(Tiếp theo và hết)

 Đoàn cán bộ Cục Kinh tế thăm Phòng quản lý và giám sát hệ thống của Công ty Star Telecom tại Viêng Chăn. Ảnh: HÙNG HƯƠNG

Biết tôi đang cần những tư liệu liên quan đến doanh nghiệp quân đội đầu tư ra nước ngoài, một buổi tối, Đại tá Phạm Văn Bình chủ động tìm gặp. Anh cẩn thận lấy từ cặp ra một tờ giấy, đưa cho tôi và nói:

- Đây là những tổng hợp mới nhất về hoạt động đầu tư sang Lào của các doanh nghiệp quân đội. Hy vọng sẽ giúp ích cho cậu.

Những thông tin mà anh Bình cung cấp giúp tôi có cái nhìn đầy đủ hơn về một lĩnh vực lâu nay tôi quan tâm tìm hiểu. Cùng với Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4, hiện nay còn có nhiều doanh nghiệp quân đội đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư sang Lào. Tính đến hết tháng 5-2009, đã có 11 dự án đầu tư với tổng số vốn lên tới gần 167 triệu USD. Trong đó, Công ty Hợp tác kinh tế 385, thuộc Tổng công ty 15, đầu tư gần 33 triệu USD để trồng cao su và chăn nuôi tại tỉnh A-ta-pư. Công ty Vật tư Công nghiệp quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) góp vốn gần 1 triệu USD để tham gia liên doanh dịch vụ khoan và nổ mìn, đồng thời tiếp tục cung ứng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ các công trình xây dựng thủy điện, khai khoáng, xây dựng tại Lào. Công ty Việt Bắc (Quân khu 1) hợp tác với bạn trong việc rà phá bom mìn tại công trình thủy điện Xê-ka-mẳn. Tổng công ty Đông Bắc đang có hướng liên kết với các doanh nghiệp Bộ Quốc phòng Lào để khai thác quặng barit tại Nam Lào. Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội cũng sang xúc tiến việc mở Chi nhánh giao dịch tại Thủ đô Viêng Chăn. Đặc biệt, hiện nay Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) - một doanh nghiệp mạnh của quốc gia - đang đầu tư phát triển mạng viễn thông, truyền dẫn với tổng số vốn lên tới 80 triệu USD...

Trước chuyến đi Lào, tôi đã từng nghe việc Tổng công ty Viễn thông Quân đội đầu tư sang Lào, thế nhưng nguồn vốn đầu tư, quy mô, phương thức tiến hành, thời gian, triển vọng… như thế nào thì tôi vẫn rất lơ mơ...  Tôi đã đến tận cơ quan đại diện của Viettel tại Lào tìm hiểu.

Sang Viêng Chăn tôi mới vỡ lẽ, thì ra “cơ quan đại diện của Viettel tại Lào” mà tôi nhầm tưởng chính là Công ty Star Telecom, liên doanh giữa Công ty Lao Asia Telecom (LAT) của Bộ Quốc phòng Lào và Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Viettel Global (thuộc Tổng công ty Viễn thông Quân đội). Do đã liên hệ trước, Phó giám đốc Công ty Star Telecom Nguyễn Ngọc Anh đã đến  khách sạn Chơ-lơn-say để đón tôi. Năm nay mới ngoài 30 tuổi, khá đẹp trai, giỏi tiếng Anh và tỏ ra rất tự tin, Nguyễn Ngọc Anh là một trong những cán bộ “nguồn” được lĩnh ấn tiên phong cùng một số cán bộ, nhân viên “mang chuông đi đánh xứ người”! Viettel hiện đang là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, với việc đầu tư hàng chục triệu USD sang Lào, rõ ràng “đại gia” này đã tiến một bước dài để vươn ra khu vực và thế giới. 

Vừa điềm tĩnh lái xe một cách điệu nghệ, Nguyễn Ngọc Anh vừa tranh thủ cho chúng tôi biết: Công ty liên doanh Star Telecom được thành lập vào ngày 4-11-2007 và chính thức đi vào hoạt động đầu tháng 4-2008. Theo thỏa thuận giữa hai bên, thời gian hoạt động của công ty tối thiểu là 30 năm, sau đó có thể gia hạn thêm, mục tiêu kinh doanh là đầu tư, xây dựng, tiến hành cung ứng dịch vụ viễn thông và nhiều dịch vụ khác tại Lào, trong đó có dịch vụ điện thoại di động, điện thoại cố định (đường dài và quốc tế), dịch vụ cổng quốc tế, internet đường truyền cho thuê…

Chiếc xe hơi lướt nhẹ trên đường phố. Viêng Chăn đang mùa nắng đẹp. Nắng xòa xuống những thảm cỏ ven đường, bám vào nóc những chiếc xe tuk tuk, phủ vàng trên mái những ngôi chùa cổ. Vòng vèo qua một số tuyến phố, khoảng 20 phút sau, chiếc xe đỗ nhẹ trước một tòa nhà cao tầng, khá khang trang, một số công trình phụ trợ vẫn đang thi công. Đây chính là trụ sở của Công ty Liên doanh Star Telecom, một khu đất đẹp, thoáng đãng nằm trên phố Nong-bo-ne, quận Say-se-tha. Không khí ở đây khá nhộn nhịp. Tôi thấy những cán bộ, nhân viên người Lào và Việt Nam đang mải mê làm việc. Họ đều còn rất trẻ, mặc đồng phục, đeo thẻ tên, khuôn mặt ngời ngời.

Thượng tá, Giám đốc Công ty Lê Hữu Hiền đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện. Đó là một người đàn ông có dáng người tầm thước, vầng trán cao, đôi mắt rất sáng, phong thái dễ gần. Anh Hiền đã từng tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, đúng chuyên ngành công nghệ viễn thông. Trước khi sang Lào, anh là cán bộ chủ chốt một công ty thành viên của Viettel, từng “tung hoành” trên những vùng quê, rừng núi, phố phường, biển đảo, góp phần cùng Viettel chiếm lĩnh thị phần dịch vụ viễn thông trong nước. Sang Lào, anh chấp nhận một “cuộc chơi” lớn, đầy thách thức. Bởi vì, thời điểm Công ty liên doanh Star Telecom thành lập, đang có 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, chủ yếu là các công ty của Thái Lan và Trung Quốc.

Anh kể:

- Khi Công ty liên doanh thành lập, chúng tôi đã tiếp nhận toàn bộ 250 người từ công ty Asia Telecom của Lào, mà trong số đó không phải ai cũng thích ứng được với điều kiện làm việc mới. Như vậy, cộng với số người tuyển thêm và lực lượng cán bộ, nhân viên từ Việt Nam sang, số lao động hiện nay của liên doanh là 460 người. Ngôn ngữ bất đồng cũng là một cái khó. Cần phải nói rằng, khi đã chính thức đi vào hoạt động, chúng tôi không thể hưởng lương bao cấp từ “công ty mẹ” ở Việt Nam. Việc trả lương cho cán bộ, công nhân và các khoản chi phí sau đầu tư hoàn toàn do liên doanh đảm nhiệm. Địa hình bên này hầu hết là đồi núi, bán sơn địa, việc vận chuyển, lắp đặt thiết bị, hệ thống cáp quang truyền dẫn, xây dựng các trạm phát sóng của lực lượng thi công vô cùng vất vả. Tại khu vực miền núi, xe ô tô cứ 3 lần chuyển vật tư lên lại phải một lần sửa. Mùa khô thì nắng cháy da. Mùa mưa thì ẩm thấp, nhớp nháp, côn trùng đốt… Nghĩ cũng thương anh em.

Vượt qua những thách thức, trở ngại ấy, cùng với các bạn Lào, số cán bộ, nhân viên Việt Nam tham gia liên doanh đã giải quyết được rất nhiều việc lớn, như xây dựng, củng cố nơi ăn chốn ở, kiện toàn bộ máy tổ chức, tuyển dụng nhân viên, xây dựng các quy chế hoạt động, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên người Lào, thiết lập các mối quan hệ với các cơ quan, chính quyền, nhân dân địa phương... Nhiệm vụ trọng tâm nhất thời gian qua là thi công các hạng mục công trình kỹ thuật.

Theo Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Anh, tính đến đầu tháng 6-2009, tức là chỉ sau hơn một năm đi vào hoạt động (đến nay liên doanh vẫn chưa làm lễ khai trương chính thức - PV), Công ty liên doanh Star Telecom đã có đại diện tại tất cả các tỉnh, thành phố của Lào thông qua 17 trung tâm kinh doanh; xây dựng được khoảng 700 trạm BTS cho điện thoại di động; thi công lắp đặt một hệ thống cáp với tổng chiều dài khoảng 5.000 ki-lô-mét, kết nối 3 cổng quốc tế (với dung lượng STM64) về Việt Nam. Tháng 7 tới, sẽ có 3 cổng quốc tế nữa được hoàn thành. Đến nay, mạng lưới di động được phủ trên phạm vi toàn quốc và đã có tới gần 160.000 thuê bao di động. Dịch vụ điện thoại cố định cũng có mặt tại các tỉnh lớn như Cham-pa-sắc, Sa-van-na-khẹt, Bô-li-khăm-xay, Luông-phra-băng, Khăm-muộn và dĩ nhiên là cả Thủ đô Viêng Chăn.

Thú thực, trước đây tôi vẫn nghĩ, hoạt động đầu tư của Viettel sang Lào có lẽ còn đang trong giai đoạn… hoàn thiện dự án! Không ngờ, khối lượng công việc mà Công ty liên doanh Star Telecom làm được cho đến thời điểm này thật phi thường!

Dẫn chúng tôi đi thăm “tổng hành dinh”, nơi vừa là trụ sở làm việc, vừa đặt các thiết bị “lõi” của tổng mạng, Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Anh cho biết:

- Từ giữa tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã chính thức cung cấp dịch vụ roaming với Công ty Viettel Telecom (Việt Nam) và đến đầu tháng 6 này đã cung cấp dịch vụ roaming với Viettel Cambodia (Cam-pu-chia). Như vậy, khách hàng của Công ty Star Telecom khi đi du lịch tại Việt Nam hay Cam-pu-chia có thể thoải mái gọi tới Lào với mức giá rất thấp, chỉ tương đương như cước gọi trong nội bộ nước Lào.

Tới tầng 3, vào một căn phòng rộng, tôi thấy có rất nhiều thiết bị giống như chiếc tủ sắt to, màu ghi nhạt, được sắp đặt theo từng dãy. Lại có những thiết bị như một dàn áp-tô-mát khổng lồ. Ở một căn phòng khác, có rất đông công nhân đang thao tác máy tính. Chu Đức Huy, 29 tuổi, Trưởng phòng Khai thác là người duy nhất lúc đó có mặt trong phòng, vì đây là khu vực “cấm vào”. Huy giải thích:

- Đây là phòng giám sát và vận hành khai thác, được coi như “linh hồn” của hệ thống mạng, cơ bản làm việc theo chế độ tự động. Bộ phận này có chức năng giám sát các hoạt động hệ thống mạng cũng như hệ thống truyền dẫn trên toàn quốc. Toàn bộ hoạt động của mạng viễn thông của Star Telecom trên đất Lào được quyết định ở đây.

Tôi không hiểu nhiều về những thuật ngữ chuyên ngành, nhưng cũng liên tưởng ra một triết lý: Khoảng cách, chiều sâu, bề rộng của không gian, thời gian, biên giới, quốc gia, dân tộc đã được rút ngắn nhờ những tiến bộ công nghệ mà bất cứ người dân nào cũng có thể nắm trong… lòng bàn tay! Nỗ lực ấy là do trí tuệ, công sức của con người tạo ra. Vinh quang dành cho những người đi khơi mở tri thức, tiến bộ. Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới lời tâm sự của Nguyễn Mỹ Hạnh, cán bộ truyền thông của Công ty Star Telecom: Trong tổng số 700 trạm phát sóng di động đã lắp đặt tại Lào, có một trạm ở làng Sam-tay (thuộc tỉnh Hủa-phăn). Làng này thuộc vùng sâu, vùng xa, chưa có nhà khai thác viễn thông nào đủ can đảm “cõng” vật liệu dài hàng chục ki-lô-mét lên xây dựng trạm. Star Telecom đã làm được điều ấy! Nhờ có trạm BTS này mà hơn 2.000 công nhân khai thác mỏ và hàng nghìn người dân tộc thiểu số Lào có cơ hội được hưởng những giá trị, tiện ích, của dịch vụ viễn thông.

***

Đã bao nhiêu năm nay, hai dân tộc Việt - Lào tựa lưng vào nhau, chia ngọt sẻ bùi, quyết kháng chiến, giành độc lập cho Tổ quốc của mình. Tình hữu nghị ấy đến nay vẫn vô cùng thắm thiết, thủy chung. Việt Nam đang rộn ràng đổi mới. Đất nước Triệu Voi cũng sôi động chuyển mình. Nhớ câu “Đem chuông đi đánh xứ người”... Vui biết bao khi sự chuyển mình ấy được cộng hưởng bởi những “tiếng chuông” vang trên xứ Lào - đó là sự đầu tư có hiệu quả vì lợi ích mỗi nước, để bạn và ta cùng nắm tay nhau trên đường hội nhập...

Ghi chép của LÊ THIẾT HÙNG

Viêng Chăn - Hà Nội, tháng 6-2009

“Chuông vang” xứ Lào (Phần 1)