QĐND - Trong không gian chật hẹp của căn hầm số 8 Khu di tích lịch sử Chín hầm tại thôn Ngã Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), thành phố Huế, chúng tôi nghẹn ngào xúc động khi nghe tiếng khóc nức nở gọi bố tại khám giam số 12 của một người con, đồng thời là một cựu chiến binh.
Cả không gian như ngưng đọng, tiếng khóc như kim găm vào trái tim của những người lính trong đoàn cựu chiến binh (CCB) Quân khu Trị Thiên khu vực Mê Linh, Bắc sông Hồng - Hà Nội trong chuyến thăm lại chiến trường xưa, thăm Khu di tích lịch sử Chín hầm - một địa ngục trần gian trong thời Ngô Đình Diệm.
 |
CCB Phạm Ngọc bên hình tượng Liệt sĩ Nguyễn Đình Tỉnh trong khám số 12, hầm số VIII. |
Người con khóc gọi bố đó là đồng chí Phạm Ngọc, hội viên của Hội CCB Quân khu Trị Thiên khu vực Mê Linh, Bắc sông Hồng - Hà Nội. Phạm Ngọc hiện là Phó trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu và cây công nghiệp thuộc Trung tâm Công nghệ hóa dược và hóa sinh hữu cơ - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 18, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, từng chiến đấu trên mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa.
Đồng chí Phạm Ngọc là chồng trưởng nữ của người chiến sĩ tình báo hy sinh tại xà lim số 12, hầm giam số VIII trong khu địa ngục Chín hầm - Liệt sĩ Nguyễn Đình Tỉnh (1924-1962), bí danh là Nguyễn Đức Cân (thường gọi là Bính).
Nguyễn Đình Tỉnh quê ở thôn Phù Lưu, xã Lưu Nguyên, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông cũ, nay là thành phố Hà Nội. Ông Tỉnh tham gia Cách mạng tháng 4 năm 1945; vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 7 năm 1950, công tác ở ngành tình báo. Đầu năm 1955, ông được lệnh bí mật vào Nam, hoạt động trong vùng tạm chiếm. Năm 1958, ông bị mật vụ của Ngô Đình Diệm bắt được. Lúc đầu, Nguyễn Đình Tỉnh bị địch giam ở Sài Gòn, sau chúng chuyển ông ra Huế, giao cho Ngô Đình Cẩn xét hỏi. Trải qua nhiều trận đòn tra tấn dã man của các nhà tù ở Thừa Thiên, ngày 15 tháng 12 năm 1960, chúng đưa Nguyễn Đình Tỉnh vào biệt giam tại hầm số VIII của nhà ngục Chín hầm.
Ông Tỉnh bị quân Ngô Đình Cẩn dùng cực hình tra tấn đến trụt bụng. Hằng ngày, bị giam trong tù, chúng chỉ cho ăn đĩa cơm hẩm với mắm thối, muối mặn, nên sức đề kháng của ông không qua nổi những trận đau bụng, kiết lỵ kéo dài. Hơn một tháng trời chống chọi với bệnh tật và vết thương lở loét, ông Tỉnh nằm bất động và đã chết trên tấm ván lấm phân, trong xà lim ngập nước, vào ngày 5 tháng 2 năm 1962. Bọn cai ngục kéo xác ông ra vùi ngoài đồi thông, chỉ cách hầm số VIII chừng vài chục mét.
 |
Hình tượng cai ngục tra tấn dã man chiến sĩ cách mạng tại địa ngục Chín hầm. |
Những người bạn tù của ông Tỉnh nhớ lại, trước khi chết mấy ngày “ông Tỉnh vẫn còn nói chuyện với anh em, và thường nhắc tới vợ và hai con gái. Lúc bấy giờ, một vài người do bị bọn cai tù tra tấn quá đau đớn, đã có ý muốn tự sát. Biết vậy, ông Tỉnh khuyên anh em hãy cố chịu đựng, cố sống để về báo cáo hết mọi việc xảy ra ở Chín hầm cho Đảng biết…”. (Trích trong "Tử ngục Chín hầm và những điều ít biết về Ngô Đình Cẩn" của Dương Phước Thu-NXB Thuận Hóa).
Đi cùng đoàn CCB Quân khu Trị Thiên lần này, đồng chí Phạm Ngọc mong ước được đến Khu di tích lịch sử Chín hầm để có thêm thông tin về sự hy sinh anh dũng của bố vợ và được thay mặt mẹ, vợ, em và các con thắp nén nhang cho người đã khuất ngay tại nơi ông đã ra đi.
Khu vực Chín hầm khi xưa chỉ là những căn hầm xây bằng bê tông cốt thép, nửa chìm nửa nổi được thực dân Pháp dùng làm kho chứa vũ khí tại một quả đồi nhỏ. Bao phủ dưới cánh rừng thông xanh ngắt, có độ cao khoảng 35m so với mặt nước biển, cách trung tâm thành phố Huế chừng 6km về phía tây nam. Ngọn đồi này thuộc về hệ sơn mạch của dãy Ba Đồn - Ngũ Phong - Thiên Thai, chếch núi Ngự Bình một góc chừng 20o ở phía đông nam, nằm gọn trong phần đất của xóm Cỏ Lá, thôn Ngũ Tây, làng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên, nay là phường An Tây, thành phố Huế.
Các hầm này đến thời Ngô Đình Diệm, bạo chúa Ngô Đình Cẩn đã sử dụng lại kho vũ khí của thực dân Pháp, biến nó thành một nhà ngục đặc biệt với những khám giam tù chật hẹp cũng rất đặc biệt. Tại đây giam cầm các thành phần yêu nước, các tầng lớp trí thức, sinh viên, nhà sư đấu tranh cho hòa bình dân tộc, nhất là các chiến sĩ cách mạng hoạt động nằm vùng bám dân, các chiến sĩ tình báo chiến lược hoạt động trong hàng ngũ địch không may bị sa vào tay giặc. Tại nhà tù Chín hầm, Ngô Đình Cẩn cũng có những hình thức tra tấn tù nhân “một cách đặc biệt”, dã man mà thế giới chưa thấy “mô hình” nhà tù nào.
Khu di tích lịch sử Chín hầm ngày nay không còn nguyên vẹn. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nó đã bị địch phá hoại khi chiếm lại cố đô Huế.
Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các bộ, ngành đã cho xây dựng khu Đền tưởng niệm, tượng đài bất khuất và đền thờ Di tích lịch sử Chín hầm. Bộ Công an cũng đã đầu tư tu sửa lại căn hầm số VIII, nơi giam cầm các chiến sĩ hoạt động tình báo với 20 khám giam cùng những hình người mô phỏng để thế hệ mai sau thấy được sự dã man của bạo chúa Ngô Đình Cẩn và tinh thần kiên trung bất khuất của những chiến sĩ tình báo cách mạng.
  |
Căn hầm số VIII (phải) và khám biệt giam các chiến sĩ tình báo tại Di tích lịch sử Chín hầm đã được tu bổ, xây dựng lại (trái). |
Tại xà lim số 12 trong căn hầm số VIII Khu di tích lịch sử Chín hầm, chúng tôi đã chứng kiến cuộc gặp tâm linh giữa hai thế hệ. Thế hệ người cha là liệt sĩ Nguyễn Đình Tỉnh - một trong những chiến sĩ hoạt động trong công tác tình báo đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, xứng danh người chiến sĩ cách mạng kiên trung, quả cảm. Thế hệ những người con như chúng tôi, như anh Phạm Ngọc, lớp chiến sĩ kế cận đã chiến đấu theo gương cha anh và đang bước tiếp chặng đường cách mạng trong niềm tin mà thế hệ cha anh đã gửi lại.
Tiếng khóc nghẹn trong xúc động, tiếng gọi linh cảm của người con trước hình tượng người cha tại khám giam số 12, căn hầm số VIII Khu di tích lịch sử Chín hầm mãi mãi là dấu ấn trong chúng tôi từ chuyến thăm lại chiến trường xưa. Đó là sợi dây tâm linh kết nối giữa hai thế hệ cho hôm nay, mai sau, là sự tri ân với những chiến sĩ ngã xuống tại Chín hầm vì độc lập, tự do cho đất nước. Để rồi hôm nay, những CCB chúng tôi sẽ làm tiếp phần việc của cha anh mong ước khi hy sinh vì nghĩa nước, vì một Việt Nam mãi trường tồn.
Ghi lại hình ảnh cảm động này, với tấm lòng của người CCB đã một thời chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên khói lửa, tôi muốn gửi thông điệp tới đồng đội tôi, với thế hệ mai sau rằng, đừng bao giờ quên thế hệ cha anh đã một thời chiến đấu, hy sinh cho cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay. Hãy làm một việc có ích cho dân, cho xã hội để tri ân với người đã khuất, để lòng mình được thanh thản trước anh linh các anh.
Hãy đến với Chín hầm - một di tích cách mạng, một chứng tích lịch sử có một không hai này để được sống trong huyền thoại của những chiến sĩ cách mạng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc Việt Nam.
Chiến tranh sẽ mãi mãi bị đẩy lùi. Hòa bình sẽ vững bền trong đổi mới. Cuộc sống sẽ phát triển đi lên. Và sự hy sinh của các thế hệ cha anh sẽ mãi mãi trường tồn cùng năm tháng.
Còn đó, những chiến sĩ cách mạng, những chiến sĩ tình báo anh dũng hy sinh tại Chín hầm sống mãi trong lòng nhân dân, trong lòng người cựu chiến binh Việt Nam.
Còn đó, Chín hầm một ký ức trong tôi.
Phúc Yên, ngày 25 tháng 7 năm 2011
Bài và ảnh: NGUYỄN VIẾT CƯ (Ban Liên lạc Hội CCB Quân khu Trị Thiên khu vực Mê Linh, Bắc sông Hồng - Hà Nội)