao nhọn. Anh Thanh đổ rượu ra bát, lấy dao chích đầu ngón tay áp út của mình. Máu trên ngón tay anh nhỏ từng giọt xuống bát rượu. Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Minh, Thủy Tiên, Thanh Thủy lần lượt làm theo. Bên ánh đèn dầu bát rượu hồng tươi, anh Đức Thanh uống rồi giơ tay lên quá đầu hô vang:

- Xin thề!

Mọi người cùng uống. Người nào uống xong đều hô: Xin thề!

Vì tuổi còn nhỏ (Kim Đồng và Cao Sơn lúc ấy mới 12 tuổi, còn Thủy Tiên và Thanh Thủy đều 13, riêng Thanh Minh là tuổi 15), nên rượu đào đã làm các đội viên đỏ mặt, người lâng lâng, họ ngủ tại nơi kết nạp trên lá cây rừng khô tới khi con gà gáy sáng.

Chiến công đầu thầm lặng

Trong các đội viên, nhà Thanh Minh có điều kiện kinh tế hơn cả. Lúc đó, gia đình ông có 12 con trâu và hơn 1 mẫu ruộng. Bởi vậy, Kim Đồng bàn với các đội viên trong lúc chăn trâu sẽ tập cách xử lý tình huống trên đường đưa đón cán bộ cách mạng. Kim Đồng và Cao Sơn một bên, Thanh Minh, Thanh Thủy, Thủy Tiên ở bên còn lại. Thanh Minh dồn hai con trâu cho chúng chọi nhau, hô hét cổ vũ. Tình huống này mục đích tạo sự chú ý của quân giặc. Tình huống thứ hai là câu cá dưới suối. Cao Sơn thả cần câu nhưng mắt quan sát về bốn phía nếu thấy quân lính tới dù có cá hay không đều phải giật tạo tiếng động báo cho cán bộ cách mạng biết. Tình huống thứ ba là Thủy Tiên và Thanh Thủy cãi nhau nhờ quân lính can thiệp.

Sau đó, Kim Đồng dẫn mọi người tìm đường rừng đi qua khe núi tới xã Nà Sác (con đường này theo hướng dẫn của anh Đức Thanh để đưa cán bộ dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII rời khỏi Nà Mạ. Sau này là đường mà các đội viên đưa cán bộ về Pác Bó).

Vì là rừng già rậm rạp, các đội viên đi đến đâu làm dấu trên thân cây đến đó. Trên cung đường dài gần 7km, Kim Đồng phân công vị trí canh gác cụ thể cho từng người. Đoạn qua suối Cao Sơn câu cá. Đoạn đất rộng trên đỉnh đèo Gù, Thanh Minh chăn trâu. Đoạn có cây rừng phủ ra đường Thủy Tiên, Thanh Thủy hái rau... Sáng 19-5, các đội viên vào những vị trí được phân công, chuẩn bị cho nhiệm vụ đầu tiên của Đội. Chiều 19-5, hội nghị kết thúc, Kim Đồng đi trước, cán bộ cách mạng đi sau, mỗi người cách nhau khoảng 100m...

Sau 4 ngày thành lập, các đội viên Nhi đồng cứu quốc đã lập chiến công đầu, đưa nhiều đại biểu dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII từ Pác Bó, xã Trường Hà ra thôn Nà Sác, xã Nà Sác an toàn. Tới nay cũng rất ít tài liệu nói về chiến công đầu của các đội viên ngày ấy.

---------

Kỳ 2: Mưu trí, dũng cảm, sáng tạo

Bài và ảnh: Mè Thắng - Hồng Xiêm