QĐND Online - Miệng con rắn hổ mang ngoác ra, chiếc răng nanh bất thần sượt vào ngón tay cái người lấy nọc. Chất độc lan tỏa. Anh thấy tim mình như ngừng đập, nhói buốt, mặt mày sa sẩm.

Nhắc lại vụ tai nạn nghề nghiệp xảy ra mới đây, Thượng úy Nguyễn Hữu Viên không tỏ vẻ sợ sệt mà anh chỉ coi đó như một bài học kinh nghiệm trong nghề. Tại nơi được coi là “vương quốc” của các loài rắn độc, các anh là những “bảo mẫu” ân cần, tận tụy, hết lòng yêu nghề.

Công việc của những “bảo mẫu”

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng chúng tôi không khỏi rợn người khi đến Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 (thường gọi Trại rắn Đồng Tâm) ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Rắn nhiều vô kể. Đi đâu cũng thấy rắn. Tôi ớn lạnh khi chứng kiến cảnh hàng trăm con rắn chen chúc, trườn bò trên những lùm cây. Chốc chốc lại có một vài con nghịch ngợm, chơi trò nhào lộn, quăng mình từ ngọn cây xuống nước, khiến không ít du khách hãi hùng.

“Ngày đầu tiếp xúc với rắn tôi rất sợ. Sợ cả những loài hiền lành như rắn ráo, rắn nước. Vậy mà bây giờ mình sống chung với rắn độc, chăm sóc chúng hằng ngày”, Thượng úy Nguyễn Hữu Viên tâm sự.

Đội nuôi trồng cây con thuốc của Trại rắn chia làm nhiều tổ, trong đó tổ chăm sóc rắn chỉ có 2 người: anh Nguyễn Hữu Viên và anh Nguyễn Danh Hiếu. Với số lượng rắn lên đến hàng vạn con, đủ biết cường độ làm việc và sự vất vả của các anh như thế nào.

Lo bữa trưa cho một “lão” hổ mang chúa.

Chúng tôi gặp anh Hiếu khi anh đang cho rắn hổ mang chúa ăn. Trước đó, Trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc Trung tâm đã dặn: khi nhân viên đang cho rắn ăn, tuyệt đối không được bắt chuyện với họ. Nguyên tắc mang tính sinh tử đối với những “bảo mẫu” của các loài rắn độc là không được mất tập trung, dù chỉ là một giây. Chả trách, có vài du khách bắt chuyện mà anh Hiếu vẫn lặng thinh. Anh mở hé cửa, chiếc kìm nhôm dài hơn 1 mét kẹp con thằn lằn từ từ đưa vào chuồng một cách thận trọng. Con rắn đang cuộn tròn ngửi thấy mùi thức ăn khẽ cựa mình rồi nhanh như cắt, nó ngóc đầu, lao vút về phía con mồi. Có du khách hét lên sợ hãi. Trong tích tắc, con thằn lằn đã “yên vị” trong thân hình dài chừng 4 mét của hổ mang chúa. Anh Hiếu cho nó ăn thêm vài lần nữa rồi bình tĩnh rút gậy, khóa cửa chuồng.

“Tiếp xúc với rắn độc rất nguy hiểm. Đã vậy mình phải cho chúng ăn, vệ sinh chuồng trại, chuyển chuồng, lấy nọc… Chỉ sơ sẩy một giây là tính mạng bị đe dọa”, anh Hiếu cho biết. Nói về quy tắc không được trò chuyện khi đang cho rắn ăn, anh giải thích thêm: “Dù có thiết bị hỗ trợ nhưng nếu mất tập trung chúng tôi rất dễ bị rắn cắn. Cũng chính vì đặc thù nghề nghiệp ấy nên nhiều lúc chúng tôi bị mang tiếng oan là “chảnh”.

“Nghề nào cũng có tai nạn nghề nghiệp, nhưng đối với nghề này thì tai nạn nghề nghiệp đồng nghĩa với việc đánh đu với mạng sống”- Thượng úy Viên đúc kết như vậy khi chỉ vào vết sẹo trên ngón tay cái, vết tích của một lần bị rắn độc cắn khiến anh suýt chết.

“Lỡ yêu rắn mất rồi”!

Gần 25 năm gắn bó với nghề, những con rắn nơi đây trở thành bạn thân của  Thượng úy Nguyễn Hữu Viên tự bao giờ. Mỗi tuần một lần, anh cùng anh Hiếu dọn phân, thay nước, thu dọn da rắn lột… Đối với anh, những ngày rắn ốm là anh mất ăn mất ngủ. “Nếu rắn bỏ bữa, nghĩa là nó đang bị ốm. Mình không chăm sóc, chữa bệnh cẩn thận cho nó thì thể nào nó cũng chết. Càng những loài rắn quý hiếm càng dễ mắc bệnh, khó nuôi” - Anh Viên nói.

Khi rắn bị ốm, việc cho rắn ăn rất kỳ công và nguy hiểm vì chúng rất dễ “nổi cáu”. Mỗi lần đút cho rắn ăn cần có ba người: một người giữ thân, một người banh miệng, một người dùng pen (dụng cụ y tế, gần giống cây kéo nhưng có răng cưa ở lưỡi) đưa thức ăn vào sâu trong miệng con rắn. Chỉ sơ sảy, mất tập trung hoặc thao tác không cẩn thận, các “bảo mẫu” rất dễ bị rắn cắn. Rồi cả việc phải thức khuya dậy sớm để theo dõi, cứu chữa cho rắn cũng là cả một vấn đề. Những căn bệnh như lở miệng, nội kí sinh, rối loạn tiêu hóa… ở loài rắn thường mất nhiều thời gian, công sức để chữa trị.

Cây gì mà cành có hình thù lạ thế? Không phải đâu, rắn đấy!

Còn anh Hiếu, đã U.40 rồi nhưng vẫn “phòng không”. Hỏi anh về người yêu, anh cười khì khì mà rằng: “Tôi lỡ yêu rắn mất rồi nên chẳng có cô nào yêu tôi cả. Hôm nào không gặp rắn, tôi lại thấy nhớ, thấy như thiếu vắng một cái gì đó rất thân quen với mình”. Vừa nói, anh vừa tỉ mẩn gắp từng mẩu thịt ếch đã băm nhỏ vào đĩa cho những chú mãng xà con. Xong rồi, anh nhẹ nhàng lật những tấm ngói – nơi trú ngụ của bầy mãng xà – như người mẹ kéo tấm chăn gọi con mình dậy ăn cơm. Tiếng “phì… phì” phát ra từ khe miệng loài rắn khiến tôi rờn rợn.

Trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương chia sẻ: “Để trở thành những “bảo mẫu” của rắn độc không chỉ có kỹ năng chuyên môn mà đòi hỏi phải có niềm đam mê, cái tâm với nghề và nhất là phải hiểu rắn. “Bảo mẫu” phải có thời gian dài nghiên cứu tập quán, sinh lý, sinh thái của rắn, thường xuyên gần gũi và coi rắn như con vật nuôi thân quen trong nhà”.

Chúng tôi chợt thấy nhói lòng khi nghe anh Lương tâm sự, ở Trại rắn đã có những người suốt đời “sống chung với rắn” nhưng cuối cùng lại phải lìa cõi đời do bị rắn độc cắn. “Sinh nghề tử nghiệp” mà!

Thành lập năm 1977, Trại rắn Đồng Tâm có nhiệm vụ bảo tồn các loài rắn và các nguồn dược liệu quý khác, sản xuất thuốc y học dân tộc, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho bộ đội và nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây quy tụ hơn 40 loài rắn, với hàng vạn cá thể, trong đó có 10 loài có tên trong “sách đỏ”. Trại rắn còn có Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn, có Bảo tàng về rắn đầu tiên ở Việt Nam.

Bài và ảnh:  Quỳnh Nga