QĐND - Hơn 20 năm nay, thầy Thích Việt Hòa, trụ trì chùa Thịnh Đại thuộc xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là chỗ dựa tinh thần, kết nối tình yêu thương cho gần 30 đứa trẻ bị gia đình bỏ rơi, gặp hoàn cảnh khó khăn… Các em dần trưởng thành, yêu thương nhau, đùm bọc nhau như con một nhà…

Nơi cứu rỗi những mảnh đời bất hạnh

Năm 1989, 19 tuổi, thầy Thích Việt Hòa về chùa Thịnh Đại giúp việc cho sư cụ. Ấy cũng là lúc cái duyên với trẻ bất hạnh chạm tam quan. Thầy Thích Việt Hòa nhớ lại: “Có một cậu bé chừng 4-5 tuổi đến chùa cứ nhìn mình cười. Thấy có duyên nên hỏi, có muốn ở lại chùa không? Cậu bé đồng ý ngay”.

Cậu bé ấy nhà ở trong làng, gia cảnh cực kỳ khó khăn. Và thế là, cậu trở thành “đứa con đầu lòng” của thầy Hòa.

Khi mới nhận nuôi trẻ em, thầy Hòa bị dị nghị nhiều. Người ta bảo, thầy mang con của mình về nuôi. Thời gian đầu, vừa vất vả nuôi trẻ, lại chịu điều tiếng thiên hạ, nên có lúc thầy Thích Việt Hòa cũng thấy nản. Nhưng rồi nghĩ lại, đem lại niềm vui cho bọn trẻ bất hạnh, cũng chính là đem lại niềm vui cho mình, thầy Hòa lại cố gắng.

Thầy Thích Việt Hòa luôn tận tình chăm sóc các bé ở chùa Thịnh Đại.

Dần dà, chùa đông trẻ con về ở, tai tiếng ấy cũng bay đi theo thời gian. Hoàn cảnh những đứa trẻ được thầy Hòa đưa về nuôi mỗi đứa mỗi khác. Đứa thì được nhặt ở Bệnh viện Hà Nam, đứa thì bị bỏ rơi ở cổng chùa… Tất cả các em quy tụ về chùa Thịnh Đại với bao tình thương yêu của các già và đặc biệt là sư thầy Thích Việt Hòa.

Khi nhắc đến những hoàn cảnh các cháu được đưa về chùa, cảm xúc khiến thầy Hòa chùng xuống, mắt đượm buồn. Hoàn cảnh thương tâm nhất là thằng cu Việt Hải. Khi mới 2 tuổi, cháu bị bán cho một gia đình làm con nuôi với giá 40 triệu đồng. Được ít lâu, đầu Hải bị trốc, lở loét, trông rất sợ. Gia đình bố mẹ nuôi đem Hải đi khám và nghi là nhiễm HIV. Thế là, Hải bị bỏ rơi…. Cảm thông với số phận của đứa trẻ, thầy Hòa đã mang Việt Hải về nuôi, chữa chạy khắp nơi. Có bệnh thì “vái tứ phương”, nhưng bệnh tình của Việt Hải vẫn không hề thuyên giảm. Bằng tình thương và lòng kiên trì, hằng ngày thầy Hòa chữa cho Việt Hải theo bài thuốc dân gian, lấy lá vối giã với muối đắp vào đầu. Trời Phật thương tình, bé Việt Hải dần khỏi bệnh, lớn khôn và rất đẹp trai.

Ngày 17-7, năm Canh Dần (2010), một đứa trẻ mới sinh bị người ta cho vào thùng mì ăn liền vứt trước cửa một gia đình tại huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam). Bà chủ nhà đi tập thể dục sớm, nhìn thấy, chửi văng đứa nào ăn mì tôm lại vứt vỏ hộp trước nhà mình. Bực mình, bà đá văng cái hộp đi mấy mét. Chợt thấy tiếng í éo, bà lại tưởng tiếng chó mèo, mở ra thấy đứa trẻ. Bà mang ra trạm xá xã cân được 9 lạng. Đem về nhà một ngày, bé không ăn không uống. Sợ quá, bà đem lên Bệnh viện Hà Nam. Bao nhiêu người đến xin, nhưng khi nhìn thấy cháu quá bé, họ sợ không nuôi nổi, đều rút lui. Bệnh viện không còn cách nào khác đành gọi cho thầy Hòa. Thầy lên, thấy bé nhỏ quá, cũng sợ không nuôi được. Bác sĩ Lê Văn Đoán bảo: “Niu-tơn khi sinh chỉ có 8 lạng, lớn lên trở thành nhà bác học”.

Quay về, ra đến cổng, thầy Hòa nghĩ lại: “Chúng sinh đau khổ làm sao có thể làm ngơ”. Rồi thầy quay lại, nhận đứa bé, gửi bệnh viện nuôi nó trong lồng kính 1 tuần rồi mang về nuôi. Thầy đặt tên tục cho đứa bé là “Chín lạng”. Giờ Chín lạng đã gần 2 tuổi, rắn rỏi, bi bô suốt ngày.

Sau buổi học ở trường, Việt Hải về chùa giúp đỡ thầy và các già.

Bà Lê Thị Hòa, ở xóm 8, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng (Hà Nam), hằng ngày vẫn đến chùa để giúp thầy Hòa trông trẻ và làm những việc vặt trong chùa, tâm sự: “Tấm lòng, tình thương yêu của thầy đối với bọn trẻ không khác gì một người cha, người mẹ trong gia đình. Thầy đã dạy dỗ, chăm sóc, bảo ban các cháu nên người, khiến chúng tôi rất nể phục”.

Thầy Hòa luôn dạy các con phải tự lực, thương yêu nhau. Thầy bảo, đó chính là hai yếu tố quan trọng hình thành tích cách của một con người.

Tôi đã được chứng kiến tận mắt, một em bé hơn một tuổi bị ngã, một già vội chạy ra đỡ dậy. Thầy nói, đừng đỡ, cứ để con tự đứng lên… Con ngã, thầy Hòa xót lắm, xót từ trong ruột xót ra. Thế nhưng, phải để các con tự đứng dậy, để sau này, chúng rắn rỏi trụ vững trước những sóng gió của cuộc đời.

Ước mơ của Chi

Trước khi đến chùa Thịnh Đại, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về các em bé được sư thầy Thích Việt Hòa nuôi, dạy. Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất đối với tôi là câu chuyện về một bé gái 2 tuổi.

Hôm ấy, sư thầy trụ trì một chùa ở Hà Nội về xin thầy Hòa một đứa trẻ về nuôi. Thật kỳ lạ, dường như linh cảm của bé gái 2 tuổi kia biết được việc ấy. Vì thế, khác hẳn mọi hôm, dù trời đã đứng bóng, bé vẫn “cố thủ” trong giường, nhất định không ra cho mọi người xem mặt. Không những thế, khi sư thầy ở Hà Nội vào, bé còn úp mặt xuống chiếu, nằm im như ngủ say. Thầy Hòa bảo, bé sợ bị xin, sợ phải xa gia đình.

Cũng hôm ấy, sư thầy ở Hà Nội “nhắm” được một bé gái 9 tháng tuổi. Thông cảm với người cùng giới tu hành, lại muốn “con mình” có điều kiện tốt hơn khi về đất Thủ đô, thầy Hòa đành đồng ý. Thế nhưng, thầy ra “điều kiện”, phải chờ đến cuối tuần, khi những anh chị của cháu bé có mặt đông đủ, để xin “ý kiến”.

Kết quả của cuộc xin “ý kiến” ấy là, các anh trai ngồi im không nói nên lời, các chị gái khóc ròng ròng, nhất định cơm cháo nuôi em chứ không thể chia lìa đại gia đình của chúng.

Kể xong câu chuyện ấy, khuôn mặt thầy Hòa rạng rỡ. Làm sao mà không vui được, những thành quả mà thầy gieo mầm đã đơm hoa kết trái ngọt. Những đứa con của thầy thực sự đã biết thương yêu nhau, đùm bọc nhau, coi nhau như máu mủ ruột rà là thầy thấy mãn nguyện lắm rồi.

Em Vũ Mạnh Linh, hiện đang công tác tại Công an huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam chia sẻ: “Em sinh ra trong một gia đình khó khăn. Đầu năm học lớp 9, bố mẹ em đột ngột qua đời. Trong một lần theo cô lên chùa, thầy gặp và biết hoàn cảnh của em. Thầy bảo, em lên chùa ở, thầy sẽ nuôi em ăn học. Thầy bảo em cứ về nhà và suy nghĩ, nếu có duyên thì lên với thầy”.

Hai tuần sau, Linh lên chùa, em trở thành con của thầy Hòa. Từ đó, thầy nuôi em ăn học. Linh cho biết: “Thầy đã nuôi rất nhiều em nhỏ. Thầy dạy bảo chúng em rất nhiều, nhưng có một điều làm em nhớ mãi và coi như kim chỉ nam cuộc đời của mình. Thầy dạy, không cần các con làm ông nọ, bà kia, mà chỉ cần làm nghề gì đó giúp ích cho đời, giúp người nghèo khó. Hiện tại, một số người đã đi làm và thầy muốn anh, chị em thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc nhau”.

Các già ở chùa giúp thầy Hòa chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các bé.

Người thứ hai chúng tôi được biết đến, đó là cô bé Dương Thị Chi, hiện là sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Do hoàn cảnh khó khăn, từ khi còn học lớp 5, Chi được thầy Hòa nhận về nuôi, cho ăn học và dạy dỗ nên người. Chi tâm sự: “Đối với em, ngôi chùa chính là gia đình thứ hai của mình. Nhất là những gì thầy đã dành cho em và tất cả anh chị em trong chùa. Chúng em vô cùng biết ơn tấm lòng đó của thầy. Chúng em sẽ không bao giờ quên. Dù mai sau, có đến hết cuộc đời này, em cũng không bao giờ trả hết được ơn thầy. Ước mơ được bước chân vào cánh cổng trường đại học của em đã thành hiện thực và thầy là người có công lớn nhất. Mỗi lúc học hành vất vả, rồi những lúc gặp nỗi buồn trong cuộc sống, cứ nghĩ đến thầy là em lại cố gắng học tập thật tốt và nhất là sống trở thành người có ích cho xã hội để không phụ công chăm sóc, nuôi dưỡng của thầy”.

Ngừng một lát, Chi nói tiếp: “Cũng như các anh, các chị và các em trong chùa, em mong thầy luôn mạnh khỏe, để chăm sóc cho những em bé có hoàn cảnh khó khăn như chúng em. Chi rất tiếc là hiện tại, em đang đi học nên không giúp được nhiều về mặt vật chất cho các em ở chùa. Bởi vậy, em chỉ có thể tranh thủ những ngày được nghỉ về chăm sóc các em, tắm giặt, dạy các em học bài. Ước mơ lớn nhất của em là học xong, có công việc ổn định, lúc đó, em sẽ có nhiều điều kiện hơn để lo cho các em của mình, để sau này chúng lớn lên sẽ không phải mặc cảm về thân phận của mình mà tự hào vì có rất nhiều người quan tâm và yêu thương chúng”.

Bài và ảnh: Hồng Anh