QĐND - Cụ Hoàng Văn Hòe, tên hiệu là Hạc Nhân, sinh năm Mậu Thìn (1848) ở làng Phù Lưu (Chợ Giầu), nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cụ đỗ cử nhân năm 1870, đỗ tiến sĩ năm 1880. Cụ Hoàng Văn Hòe lúc đầu vào Huế làm quan Thị độc, Viện hàn lâm triều vua Tự Đức, sau được bổ làm Tri phủ Kiến Xương (Thái Bình), Bang biện Bắc Ninh.
 |
Làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh) quê hương của Tiến sĩ Hoàng Văn Hòe. Ảnh: Tuấn Tú
|
Khi thực dân Pháp xâm lược đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất vào năm 1773, cụ Hoàng Văn Hòe đã tự động mộ quân ứng nghĩa chống giặc. “Dư tòng quân thời, thường trú binh Sóc Sơn” (khi tôi tòng quân, thường đóng binh ở Sóc Sơn) - trong một bài thơ làm lúc bấy giờ cụ đã có câu như vậy. Đến khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai 1882, cụ Hoàng Văn Hòe từ bỏ ngay quan chức của triều đình Huế bạc nhược, một lần nữa lại đứng lên ứng nghĩa, hợp tác cùng nhà yêu nước Đề đốc Tạ Hiện chiến đấu chống quân xâm lược thực dân ở vùng Nam Định - Thái Bình.
Khoảng năm 1884-1885, giữa sự lúng túng mâu thuẫn của hai phe “chủ chiến” và “chủ hòa” trong đối sách với thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn, cụ Hoàng Văn Hòe được triệu vào Huế làm chức “Biên tu” ở Quốc sử quán, để tăng cường lực lượng cho phe “chủ chiến”.
Đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885 (23 tháng Năm, năm Ất Dậu), các nhân vật chủ chốt của phe “chủ chiến” Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn… mở cuộc tấn công quyết liệt vào đồn Mang Cá, khu nhượng địa, khu sứ quán của thực dân Pháp ở Huế. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Tảng sáng, Tôn Thất Thuyết đưa Vua Hàm Nghi rút khỏi Kinh thành. Đó là “sự biến Kinh thành”, dẫn tới việc phát động và nổi dậy của “phong trào Cần Vương”. Và cụ Hoàng Văn Hòe đã hy sinh ngay trong “sự biến Kinh thành” mà không kịp tham gia “phong trào Cần Vương”.
Chính sử triều Nguyễn, sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” chép rõ rằng: “Khi Kinh thành hữu sự, ông đã chết trong nạn nước”. Đến khi Kinh thành tạm yên, người anh ruột của cụ Hoàng Văn Hòe là Hoàng Huy Đam đã từ Bắc Ninh vào Huế tìm mộ em nhưng không thấy, chỉ thu thập được tập thơ “Hạc Nhân tùng ngôn” do cụ Hoàng Văn Hòe sáng tác trong thời gian trước đấy. Mấy người trong gia tộc cũng sưu tầm thêm được một số bài thơ của cụ viết hồi còn ở quê, đóng tất cả thành sách gồm 319 bài. Người em ruột của cụ Hoàng Văn Hòe là Hoàng Thụy Liên, trong lời tựa của cuốn sách cũng đã viết: “Năm Ất Dậu, niên hiệu Hàm Nghi, Kinh thành có sự biến. Anh cam lòng liều chết, cứu nạn nước, hết lòng trung vì quốc sự, thực không hổ thẹn với nếp nhà hiếu nghĩa”.
Sự thực lịch sử trong sử sách là như vậy. Nhưng thực tế lịch sử trong dân gian lại khác. Trên vùng quê hương Phù Lưu, Bắc Ninh của cụ Hoàng Văn Hòe, từ lâu đã lưu truyền lời kể sau đây:
… Quả có việc cụ Hoàng Văn Hòe được triệu vào Kinh đô Huế để tham gia chống Pháp. Nhưng vì khi ấy, Pháp đã đóng quân ở nhiều nơi, nên mật thư tới tay cụ bị chậm. Thư đến vào canh Một (sẩm tối) ngày 25 tháng Năm, năm Ất Dậu. Sau vài canh giờ thì cụ Hòe từ giã vợ con ra đi và không bao giờ về nữa. Họ hàng cụ và gia đình từ đấy lấy ngày 25 tháng Năm làm ngày giỗ cụ.
Chúng ta dễ dàng nhận ra thời điểm mà lời kể dân gian đã chốt lại: 25 tháng Năm. Đó là khoảng thời gian xảy ra “sự biến Kinh thành”. Dân gian chỉ nhớ xê xích đi ba ngày.
Nhưng theo ký ức dân gian thì đó lại là ngày cụ Hoàng Văn Hòe ra đi để ứng nghĩa một lần nữa - không phải ở Huế mà là ở ngay trên miền đất quê hương. Cụ đã hợp tác với một nhà yêu nước nổi tiếng thời Cần Vương là Nguyễn Cao. Thậm chí còn được Nguyễn Cao giao phó việc đứng đầu “Đại Nghĩa Đoàn”, là lực lượng đánh Pháp quyết liệt trên chiến trường Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương thời bấy giờ. Và trong một trận đánh, được hình dung cụ thể trong trí tưởng dân gian là “từ Phả Lại đánh lên, Đáp Cầu đánh xuống. Một cánh nữa hướng về Quế Dương, bến đò Hồ và Chi Nê thuộc huyện Thuận Thành mà đánh” thì cụ Hoàng Văn Hòe đã bị thương nặng. Nghĩa quân đưa cụ qua sông Cầu, lên vùng Lục Ngạn, An Châu (Bắc Giang). Cụ đã mất và chôn cất cụ ở đấy. Nhưng không để lại dấu tích gì (không tìm thấy mộ cụ).
Câu chuyện dân gian này, vậy là có cùng mẫu đề (motip) về sự hy sinh của nhiều anh hùng chiến trận xưa. Chẳng hạn như về cái chết oanh liệt của Hai Bà Trưng. Trong khi chính sử, các sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”… đều viết rõ rằng: “tử trận”, “thua trận, chết”; thậm chí sách “Hậu Hán thư” còn chép cụ thể là Mã Viện đã chặt đầu hai Bà, đem về bêu ở Lạc Dương thì dân gian và sử ca dân gian lại nói rõ và tin chắc rằng: “Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo/ Chị em thất thế phải liều với sông” (hai bà đã nhảy xuống sông tự trầm).
Hay như trường hợp thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, trong khi sử sách viết rõ rằng Đề Thám đã bị giặc Pháp tổ chức sát hại, chặt đầu đem bêu ở thành Bắc Ninh. Thì trên quê hương Yên Thế “đất cụ Đề” dân gian đều nói là không phải như vậy. Bọn Tây đã chặt đầu một kẻ tử tù có khuôn mặt hao hao giống cụ Đề đem bêu để dọa dân thôi. Còn cụ Đề thì đã ngược rừng, qua biên giới, sang miền khác, mai danh ẩn tích sống yên ổn cho đến khi mất vì tuổi tác…
Rõ ràng đây là những sự tích được tạo nên từ tấm lòng và cách nghĩ dân gian: Không muốn những người anh hùng của mình phải có một chung cuộc dữ độc thảm khốc. Họ phải được chết một cách “có hậu”, được “mát mẻ” ở cõi vĩnh hằng cùng quê hương, dân tộc.
Vì thế-trở lại trường hợp cụ Hoàng Văn Hoè-liệu có thể coi những sự tích đang được truyền tụng trong dân gian về chung cuộc của vị Tiến sĩ-nhà yêu nước nghĩa sĩ họ Hoàng ở quê hương Phù Lưu hồi thế kỷ 19 cũng là sản phẩm truyền thống của nền văn hóa dân gian nhân hậu của dân tộc ta? Và kể cả trong trường hợp mới đây có thông tin rằng, nhờ “ngoại cảm” mà đã tìm được mộ của cụ Hoàng Văn Hòe ở ngay… trên đồng đất quê hương Phù Lưu và cụ được đưa về an táng trong nghĩa trang của làng rồi, thì đây có thể cũng vẫn là như thế?
GS Lê Văn Lan