Trong dòng chảy chung ấy, sự phát triển của internet đem lại lợi ích rộng mở cho người dân và cũng góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Với tốc độ phát triển nhanh chóng, mạng xã hội đã tạo nên sức hấp dẫn lớn, lôi cuốn hàng tỷ người sử dụng trên thế giới và hơn 60 triệu người dùng tại Việt Nam, tạo ra sức lan tỏa thông tin nhanh chóng. Đằng sau mặt tích cực, mạng xã hội cũng để lại nhiều hệ lụy khó lường, đặc biệt, nạn tin giả, clip xấu độc có tác động lớn đến đời sống chính trị, xã hội, an ninh của các quốc gia. Để phân tích, góp thêm tiếng nói và đưa ra những ý kiến đề xuất, kiến nghị về nội dung này, Báo Quân đội nhân dân Điện tử đăng tải vệt 5 bài phản ảnh về vấn đề trên.
Bài 1: Những mạng xã hội lớn ở Việt Nam – tiềm năng và thách thức
Hiện nay, bên cạnh hệ thống báo chí đã có, trên internet xuất hiện ngày càng nhiều các mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm. Chúng phát triển nhanh, rộng, lan tỏa và có sức ảnh hưởng khắp toàn cầu, điển hình là Facebook, Google, Youtube, Zalo, Viber... Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoay và sự lớn mạnh của các dịch vụ từ các “ông lớn” đó.
Phủ rộng tầm ảnh hưởng
Cũng như nhiều người ở thế hệ 6X, chưa từng tiếp cận với internet hay mạng xã hội, thế nhưng, tháng trước, bà Nguyễn Thị Nhạn (58 tuổi, ở tỉnh Kon Tum)- một nông dân chỉ quen với đồng ruộng - cũng bắt đầu sử dụng internet. Facebook là ứng dụng được bà chọn để kết nối với thế giới ảo vì bà cho rằng, nhiều người thân, bạn bè của bà đều “ở” trên đây. Không chỉ riêng bà Nhạn, nhiều tài khoản mới được lập để kết nối, tán gẫu trong thời gian qua, khiến con số người dùng mạng xã hội đang ngày càng tăng lên... Ngoài Facebook, Google và Youtube cũng là hai ứng dụng được nhiều người ưu tiên lựa chọn cài đặt về máy. Đây là lý do chính giúp những mạng xã hội này thống trị về mặt thị phần người sử dụng ở Việt Nam và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Facebook công bố số lượng người dùng Facebook và Google hằng tháng ở Việt Nam vào khoảng 60-65 triệu. Con số này là khoảng 30 triệu đối với số lượng người dùng Youtube hằng tháng. Dự báo, số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới.
 |
Thời gian sử dụng internet và mạng xã hội trong một ngày của người sử dụng Việt Nam khoảng 7 giờ. |
Đáng chú ý, số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng, thời lượng sử dụng internet và mạng xã hội trong một ngày của người sử dụng Việt Nam khoảng 7 giờ. Người sử dụng internet bằng mobile tại Việt Nam (số liệu năm 2017) dành nhiều thời gian cho vào mạng xã hội (94%), nhắn tin (91%), tìm kiếm thông tin (87%). Thậm chí, nhiều người thay vì truy cập các trang báo chính thống thì lại “lướt” vào mạng xã hội để cập nhật thông tin mỗi ngày và coi thông tin trên mạng xã hội là nguồn tin đáng tin cậy.
Những con số vừa nêu trên cho thấy, các mạng xã hội và công cụ nhắn tin qua mạng xã hội, trong đó có Facebook được nhiều người quan tâm, sử dụng. “Nghiện” smartphone và mạng xã hội đã trở thành phổ biến của hàng triệu người, nhất là giới trẻ. Giới trí thức, doanh nhân, công chức, viên chức không ít người nằm ngoài xu thế trên. Mặc dù mục đích, cách thức, mức độ tham gia các trang mạng xã hội của mỗi người khác nhau nhưng có một điểm chung, đó là đều xem nó như là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều người. Do đó, nếu sử dụng internet cũng như các mạng xã hội đúng mục đích và phù hợp sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với mỗi người dân.
Nhiều thách thức
Tuy nhiên, cùng với vô vàn tiện ích internet và mạng xã hội mang lại thì mặt trái của nó là không hề nhỏ. Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại (Học viện Ngoại giao), có tới gần 60% dân số Việt Nam sử dụng mạng xã hội nên thông tin được chia sẻ theo “cấp số nhân”. Vì thế, mạng xã hội có tác động không nhỏ đến việc tiếp nhận thông tin của người dân trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, thế giới ảo lại đặt ra nhiều thách thức đối với nhân loại, nhất là việc đánh giá tính chân thực của thông tin từ những việc đơn giản như mua hàng trên mạng cho đến những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền riêng tư của cá nhân... Bởi lẽ, khác với thế giới thực, những thông tin mà người ta có được trên thế giới ảo khó kiểm chứng. Điều này dẫn đến việc kẻ xấu có thể lợi dụng internet, mạng xã hội vì những mục tiêu không tốt, như: Đưa thông tin giật gân, câu view, câu like; đưa thông tin về đời tư do hẹp hòi, ích kỷ, định kiến cá nhân... Thông tin sai sự thật chỉ ảnh hưởng tác động rất lớn đến xã hội, có người đã tìm đến cái chết thương tâm…
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người nghĩ rằng mạng xã hội là thế giới ảo, là thế giới riêng tư của cá nhân, không liên quan đến ai khác. Vì vậy, nhiều người cho rằng có quyền tự do ngôn luận, thoải mái bình phẩm người khác trên mạng xã hội mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật… Do đó, nhiều người không chỉ dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng, mà còn coi mạng xã hội như một công cụ để xả stress, nơi bộc lộ cảm xúc cá nhân, soi mói, châm chọc cuộc sống của người khác. Hệ quả tiêu cực chính là sự “lệch chuẩn” đạo đức của một bộ phận người dân, nhất là thanh niên, từ những ứng xử trên mạng xã hội.
Trên lĩnh vực chính trị, những phần tử cơ hội đã lợi dụng internet, mạng xã hội nhằm mục đích chống phá, hòng lật đổ chính quyền nhân dân, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, như: Xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; bôi nhọ chính quyền các cấp… kêu gọi người dân biểu tình, gây rối…
 |
Số người sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng cao. |
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho rằng, hiện nay, không gian mạng thật sự trở thành không gian sinh tồn mở rộng, không gian kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia với nguồn tài nguyên số vô tận. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, mạng xã hội đã bộc lộ những nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin trên môi trường viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại. Đó là những thách thức về tình báo mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng và hàng loạt nguy cơ khác...
Do đó, nếu không gian mạng quốc gia không được bảo vệ, các bí mật nhà nước sẽ bị lộ, lọt; các hạ tầng quan trọng của quốc gia như hệ thống thông tin hàng không, điện lưới quốc gia, giao thông đường bộ, các cơ sở công nghiệp trọng yếu sẽ bị phá hủy; hệ thống tài chính, ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác bị đình trệ hoặc rối loạn hoạt động...
Theo đánh giá của Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), những vi phạm trên Youtube gây ra thiệt hại quy mô lớn trên cả khía cạnh kinh tế và xã hội. Quảng cáo của hàng trăm thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất hiện trong những clip vi phạm pháp luật. Một nguồn tiền lớn từ các doanh nghiệp Việt Nam vô hình trung đang chảy vào “nuôi” những kênh vi phạm pháp luật Việt Nam thông qua việc xuất hiện quảng cáo trên những kênh này. Mặt khác, Google, Youtube đang có cơ chế cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp nên Nhà nước không thu được thuế từ nguồn tiền này...
Theo báo cáo của Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội, hằng ngày có hàng triệu tin bịa đặt, tin giả nhằm mục đích trục lợi, ý đồ cá nhân thiếu trong sáng, thiếu tính xây dựng. Không chỉ vậy, các thông tin gồm hình ảnh hay clip còn được dàn dựng, cắt xén với ý đồ bôi xấu, hạ uy tín người khác, trục lợi cho chính người đăng thông tin…
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, mạng xã hội ở Việt Nam có thể phân thành hai loại. Thứ nhất, mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước cung cấp và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Thứ hai, mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình như Facebook, Google, Youtube, Twitter...
Các mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp (hiện nay khoảng 469 mạng), đặc biệt là các trang đã được cấp phép hoạt động phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Số ít trường hợp để xảy ra sai phạm và nội dung vi phạm chủ yếu là cho thành viên chia sẻ, trao đổi các nội dung vi phạm về thuần phong mỹ tục, dung tục và phản cảm.
Các mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam được người Việt Nam lựa chọn sử dụng nhiều nhất hiện nay là Facebook và Youtube. Việt Nam đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các quốc gia có đông người dùng; còn theo báo cáo của Google, Việt Nam là 1 trong nhóm 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất trên thế giới.
Trong thời gian qua, các hành vi tiêu cực như tung tin giả mạo, phát tán tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, phát ngôn gây thù ghét... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm nào.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tập đoàn công nghệ BKAV vào tháng 4-2019 cho thấy, bất chấp nỗ lực của Facebook trong chiến dịch xóa tài khoản ảo, thì tại Việt Nam, hình thức dùng các tài khoản ảo có hình đại diện sexy để comment dạo nhằm lừa đảo, cướp tài khoản Facebook vẫn tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, 60% hệ thống mạng cơ quan, doanh nghiệp bị nhiễm mã độc đào tiền ảo. Trung bình cứ 10 cơ quan, doanh nghiệp, có 6 nơi bị mã độc chiếm quyền điều khiển máy tính đào tiền ảo, gây mất an ninh thông tin. Hơn 1,6 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị mất dữ liệu do mã độc...
Cũng trong năm 2018, tội phạm mạng gây thiệt hại đối với người dùng Việt Nam ở mức kỷ lục: 14.900 tỷ đồng, tương đương 0,26% GDP của Việt Nam. Đây là mức chưa phải cao so với khu vực và thế giới, nhưng cũng là con số đáng báo động.
Đáng chú ý là, thống kê có đến 80% người Việt Nam cho rằng, mạng xã hội là tích cực đối với xã hội, chỉ có 6% cho rằng tiêu cực với xã hội. Điều này có nghĩa rằng, bất chấp những hệ lụy xã hội mà chúng ta đang nhìn thấy, phần lớn công chúng vẫn coi mạng xã hội là nơi tin cậy để tìm kiếm, chia sẻ thông tin!
Rõ ràng, mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”, nếu không được quản lý tốt thì đây chính là nơi tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia. “Do đó, việc bảo vệ Đảng, Nhà nước trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị; là yếu tố then chốt hình thành không gian mạng quốc gia an toàn, ổn định, tạo bước đột phá trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng khẳng định.
Như vậy, việc quản lý hiệu quả mạng xã hội, ngăn chặn những mặt trái của nó là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay ở nước ta, nhằm bảo đảm sự trong sạch, an toàn của không gian mạng, nhất là môi trường mạng xã hội ở Việt Nam.
(Còn nữa)
Bài 2: Còn nhiều “lỗ hổng”?
Bài, ảnh: PHONG THẢO