QĐND - “Cậu sang ngay trụ sở Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam. “Vua” Giảo cổ lam đang có mặt ở đây…”. Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam gọi điện thông báo cho tôi. Vơ vội chiếc máy ảnh, cây bút và cuốn sổ nhỏ, tôi chạy sang tìm gặp ông - người cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, đã có công lớn trong bảo tồn nguồn gen của cây dược liệu quý Giảo cổ lam và xây dựng thành công thương hiệu Trà Giảo cổ lam Ba Tri, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc

Ông là Bùi Đắc Quang, hiện giữ cương vị Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tùng, có địa chỉ tại xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm trà thảo dược Giảo cổ lam Ba Tri. Nhưng người dân địa phương thì mệnh danh ông là “vua” Giảo cổ lam vì ông là người đầu tiên phát hiện được cây Giảo cổ lam mọc tự nhiên trên vùng núi cao Ba Tri của tỉnh Hòa Bình, là một trong số rất ít người đến thời điểm hiện nay nắm được “bí quyết” nhân giống Giảo cổ lam theo phương pháp vô tính ở quy mô công nghiệp, đồng thời phát triển thành công vùng nguyên liệu trên vùng núi cao, góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen của cây dược liệu quý này.

Ông Bùi Đắc Quang và sản phẩm Trà thảo dược Giảo cổ lam. Ảnh: Phương Hiền.

“Đừng chào tôi là giám đốc. Hãy gọi tôi là cựu chiến binh. Tôi là Trung tá về hưu mà…”, vừa bắt tay tôi, CCB Bùi Đắc Quang vừa cười thân thiện. Vì phải chuẩn bị đi dự buổi lễ trao giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2011 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức (doanh nghiệp của ông vinh dự được nhận giải bạc) nên ông “Trung tá về hưu” chỉ có thể tiếp tôi trong vòng hơn một giờ đồng hồ. Thời gian trò chuyện tuy ngắn nhưng tôi phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả mà CCB Bùi Đắc Quang từng phải đối mặt trong hành trình đến với cây Giảo cổ lam. Những khó khăn mà như ông nói, nếu không có bản lĩnh, ý chí của một người lính, nếu không mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thì khó có thể vượt qua.

CCB Bùi Đắc Quang sinh năm 1953 tại huyện miền núi Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Tuổi trẻ của ông là những năm tháng sát cánh cùng đồng đội trên chiến trường, chiến đấu đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do cho đất nước. Và chính trong những trận chiến ác liệt ấy, cái thứ chất độc da cam quái ác đã “thấm” vào người ông, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn để lại di chứng trên 2 người con trai... Trước khi về hưu vào năm 2002, ông Bùi Đắc Quang công tác tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng phát triển Ðông Ðô (Bộ Quốc phòng).

Nghỉ chế độ với sức khỏe yếu, bệnh tật luôn “thường trực” trong người nhưng Bùi Đắc Quang không cho phép mình nghỉ việc. Làm gì để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp người dân Tu Lý quê hương ông - vốn đã lam lũ, nghèo khó - cùng thoát nghèo? Câu hỏi ấy cứ ăn sâu trong suy nghĩ của người cựu chiến binh. Thế rồi đến năm 2005, Bùi Đắc Quang quyết định vay 100 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc, huy động vốn từ gia đình, anh em họ hàng được tổng cộng 350 triệu đồng để mở dự án trồng gấc, tạo việc làm cho người dân địa phương. Ông ký hợp đồng với hợp tác xã, với các hộ dân rồi mua hơn 20 vạn cây giống, mua phân bón cấp cho bà con. Ông còn mời chuyên gia kỹ thuật hướng dẫn người dân phương pháp trồng và chăm sóc cây; bỏ kinh phí đưa đại diện người dân, hợp tác xã, cán bộ khuyến nông huyện đi tham quan các mô hình trồng gấc có hiệu quả… Mặc dù rất tâm huyết và triển khai dự án khá “bài bản” nhưng rồi có lẽ do kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, chưa lường hết được sự khó khăn, phức tạp trên “mặt trận” làm kinh tế nên sau một thời gian triển khai, kết quả mà Bùi Đắc Quang thu lại là… con số không tròn trĩnh!

Bén duyên với Giảo cổ lam

Sau thất bại với cây gấc, sức khỏe vốn đã yếu lại thêm nợ nần chồng chất, Bùi Đắc Quang suy sụp. Ông liên tục phải vào điều trị trong bệnh viện với nhiều chứng bệnh như vôi hóa mạch máu não 2 thất, tiểu đường, liệt tay trái… “Nhưng chính những ngày tháng nằm viện đã đưa tôi đến với cây thuốc Giảo cổ lam” - ông thổ lộ. Chẳng là, trong quá trình điều trị tại bệnh viện, thấy nhiều người truyền tai nhau về tác dụng của trà thảo dược Giảo cổ lam. Thử dùng một thời gian, ông thấy hiệu quả hỗ trợ điều trị khá rõ, sức khỏe khá hơn, bệnh tật cũng dường như tan biến. “Giảo cổ lam thật kỳ diệu!”- ông thốt lên. Và ý tưởng phải “sở hữu” loại thảo dược này để thêm cơ hội chữa bệnh cho những cựu chiến binh, cho người nghèo, để tạo việc làm cho người dân quê hương chợt lóe lên. Với bản lĩnh của một người lính, Bùi Đắc Quang quyết tâm phải làm được điều này.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà lưu niệm ông Bùi Đắc Quang tại Hội nghị toàn quốc cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi lần thứ 3 năm 2010. Ảnh: HN.

Nhưng những hiểu biết của ông về cây Giảo cổ lam lúc này chỉ là một hình vẽ trên vỏ hộp thuốc và chỉ biết nó sống ở độ cao hơn 600m trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, Sa Pa... “Núi Ba Tri thuộc huyện Đà Bắc cũng gần dải địa chất Hoàng Liên Sơn nên cũng có thể có Giảo cổ lam do di thực”. Nghĩ vậy, ngày nối tiếp ngày, ông lặn lội lên đỉnh Ba Tri để tìm “giấc mơ” của mình. Mỗi lần tìm được cây trông giống cây “mẫu”, ông lại vượt hàng trăm cây số xuôi về Hà Nội tìm đến những nhà khoa học, nhà nghiên cứu về Giảo cổ lam để xác minh. Cứ như thế hàng chục, hàng trăm lần... Có lần mải tìm, ông bị lạc trong rừng đến tận nửa đêm, gặp trời mưa, hàng chục con vắt bâu lấy người ông cắn no căng máu. Lại có lần, trong lúc leo núi, Bùi Đắc Quang không may bị ngã kẹp giữa hai vách đá, gãy 5 chiếc xương sườn… Gian nan nhưng ông quyết không bỏ cuộc. Cảm phục tinh thần ấy, Tập đoàn Tuệ Linh đã tặng ông một cây Giảo cổ lam thật để làm mẫu. Mang cây về quê hỏi mẹ vợ - một bà mế người Mường - bà chỉ tay lên ngọn núi Ba Tri khẳng định: “Cái cây này mế thấy mọc trên đó”. Nghe mế nói, cả đêm hôm đó ông không ngủ chỉ mong trời mau sáng. Hôm sau, tay cầm ngọn cây đã héo, Bùi Đắc Quang leo lên đỉnh núi Ba Tri, phía bà mế chỉ... Cuối cùng, ông cũng tìm thấy bãi Giảo cổ lam xanh mơn mởn mọc trên một sườn núi. “Không kìm được cảm xúc, tôi đã ôm mặt khóc như một đứa trẻ”- ông Quang nhớ lại.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Kỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội là cố vấn khoa học cho Bùi Đắc Quang sản xuất trà Giảo cổ lam. Trước thực trạng nhiều nơi khai thác Giảo cổ lam theo kiểu “tận thu” với mục đích kinh doanh, hoặc mang về trồng tại nhà làm cây mất đi dược tính đã gợi cho ông nghiên cứu để bảo tồn nguồn gen của loại cây dược liệu quý này. Giảo cổ lam là loại cây cho nhiều lá nhưng đặc biệt rất ít hạt. Phương pháp nhân giống hữu tính bằng hạt coi như không thể thực hiện, ông tìm cách nhân giống vô tính. Hàng trăm triệu đồng đã được Bùi Đắc Quang đầu tư để nghiên cứu, thử nghiệm. Thế rồi, một lần nữa ông lại có duyên với Giảo cổ lam khi thành công trong nhân giống từ lá cây. “Chỉ với một lá Giảo cổ lam, sau 60 ngày tôi sẽ biến nó thành một cây giống”- ông khẳng định.

Tri ân cuộc đời

Thành công trong nhân giống Giảo cổ lam tạo điều kiện để Bùi Đắc Quang phát triển được vùng nguyên liệu ngay trên các vùng núi cao ở Đà Bắc, Hòa Bình. Điều đó không chỉ giữ được dược tính, bảo vệ nguồn gen của cây mà đã tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân nằm trong vùng nguyên liệu. Các hộ dân trong vùng nguyên liệu đều được công ty của ông cung cấp cây giống, hỗ trợ vốn để trồng, bảo vệ cây và được công ty thu mua với giá phù hợp, từ đó có thu nhập ổn định.

“Chính vùng đất quê hương đã cho tôi Giảo cổ lam. Đồng đội, người thân, bạn bè đã giúp đỡ tôi rất nhiều để có thành công bước đầu ngày hôm nay. Vì vậy, tôi luôn suy nghĩ làm ra sản phẩm không chỉ để kinh doanh mà còn để tri ân với cuộc đời”. Bùi Đắc Quang chia sẻ. Các cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, người nghèo trên toàn quốc, nếu có nhu cầu dùng trà thảo dược, ông đều cho dùng trà miễn phí ít nhất trong thời gian một tháng. Sau đó nếu có nhu cầu, ông bán đến tận nhà với giá xuất xưởng, không tính lãi. Ông Quang không nhớ chính xác nhưng đã có hàng trăm cựu chiến binh, người nghèo… được ông ưu ái như vậy.

Công ty TNHH Hoàng Tùng của CCB Bùi Đắc Quang không chỉ tạo việc làm ổn định cho hàng trăm hộ gia đình trong vùng nguyên liệu mà còn tiếp nhận hơn 20 lao động địa phương vào làm công nhân tại công ty với thu nhập trung bình từ 2,5 đến 3 triệu đồng mỗi tháng. Năm 2012 này, công ty sẽ phối hợp với Hội CCB các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình và Thái Nguyên để phân phối sản phẩm. Ngoài việc bản thân các cựu chiến binh được dùng thuốc với giá rẻ, các hội CCB còn được công ty trích lại 10% lợi nhuận để bổ sung kinh phí hoạt động. Ông Quang cho biết, dự kiến thời gian tới, công ty sẽ mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương... Với những kết quả ấy, Bùi Đắc Quang đã được tuyên dương doanh nhân cựu chiến binh tiêu biểu, làm kinh tế giỏi; được Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải bạc giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2011; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định trao giải Bông lúa vàng lần thứ nhất. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho người cựu chiến binh giàu nghị lực.

Nguyễn Trung Kiên