QĐND-Tại xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh có một địa danh đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, đó là Căn cứ cách mạng Rừng Rong. Tại đây, vào đêm 30 Tết Ất Dậu, nhằm ngày 1-2-1946, nhóm thanh niên yêu nước An Tịnh gồm 27 người, đã tổ chức cắt máu ăn thề, thành lập tổ chức cách mạng Hội thề Rừng Rong, tham gia kháng chiến chống Pháp. Một trong những thanh niên tham gia sáng lập Hội thề là Nguyễn Thới Bưng (Út Thới).
Khẩu súng Klip và trận chiến “Châu chấu đá xe”
Thật may mắn cho chúng tôi khi đang liên lạc để xin gặp Trung tướng Nguyễn Thới Bưng thì cũng là lúc nhà báo lão thành Đinh Phong và ê kíp làm phim đang thực hiện bộ phim tài liệu về vị tướng già miền Đông Nam Bộ. Ở tuổi 87, sức khỏe của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng không cho phép ông làm việc nhiều. Mà cuộc đời binh nghiệp của ông thì mỗi giai đoạn gắn với những sự kiện lịch sử của quân đội và đất nước đều ăm ắp những tư liệu sống. Nhà báo Đinh Phong là người gần gũi, thân thiết với Trung tướng Nguyễn Thới Bưng từ nhiều năm nay. Tôi gặp nhà báo Đinh Phong để xin ông tư vấn, viết về Trung tướng Nguyễn Thới Bưng thì nên chọn giai đoạn nào để có một “lát cắt” điển hình? Nhà báo Đinh Phong nói: “Đó là giai đoạn khởi đầu sự nghiệp. Những giai đoạn lịch sử sau này có thể còn nhiều nhân chứng, nhiều tư liệu, nhưng thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và Nam Bộ kháng chiến thì những chứng nhân lịch sử như Trung tướng Nguyễn Thới Bưng hiện còn rất ít. Những người làm báo, viết văn như chúng ta cần phải biết chạy đua với thời gian”.
Nhà báo Đinh Phong đã rất tận tình dẫn tôi đến gặp Trung tướng Nguyễn Thới Bưng và hỗ trợ, cung cấp cho tôi nhiều thông tin, tư liệu quý về vị tướng già trưởng thành từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tác phẩm điện ảnh về Trung tướng Nguyễn Thới Bưng của nhà báo Đinh Phong đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành. Trong đó, ông dành thời lượng đáng kể tái hiện, khắc họa chân dung vị tướng của quê hương Tây Ninh trong thời kỳ đầu được giác ngộ cách mạng. Câu chuyện được lấy cảm hứng từ cụm công trình tưởng niệm ở Di tích Rừng Rong, nổi bật là tượng đài thể hiện hình tượng những thanh niên trai tráng, vạm vỡ, giơ cao cánh tay xin thề “Chết tự do hơn sống nô lệ” mà Nguyễn Thới Bưng là một nguyên mẫu nhân vật gắn với khu rừng huyền thoại này.
 |
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng kể chuyện với các nhà báo về ký ức Rừng Rong.
|
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng Trung tướng Nguyễn Thới Bưng vẫn còn khá minh mẫn. Ông sinh năm 1925 nhưng trong hồ sơ thì khai sinh năm 1927. Ông kể: “Hồi đó tui đã quá tuổi đi học nên muốn đến trường thì phải khai “ăn gian” 2 tuổi. Hồi đó được đi học là một vinh dự lớn lắm”.
Nhưng rồi được một thời gian, người thanh niên Út Thới đã từ bỏ con đường học hành để đi theo cách mạng. Sự kiện đầu tiên ghi dấu tinh thần giác ngộ cách mạng của Út Thới là vào ngày 25-8-1945, anh hăng hái tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện Trảng Bàng. Tham gia vào lực lượng Thanh niên tiền phong An Tịnh từ tháng 7-1945 nhưng Trung tướng Nguyễn Thới Bưng lại lấy ngày 23-9-1945 làm ngày nhập ngũ. Chuyện này được ông giải thích: “Lớp bạn bè của tui ngày đó đều lấy ngày 23-9-1945 làm ngày nhập ngũ để kỷ niệm dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mình”. Đó cũng là ngày tổ chức Giải phóng quân liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hòa tổ chức lực lượng tham gia Nam Bộ kháng chiến, quyết tâm chặn bước tiến của quân Pháp đánh vào tỉnh lỵ Tây Ninh. Út Thới tham gia vào Chi đội 12 thuộc tổ chức liên quận, do đồng chí Tô Ký làm Chi đội trưởng. Ngày 23-9-1945, khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, lực lượng Giải phóng quân liên quận ở Tây Ninh tổ chức triển khai đội hình, xây dựng các tuyến phòng thủ sẵn sàng chiến đấu. Trước đó, để chuẩn bị cho cuộc tấn công, quân đội Pháp yêu cầu lực lượng của Nhật ở Tây Ninh phá hoại các căn cứ, trận địa phòng tuyến của ta nhưng trước sự kháng cự quyết liệt của ta và ở cái thế rệu rã, bạc nhược của kẻ thất trận, giặc Nhật không làm gì được. Hưởng ứng lời kêu gọi đánh Pháp của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, ngày 25-9-1945, Út Thới cùng lực lượng thanh niên Trảng Bàng gồm hơn 100 người lập phòng tuyến mặt trận Suối Sâu - chiến lũy địa đầu của tỉnh Tây Ninh, chặn đánh địch. Họ đào công sự, lập phòng tuyến phòng thủ linh hoạt và phục kích địch ở những nơi bất ngờ. Toàn đội chỉ có một khẩu súng Klip 12, còn lại là lựu đạn và những vũ khí thô sơ. Út Thới được cấp trên tin tưởng, tín nhiệm giao cho trọng trách sử dụng khẩu súng này. Ngày 8-11-1945, địch huy động đội hình hành quân lên đến hàng trăm xe quân sự, trong đó có nhiều xe tăng, bọc thép rầm rộ tiến quân theo Quốc lộ 1 (nay là Quốc lộ 22) từ Sài Gòn tiến lên Tây Ninh.
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng nhớ lại thời khắc oanh liệt đó: “Nhìn thấy đoàn xe địch như những con trâu mộng ầm ầm tiến vào, từ phòng tuyến hai bên vệ đường, chúng tôi đồng loạt tung bộc phá, ném lựu đạn. Tôi nâng khẩu súng Klip nhắm thẳng vào những chiếc xe đi đầu nhả đạn. Địch trên xe bắn ra như vãi trấu. Trận chiến chẳng khác gì “châu chấu đá xe” nên chúng tôi không thể ngăn được bước tiến quân địch. Giặc Pháp sau đó đã chiếm được tỉnh lỵ Tây Ninh.
Vang danh Hội thề Rừng Rong
Sau khi chiếm đóng Tây Ninh, thực dân Pháp dựng lại bộ máy tay sai từ các chủ đồn điền phản động. Chúng tăng cường đàn áp, đốt nhà, bắn giết những người dân vô tội. Trước tình thế quân thù quá mạnh, Út Thới và đồng đội phải rút về rừng Rong xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng. Toàn đội có 27 đồng chí, chia thành 4 nhóm. Út Thới làm trưởng của một nhóm. Anh em họp bàn bạc phương hướng tổ chức, đặt ra chương trình hành động cụ thể để phát triển lực lượng, tiến hành hoạt động chính trị kết hợp vũ trang, kháng chiến lâu dài. Trung tướng Nguyễn Thới Bưng hồi tưởng: “Phương châm hoạt động của đội vũ trang là dựa vào dân, tiến hành nhiều hình thức hoạt động uy hiếp tinh thần địch và tạo niềm tin cho nhân dân như trừ gian, giải tán Hội tề tay sai bù nhìn, tuyên truyền vận động cách mạng trên địa bàn 7 xã của huyện Trảng Bàng. Được sự đùm bọc của nhân dân, chúng tôi đã tổ chức thành công nhiều cuộc cướp súng địch để trang bị cho ta. Sau một thời gian chuẩn bị, chúng tôi đã có trong tay 17 khẩu súng, trong đó có 2 khẩu tiểu liên và nhiều lựu đạn. Đêm Giao thừa Tết Bính Tuất, trước sự chứng kiến của đông đảo bà con nhân dân An Tịnh, 27 chiến sĩ Rừng Rong tuyên bố thành lập tổ chức vũ trang lấy tên là “Hội thề Rừng Rong”. Đứng dưới cờ đỏ sao vàng, anh em cắt máu ăn thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, đọc lời tuyên thệ gồm 5 lời thề do anh em tự viết:
1: Độc lập hay là chết. 2: Chết tự do hơn sống nô lệ: 3: Dù đầu râu tóc bạc vẫn còn chiến đấu. 4: Dù phải hy sinh đời cha thì con cháu tiếp tục chiến đấu. 5: Ai phản bội đầu hàng phải bị xử tử.
Gần 3 tháng sau, trước yêu cầu nhiệm vụ phải mở rộng địa bàn, tăng cường các hình thức hoạt động vũ trang, Hội thề chỉ để lại 8 đồng chí bám căn cứ Rừng Rong xây dựng cơ sở cách mạng, làm nòng cốt cho phong trào du kích địa phương. Út Thới và 18 đồng chí còn lại, do đồng chí Trần Văn Chói làm đội trưởng, gia nhập vào Chi đội 12 tham gia chiến đấu trên địa bàn Hóc Môn – Trảng Bàng. Cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra hết sức cam go. Khốc liệt nhất là những trận anh em tổ chức phục kích chống càn, chống quét của quân Lê Dương. Giữ trọn lời thề sắt son với Tổ quốc, anh em của Hội thề đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trung tướng Nguyễn Thới Bưng kể: “Bây giờ, dù đã vào tuổi gần đất xa trời nhưng nghĩ đến anh em đồng đội ngày đó, tui vẫn không cầm lòng được. Chỉ trong 2 năm (1946 – 1947), trong số 19 anh em Hội thề gia nhập Chi đội 12, đã có đến 12 đồng chí hy sinh trong các trận đánh trên quê hương Trảng Bàng”.
Vĩ Thanh
Cùng với hành trình gian nan, trường kỳ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những chiến sĩ trong Hội thề Rừng Rong về sau đã phát triển giữ những cương vị trọng trách trong các tổ chức chính quyền, cơ quan, đơn vị. Người chiến sĩ Nguyễn Thới Bưng ngày ấy sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Vị tướng già tâm sự với chúng tôi, giọng bùi ngùi: “Hội thề Rừng Rong ngày ấy, bây giờ chỉ còn lại 4 người, hiện đều sinh sống ở tỉnh Tây Ninh. Đó là anh Lâm Quang Vinh, anh Tô Văn Ri, chị Trần Thị Đường và tui. Cứ vào dịp đầu Xuân hằng năm, anh chị em tụi tui lại tụ hội về chiến trường xưa, dâng hương tri ân đồng đội. Mấy năm trước còn đi được đông đủ nhưng dịp Tết vừa rồi, chỉ có 3 anh em tui, còn chị Đường không đi được vì sức khỏe yếu. Chẳng ai chống được quy luật nghiệt ngã của thời gian. Điều khiến tụi tui thấy ấm lòng là thế hệ trẻ hôm nay ngày càng có nhiều người quan tâm, tìm hiểu, đề cao giá trị của lịch sử, truyền thống. Mỗi lần gặp đồng đội cũ, thăm chiến trường xưa hay có những cuộc tiếp xúc như thế này, tui lại thấy cái thời trai trẻ ấy vẫn đang ở trong tim mình”.
Bia đá, tượng đài đã được xây dựng, uy nghi, hùng tráng giữa đất trời An Tịnh. Di tích lịch sử cấp quốc gia này đã trở thành một địa chỉ về nguồn, hằng năm thu hút hàng vạn lượt du khách đến tham quan, tưởng niệm. Trên văn bia vinh danh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất An Tịnh, có đến 54 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 7 Anh hùng LLVT nhân dân, hơn 1000 liệt sĩ. Tất cả đều là những người chiến sĩ kiên trung đã ngã xuống trên mảnh đất An Tịnh đầy máu và hoa.
Bài và ảnh: Hạnh Dương