QĐND Online - Về hưu đã lâu, đôi bàn tay lại tật nguyền khòng khoeo, nhưng ngày ngày ông vẫn cưỡi chiếc xe đạp cà tàng đến Đền Đô- ngôi đền nổi tiếng thờ Lý Bát Đế. Ở đây, ông là thành viên Ban quản lý di tích, vừa là hướng dẫn viên, vừa nghiên cứu lịch sử, viết báo, sáng tác ảnh... Tôi đã được nghe câu chuyện đầy chất huyền thoại về người thầy giáo đặc biệt ấy: Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn…

Tuổi thơ “bão táp”...

Sinh năm 1940 ở Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh) - một vùng quê nổi tiếng về truyền thống yêu nước và hiếu học, lên 6 tuổi, Nguyễn Đức Thìn được đi học "đồng ấu" (vỡ lòng). Ký ức tuổi thơ của Thìn còn in đậm cái ngày 3 tháng 3 âm lịch năm 1947, Khi cả làng háo hức chuẩn bị cúng giỗ vua Lý Thái Tổ thật to, thì giặc Pháp bất ngờ tấn công, giết hại 49 dân thường và 17 đội viên du kích. Ngày đẫm máu trở thành ngày giỗ chung.

Giới thiệu tập thơ của Câu lạc bộ Thơ do thầy biên soạn

Theo cha chạy tản cư sang Phù Khê, cậu bé Thìn được học tiếp tiểu học ở ngay đình làng. Bị máy bay quân Pháp ném bom phá hoại, Thìn lại theo cha chạy tản cư lên Phú Bình (Thái Nguyên), học tiếp ở trường Hà Châu. Đầu năm 1950, bố Thìn quyết định trở về quê, dù biết phải sống trong kìm kẹp, bởi giặc đã chiếm đóng làng từ giữa năm trước. Về quê, trường lớp không còn, Thìn theo học thầy Đám Chinh. Lớp học không có bàn ghế, không có sách giáo khoa, thầy nhớ đến đâu dạy trò đến đó. Lúc này, Thìn là đội viên của Đội thiếu niên du kích bí mật Đình Bảng, tham gia nhiều hoạt động giúp cán bộ cách mạng khiến bọn Pháp phải điên đầu.

Một buổi, bỗng đâu tốp lính lê dương ập vào lớp, chúng kéo thầy Chinh ra khảo tra, đánh đập vì nghi thầy là quân du kích, rồi bắt đi. Lớp học tan rã. Thìn được gửi ra Hà Nội học, cho đến ngày hoà bình lập lại thì về quê, học tiếp cho đến hết tiểu học ở đình làng. Đầu năm 1955, thi đỗ và vào học trường Hàn Thuyên (thị xã Bắc Ninh). Sau biến cố của gia đình, nhất là khi cha mất, cuộc sống của anh vô cùng nhọc nhằn. Vừa học, vừa phải làm thuê kiếm sống, nhưng càng gian khổ, chàng trai quê Bắc Ninh càng ham học. Ở lớp, anh nghe như nuốt từng lời thầy cô giảng. Dọc đường đi bộ 14 cây số về nhà, Thìn nhẩm lại bài học, rồi tự bắt chước thầy cô... giảng lại những nội dung đó đến khi thật nhuần nhuyễn mới thôi… Tuổi thơ của Thìn trải nhiều cơn “bão táp”, nhưng đó là cái vốn quý giá để anh vững bước vào đời...

“Bén duyên” nghề giáo

Năm 1958, tròn 18 tuổi, Nguyễn Đức Thìn tốt nghiệp cấp 2. Luôn là học sinh giỏi, nhưng anh đã quyết định trở về làm ruộng. Hôm về xã trình bày nguyện vọng trở thành xã viên, lãnh đạo xã mừng lắm, bảo: "Có anh học cấp 2 về xây dựng Hợp tác xã là quý lắm đấy!". Làm xã viên hợp tác xã chưa lâu, Thìn bất ngờ được giao nhiệm vụ mới: giáo viên dạy lớp "vỡ lòng", công việc phần nhiều là dành cho các... cô giáo. Được dạy học là niềm mơ ước bấy lâu, Thìn hồi hộp lắm. Nhiều đêm thức trắng, anh nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa, rồi cố hình dung những bài cô đã dạy cho mình ngày bé để định hình phương pháp.

Thầy Thìn bên bức “Chiếu dời đô” bằng gốm ở Đền Đô

Lớp học không có phải nhờ trong nhà dân, thiếu thốn đủ thứ, những chiếc cánh cửa được hạ xuống làm bàn, làm bảng viết. Sáng đi làm đồng, chiều dạy học, nhưng mỗi tuần anh đều dành thời gian đi Hà Nội, vào các trường mầm non, để xem và học lỏm các cô giáo ở đây dạy múa, hát; xem các loại đồ chơi để về tự làm cho lớp học của mình. Mọi người đều rất quý người thầy tận tuỵ, nhiều tài lẻ, vừa dạy tốt, vừa hát hay, thổi kèn ác-mê-ni-ca, thổi sáo trúc rất hay. Một năm sau, Thìn lại được “đôn” lên dạy cấp 1 với chức danh: giáo viên dân lập dạy tiểu học…

Người khởi xướng phong trào "Nghìn việc tốt".

Vừa dạy học, thầy Thìn tranh thủ thời gian đi học hàm thụ trung cấp sư phạm. Tháng 8 năm 1961, học xong, thầy có quyết định “đôn” tiếp lên dạy cấp 2 và được điều sang trường PTCS xã Tam Sơn. Biết thầy Thìn có năng khiếu hoạt động phong trào, nên nhà trường giao cho thầy chức Phó bí thư Chi đoàn phụ trách thiếu nhi. Và đó cũng là điều kiện để thầy nêu ra nhiều ý tưởng mới cho phong trào đoàn, đội. Hôm thăm nhà lưu niệm Ngô Gia Tự - người cộng sản nổi tiếng, nhìn ngọn đèn dầu đặt trên bàn thờ, thầy nảy ra ý tưởng: phát động phong trào "Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự, để thắp sáng niềm tin tuổi trẻ" nhằm khơi dậy phong trào học tập, noi gương người cộng sản của quê hương.

Thầy Thìn (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng khách tham quan Đền Đô.

Để thể hiện phong trào, không chỉ bằng hô hào chung chung, thầy Thìn đã xúc tiến vào những việc làm cụ thể. Ngoài giờ lên lớp, thầy đã cùng các học trò mò cua, bắt ốc bán lấy tiền xây dựng quỹ hoạt động đoàn, đội. Thấy trên báo Báo Thiếu niên tiền phong có nhiều gương tốt, thầy lại khởi xướng phong trào đọc và làm theo với câu ca: "Làm nhiều việc tốt bao nhiêu/ Bác Hồ càng quý càng yêu em nhiều". Ngày 24-3-1963, sau buổi sinh hoạt với nội dung "Làm nghìn việc tốt để thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy", thầy và trò cả trường Tam Sơn cùng nhau “ra quân” trồng cây hai bên đường vào nhà lưu niệm Ngô Gia Tự. Và ngày 24-3 hằng năm đã trở thành "Ngày hội nghìn việc tốt" ở trường. Khi biết chuyện này, Bác Hồ đã rất hoan nghênh, và Người đã nêu ra khẩu hiệu: "Làm nghìn việc tốt- chống Mỹ cứu nước".

Một vinh dự thật đặc biệt, đó là ngày mùng Một - Tết Đinh Mùi 1967, Bác Hồ về thăm trường Tam Sơn. Tại đây, Bác nói: "Các cháu hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa, để xứng đáng là cháu ngoan của Bác!". Phong trào “Nghìn việc tốt” đã được tuổi trẻ học đường cả nước hưởng ứng và làm theo...

Vượt lên số phận!

Năm 1978, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn bất ngờ phát hiện mình bị bệnh phong. Dù biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng thầy Thìn không hề nhụt chí, vẫn quyết tâm lên đường về Bệnh viện phong ở Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu- Nghệ An) chữa trị…

Chuyến xe chở thầy Thìn về Quỳnh Lưu hôm ấy vào một ngày giáp Tết nguyên đán sau cuộc chia tay đầy nước mắt. Đêm đó, thầy Thìn thao thức mãi. Khi chuẩn bị hành trang lên đường, thầy đã không quên mang theo nhiều tập giấy viết, chiếc máy ảnh, mấy cuộn phim, thuốc rửa ảnh… Những thứ này sẽ giúp cho thầy làm việc, dù chỉ là những việc hết sức nhỏ bé, nhưng thầy xác định còn sống, còn phải làm việc, dù khi ấy, bàn tay thầy đã dần mất cảm giác…

Sau đêm đầu tiên ở trại, sớm tinh mơ, thầy Thìn trở dậy đi ra biển, gặp đám trẻ con đi bắt ngao. Khi hỏi chuyện, được biết đó toàn là con em của những người bệnh nhân phong, và tất cả đều chưa được học, lòng thầy đau thắt. Nắm bàn tay nhỏ nhắn, chai sạn của các em, thầy Thìn ứa nuớc mắt và thầm bảo: "Chú sẽ quyết sống và dạy học cho các cháu!". Khi gặp Giám đốc Trần Hữu Ngoạn, thầy Thìn không ngần ngại trình bày nguyện vọng được dạy học cho các cháu nhỏ. Ông Ngoạn như bắt được báu vật, nắm chặt tay thầy Thìn: "Tốt quá! Cậu phải giúp chúng tớ việc này". Lớp học xóa mù chữ lần đầu tiên được mở, thầy Thìn lại say sưa giảng bài, những ánh mắt ngây thơ chăm chú khiến thầy quên đi bệnh tật đang hành hạ thân xác mình. Rồi chuyện dạy học của thầy “tiếng lành đồn xa”, vào tháng 9 năm 1979, đại diện Bộ Y tế xuống thẩm định rồi cho phép thành lập trường mang tên Lê Văn Tám. Thầy Thìn được cử làm Trưởng ban điều hành (Hiệu trưởng). Giáo viên là những người thầy lâu nay bị "mất quyền lao động" bởi mang bệnh phong, giờ được trở lại với nghề nên say mê lắm…

Nơi quê nhà, tin tức gửi về qua những bức ảnh và câu chuyện của thầy Thìn đã khiến cho gia đình và cả thầy trò trường cũ vô cùng cảm phục. Họ mong ngóng ngày thầy Thìn trở về… Vì thế, sau tròn bốn năm, dù rất muốn gắn bó với nơi đã có những năm tháng chống chọi với bệnh tật để cống hiến với nghề giáo biết bao kỷ niệm, song thầy Thìn vẫn phải trở về quê hương, về ngôi trường cũ dù đôi bàn tay đã vĩnh viễn tật nguyền. Với đôi tay khòng khoeo ấy, thầy vẫn tiếp tục công việc của người thầy với niềm say mê mãnh liệt, cho đến năm 1992 thì thầy giáo Nguyễn Đức Thìn nhận quyết định nghỉ hưu…

Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn chậm dãi đọc cho tôi nghe bài thơ mang tựa đề "Ngọn lửa tình người" thầy viết như là sự “đúc kết” chuyện đời của thầy: "Cây nến thẳng thắp lên ngọn lửa/ Cây nến cong thắp lên ngọn lửa/ Hai ngọn lửa gần nhau sáng ngời/ Người lành mạnh trụ cột của đời/ Xây cuộc sống ngày thêm tươi đẹp/ Lòng nhân ái thắp thành ngọn lửa/ Sáng chói yêu thương trong mỗi con người/ Người tàn tật ước mơ cuộc sống/ Mong đời mình bằng anh, bằng em/ Luôn sáng tạo tâm hồn nồng cháy/ Tha thiết tin yêu nỗ lực xây đời/ Xã hội sẽ tốt đẹp biết bao khi mọi người giúp nhau cùng sống/ Chung niềm vui san sẻ nỗi đau!".

Có người bảo: "Người khoẻ còn chưa sáng tạo được, người tàn tật lấy đâu sức mà còn sáng tạo?", thầy đã chứng minh điều mà mình – “một người tật nguyền” làm được: Đó là kể từ khi đôi tay bị tật nguyền, thầy vẫn không ngừng nghiên cứu để có thêm hàng chục đề tài sáng tạo, nhận thêm 3 tấm bằng "Lao động sáng tạo" nữa trong bộ sưu tập vốn đã rất dày dặn của mình…

Với 34 năm tuổi nghề, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã giành trọn những danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước dành cho nhà giáo: Anh hùng Lao động và Nhà giáo Nhân dân. Giờ đây, sang tuổi bảy mốt, thầy vẫn không nghỉ hàng bao công tác xã hội. Công việc chính hàng ngày là cùng chiếc xe đạp cà tàng (chiếc xe là tặng phẩm kèm theo danh hiệu Anh hùng Lao động) ra đền Đô, ở đây, thầy vừa là thành viên ban quản lý di tích, vừa là hướng dẫn viên, vừa nghiên cứu lịch sử triều Lý, vừa viết báo, chụp ảnh... Du khách trong và ngoài nước đến đây nghe thầy hướng dẫn với cả tấm lòng say mê và sự hiểu biết uyên thâm về lịch sử, lại được biết thầy là “Thầy giáo đặc biệt” thì đều cảm phục lắm... Ngồi bên bậc thềm ở đền Đô, tiếng lá reo đùa trong sắc nắng cuối thu, người thầy giáo già nhìn về xa xăm khi nhớ về bao kỷ niệm của cuộc đời dạy học. Lúc chia tay, tôi xúc động nắm đôi bàn tay tật nguyền của người thầy giáo Anh hùng, đôi bàn tay hơn cả lành lặn đã mang sức sáng tạo kỳ diệu cống hiến cho đời…

Bài,ảnh: NGUYỄN HOÀNG SÁU