QĐND - Anh Nguyễn Văn Cảnh, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Hải Hậu là đồng đội cũ, đồng môn của tôi. "Lần này, mình phải sắp xếp đưa bạn đi thăm một số nơi. Rồi bạn sẽ thấy, quê mình có nét riêng lắm". Là người sinh ra và lớn lên trên đất Hải Hậu, dù xa quê đã hơn 40 năm nay, tôi vẫn luôn gắn bó với mảnh đất một thời thơ ấu, với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Nhưng giờ đây nghe Cảnh nói thế, lòng tôi bỗng xao xuyến lạ...
Thời mở đất
Hồi nhỏ, tôi thường hỏi bố mẹ, tại sao quê mình lại mang tên Hải Hậu. Bố tôi, một chiến sĩ du kích thời chống Pháp, nói: "Mai kia khôn lớn, con sẽ hiểu, đây là vùng đất mới do tứ tổ khai sáng". Rồi như thể nhận ra tôi chưa đủ lớn để hiểu rõ vấn đề, bố tôi bảo: "Hải Hậu là cuối biển. Con cứ hình dung quê mình là vùng chân sóng".
Sau chiến tranh, về quê, một trong những việc đầu tiên tôi quan tâm là tìm hiểu ngọn nguồn lời bố dặn. Tôi đến thăm chùa Lương, Cầu Ngói nổi tiếng với mấy trăm năm tồn tại, thăm nhà thờ tứ tổ và những danh thắng gắn với dấu tích một thời mở đất của cha ông.
Thành lập vào năm 1888, nhưng thực ra vùng đất này đã hình thành cách đây hơn 500 năm. Sử sách còn ghi, vào thời Lê Thuận Thiên (1428), nơi đây là biển với những bãi bồi hoang vu, chưa in dấu chân người. Năm Quang Thuận thứ hai (1461), vua Lê Thánh Tông ban hành chính sách khuyến nông, cụ Trần Vu cùng các đồng liêu: Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập từ Tương Đông đưa gia quyến xuống bãi bồi Lạch Lác khai hoang lập ấp. Đó là những vị tổ khai sáng ra vùng đất cuối biển này.
 |
Mô hình trồng cây dây thìa canh ở xã Hải Lộc. Ảnh: nguồn cổng thông tin điện tử Hải Hậu. |
Tiếp đó có thêm 9 dòng họ nữa: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ… lần lượt đến đương đầu với sóng gió, quai đê, lấn biển. Nói đến trấn Sơn Nam xưa không thể không nhắc đến vị quan lừng danh triều Nguyễn-Nguyễn Công Trứ, người đã có công lớn lập nên mấy địa danh nổi tiếng miền duyên hải như: Tiền Hải (Thái Bình), Cửu An Nhất Phúc (Hải Hậu - Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình )…
Xe chúng tôi bon bon trên những con đường trải nhựa hoặc bê tông, hai bên là cánh đồng lúa đang thì con gái. Gió từ biển thổi vào mát rượi. Nghe tiếng sóng biển reo vui như từ xa xưa vọng lại, tôi cứ nghĩ mình đang xem cuốn phim quay chậm về một thời mở đất.
Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Phạm Văn Chiến, một cựu chiến binh đã bước sang tuổi 50 nói như thế, khi chúng tôi cùng bàn luận những nét riêng về đất và người Hải Hậu. Cách đây mấy chục năm, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chấm dứt, là lính xe tăng, Phạm Văn Chiến xuất ngũ. Trưởng thành từ phong trào Đoàn thanh niên ở xã rồi ở huyện, Phạm Văn Chiến hiểu rõ mảnh đất quê hương mình. Làm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy rồi Phó bí thư Thường trực Huyện ủy nay là Bí thư Huyện ủy, điều trăn trở của Chiến là làm sao cùng tập thể Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu giữ vững và phát huy truyền thống huyện 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó có thành tích đặc biệt xuất sắc về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Bí thư Phạm Văn Chiến nói: "Anh cũng là người con của Hải Hậu, có dịp đi nhiều nơi, về quê, anh thấy Hải Hậu mình có nét gì riêng?". "Nét riêng của người Hải Hậu được tích tụ, bồi đắp từ hàng trăm năm nay, kể từ ngày tứ tổ khai sáng và cửu tộc chung lưng đấu cật, đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương tạo dựng nên"-Tôi đã nói với Phạm Văn Chiến như vậy.
Bản sắc người lấn biển
Phải công nhận Nguyễn Văn Cảnh có giọng hát hay. Hồi cùng học cấp 3 Hải Hậu, chúng tôi chưa phát hiện ra tài vặt này của anh. Bây giờ sắp bước vào tuổi lục tuần, tài vặt của Cảnh lại được nhiều người biết đến. Chả thế mà, khi các nghệ sĩ chèo, quan họ đến địa phương biểu diễn, Nguyễn Văn Cảnh luôn được mời tham gia. Anh rất có duyên với sân khấu. Khi anh hát, không ai nghĩ đây lại là Chủ nhiệm UBKT huyện ủy với bao nhiêu công việc bộn bề, phức tạp.
Năm 1970, tốt nghiệp cấp 3, tôi và một số bạn trong lớp nhập ngũ hành quân vào chiến trường thì Nguyễn Văn Cảnh vào đại học. Năm 1972, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, đang học Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Cảnh nhập ngũ vào đơn vị phòng không bảo vệ bầu trời Thủ đô. Chuẩn bị cho trận "Điện Biên Phủ trên không" (tháng 12 -1972 ), Cảnh được cử đi Liên Xô học sĩ quan điều khiển tên lửa. Năm 1985, với quân hàm thượng úy, anh chuyển ngành về công tác tại Văn phòng Huyện ủy Hải Hậu.
Mấy chục năm gắn bó với công tác Đảng, cũng như Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Chiến, Cảnh luôn trăn trở với phong trào ở địa phương. Anh cũng là một trong những người đang nỗ lực tìm ra nét riêng của đất và người Hải Hậu.
Vậy nét riêng ấy là gì? Ngồi trên xe, qua những làng quê trù phú, bình yên của quê hương với những cái tên thân thương như: Hải Phương, Hải Phú, Hải Tây, Hải Lý, Hải Thanh, Hải Nam, Hải Hà, Hải An... tôi đã đặt hàng Nguyễn Văn Cảnh như thế.
Sở hữu một vùng đất trẻ, mang trong mình dòng máu nóng của người mở đất, các thế hệ người Hải Hậu đã tạo nên nét văn hóa riêng. 35 năm liền, Hải Hậu là điển hình toàn quốc về văn hóa thông tin cấp huyện. Hiện tại, Hải Hậu là 1 trong 5 huyện được Trung ương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Với ý chí vươn lên, người Hải Hậu không chỉ kiên cường, sáng tạo chinh phục thiên nhiên mở đất, làm giàu mà còn kiên cường trong đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Nói đến Hải Hậu, người ta không thể quên được những trận đánh nổi tiếng trong thời kỳ chống thực dân Pháp như: Cầu Đôi, Văn Lý, Văn Đàn, Chợ Đền, Đông Biên…
Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là một trong những cửa ngõ bảo vệ Thủ đô. Quân và dân Hải Hậu đã bắn rơi 13 máy bay, bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ, 32 tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 128 bà mẹ được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Địa linh nhân kiệt, Hải Hậu là nơi sản sinh, nuôi dưỡng những anh hùng, tướng lĩnh, nhiều nhà hoạt động xã hội, văn hóa nghệ thuật nổi tiếng.
Từ thực tiễn sinh động của người lấn biển, một nét riêng nữa của người Hải Hậu là sự đoàn kết, tương trợ nhau.
Hải Hậu có gần 30 vạn dân, gần nửa là đồng bào theo đạo Thiên chúa. Dù vậy, Hải Hậu luôn là điển hình về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Nguyễn Văn Cảnh đưa tôi đi thăm Hải Lý, một xã gần như toàn tòng công giáo, nằm ngay sát Biển Đông. Tiếp xúc với bà con theo đạo Thiên chúa ở đây, tôi mới hiểu được sức mạnh của sự đoàn kết.
Không đoàn kết, chung lưng đấu cật thì làm sao chống chọi được với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, xây dựng cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió này .
Không chỉ người Hải Hậu ở quê đoàn kết mà bà con Hải Hậu sinh sống và làm việc xa quê cũng thương yêu, đùm bọc nhau. Tôi đã có gần 20 năm tham gia Hội đồng hương Hải Hậu tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, mới hiểu được nét riêng độc đáo ấy.
Biếc xanh Hải Hậu
Có thể nói những ngày này cả huyện như một công trường. Công trường không chỉ thể hiện ở việc dồn điền, đổi thửa, xây nhà văn hóa, công sở…, mà nét riêng, ấn tượng nhất là cải tạo toàn bộ hệ thống giao thông và giữ vững thuần phong, mỹ tục của một vùng quê vốn có truyền thống lâu đời về văn hóa.
Tôi nhớ lại cách đây mấy chục năm, nỗi khổ nhất của người dân quê tôi là chuyện đi lại. Đường sá lầy lội. Xóm làng tối tăm. Từ Yên Định lên TP Nam Định chỉ hơn 30 cây số mà phải đi cả ngày mới tới. Bây giờ đường sá thông suốt, di chuyển bằng ô tô hoặc xe gắn máy không đầy tiếng đồng hồ đã đến nơi. Tất cả đường làng, ngõ xóm đã nhựa hóa, bê tông hóa, phẳng lỳ.
Ăn cơm mới nói chuyện cũ, thật cảm động, ngày ấy, sống giữa vựa lúa của đồng bằng châu thổ sông Hồng mà người Hải Hậu, đúng như câu thơ: Lúa đầy đồng, gạo trong mơ (T.T.T). Trồng lúa, nhưng gạo vẫn trong mơ, bởi gom hết gửi ra tiền tuyến nuôi quân, đánh giặc. Làm ra hạt gạo, nhưng bữa ăn hằng ngày chỉ toàn khoai sắn, chắt chiu từng đồng xu cho con đến trường. Hôm nay, những người đi xa về thăm lại quê hương cứ ngỡ mình đang trong mơ. Hải Hậu không còn hộ đói. Người Hải Hậu không chỉ ra đồng bằng xe gắn máy mà còn có thể đi làm bằng ô tô nữa. Đường giao thông nội đồng đã nối liền các khu dân cư truyền thống với những lũy tre làng bao bọc. Hằng đêm, điện sáng bừng khắp các ngõ xóm.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tìm nói với tôi bí quyết của sự chuyển động ấy: "Đồng thuận, anh ạ. Khó mấy mà cùng chung sức, chung lòng sẽ làm được hết. Muốn đồng thuận, trước hết phải đồng nhận thức. Để đồng nhận thức đôi khi phải bàn “nát cỏ gà". Xây dựng nông thôn mới là cho chính mình, phải hết lòng góp công, góp của...". Nhận thức như thế, nên không chỉ có Hải Đường, xã được Trung ương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, mà tất cả các xã, thị trấn trong huyện cùng chung sức thực hiện. Đây thực sự là cuộc "cách mạng xanh" của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hải Hậu. "Thực mục sở thị", tôi đã đến thăm các xã: Hải Hà, Hải Phương, Hải Lý, Hải Nam… ở đâu cũng thấy bừng bừng khí thế.
Điều đáng chú ý, Hải Hậu không cứng nhắc, khoán trắng việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp trên đề ra. Từ đặc điểm của địa phương, huyện đã cụ thể hóa 19 tiêu chí ấy thành tiêu chí riêng với hộ gia đình, với xóm và tổ dân phố. Chủ tịch UBND xã Hải Phương Phạm Văn Đề cho biết, xã còn xây dựng thêm tiêu chí ngõ văn hóa nữa.
Ở Hải Hậu, nếp sống văn hóa đã thấm sâu vào suy nghĩ, cách làm của từng người dân, từng thôn xóm. Chỉ trong hai năm triển khai, đến nay Hải Hậu đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tìm nói rằng, hai năm qua, huyện đã đầu tư hơn 450 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 50% cho các công trình xây dựng nông thôn mới. Trong “chiến dịch” dồn điền đổi thửa, nhân dân đã tự nguyện hiến 400ha đất làm các công trình công cộng, trong đó có rất nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu. Đúng là “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Bà con ở xa quê cũng gửi gần 10 tỷ đồng về tham gia xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới không phải đô thị hóa, bê tông hóa nông thôn. Điểm đến cuối cùng là nâng cao đời sống người dân, đổi mới bộ mặt nông thôn, nhưng vẫn giữ được môi trường sống và đặc biệt thiện tục, mỹ tục.
Tôi đã đến thăm các làng nghề, các khu công nghiệp trên đất Hải Phương, Hải Đường, Hải Lý… Ở đâu cũng ngát xanh, màu xanh của lúa, của cây hoa màu và đặc biệt cây cảnh. Trồng cây cảnh đã trở thành một nghề mới ở Hải Hậu. Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện đã chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, làm muối năng suất thấp sang trồng cây xanh. Hội Sinh vật cảnh đã thu hút hơn 4000 hội viên. Nhiều người đã được công nhận là nghệ nhân. Nhiều hộ có thu nhập từ cây cảnh mỗi năm hàng tỷ đồng…
Con số nói lên điều gì đó, song có những giá trị không chỉ thể hiện bằng con số. Những giá trị ấy vô hình, nhưng nó ghi dấu ấn mãi trong trái tim, khối óc con người. Tôi nói với Nguyễn Văn Cảnh như thế, khi chúng tôi thung thăng giữa cánh đồng lúa xanh tươi, trong tiếng reo vui của hàng ngàn con sóng từ xa khơi vọng lại.
Cảm xúc như ùa đến, bỗng nhiên, Nguyễn Văn Cảnh cất tiếng hát. Bài hát được gọi là “huyện ca” của người Hải Hậu. Biển mênh mông, bên kia là biển mênh mông. Bên này, bên này là một dòng sông, nước xanh trong soi bóng thuyền ai. Nước băng băng ra hướng biển khơi trập trùng. Một dải quê hương, ai đi Hải Thịnh, Hải Đông. Ai về, ai về Yên Định, Hải Anh, có nghe chăng tiếng máy rộn vang, lúa xanh xanh, muối trắng đầy khoang, cá về…
Biếc xanh Hải Hậu, rực sáng một vùng quê.
Bút ký của TRẦN THẾ TUYỂN