QĐND -  “… Nhiều tối đợi các con ngủ say, hai vợ chồng lại cùng thức trắng đêm nghiên cứu, sáng tạo tác phẩm mây tre đan. Hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề là tìm được bạn đời tri kỷ, tâm đầu, ý hợp và nguyện sống, chết với nghề cha ông để lại…” - Nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh, 45 tuổi ở làng nghề truyền thống Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) tự hào nói với chúng tôi như thế..." .

Tinh lọc nghề cũ

Thôn Phú Vinh có 4 xóm (Thượng, Hạ, Gò Đậu, Đầm Bung) với 781 hộ, 3.261 nhân khẩu, trên 90% số hộ sản xuất kinh doanh làm nghề thủ công mây tre đan. Người dân nơi đây luôn tự hào về nghề đan lát có truyền thống gần 400 năm tuổi. Nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh tự hào kể với chúng tôi về mảnh đất Phú Vinh - cái nôi sinh ra “lò” nghệ nhân:

- Năm 1962, Bác Hồ gửi thư khen ngợi nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, trong đó có câu đối “Chương kiến tổ di lai, bách thể mông ân trường thế phú/ Mỹ trường tiên phạm tại, nhất thì tích kỹ vĩnh thì vinh” (tạm dịch: Di sản tổ tiên còn đó, đời đời giàu có, trăm nhà đội ơn; Tài hoa khuôn phép còn đây, mãi mãi thân vinh một đời tài giỏi). Nếu ghép hai chữ đầu và hai chữ cuối của vế đối sẽ thành tên địa danh thôn: “Phú Vinh”, huyện “Chương Mỹ”. Người nhắn gửi thông điệp tới nhân dân trong xã: Hãy biết quý trọng, phát huy nghề cổ truyền, phấn đấu giỏi nghề ắt đời đời giàu có, vẻ vang.

 

 

Nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh giới thiệu 2 mẫu sáng tác của vợ chồng tham dự Trung kết Hội thi “Làng nghề thủ công Mỹ nghệ Việt Nam, lần thứ 9, năm 2012”.

Trong căn phòng bộn bề sản phẩm mây tre đan, như: Rổ, rá, túi xách, khung ảnh, khay đĩa, lọ hoa, chụp đèn... hai vợ chồng nghệ nhân đang mải mê sáng tạo tác phẩm. Thấy chúng tôi vào, anh Hoàng Văn Hạnh niềm nở:

- Vợ chồng tôi đang hoàn thiện hai sản phẩm (Hộp triết lý âm dương và Hộp đèn gốm đan mây) để tham gia vòng thi chung khảo “Làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, lần thứ 9 - năm 2012”. Mấy năm trước, làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh nhộn nhịp lắm, nhưng tiếc rằng thời gian gần đây hàng mây tre đan đang ít dần đơn đặt hàng, vì thế một số người dân đành chuyển sang làm nghề khác!

Nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh may mắn được sinh ra trong gia đình nghề truyền thống đan lát (bố đẻ là cụ Hoàng Văn Khu từng là nghệ nhân nổi tiếng trong làng). Ngay từ nhỏ cậu bé Hạnh đã được cha truyền dạy, cộng với niềm say mê vốn có nên anh Hạnh rất tâm huyết với nghề mây tre đan.

Năm 1988, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ tình nguyện trên đất bạn Lào, chàng thanh niên Hoàng Văn Hạnh về quê đúng trong hoàn cảnh làng nghề đang “tiến thoái lưỡng nan”, điêu đứng, nên anh đã “Nam tiến” vào Biên Hòa (Đồng Nai) để tìm nguyên nhân, học hỏi kinh nghiệm về nghề mây tre đan. Thời điểm đó, nghề đan lát ở Phú Vinh có nguy cơ mất dần. Hoàng Văn Hạnh luôn trăn trở, nặng lòng với nghề truyền thống nên miệt mài đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm ở các làng nghề truyền thống, những mong vừa giữ được nghề của cha ông, lại vừa hy vọng mang thêm nghề mới về cho làng, cho xã.

Tâm đầu ý hợp

Sau gần 10 năm xa quê miệt mài kiếm tìm tại nhiều tỉnh ở phía Nam, anh Hạnh nhận ra màu gốm sứ Bình Dương phù hợp với màu mây tre đan ở làng nghề truyền thống Phú Vinh. Về quê với hai bàn tay trắng, Hoàng Văn Hạnh bắt đầu nuôi chí làm giàu từ nghề truyền thống mây tre đan. Đầu năm 2001, Hạnh tìm được “một nửa” của mình bằng sự tình cờ như trong mơ:

- Năm đó, tôi có may mắn sang dạy và truyền nghề mây tre đan ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Không hiểu lý do thế nào mà thiếu nữ Hân lúc đó vừa tròn 20 tuổi say mê với nghề và bén duyên với “thầy giáo” Hạnh… Và chúng tôi nên duyên vợ chồng.

Hai vợ chồng nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh và Nguyễn Thị Hân đang sáng tạo tác phẩm mây tre đan.

Hiếm có một gia đình có hai vợ chồng “cùng hội cùng thuyền”, cùng được Nhà nước phong tặng nghệ nhân như gia đình anh Hoàng Văn Hạnh. Chị Nguyễn Thị Hân (vợ anh Hạnh) được Nhà nước công nhận nghệ nhân năm 2011, bộc bạch về mối nhân duyên với nghề mây tre đan:

- Có lẽ em có duyên nợ với nghề nên mới về làm dâu làng Phú Vinh. Ban đầu em cũng không nghĩ là theo được nghề mây tre đan, nhưng thấy chồng em suốt ngày trăn trở với nghề nên em bị... thôi miên, thế là nghề mây tre đan ngấm vào máu lúc nào không biết…

Anh Hạnh nói thêm: "Vợ chồng tôi cưới nhau năm 2001, mãi đến năm 2005, "bà xã" tôi mới thực sự say mê với nghề mây tre đan. Nhiều tối, đợi các con đã ngon giấc, hai vợ chồng mới chong đèn cặm cụi nghiên cứu, thử nghiệm các mẫu sản phẩm mây tre đan mới. Cùng làm việc với vợ, tôi nhận thấy hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề là tìm được người bạn đời tri kỷ, tâm đầu, ý hợp và nguyện sống, chết với nghề cha ông để lại…".

Điều khá ấn tượng đối với tất cả những người đến thăm gia đình vợ chồng nghệ nhân Hân - Hạnh đó là những tấm bằng chứng nhận giải thưởng, bằng khen… treo kín các bức tường của một gian nhà. Mỗi sản phẩm mới đều có “hồ sơ” ghi lại đầy đủ từ xuất xứ, quá trình hình thành cho đến lúc nó trở thành sản phẩm được công chúng ghi nhận. Chị Nguyễn Thị Hân kể lại kỷ niệm hai vợ chồng “ẵm” hai giải trong Hội thi thủ công Mỹ nghệ (năm 2006) với chúng tôi:

- Một đêm mùa đông giá rét cuối năm 2005, nửa đêm em đang ngủ say thì thấy anh Hạnh khẽ gọi dậy (cháu trai lúc đó 2 tuổi, cháu gái mới được 2 tháng tuổi). Chồng em nhẹ nhàng nói, nếu chúng mình không làm ngay anh sợ ngày mai sẽ quên mất ý tưởng… Thì ra anh ấy nghĩ được mẫu sản phẩm mới và đề nghị vợ dậy để cùng thiết kế. Thế là đêm đó hai vợ chồng đã thức trắng để thiết kế sản phẩm. Và cũng nhờ hai sản phẩm sáng tác mẫu đêm hôm đó, vợ chồng em đã giành hai giải nhất và nhì của hội thi.

Điều ước của vợ chồng nghệ nhân

Để có sản phẩm bền, đẹp, không bị mối mọt, không bị mất màu tự nhiên của sản phẩm, vợ chồng nghệ nhân Hân - Hạnh đã nghiên cứu kỹ cách đan, cách tạo màu cho sản phẩm mà cha ông đã từng làm, chứ quyết tâm không sử dụng hóa chất và màu công nghiệp. Nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh bộc bạch:

- Để tạo ra các họa tiết đen (màu đen), thay vì sử dụng sơn đen tôi đã lấy lá sòi, lá bàng, lá ổi và lá thèn đen đem luộc kỹ để chiết ra một thứ nước có màu đen sánh. Sau đó, cho sản phẩm vào ngâm kỹ trong nước này rồi vớt ra, phơi khô. Rồi lại đem ngâm dưới bùn trong thời gian từ 5 đến 7 ngày để bảo đảm cho sản phẩm ăn màu vào tận lõi. Như thế, dù có dùng trong nhiều năm thì màu của sản phẩm vẫn không bị nhạt đi. Hoặc để tạo màu vàng tự nhiên mà không dùng sơn, chúng tôi sẽ dùng rơm rạ chặt ngắn khoảng 5cm, sau đó cho vào hố có miệng rộng để đốt và "xông" sản phẩm. Trong quá trình đốt rơm phải điều chỉnh sao cho đống rơm chỉ tạo ra những làn khói trắng để bề mặt sản phẩm có màu vàng tự nhiên…

Nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh giới thiệu sản phẩm Hộp đèn gốm đan mây.

Trò chuyện với anh Hạnh, chúng tôi được biết nghề đan cũng có khuôn mực của nó, đó là phương pháp, nguyên tắc kỹ thuật đan, cài. Dù là thợ hay nghệ nhân cũng đều phải tuân thủ khuôn mực ấy, tuyệt đối tránh sự cẩu thả để bị lỗi trên sản phẩm... Quan sát chúng tôi thấy, điểm nổi bật ở các sản phẩm của đôi vợ chồng nghệ nhân Hân - Hạnh là kỹ thuật đan rất tinh xảo. Họ đã kết hợp khéo léo các kiểu đan truyền thống với kiểu đan mới sáng tạo để làm nên những hình khối khỏe mạnh, chắc chắn phù hợp với mỹ thuật đương đại. Sản phẩm mà đôi vợ chồng nghệ nhân trẻ sáng tạo luôn đa dạng, từ những vật có công năng chứa đựng đến các đồ trang trí…

Trong câu chuyện xoay quanh làng nghề truyền thống Phú Vinh có gần 400 tuổi, nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh cứ ước ao: Những người làng nghề mây tre đan Phú Vinh rất mong muốn các cấp, các ngành sớm đăng ký thương hiệu để bảo tồn và phát triển làng nghề gần 400 tuổi. Hiện nay, làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh đang đứng trước tình cảnh rất khó khăn, phần do khan hiếm nguyên liệu, phần do sản phẩm làm ra giá thành hạ. Trong khi đó, thế hệ trẻ bây giờ không còn mặn mà với nghề nữa, đua nhau đi làm thuê kiếm tiền tức thì vì thế càng ngày họ càng rời xa làng nghề...

Tuy làng nghề Phú Vinh đang trong cơn "bĩ cực", nhưng chúng tôi tin chắc chắn sẽ có ngày "thái lai", bởi vì trong làng nghề còn có những người tài năng, tâm huyết với nghề như vợ chồng nghệ nhân Hân - Hạnh.

 

Anh Hoàng Văn Hạnh được Nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân năm 2009, chị Nguyễn Thị Hân được Nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân năm 2011. Nhiều năm gắn bó với nghề mây tre đan, vợ chồng nghệ nhân trẻ giành được nhiều giải thưởng: Giải “Bàn tay Vàng” - The gold Hand Award, Chương trình nghệ thuật Đông Dương - Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội đồng Trung ương Liên minh các Hợp tác xã (năm 1999); Giải nhất và nhì Hội thi Thủ công Mỹ nghệ (năm 2006); giải ba, Cuộc thi Triển lãm chuyên đề thiết kế mẫu và sản phẩm mây tre đan năm (2011)…

Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI