Thấy gì từ kinh nghiệm quốc tế

Thực tế cho thấy, trước đây thế giới cũng có khá nhiều mạng xã hội hùng mạnh nhưng rồi lại đi vào “cửa tử”. Đó là trường hợp của Yahoo!Blog 360 hay MySpace. Trong khi đó, hiện nay, ở một số nước lớn trên thế giới, Facebook cũng không còn giữ vị trí độc tôn hay thậm chí là không còn “phủ sóng”. Có thể kể ra như ở Nga khi họ dùng chủ yếu mạng xã hội VK, Trung Quốc với mạng Wechat hay Hàn Quốc với Kakao Talk... do chính đất nước họ tạo dựng.

Theo khảo sát của tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam, trong số các quốc gia mà Facebook được phép hoạt động, Nga là quốc gia duy nhất mà mạng xã hội này không chiếm được thị phần đa số. Thay vào đó, phần lớn thị phần mạng xã hội tại Nga nằm trong tay VK (Vkontakte), một mạng xã hội do chính người Nga phát triển. Mạng xã hội VK có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên tại Nga. Mạng xã hội này cũng phổ biến tại các nước thuộc khối Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) với tổng cộng khoảng 170 triệu người dùng.

Tại một quốc gia khác là Trung Quốc, khác với thế hệ trẻ Việt Nam hiện đang “ăn Facebook, ngủ Facebook”, thường xuyên online trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh từ sáng sớm đến đêm khuya, thế hệ trẻ Trung Quốc lại hoàn toàn xa lạ với các mạng xã hội đang “làm mưa làm gió” trên thế giới như Google, Youtube hay Facebook... Thay vào đó, họ đã có các dịch vụ tương tự từ nhà cung cấp trong nước. Thế giới có Facebook, họ có Weibo, Renren và nhiều mạng xã hội “đàn em” khác. Thế giới tìm kiếm trên Google Search, còn họ có công cụ tìm kiếm riêng có tên Baidu. Thay vì Gmail của Google, Trung Quốc có dịch vụ email riêng có tên QQ, bao gồm cả tính năng chat như Yahoo Messenger...

Với các dịch vụ nhắn tin phổ biến thế giới như Viber, WhatsApp hay gần đây là Facebook Messenger, Trung Quốc có dịch vụ tương tự là WeChat. Không chỉ dừng lại ở nhắn tin trên di động, WeChat còn mở rộng ra thành mạng xã hội, hỗ trợ cả chức năng chuyển tiền và thanh toán điện tử, mua sắm, gọi taxi, mua vé phim và nhiều dịch vụ nội địa khác...

Nhiều nước trên thế giới đều có những biện pháp khác nhau để quản lý mạng xã hội một cách hiệu quả. Ảnh: vietnamplus.vn.

Tại Hàn Quốc, ứng dụng KakaoTalk tích hợp 15 ngôn ngữ, được 93% người dùng smartphone tại Hàn Quốc sử dụng, với hơn 140 triệu người sử dụng. Đây hiện là một trong số các trang mạng xã hội hàng đầu tại xứ sở kim chi.

Trong khi đó, liên quan đến việc quản lý mạng xã hội, chống tin tức giả mạo, Đức đã thông qua Luật Quản lý mạng xã hội (NetzDG), theo đó, những dịch vụ mạng xã hội nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với án phạt nặng có thể lên tới 50 triệu euro. Australia tuyên bố sẽ phạt các công ty cung cấp dịch vụ mạng và các trang mạng xã hội, có thể phạt tới 10% tổng thu nhập hằng năm, thậm chí phạt tù lên tới 3 năm đối với người điều hành nếu không loại bỏ hoàn toàn các nội dung xấu. Hay Luật chống tin giả của Ai Cập cho phép cơ quan chức năng quyền giám sát các tài khoản cá nhân trên những mạng xã hội có trên 5.000 người theo dõi. Luật An ninh mạng của Thái Lan quy định đối tượng phát tán tin giả sẽ phải chịu 7 năm tù. Philippines mới đây cũng ban hành luật quy định hoạt động truyền bá thông tin giả mạo bị coi là tội phạm hình sự, bị phạt tới 6 tháng tù, kèm khoản tiền phạt hơn 3.000 USD. Còn Singapore vừa thông qua Dự luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến. Người lan truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích cộng đồng có thể đối mặt với bản án 10 năm tù, các công ty mạng xã hội nếu không tuân thủ các quy định có thể bị phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore...

Như vậy có thể thấy, các nước trên thế giới đều có những biện pháp khác nhau để quản lý mạng xã hội một cách hiệu quả, với mục đích chung là kiểm soát, hạn chế tối thiểu nguy cơ tiêu cực từ mạng xã hội đồng thời bảo đảm sự phát triển cho các mạng trong nước.

Không để lệ thuộc mạng xã hội nước ngoài

Thế nhưng, giữa thời điểm mà Facebook, Google hay Youtube đang gần như “phủ sóng” tại Việt Nam hiện nay thì các mạng xã hội Việt Nam liệu có nhiều cơ hội?

Theo đánh giá của các chuyên gia, đa số các nền tảng mạng xã hội trong nước không hấp dẫn được số lượng lớn người dùng do hoạt động theo dạng diễn đàn, thua kém so với các nền tảng nước ngoài liên tục thay đổi, cập nhật khả năng tương tác, liên kết cộng đồng cao.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Bộ TT&TT, đến tháng 6 năm nay, đã có 469 mạng xã hội Việt Nam được cấp phép triển khai, tăng thêm 100 mạng xã hội so với cuối năm 2017. Như vậy, trung bình cứ một tuần lại có thêm một mạng xã hội đăng ký mới. Các lĩnh vực được cấp phép chủ yếu là: Giải trí, giáo dục, ô tô, xe máy…

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2019, Việt Nam sẽ ra đời 5 mạng xã hội mới. Tuyên bố của người đứng đầu ngành TT&TT khiến cho cộng đồng mạng trong nước rất quan tâm bởi điều này cho thấy quyết tâm lớn trong việc tạo dựng một mạng xã hội riêng “Make in Vietnam”- mạng xã hội của người Việt Nam. Tham vọng này thể hiện rõ qua các con số: Mục tiêu phát triển mạng xã hội Việt Nam đến năm 2022 có số người sử dụng bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60-70% thị phần.

Nói về tiềm năng của mạng xã hội “nội địa”, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel) cho rằng: “Phải có một mạng xã hội với mô hình mới hoàn toàn, đủ sức phá hủy mô hình cũ. Điều đó đòi hỏi sự sáng tạo và đột phá, giống như việc Facebook thay thế và đánh bại Myspace”.  

Mạng xã hội Mocha của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) được nhiều bạn trẻ tin dùng.

Trong khi đó, tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc công ty VCCorp nhận định, trong mạng nội dung số, chúng ta có Zalo của VNG và nền tảng quảng cáo bằng công nghệ của VCCorp cạnh tranh bình đẳng với Facebook và Google.

Tính đến hết tháng 6-2019, Facebook công bố số lượng người dùng mạng xã hội này hằng tháng tại Việt Nam khoảng 60-65 triệu người. Trong khi đó, Zalo - một ứng dụng OTT của doanh nghiệp nội có số lượng người dùng hằng tháng vào khoảng 46,7 triệu, bằng khoảng 70% số người sử dụng Facebook… Còn lại các mạng xã hội khác của Việt Nam, số người dùng hầu hết chưa vượt quá con số 1 triệu...

Những số liệu thống kê đã chỉ ra rằng, thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình của người Việt Nam là 3,55 giờ trên Facebook. Bên cạnh Zalo, cũng cần phải nhắc tới một cái tên khác là Mocha của Viettel. Sau hơn 3 năm kể từ ngày ra mắt, ứng dụng mạng xã hội này hiện đã có khoảng 4,5 triệu người sử dụng. Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel cho biết: “Mocha của Viettel được phát triển là một nền tảng, hoạt động như một “super app” (siêu ứng dụng) cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng, các dịch vụ thanh toán... Viettel đã sẽ tiếp tục phát triển để đưa Mocha phục vụ rộng rãi tại thị trường trong và ngoài nước...”.

Trong khi đó, hệ sinh thái internet Việt Nam cũng vừa chào đón thành viên mới nhất - mạng xã hội Lotus ra mắt ngày 16-9-2019 do Công ty cổ phần VCCorp đầu tư và triển khai, với nguồn vốn từ các doanh nghiệp và cá nhân trong nước. VCCorp đã ấp ủ ước mơ suốt một năm qua, mong muốn xây dựng một mạng xã hội khác biệt, sử dụng nội dung hay để lan truyền thông điệp tới mọi người dân Việt Nam.

Có thể nói rằng, sự xuất hiện, phát triển nhanh và mạnh mẽ của Zalo và Mocha hay “thành viên mới” Lotus là những minh chứng sống động cho khả năng giành giật thị trường của các mạng xã hội “Make in Việt Nam” trước những đối thủ lớn như Google hay Facebook. Chúng ta hoàn toàn có cơ hội vì phát triển mạng xã hội của người Việt là để phù hợp với văn hóa của người Việt.

Xây dựng một mạng xã hội riêng “Make in Vietnam” – Còn nhiều thách thức

Nhận định về mạng xã hội Made in Vietnam hiện nay, nhiều chuyên gia đánh giá, về lượng là không thiếu nhưng vẫn còn hạn chế về chất cũng như thiếu đầu tư cho hạ tầng công nghệ. Điều này dẫn đến không ít mạng xã hội có số lượng người truy cập cùng một lúc nhiều, dễ bị gián đoạn như mạng xã hội Gapo, Hahalolo...

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp, các doanh nghiệp nội dung số trong nước vẫn có cơ hội giành lại thị trường, giành lại chủ quyền thông tin từ nền tảng mạng xã hội nước ngoài. “Các nền tảng nước ngoài tuy mạnh và độc quyền, nhưng vì đặc trưng của họ chỉ là phân phối mà không có sản xuất nội dung, nên các nhà sản xuất nội dung Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lấy lại chủ quyền thông tin. Nếu các bên có nội dung mạnh thì có thể đàm phán và chiếm lợi thế”, ông Nguyễn Thế Tân nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media - đơn vị phát triển mạng xã hội Việt Mocha cho rằng, nếu các mạng xã hội Việt Nam làm giống Facebook, Google rồi muốn đánh bại họ là điều không thể, bởi vì chúng ta có lợi thế về mặt nội dung bản địa nhưng lại thua họ về công nghệ và nền tảng (platform). “Mạng xã hội Việt Nam muốn cạnh tranh với Facebook, Google cần khai thác những mảng thị trường “ngách”, chuyên biệt để có thể tạo ra những sự khác biệt”, ông Võ Thanh Hải nói.

Công ty Cổ phần VCCorp vừa ra mắt mạng xã hội “Make in Việt Nam” Lotus.

Cụ thể, các công ty công nghệ Việt Nam cần có một mạng xã hội khác, một ý tưởng khác, một “làn sóng” khác giống như một mạng xã hội chuyên biệt nhắm đến những khách hàng riêng hay một mạng xã hội phổ biến nhưng đánh vào một nhu cầu khác của con người. Ngay cả trên thế giới, “gã khổng lồ tìm kiếm” Google cũng đã thất bại hoàn toàn trong lĩnh vực mạng xã hội như Google+ vì làm giống Facebook...

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam thì nhận định, việc xây dựng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của người Việt không chỉ đem lại lợi ích cho xã hội, người dùng Việt Nam, mà còn đem lại lợi ích kinh tế từ nguồn thu quảng cáo số, từ đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước.

Đồng quan điểm rằng “các mạng xã hội mới sẽ không thể thành công khi bắt chước Facebook”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Nếu tồn tại một mạng xã hội tạo ra sự khác biệt hoặc đi ngược hướng Facebook, với tư duy chia sẻ doanh thu, cùng thiết lập cuộc chơi (thuật toán mở), tôn trọng luật pháp nước sở tại, bên cạnh đó mang được yếu tố bản địa hóa thì mạng xã hội này sẽ thay đổi thế giới, làm cho xã hội văn minh hơn. Ngoài ra, bản thân Facebook hiện cũng đang có rất nhiều vấn đề. Đó là việc giá trị hàng trăm tỷ USD được người dùng Facebook tạo ra lại chỉ thuộc về một người duy nhất là Mark Zuckerberg.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Chúng ta đặt mục tiêu là xây dựng các mạng xã hội trong nước để mạng xã hội trong nước có số lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài để “não người Việt Nam phân tán đều” và không có bất kỳ một nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam...

Như vậy, với quyết tâm của người đứng đầu ngành TT&TT, cùng với sự bứt phá của các doanh nghiệp công nghệ, trong tương lai gần, người dùng Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng mạng xã hội Việt Nam sẽ có cơ hội thay thế “người khổng lồ” công nghệ Facebook hay Youtube...

(Còn nữa)

Bài 4: Siết chặt quản lý

Bài, ảnh: PHONG THẢO