55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật trên Youtube

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố một loạt các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của Google và YouTube. Hiện nay, hai nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này đang chiếm hơn 70% doanh thu quảng cáo online ở Việt Nam, ước tính khoảng 400 triệu USD. Tuy nhiên, rất nhiều nội dung trên Facebook và Google đang vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đối với Google, dù trong hai năm qua, theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Google đã hợp tác tích cực với cơ quan này trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. 

Cụ thể, qua quá trình theo dõi, rà soát, Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử nhận thấy các sai phạm này đến từ nhiều chủ thể tham gia hoạt động trên Youtube gồm: Các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam; những nhãn hàng, thương hiệu mua quảng cáo trên nền tảng Youtube, Google; những nhà sáng tạo nội dung trên Youtube (content creator) và các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN).

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay trên Youtube có khoảng 55.000 video, clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Dù thời gian qua Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên Youtube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như “bắt cóc bỏ đĩa”, cứ “gỡ” cái này lại “mọc” lên cái khác. Đến ngày 25-6-2019, Cục phát hiện có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip thông tin xấu độc...

Cùng với đó, Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử cũng công bố, Facebook đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và chỉ ra 3 nhóm vi phạm lớn. Đó là những vi phạm về quản lý nội dung thông tin trên nền tảng Facebook; quản lý hoạt động quảng cáo; quản lý thanh toán xuyên biên giới và không thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam.

Một trong những nội dung được Youtube gỡ bỏ. Ảnh: chụp màn hình/ nguồn: Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT).

Nói về những vi phạm trên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết: Về quản lý nội dung, Facebook cho rằng ưu tiên số 1 của họ là thực hiện tiêu chuẩn cộng đồng của mình để kiểm nghiệm nội dung, sau đó mới đến quy định pháp luật của nước sở tại nơi họ hoạt động.

“Tuy nhiên, thực tế, tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook có nhiều điều không phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam. Đem tiêu chuẩn cộng đồng thực hiện ở Hoa Kỳ để áp đặt vào hoạt động ở Việt Nam thì không phù hợp và không đúng với thông lệ quốc tế”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử cũng chỉ ra rằng vi phạm về nội dung của Facebook rất nhiều. Có thể kể đến là Facebook cho phép nhiều tài khoản cá nhân, trang Fanpage đăng tải những nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân tràn lan trên mạng; nội dung không đúng sự thật, thông tin xuyên tạc gây hoang mang dư luận cộng đồng nhưng không có biện pháp để ngăn chặn; đăng tải nhiều bài viết có nội dung phản động, chống phá nhà nước, chế độ...

Điều đáng nói là, Facebook hoàn toàn có khả năng ngăn chặn các hoạt động này thông qua các từ khóa xuất hiện song Facebook không làm vì muốn kiếm khoản lợi nhuận khổng lồ từ các hoạt động này. Trong khi đó, một bộ phận người Việt Nam đang coi hoạt động này của Facebook là đúng pháp luật và có sự ủng hộ đối với Facebook.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, để ngăn chặn các sai phạm của Facebook trên lãnh thổ Việt Nam là rất khó vì Facebook không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Phía Bộ TT&TT cũng đưa ra những phương hướng để xử lý với những vi phạm này, song quá trình thực hiện gặp khá nhiều khó khăn, do mức độ hợp tác của Facebook trong khắc phục với các sai phạm còn rất hạn chế.

Đánh giá “Những năm gần đây, công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng từng bước được quan tâm đầu tư, hành lang pháp lý từng bước được hoàn thiện”, song ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cũng thẳng thắn thừa nhận: Việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; hoạt động nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin còn hạn chế; hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn yếu; hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ hệ thống thông tin trong các cơ quan, tổ chức nhà nước còn thiếu chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cần phải hội tụ đủ các yếu tố con người, giải pháp kỹ thuật, cách thức tổ chức hệ thống và chính sách đảm bảo an toàn. Thiếu bất kỳ yếu tố nào cũng có thể là nạn nhân của các vụ tấn công mạng. Nguyên nhân khiến các cuộc tấn công mạng gia tăng là do nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng của các cá nhân và tổ chức tương đối yếu. Quy trình về phòng chống ứng cứu sự cố an toàn thông tin của chúng ta chưa có hoặc mới chỉ là hình thức và các hệ thống thiết bị bảo vệ chưa được đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, các lỗ hổng bảo mật không được khắc phục kịp thời và thủ đoạn tấn công mạng thì ngày càng tinh vi...

Người dùng cần cẩn trọng hơn trong việc sử dụng mạng xã hội. 

Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam

Theo Bộ TT&TT, những sai phạm của Facebook đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam như Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Thông tư số 38 của Bộ TT&TT về quản lý hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới... Các cơ quan quản lý đã liên tục gửi công văn, email nhiều lần yêu cầu Facebook gỡ bỏ những nội dung xuyên tạc, sai lệch. Thế nhưng, mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đã liên tục trì hoãn, thậm chí không gỡ bỏ với lý do nội dung không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Thậm chí, mạng xã hội này cũng không cung cấp thông tin các tài khoản lừa đảo, vi phạm pháp luật Việt Nam để phục vụ điều tra của cơ quan an ninh.

Ông Lê Quang Tự Do cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng những nội dung xấu, độc, nội dung nhảm nhí, khiêu dâm, bạo lực, cờ bạc còn nhan nhản trên Youtube. Đó là bộ lọc của Youtube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn “kẽ hở” để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm. Ví dụ, họ đặt tiêu đề rất lành mạnh, nhưng nội dung dung tục; hoặc những nội dung có tính kích động chính trị (thường bị kiểm duyệt kỹ hơn) thì gắn vào nhóm phổ biến cho người dân.

Bên cạnh đó, cơ chế kiểm duyệt của Youtube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến việc các clip vi phạm sau khi bị gỡ bỏ thì người dùng vẫn có thể dễ dàng đăng tải. Trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian, nhưng đăng lại thì rất nhanh, Youtube phải mất 18 tháng để gỡ 8.000 clip nhưng để đăng lại 55.000 clip thì cần rất ít thời gian...

Youtube cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Ví dụ, khi Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu gỡ kênh “Khá Bảnh”, thì hôm sau các clip của kênh “Khá Bảnh” được đăng lại ngay. Hiện nay, các nội dung về “Khá Bảnh” được đăng lại trên rất nhiều kênh và có khá nhiều người xem nhưng vẫn chưa bị Youtube xử lý.

Ngoài ra, còn có một sai phạm nghiêm trọng khác là Youtube vẫn cho phép bật tính năng suggest (đề xuất) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,1%) vẫn bị phát tán, lan truyền mạnh mẽ.

Hàng chục triệu người Việt Nam đang dùng Facebook, biết đến Twitter và Youtube.

Đáng chú ý, việc tái diễn tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội Youtube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google thời gian gần đây cho thấy các biện pháp khắc phục của Google không giải quyết được triệt để những vi phạm này, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên Youtube.

Các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam cũng không chủ động kiểm soát việc đăng phát quảng cáo của các đối tác trên nền tảng Youtube, khiến tình trạng quảng cáo bị gắn vào các clip xấu độc tái diễn trở lại; không báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 15, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Báo cáo của Youtube gửi Bộ TT&TT cũng cho thấy hiện có nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra. Các sai phạm chủ yếu là: Nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng; nội dung cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy; nội dung gây hại cho trẻ em; nội dung sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền. Qua rà soát của Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Youtube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh tiếng Việt. Cục nhận thấy sai phạm trên Youtube chủ yếu đến từ 130.000 kênh tiếng Việt do Youtube trực tiếp quản lý...

Liên quan đến các quy định pháp luật ở nước ta, các chuyên gia cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế. Theo đó, do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của các dịch vụ, nội dung thông tin trên mạng xã hội nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, hành vi sai phạm, chế tài xử lý chưa bảo đảm tính răn đe.

Trong khi đó, quy trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực này theo quy định hiện hành mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc quy định vừa sửa đổi, bổ sung xong đã bắt đầu lạc hậu, gây khó khăn cho công tác quản lý....

Tựu trung lại, hiện nay, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của người dân. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, quản lý thông tin trên mạng xã hội hầu như dựa theo mô hình quản lý báo chí nên còn nhiều bất cập; các giải pháp quản lý chưa đồng bộ, chủ yếu thụ động, xử lý hậu quả khi sự việc, tin đồn đã xảy ra, chứ chưa chủ động định hướng, cung cấp thông tin tích cực, chính thống lên mạng xã hội, nắm bắt và dẫn dắt dư luận; còn bị động vào sự hợp tác của doanh nghiệp nước ngoài trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm… Điều này đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội.

(Còn nữa)

Bài 3: Không để lệ thuộc mạng xã hội từ nước ngoài

Bài, ảnh: PHONG THẢO