Hai người trong bức ảnh đã hy sinh anh dũng, trong đó một người được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; một người trở về là tác giả của nhiều bài báo có sức lay động lớn lao và âm thầm đi tìm hài cốt đồng đội. Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND xúc động nói rằng: “Nếu ta dựng tượng đài nhà báo-chiến sĩ thì cứ lấy tấm ảnh này làm mẫu”.

Gặp nhau giữa chiến trường khốc liệt

Cách đây 6 năm, khi Báo QĐND chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Ngày ra số báo đầu tiên, chúng tôi được Đại tá, nhà báo Nguyễn Đức Toại kể về hoàn cảnh ra đời bức ảnh chụp 3 nhà báo-chiến sĩ được treo trang trọng trong phòng truyền thống của tòa soạn. Đó là nhà báo Lê Đình Dư, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu và nhà báo Nguyễn Đức Toại. Thời điểm chụp bức ảnh vào đầu năm 1968, khi chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Báo QĐND cử nhiều tổ phóng viên vào chiến trường miền Nam. Nhà báo Lê Đình Dư (bút danh Hồ Thừa) và nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu được “biên chế” về Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270 (Đặc khu Vĩnh Linh), đơn vị trực tiếp chiến đấu trên mặt trận Cửa Việt. Còn nhà báo Nguyễn Đức Toại được phân công vào sâu mặt trận phía Nam. Ba nhà báo-chiến sĩ tình cờ gặp nhau ở "đất lửa" Vĩnh Linh, vui mừng khôn xiết. Bức ảnh nhà báo Nguyễn Đức Toại chụp bằng chế độ tự động đã lột tả được cảm xúc của 3 người.

leftcenterrightdel
Từ trái sang, các đồng chí: Nguyễn Đức Toại, Nguyễn Ngọc Nhu, Lê Đình Dư tại Vĩnh Linh đầu năm 1968. Ảnh tư liệu 

Nhà báo Nguyễn Đức Toại không ngờ rằng, chỉ hơn nửa tháng sau cuộc gặp mặt ấy, hai người đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp của mình đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Cửa Việt. Đại tá Trần Văn Thà, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47 là người chứng kiến sự hy sinh của nhà báo Lê Đình Dư và nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu, nhớ lại: Trong trận chiến đấu khốc liệt lúc ấy, hai nhà báo đi cùng Tiểu đoàn 47 chiến đấu và tác nghiệp rất dũng cảm, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, xông pha khắp chiến hào. Và đồng chí Lê Đình Dư đã anh dũng hy sinh với câu nói bất hủ: "Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn. Còn phóng viên chúng tôi lúc này chỉ có thể đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là cây bút và máy ảnh để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù".

Sau câu nói đó, đồng chí Lê Đình Dư trúng mảnh pháo của địch và ngã xuống. Cùng ngày hôm ấy, đồng chí Nguyễn Ngọc Nhu hy sinh.  

Hành động quả cảm, câu nói khảng khái, hào hùng của nhà báo Lê Đình Dư như lời hiệu triệu cán bộ, chiến sĩ, khiến nhiều người trong đơn vị trong phút giây dao động muốn rút lui đã bừng tỉnh. Họ như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, quyết tâm ở lại với ý chí chiến đấu mạnh mẽ hơn trước. Toàn mặt trận đã chốt chặn địch trong 108 ngày, giành toàn thắng.

Ngay sau khi hai nhà báo của Báo QĐND hy sinh, nhà báo Khánh Vân, người vào mặt trận cùng đợt với hai nhà báo Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu đã làm tiếp phần công việc của hai liệt sĩ và cho ra đời hai thiên ký sự, đăng nhiều kỳ trên Báo QĐND, có sức thuyết phục cao, được độc giả mến mộ. Đó là ký sự “Những lá thư Quảng Trị” đăng từ ngày 18-2 đến 1-3-1968 và ký sự “Voi gầm trên Đường 9” đăng từ ngày 29-7 đến 4-8-1968.

Nhà báo Nguyễn Đức Toại cũng tại mặt trận Quảng Trị, ông đã viết như thay cả những đồng đội hy sinh. Từ chiến công của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ, ông khái quát “Dũng sĩ 1 thắng 20” đến các bài phóng sự rực lửa chiến trường.

Bà Đặng Thị Minh Đức, vợ nhà báo Nguyễn Đức Toại kể: “Năm 1962, tôi nhập ngũ và được phân công làm cấp dưỡng tại Báo QĐND, công tác trong 6 tháng. Tôi gặp nhà báo Lê Đình Dư, Nguyễn Ngọc Nhu và nhiều nhà báo khác còn rất trẻ, vui tính, hay đùa tếu. Cứ mỗi ngày chủ nhật được nghỉ, tôi lại cùng anh Dư, anh Nhu tới khu Nam Đồng thăm đồng nghiệp. Hai anh giỏi viết báo, làm thơ và đều có tính cách phóng khoáng, thân thiện. Anh Dư và anh Nhu nói rất to, hai anh mà nói chuyện trên tầng 3 thì dưới tầng 1 cũng nghe thấy... Khi biết tin nhà báo Lê Đình Dư và nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu hy sinh thì tôi và cả khu tập thể tòa soạn ở số 8 Lý Nam Đế bàng hoàng, hụt hẫng suốt nhiều ngày”.

Hành trình tri ân tìm mộ liệt sĩ

Nhà báo Hồng Phương, nguyên phóng viên Phòng biên tập Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh), Báo QĐND cùng công tác với hai nhà báo Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu cho biết: “Đúng dịp Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi cùng lúc nhận được tin anh Nguyễn Ngọc Nhu và anh Lê Đình Dư hy sinh. Cả tòa soạn như ngừng thở. Hai cây bút tài hoa, hai cuộc đời say nghề, yêu đời của Báo QĐND không còn nữa...”.

Nhà báo Hồng Phương kể thêm, đêm trước ngày lên đường ra mặt trận, anh Nguyễn Ngọc Nhu và Lê Đình Dư cùng nhà báo Kim Đồng ngồi uống trà, nhâm nhi kẹo lạc và bàn rất nhiều về chuyện viết lách ở chiến trường. Lê Đình Dư thì bàn về cách tác nghiệp ra sao, làm sao lấy được tin nhiều nhất khi đi theo bộ đội; làm thế nào để có được những tư liệu quý thổi hồn vào các tác phẩm... Rồi chuyện anh nhớ quê, muốn được theo chân các đoàn quân để về Huế... Nhưng ước mơ thăm quê đã không thành”.

Kể từ khi nghe tin chồng hy sinh, bà Hồ Thị Kim, vợ liệt sĩ Lê Đình Dư  luôn tâm nguyện tìm được hài cốt và phần mộ của chồng để được hương khói. Hơn 30 năm sau, vào tháng 6-1999, bà và con gái được sự giúp đỡ của các cựu chiến binh Trung đoàn 270, Báo QĐND, đặc biệt là Đại tá Trần Văn Thà, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47, người đã chứng kiến giờ phút hy sinh anh dũng và trực tiếp đánh dấu vị trí chôn cất liệt sĩ Lê Đình Dư đã tìm được hài cốt của liệt sĩ với chiếc ống kính máy ảnh còn trong mộ chí ở huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Riêng việc tìm mộ nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu khá gian truân. Điều Đại tá Trần Văn Thà nhớ nhất là thi hài liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu được Đại đội 1 mai táng tại thôn Nhĩ Hạ, thuộc xã Gio Mỹ (nay là xã Gio Thành), huyện Gio Linh. Đồng chí Nguyễn Quang Khanh, chính trị viên đại đội đã lấy một miếng tôn khắc chữ “NB (nhà báo) Nguyễn Ngọc Nhu-D47” làm bia mộ theo lệnh của ông Thà. Thôn Nhĩ Hạ là trận địa chiến đấu của các Trung đội 1, 2, 3 và Tiểu đội hỏa lực, nơi đặt ban chỉ huy của Đại đội 1. Ông Thà nhớ, cách đó không xa là nơi mai táng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu. Năm 1999, sau khi tìm được mộ liệt sĩ Lê Đình Dư, mất hai ngày đào bới, bất chấp trời Quảng Trị nắng chang chang vẫn không thấy mộ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu. Vậy mà chỉ sau lúc giải lao khoảng 20 phút, miếng tôn khắc dòng chữ “NB Nguyễn Ngọc Du-D47” đã hiện ra trong hố đất. Hài cốt liệt sĩ được đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Gio Thành với tấm bia ghi nội dung như trên.

Có thể ai đó đã viết nhầm chữ “Nhu” thành “Du”? Câu hỏi ấy đã theo ông Thà trở lại TP Nha Trang, nơi ông sinh sống khi nghỉ hưu. Năm 2005, nhờ các cựu chiến binh Quảng Bình, ông Thà được biết “tác giả” tấm bia là ông Nguyễn Quang Khanh đang nghỉ hưu tại TP Đồng Hới. Gặp lại nhau sau nhiều năm bặt tin, nghe ông Thà phản ánh về nội dung tấm bia, ông Khanh nhận ngay là lỗi của ông vì tiếng địa phương Quảng Bình chữ Nhu và chữ Du phát âm gần giống nhau. Ông Khanh đã làm giấy xác nhận sự lầm lẫn này trong tên của liệt sĩ.

Cuối năm 2005, nhân dịp về Hà Nội dự giao lưu “Người lính cầm bút”, ông Trần Văn Thà gặp Đại tá Lê Phúc Nguyên, Phó tổng biên tập Báo QĐND (sau này là Trung tướng, Tổng biên tập) phản ánh về trường hợp hy sinh và nơi mai táng nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu. Ngày 13-12-2005, ông Thà và hai phóng viên của Báo QĐND về xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) gặp em trai và em gái liệt sĩ Nhu để báo tin trong niềm xúc động sâu sắc vì trước đó, gia đình chưa có tin tức về nơi mai táng liệt sĩ.

Mong ước về tượng đài nhà báo-chiến sĩ

Ngày 29-4-2015, hơn 47 năm sau ngày nhà báo, liệt sĩ Lê Đình Dư hy sinh (21-1-1968), Đảng và Nhà nước đã truy tặng Thượng úy, nhà báo, liệt sĩ Lê Đình Dư danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Với nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu, dường như các tư liệu còn lại tại Báo QĐND không có gì ngoài các bài báo của ông viết từ mặt trận. May mắn cho chúng tôi được gặp nhà báo Hồng Phương và người thân của ông ở quê hương Hưng Yên và được biết: Cuối năm 1967, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu chào từ biệt đồng nghiệp ở Báo QĐND, người thân lên đường vào mặt trận Quảng Trị để thực hiện ký sự về cuộc chiến đấu của quân và dân hai bờ sông Bến Hải. Trước khi lên đường, nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu đã đến thăm vợ chồng em gái Nguyễn Thị Những-Bùi Văn Châm (lúc đó đang sơ tán ở xã Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) căn dặn: “Hai em ở nhà nhớ chăm sóc bố mẹ. Anh sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao, để trở về với gia đình”.

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự Lễ khánh thành nhà thờ nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu, tháng 10-2021. Ảnh: TUẤN HUY 

Ông Bùi Văn Châm, nguyên là bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Hưng Yên kể rằng, ông vừa là bạn học, vừa là em rể của nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu, đồng thời là anh họ của vợ ông Nhu và là người tác hợp cho ông Nhu và cô em của mình (bà Bùi Thị Binh, tức Duẩn) thành vợ chồng. Ông Châm cho biết, ông Nhu cưới vợ từ năm 1963, nhưng do hoàn cảnh vợ chồng xa cách nên chưa có con. Bà Binh là y tá của Bệnh viện huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Được tin nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu hy sinh, bà Binh quá đau buồn sinh ốm nặng rồi qua đời. Hiện nay gia đình người em trai đảm nhiệm việc thờ cúng vợ chồng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu.

Năm 2021, Đảng ủy, Ban biên tập Báo QĐND đã quyết định tổ chức quyên góp xây nhà thờ nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu. Lễ khởi công được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2021); khánh thành nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Báo QĐND ra số đầu tiên, cũng là Ngày truyền thống của báo (20-10-1950 / 20-10-2021).

Tại buổi lễ khánh thành, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND nhấn mạnh: “Tôi có một ước mơ, nếu các điều kiện thuận lợi, chúng tôi sẽ tham mưu cho thủ trưởng các cấp để xây dựng một tượng đài nhà báo-chiến sĩ. Không cần phải có cuộc thi nào, chúng ta đã có mẫu rồi, đó chính là bức ảnh chụp bác Dư, bác Nhu, bác Toại ở chiến trường năm xưa. Ba người ngồi đó, thật tình cờ đã tạo thành hình thế của một tượng đài. Bức ảnh có 3 người thì hai người sau đó hy sinh thật lẫm liệt. Người trở về-bác Nguyễn Đức Toại đã làm nên nhiều kỳ tích trong nghề báo. Ngòi bút của bác Toại đã động viên, cổ vũ nhiều lớp thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân