QĐND Online - Hiện nay, thú chơi cây kiểng (cây cảnh) đang là “mốt” của nhiều người, đặc biệt là các đại gia lắm tiền, nhiều của. Việc kinh doanh mặt hàng này  cũng đem lại nguồn lợi nhuận rất cao, vì thế bất chấp luật cấm nhiều người vẫn vào rừng để đào cây kiểng về trồng hoặc bán, cây càng to, càng hiếm thì càng có giá…

Truy lùng hàng quý

Dọc quốc lộ 9 ở một số huyện thuộc tỉnh Quảng Trị như: Hải Lăng, Đông Hà, Cam Lộ… dễ dàng bắt gặp một số các chủ buôn kiểng nhỏ với đủ các loại cây: lộc vừng, sung, khế, vạn niên tùng, bằng lăng… với giá cả chênh lệch nhau. Ít thì khoảng 200 - 500 ngàn đồng, nhiều thì 3 - 5 triệu đồng, thậm chí những gốc cây kiểng to, lâu năm, đẹp có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Ở đây, thường tập trung chủ yếu các loại cây kiểng vừa và nhỏ, những khách hàng nào có nhu cầu sẽ được mời về tận nhà để cung cấp các mặt hàng đẹp, lớn hơn.   

 Những gốc kiểng to như thế này thường có giá lên đên hàng chục triệu đồng và luôn bị săn lùng.

 

Một số chủ buôn kiểng ở đây cho biết: “ trung bình cứ mỗi chuyến đi, chỉ cần săn được 1 - 2 gốc kiểng là có mấy triệu đồng tiền lời. Kiểng càng to thì càng lời nhiều”. Thông thường, các chợ kiểng này tấp nập nhiều nhất là vào buồi chiều, vì lúc đó kiểng được đem về nhiều nhất. Những người chơi kiểng cho biết, họ rất thích tới mua tại nhưng nơi này vì dễ tìm ra những loại cây quý và độc, giá cả lại có phần rẻ hơn so với thị trường. Thị trường kiểng làm ăn tốt nhất là vào dịp Tết, khi đó giá cây kiểng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với bình thường, thu nhập mỗi ngày có khi cả chục triệu đồng, vì thế chuyện “kiểng tặc” liều mình vào tận rừng sâu, đào bới gốc kiểng quý để kiếm tiền là điều đương nhiên.

Giá kiểng thì luôn có xu hướng tăng, bởi việc đào kiểng ngày càng trở nên khó khăn, muốn tìm được “hàng đẹp” thì phải đi xa thậm chí là nhiều ngày, bởi nơi gần thì đã bị đào hết.

Nhiều người cho biết, ở các vùng gần rừng hay gò đồi ngày càng có nhiều người đi săn kiểng vì nó làm giàu rất mau, giờ đây cả một vùng nhiều nhà sắm xe máy, điện thoại, nhà mới… rất nhiều.

Hệ lụy kèm theo

Dẫu biết việc săn kiểng mang lại thu nhập lớn cho một số người dân, thế nhưng việc chặt cây, đào bới bừa bãi để tìm kiểng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Giờ đây, men theo triền sông Thạch Hãn, từ phía đập Trấm ngược lên Ba Lòng, hay các triền gò đồi… dễ dàng bắt gặp những hố sâu nham nhở của những cây lộc vừng bị bứng. Một cây kiểng bị bứng đồng nghĩa với việc một vạt đất lớn xung quanh phải bị đào, xới. Những nơi này thường ẩn chứa những mối nguy hại khôn lường nhất là trong những mùa mưa bão, gây nên những vụ ngập lụt hay sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường xung quanh.

 Một chợ buôn kiểng trên đoạn Quốc lộ 9 thuộc địa phận huyện Cam Lộ (Quảng Trị)

 

Dọc theo một số xã ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) nhiều nhà trồng rất nhiều kiểng, thậm chí có nhà trồng hàng chục gốc kiểng to đến mấy người ôm. Theo những người dân ở đây, phần lớn kiểng được đào ở rừng mang về. Một chủ vườn cho biết: “Vườn kiểng của tui, có nhiều cây đã được trả giá gần 50 triệu đồng đang chờ người tới lấy, có nhiều cây tui chưa bán, chăm sóc một thời gian nữa giá sẽ lên cao. Nhiều người ở đây đang cố mua đất để mở rộng diện tích trồng kiểng nhiều hơn, ai có vườn rộng thì càng trồng được nhiều kiểng, sinh lời nhanh lắm”.

Việc săn cây kiểng nhiều nơi đã bị chính quyền các địa phương cấm rất nghiêm ngặt, thế nhưng xem ra không xuể và chưa đủ sức răn đe, bởi lợi nhuận của nó mang lại làm nhiều người quên đi hâu quả lâu dài mà chỉ quan tâm lợi ích trước mắt.

Máu rừng vẫn chảy, lộc rừng vẫn đang kêu cứu. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu hơn nữa để trả lại màu xanh cho các cánh rừng đang ngày đêm bị đào bới.

Bài và ảnh: Tiến Nhất