Pháp, nhiều người gọi Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Cộng sản Việt Nam, gọi lực lượng cách mạng miền Nam-những người đội mũ tai bèo như chúng tôi là Việt cộng. Ở Paris thời kỳ đó, bên cạnh lực lượng đông đảo bà con kiều bào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, có một lực lượng người Việt luôn kích động chống đối. Họ thường tập hợp biểu tình với những hình thức thiếu văn hóa.

Chính nghĩa của cuộc chiến đấu ở miền Nam, sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Pháp, của trí thức Pháp và phần đông bà con kiều bào đã làm cho lực lượng cực đoan đó chùn tay trước Việt cộng.

 Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài. Ảnh tư liệu

Hội nghị Paris ban đầu chỉ gồm hai bên là Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ. Ta kiên quyết đòi Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc. Ngày 31-10-1968, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson tuyên bố chấm dứt vô điều kiện ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam. Hội nghị Paris giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ chuyển sang thời kỳ mới. Mỹ chấp nhận hội nghị có 4 thành phần, trong đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên chính thức.

Cục diện mở ra mặt trận ngoại giao mới. Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ đến Paris và là một đoàn chính thức của cuộc đàm phán. Chúng tôi được đến Paris trước để tham gia chuẩn bị đón đoàn do chị Nguyễn Thị Bình dẫn đầu.

Cần nói thêm ở đây về một sự thật ít người biết. Đây là sự sáng tạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị. Chúng tôi là cán bộ của Ủy ban Thống nhất của Chính phủ, bên Đảng gọi là Ban miền Nam, do đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn kiêm Trưởng ban, có biệt danh là Ban CP40, sau đổi là Ban CP72 trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương. Công việc chủ yếu của Ban là làm nhiệm vụ đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đến năm 1969 là Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Trụ sở trên danh nghĩa ở miền Nam nhưng bộ máy làm việc của Ban CP72 đặt tại Hà Nội. Tất cả cán bộ làm công tác đối ngoại cho miền Nam đều có hai tên. Ra nước ngoài là tên của miền Nam, về Hà Nội thì dùng tên cha mẹ đặt cho từ nhỏ. Chị Nguyễn Thị Bình tên ở nhà là Nguyễn Thị Châu Sa. Anh Lý Văn Sáu là Nguyễn Bá Đàn, anh Hoàng Bích Sơn là Hồ Liên, anh Trần Văn Tư là Trần Văn Thức, chị Nguyễn Thị Thanh Vân là Bình Thanh, chị Nguyễn Ngọc Dung là Nguyễn Thị Hy...

Tên của tôi được tổ chức chọn chữ Phú từ Phú Yên quê hương tôi và cho tôi mang họ của mẹ. Ở Hà Nội, mọi cuộc tiếp xúc với nước ngoài đều rất hạn chế và chúng tôi chỉ tiếp khách đối ngoại tại 15 Hai Bà Trưng (có mật danh M.15) là trụ sở của phái đoàn đại diện đặc biệt của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại miền Bắc.

Trước ngày đi Paris, tại Hà Nội, chúng tôi bố trí chụp chân dung chị Bình quàng khăn rằn đứng dưới cờ nửa xanh, nửa đỏ, ở giữa là sao vàng 5 cánh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để có ảnh công bố trên báo chí.

Cơ quan chúng tôi ngày ấy có đủ các vụ phụ trách những lĩnh vực đối ngoại khác nhau: Vụ Ngoại giao nhà nước lo các sứ quán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, mang ký hiệu Vụ 1A; Vụ Đối ngoại nhân dân làm công tác đối ngoại cho các đoàn thể như Mặt trận giải phóng, Thanh niên giải phóng, Công đoàn giải phóng, Phụ nữ giải phóng... gọi là Vụ 1B; Vụ Văn hóa đối ngoại làm phần đối ngoại của các cơ quan như Thông tấn xã giải phóng, Nhà xuất bản giải phóng, Báo Ảnh giải phóng, Đài Phát thanh giải phóng, Xưởng phim giải phóng và chủ trì ra Báo Sud Vietnam d’études... gọi là Vụ 1C.

Ít người nhưng nhiều việc. Làm vì miền Nam nên làm cả ngày đêm, một người kiêm nhiều việc. Với các nước, họ hoàn toàn không biết cách tổ chức này nên yên tâm là chúng tôi đều ra đi từ miền Nam. Chị Nguyễn Thị Bình trước khi đến Paris đã đi nhiều nước, dự nhiều hội nghị quốc tế với nhiều tư cách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Anh Trần Văn Tư và chị Bình Thanh, chị Ngọc Dung vừa mới cùng chúng tôi đi dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 9 trở về. Chị Bình Thanh là người nói tiếng Pháp rất chuẩn, là thư ký của chị Nguyễn Thị Bình.

Đêm đầu tiên của tháng 11-1968, chúng tôi không ngủ, bao âu lo tính toán. Ngày mai, đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ đến Paris. Tôi đã đi một vòng Paris, biết rằng Đảng Cộng sản Pháp hết lòng ủng hộ Việt Nam, Hội Người Việt Nam ở Pháp, trong đó có Chi bộ Đảng làm nòng cốt với nhiều trí thức có tên tuổi cũng sẵn sàng lo cho đoàn, Chính phủ Pháp cũng rất chu đáo... Mừng vui khấp khởi bao nhiêu thì lo toan, hồi hộp cũng chừng ấy. Các báo Pháp đưa tin như một sự kiện đặc biệt chưa từng có. Có báo vội vã đăng chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định lại chú thích là bà Nguyễn Thị Bình (họ không phân biệt được giữa Binh và Đinh cũng là lẽ thường).

Giờ phút lịch sử đó đã đến, 14 giờ ngày 2-11-1968, Paris giá lạnh, trời một màu xám xịt, chỉ hửng sáng ở đường chân trời. Chị Nguyễn Thị Bình cùng các anh chị Dương Đình Thảo, Trần Văn Tư, Thanh Vân... những sứ giả, những chiến sĩ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và một vài cán bộ giúp việc đoàn bước xuống máy bay ở sân bay Bourget, giữa rừng người trong tay là cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và cờ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Chị Nguyễn Thị Bình mặc áo dài hồng thẫm, khoác măng tô đen với chiếc khăn quàng sậm màu có hoa lấm chấm. Rừng phóng viên chen nhau vây bám chị, máy ảnh chớp liên tục. Bước vào phòng khách VIP, chị Nguyễn Thị Bình phát biểu đôi lời rồi tuyên bố trước báo chí giải pháp 5 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Dù rất giỏi tiếng Pháp, chị Bình vẫn nói bằng tiếng Việt và chị Thanh Vân đã dịch lại rất chuẩn giọng Tây làm các nhà báo ngạc nhiên và trầm trồ. Họ nói với nhau: “Việt cộng văn minh quá!”, “Có ai nghĩ họ từ trong rừng ra đâu”. Anh Xuân Thủy, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đón và cùng chị Nguyễn Thị Bình bước lên đoàn xe đen bóng lộn chờ sẵn.

Chính phủ Pháp dành loại xe DS (Déesse có nghĩa là nữ hoàng)-loại xe đời mới của hãng Citroen có đèn như hai con mắt, có thể “liếc qua liếc lại”. Xe có cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến vào Paris giữa 4 hàng mô tô của cảnh sát Pháp hộ tống. Bà con kiều bào và người dân Paris cầm cờ, hoa đứng hai bên đường chào đón đoàn, không có bóng dáng của những kẻ cực đoan ném cà chua, trứng thối như chúng vẫn làm. Chúng tôi vui đến trào nước mắt. Tự hào quá, thắng lợi quá, sự kiện lịch sử đã đưa vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đưa vị thế Việt Nam lên nấc thang vinh quang và mở ra những tương lai mới.

Ngay tối đó và sáng hôm sau, hàng loạt báo chí Pháp và của các nước đều đưa tít lớn: “Việt cộng đến Paris”, “Việt cộng chiến thắng”. Có báo đã viết: “Bà Bình như một nữ hoàng được đón tiếp như một quốc trưởng với đủ lễ nghi chính thức và được hoan nghênh nhiệt liệt”. “Madame Bình đã làm chấn động Paris và thế giới”, “Việt cộng tuyệt vời”, “Cuộc đổ bộ kỳ tích của Việt cộng”...

Từ những ngày đầu tháng 5-1968 (kể từ hội đàm hai bên) đến ngày 27-1-1973, tại Paris, cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã kéo dài gần 5 năm, dài nhất lịch sử ngoại giao thế giới. Trong gần 5 năm đó, biết bao chuyện vui buồn xảy ra. Hàng trăm cuộc họp công khai và tiếp xúc bí mật, 500 cuộc họp báo và có đến 1.000 lần chúng ta tiếp trả lời phỏng vấn các tờ báo, hãng thông tấn, truyền hình của năm châu lục. “Bộ trưởng Việt cộng” Nguyễn Thị Bình được các nhà báo quốc tế ưu ái quan tâm và tỏ sự kính phục. (còn nữa)

Ký của TRÌNH QUANG PHÚ, Nguyên chuyên viên của Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam