 |
Men-rát và Dép-rích sau ngày ra khỏi nhà tù, họp báo tố cáo tội ác của Mỹ-Nguỵ. |
Hơn 400 cựu tù chính trị Côn Đảo-Chí Hòa họp mặt kỷ niệm ngày 30-4 ở Đà Nẵng rất vui khi “Ông Tây Việt cộng” xuất hiện với chiếc kỷ niệm chương dành cho cựu tù chính trị lấp lánh trên ngực áo. Cựu tù Lê Tự Quảng ôm chầm lấy người bạn tù: “Ô! Hồ Cương Quyết!”. Hồ Cương Quyết là tên Việt Nam của An-đrê Men-rát (André Menras) người Pháp, từng bị Mỹ-ngụy bắt giam ở Chí Hòa cùng người bạn là Giăng Pi-e Dép-rích (Jean Pierre Debris)-Hồ Tất Thắng và đồng tác giả cuốn “Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi vạch tội!”.
Năm 1967-1968, Bộ Giáo dục Pháp cử An-đrê Men-rát sang Nam Việt Nam dạy học tại Đà Nẵng và Sài Gòn. Chứng kiến tội ác chiến tranh do Mỹ gây ra ở miền Nam, ông suy nghĩ: “Phải làm một cái gì đó vì hòa bình cho Việt Nam!”. Và ngày 25-7-1970, một sự kiện chấn động diễn ra tại tượng đài trước tòa nhà Hạ viện Sài Gòn khi Dép-rích trèo lên giương cao lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, còn Men-rát rải hàng nghìn tờ truyền đơn phản đối đế quốc Mỹ xâm lược, đòi độc lập cho Việt Nam. “Chúng tôi treo cờ và rải truyền đơn hơn 30 phút thì cảnh sát Sài Gòn ập đến. Họ đánh đập chúng tôi, xô tôi ngã xuống đất, máu chảy đầy mặt!”...
Hai người bị cảnh sát giải về bót thẩm vấn liên tục 5 ngày đêm rồi bị tống vào nhà giam Chí Hòa. Việc làm của hai ông ngày đó đã tạo nên làn sóng ủng hộ mạnh mẽ. Nằm trong xà lim, hai ông cũng nhận được một lá thư ký tên “Những người bạn” của những người Việt, viết bằng tiếng Pháp, trân trọng cảm ơn đóng góp của hai ông cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Sự cổ vũ đó đã tiếp thêm sức mạnh cho hai ông vượt qua những trận đòn tra khảo... “Lúc đó, luật sư và Đại sứ quán Pháp ở miền Nam Việt Nam cũng gây sức ép muốn chúng tôi bày tỏ sự hối tiếc vì không hiểu biết gì về tình hình chính trị ở Việt Nam. Chỉ cần nói như thế là chúng tôi được trục xuất về Pháp. Tất nhiên chúng tôi không bao giờ chấp nhận. Thế là tòa án binh Sài Gòn kết tội chúng tôi “phá rối trị an”, với mức án 4 năm tù giam đối với Dép-rích và 3 năm tù giam đối với tôi!”.
Trên người Men-rát vẫn còn 7 vết sẹo, “bằng chứng” của những trận đòn roi mà ông phải gánh chịu trong nhà giam của Mỹ-ngụy. Ông nói, chính những ngày nằm trong khám Chí Hòa, hai ông được các bạn tù cộng sản kể cho nghe về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và “kết nạp” vào tổ chức của tù chính trị. “Người tù thì có gì mà cho nhau ngoài lòng trìu mến và ý chí đấu tranh? Họ đã cho chúng tôi tất cả, truyền cho chúng tôi tất cả. Điều này đã khắc sâu vào tâm khảm chúng tôi!”. Hai ông được các bạn tù chính trị Việt cộng đặt cho tên Việt: Men-rát là Hồ Cương Quyết, Dép-rích là Hồ Tất Thắng từ đó.
Cựu tù Lê Nguyên Hồng kể: “… Khi được anh em trong tù đặt tên Hồ Cương Quyết và Hồ Tất Thắng thì hai anh ấy đều rất vui sướng, nhất là được mang họ của Bác Hồ. Còn đối với chúng tôi, việc đặt cho hai anh cái tên Quyết và Thắng cũng chính là sự khẳng định về niềm tin nhất định sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược!”.
Hồ Cương Quyết và Hồ Quyết Thắng bị giam cầm hai năm rưỡi, đến ngày 29-12-1972 mới được ra khỏi tù nhưng bị trục xuất về Pháp. Hai ông lại tiến hành các cuộc họp báo ở Pa-ri, Brúc-xen..., viết cuốn sách “Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi vạch tội!” và đi khắp thế giới tố cáo tội ác của Mỹ-ngụy trong các nhà tù ở miền Nam Việt Nam; ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các cựu tù chính trị cộng sản; vạch trần sự lừa bịp của bộ máy tuyên truyền Mỹ-nguỵ. Chính Men-rát đã mặc bộ quần áo bà ba, khăn rằn, dép lốp tìm đến gặp Phái đoàn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri và trao cho đoàn nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có bản danh sách mới nhất về tù chính trị đang bị giam giữ mà chính quyền Mỹ-ngụy đang cố sức bưng bít. Báo chí quốc tế ngày đó đã dành rất nhiều bài viết về hai ông, về những lời hai ông tố cáo Mỹ-ngụy, gọi hai người là những “Ông Tây Việt cộng” với tất cả sự ngưỡng mộ… Còn Men-rát và Dép-rích thì nói rằng: “Không có Hồ Chí Minh, chưa hẳn đã có những hành động như của chúng tôi. Chúng tôi khâm phục Bác Hồ và tự khẳng định rằng, không thể tách rời cuộc đời Hồ Chí Minh với lịch sử các dân tộc cũng như loài người tiến bộ trên thế giới. Bởi lẽ lịch sử Hồ Chí Minh đã thuộc về lịch sử quốc tế!”.
Ghi nhận những đóng góp của Men-rát cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, ngày 16-7-2002, UBND TP Hồ Chí Minh đã trao tặng ông Huy hiệu TP Hồ Chí Minh; 12 ngày sau, tại Hà Nội, ông được gắn Huy chương danh dự của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng ông Huy chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”...
Xuân Tiến