Kỳ 3: Thoát án "tù chính trị"
Trở lại với tình hình hoạt động của Lê Hiền sau ngày 29-1-1969, ngày mà anh đã tung tin mình phụ bạc vợ con để trốn đi nơi khác hoạt động. Trước đó, Lê Hiền thu được tín hiệu vô tuyến điện chuyển lệnh của cấp trên: "Nhanh chóng bàn giao cơ sở cho B54. Về ngay Trung tâm chỉ đạo". Anh cũng không ngờ, đó là lần cuối cùng được gặp Thanh Tâm.
Một lần nữa, Lê Hiền lại hành quân ra miền Bắc, bước chân qua dải Trường Sơn, vượt qua bao trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, về Thủ đô nhận nhiệm vụ mới.
Sau khi rút kinh nghiệm những năm làm công tác tình báo, Thủ trưởng Cục Tình báo chỉ thị: "Đồng chí sẽ chuyển địa bàn hoạt động, từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Mục tiêu đồng chí đảm nhiệm lần này là "tấn công" Bộ Quốc phòng ngụy. Hành quân bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. Hải quân Mỹ-ngụy đang kiểm soát rất ngặt nghèo, đòi hỏi ở đồng chí một tinh thần dũng cảm. Địa điểm đổ bộ: Nha Trang".
 |
Hạnh phúc ngắn ngủi của gia đình Lê Hiền-Thanh Tâm (ảnh chụp tháng 1-1969). Ảnh gia đình cung cấp |
Được trở về Nha Trang - Thành phố biển quê hương, lòng Lê Văn Trọng (Lê Hiền) rạo rực. Đã 26 năm dài xa cách, mà nay Nha Trang khói lửa chiến tranh vẫn ngút trời.
Anh nghiên cứu nắm vững quy luật hoạt động của địch, đi sâu tìm hiểu từng chi tiết địa bàn, từ bãi đổ bộ, sân bay, bến xe, đến tên phố, tên phường.
Mọi kế hoạch chuẩn bị đã hoàn tất. Ngày 3-3-1971, nhận lệnh xuất phát do phòng điệp báo nội truyền đạt, anh tạm biệt Hà Nội, xuống Hải Phòng, nhập vai một ngư dân. Cùng các thủy thủ tất bật chuẩn bị ra khơi. Lọt qua vùng biển địch phong tỏa, anh chớp thời cơ đột nhập vào thành phố Nha Trang.
Nha Trang xưa thân quen với anh là thế, mà nay sao đem lại cảm giác quá ngỡ ngàng. Đâu đâu cũng gặp đồn bốt giặc, lính tráng lăm lăm súng đạn trong tay. Từ Nha Trang, anh bắt một cuốc xe thâm nhập Sài Gòn an toàn.
Một vấn đề cấp bách đặt ra là làm thế nào để tạo được một vỏ bọc kín đáo? Tự tin với "Giấy giới thiệu di chuyển cư trú" giả trong tay, anh đến cơ quan hộ tịch xuất trình, đánh lừa địch, đăng ký được vào "Tờ khai gia đình" của gia đình ông Phan Chín ở số nhà 181/4 đường Minh Mạng-Phú Nhuận. Anh nghiễm nhiên thành dân Sài Gòn-Gia Định, hành nghề "thầy giáo". Nhờ có thế hợp pháp, anh hoạt động vươn xa, từ Sài Gòn ra Nha Trang để nắm tình hình, bắt liên lạc với giao thông viên Trung ương, hoặc lên cao nguyên móc nối với các cơ sở ở Trường Võ bị Đà Lạt.
Sau chuyến liên lạc với Trung ương tại Nha Trang, trên đường về đến xa lộ Biên Hòa, chiếc ô tô đò chở "Trịnh Hà" bị ách lại. Trịnh Hà bị bắt tại chỗ vì bị nghi dùng căn cước giả. Địch giở nhiều chiêu bài tra tấn, rồi di chuyển anh qua nhiều trại giam. Cơ sở nuôi giấu "Trịnh Hà" đã nhờ Văn phòng Luật sư Lê Tất Hào và Lai Đình Cẩn lo bào chữa cho anh...
*
* *
Trong lúc "Trịnh Hà" đang chịu đựng những màn tra tấn dã man của quân thù trong các nhà tù Mỹ-ngụy thì Trung tâm chỉ huy ngoài Hà Nội hết sức lo lắng do việc mất liên lạc với anh. Trung tâm đã chọn Sáu Dung, một nữ giao thông viên điệp báo trẻ, đầy mưu lược thực hiện nhiệm vụ táo bạo: Đột nhập Sài Gòn bằng "đường Hồ Chí Minh trên biển" để vào Sài Gòn điều tra vụ "Lê Hiền mất tích".
Sáu Dung đã len lỏi qua bao phố phường Sài Gòn đầy rẫy hiểm nguy, dò la tin tức người đồng đội mà cô chưa một lần giáp mặt. Chuyến điều tra lần thứ nhất đã giúp Sáu Dung phán đoán được nguyên nhân đứt liên lạc giữa Lê Hiền với Trung tâm. Trở lại Hà Nội, chưa vơi nỗi đau khi biết tin chồng mình bị giặc sát hại trong nhà lao Quảng Ngãi, cũng chẳng kịp về thăm đứa con nhỏ ở ngay Hà Nội, Sáu Dung đã nhận lệnh trở lại Sài Gòn, phát tín hiệu tìm lại Lê Hiền.
Đến Sài Gòn, Sáu Dung đặt tài liệu vào hộp thư liên lạc trước đây và nhanh chóng rút khỏi địa bàn...
Trở lại với vụ án "Trịnh Hà". Tờ đơn xin tại ngoại cho bị can của luật sư đề ngày 19-1-1972 đã nói về trường hợp bị bắt của anh: "Theo các tài liệu trong hồ sơ và kết quả cuộc điều tra sơ vấn và thẩm vấn thì nội vụ khá giản dị. Ngay từ khi bị giữ ngày 17-11-1971 tại trạm xa cảng xa lộ, bị can Lê Phương (tên tự nhận của Trịnh Hà-PV) đã thú nhận hành vi bất hợp pháp của mình là sử dụng tấm căn cước bọc nhựa làm giả mạo vì mang tên và lý lịch của Trịnh Hà, có lẽ là một người không có thật. Cuộc điều tra sơ vấn của nhân viên hữu trách cũng cho rằng: Mục đích của việc sử dụng giả mạo này không ngoài việc trốn tránh quân dịch, chớ không phải là nhằm các hành vi chánh trị có lợi cho đối phương. Đồng thời với sự thú nhận tội trạng của mình, bị can Lê Phương còn thành khẩn khai trình về danh tánh và lý lịch kẻ chủ chốt đã làm căn cước giả mạo để bán cho y.
Cuộc thẩm vấn về phần bị can coi như kết thúc với lời xác nhận tội trạng thành khẩn và minh bạch. Cuộc thẩm vấn đương hướng vào những kẻ vô danh, có danh tánh và lý lịch phỏng đoán, là những kẻ đã làm hành vi quan trọng hơn, ấy là làm căn cước giả mạo để bán lấy số tiền lớn lao. Bị can Lê Phương không phủ nhận tội trạng của y, luật pháp không thể không trừng phạt y, nhưng bị can đáng được hưởng sự khoan hồng do lời thú tội thành khẩn và các lời phát giác giúp cho cơ quan truy tầm và xét xử có thể kết phạt những kẻ chủ mưu phạm pháp, nhất là dường như chúng lại là nhân viên công lực.
Nếu bị can tìm cách giấu giếm, che chở cho kẻ làm giả mạo, thì sau khi lập biên bản về vụ này, có lẽ bị can đã bị xét xử theo thủ tục quả tang và có lẽ y đã thọ hình xong, bởi lẽ y bị bắt và bị giam trên hai tháng nay rồi. Do đó, trong tình trạng cuộc thẩm vấn hiện nay, sự giam giữ bị can nghĩ không cần thiết, nên trân trọng thỉnh cầu ông Dự Thẩm ban hành tự do tạm cho bị can".
 |
"Trát" gọi Lê Hiền ra hầu tòa án ngụy quyền năm 1972. |
Lê Hiền được tại ngoại là nhờ tờ đơn này. Ông Phan Chín - người chủ nhà tốt bụng đã giúp Lê Hiền chạy vạy "cửa quan" khi anh bị bắt-kể lại rằng: Chính kẻ thẩm vấn Lê Hiền đã giới thiệu hai luật sư trên để hưởng hoa hồng. Lúc đầu, luật sư đòi 80.000 đồng, nhưng nhờ ông chủ nhà than vãn nghèo khổ nên các luật sư đã rút xuống còn 20.000 đồng. Tháng 5-1972 tòa sơ thẩm Gia Định đã tuyên "Trịnh Hà" mắc tội giả mạo căn cước hòng trốn quân dịch, phạt 45 ngày tù và chịu mọi án phí. Thoát được án chính trị, Lê Hiền lại có cơ hội được làm căn cước hợp pháp, một cơ sở để anh tiếp tục dấn thân trong hoạt động tình báo.
Vừa lo làm căn cước, Lê Hiền vừa tích cực móc nối liên lạc với Trung ương để chờ cơ hội ra Hà Nội báo cáo. Tháng 6-1972, anh nhận được thư của chỉ huy ngoài Hà Nội từ một cơ sở. Lá thư nhắc anh chuẩn bị đón gặp phái viên của Trung ương trực tiếp từ Hà Nội vào.
Ngày 21-2-1973, Lê Hiền gặp được phái viên của Trung ương cử vào tìm gặp anh tại một cơ sở ở 123B đường Cống Quỳnh. Sau bao tháng ngày mất liên lạc với Đảng, với tổ chức, sự gặp gỡ lần này khi anh vừa thoát án tù chính trị khiến Lê Hiền xúc động trào nước mắt. Phái viên của Trung ương-nữ đồng chí có mật danh là Sáu Dung-nghe anh báo cáo tình hình, chị xúc động chia sẻ với anh những mất mát của gia đình... Lê Hiền không hề biết rằng, Sáu Dung cũng đang mang trong tim nỗi đau mất chồng bởi các đòn tra tấn của nhà tù Mỹ-ngụy...
Sau khi nối lại liên lạc, Sáu Dung trở ra Bắc ngay vì chị không có điều kiện ở lâu trong nội đô Sài Gòn. Một thời gian sau, Sáu Dung lại vượt biển Đông, quay lại Sài Gòn tìm gặp Lê Hiền. Theo lệnh của Trung ương, tháng 7-1973, anh chia tay gia đình ông Phan Chín ở 181/4 Minh Mạng đi Phan Rang bắt liên lạc rồi tìm đường trở ra Hà Nội. Suốt dọc đường đi, điều khiến Lê Hiền đau đáu nhất chính là số phận đứa con trai Lê Văn Hùng, bị bắt cùng mẹ vào nhà giam, bây giờ ra sao? Biết bao nhiêu câu hỏi xé lòng, xé ruột được anh đặt ra mà không có câu trả lời.
Tại nghĩa địa Chí Hòa, nơi chôn cất liệt sĩ Trà Thanh Tâm, có một chi tiết ghi trên bia đá: "Trà Thanh Tâm. Sinh năm 1935. Chánh quán: La Huân, Điện Bàn, Quảng Nam. Chết ngày 24-6-1973. Con Lê Văn Hùng phụng lập".
Bà con đưa tang, ai thấy tình cảnh này cũng thương xót và tự hỏi: Chồng của bà Tâm đâu mà đứa con trai 5 tuổi phải đứng tên phụng lập bia mẹ?
Chú bé Lê Văn Hùng có một số phận thật đặc biệt: Khi mẹ đang mang thai em thì bị địch bắt. Lúc được thả thì em chuẩn bị chào đời. Và trong song sắt nhà tù, em là người thân duy nhất chứng kiến sự hy sinh của mẹ. Cơn lốc chiến tranh chẳng biết sẽ cuốn cuộc đời Hùng trôi dạt đi đâu nếu không có bà ngoại kịp thời đến đón em về ở cùng.
Tháng 3-1975, tình hình chiến trường thay đổi chóng mặt. Quân giải phóng ào ạt tấn công thành phố Đà Nẵng. Nguỵ quân thua trận, tháo chạy hỗn loạn. Đà Nẵng được giải phóng. Rất nhiều đoàn quân được lệnh thần tốc tiến về Sài Gòn. Dọc đường hành quân qua Đà Nẵng, có một nữ chiến sĩ quân báo năn nỉ thủ trưởng của mình được vào thành phố để tìm gặp một em bé có tên Lê Văn Hùng mới lên 7 tuổi mà cô chưa từng gặp mặt. Bố của em bé - chiến sĩ tình báo Lê Hiền cũng không chắc em có sống ở Đà Nẵng hay không. Tất cả chỉ là niềm hy vọng về sự kỳ diệu của cuộc sống trong chiến tranh.
Nữ chiến sĩ đó chính là Sáu Dung.
(Kỳ sau: Cánh chim bạt gió)
HỒNG HẢI
Chuyện tình của Đại tá tình báo Lê Văn Trọng (phần 1)
Chuyện tình của Đại tá tình báo Lê Văn Trọng (phần 2)