QĐND Online – Nằm cách Hà Nội khoảng 30 km, làng thêu truyền thống Quất Động ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội không còn là cái tên xa lạ với những người yêu tranh thêu. Người ta đã từng nói, nghề thêu thì có ở nhiều nơi, nhưng để đạt đến trình độ tinh xảo và điêu luyện thì không đâu sánh được với người dân Quất Động. Chính ngôi làng nhỏ bé ấy đã sản sinh biết bao tài năng thêu tranh, và chị Hoàng Thị Khương là một trong những nghệ nhân tài hoa ấy.

Đến thăm chị Hoàng Thị Khương, chủ cơ sở tranh thêu nổi tiếng vào một ngày se lạnh đầu đông, chúng tôi gặp người phụ nữ trạc tuổi 40 đang miệt mài với những đường kim mũi chỉ. Nhà chị không được trang trí bởi những bộ bàn ghế sang trọng hay những chiếc tủ kính lấp lánh mà bởi thứ nhiều nhất và giá trị nhất - những bức tranh thêu đủ loại đẹp đến mê hồn. Trên sàn nhà là chiếc phản đơn sơ đặt những khung thêu tranh còn đang dang dở…

Vươn lên số phận bất hạnh

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nghề thêu truyền thống, làng thêu truyền thống Quất Động ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội (Hà Tây cũ), gia đình chị cũng là một trong những gia đình gắn bó lâu năm với nghề thêu. Chính vì thế, mẹ của chị cũng là một trong những nghệ nhân có tiếng trong làng.

Không may mắn như những đứa trẻ khác, khi mới tròn 3 tháng tuổi chị Khương đã bị một cơn sốt cao hành hạ. Được sự chăm sóc chu đáo của gia đình chị dần hết sốt. Tuy nhiên, niềm vui ấy không được bao lâu khi người mẹ phát hiện đôi chân của đứa con gái nhỏ có những dấu hiệu bất thường, không cử động được. Gia đình chị bắt đầu hành trình gian nan chạy chữa cho con. Bà Bùi Thị Khánh, mẹ chị Khương đã tìm đến những người thầy châm cứu giỏi để chữa trị. Nhưng dường như hạnh phúc đã không mỉm cười, đôi chân của chị sau nhiều lần châm cứu không thành đã bị tật vĩnh viễn.

 Mang trên mình đôi chân tật nguyền, ngày ngày, chị thêu dệt ước mơ con trẻ bên những khung thêu của mẹ. Năm 8 tuổi, chị đã biết thêu những đường thêu cơ bản và cùng theo mẹ thực hiện các mẫu thêu đơn giản để có thêm một phần thu nhập cho gia đình. Không khuất phục trước số phận, chị luôn cố gắng vươn lên, vừa học hỏi từ mẹ, vừa tự mày mò những cách thêu mới để có những bức tranh xuất sắc của riêng mình. Chính tình yêu với nghề đã giúp chị vượt qua nhiều khó khăn, mặc cảm của bản thân để tiếp tục với niềm đam mê của mình.

Chị Khương bên khung thêu

Cứ thế, hơn 30 năm đã qua đi, với sự bền bỉ, kiên trì cùng tài năng và nghị lực, năm 2005, chị Khương đã chính thức đăng ký thương hiệu thêu ren tranh ảnh mỹ nghệ cao cấp mang tên mình. Chị đã được cử đi tham gia nhiều cuộc thi và chương trình giành cho người khuyết tật. Gần đây nhất là cuộc thi Inter Abilympics 2011 được tổ chức tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Chịu  nghèo để nuôi dưỡng ước mơ

Bước vào ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ, nhưng có những bức tranh độc đáo treo kín tường, chúng tôi tự hỏi tại sao chị không sống trong một ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ hơn khi chị đang sở hữu một kho báu vô giá như thế này?

Như thấy được những băn khoăn trong mắt chúng tôi, chị cười và nói: “Đã có nhiều vị khách đến trả giá cao cho những bức tranh này nhưng tôi không bán. Tôi chỉ muốn giữ lại những bức tranh này như một món quà dành cho thế hệ sau, để không chỉ người dân Việt Nam mà bạn bè trên khắp thế giới biết về tranh thêu”. Năm 2005, đã có một khách hàng người Pháp trả bức tranh làng quê của chị với giá 5.000 đô la (khoảng 70 triệu đồng) nhưng chị không bán. Những bức tranh còn lại cũng có giá trị không kém, bức nhỏ nhất cũng phải đến tiền triệu.

Những sản phẩm thêu đầu tay của chị Khương là gối, khăn trải giường cho HTX để xuất sang Đông Âu, áo Kimono xuất sang Nhật Bản. Kế thừa “gen” khéo léo của mẹ, cộng với sự thông minh, tỉ mỉ, nắn nót trong từng đường kim, mũi chỉ, sản phẩm thêu của chị bao giờ cũng được khách hàng đánh giá rất cao.  

Bước ngoặt trong cuộc đời chị là bức tranh “Đức mẹ đồng trinh” do một người Pháp đặt. Khi nhận bức tranh thêu từ tay người thợ tài hoa, ông khách nước ngoài bất ngờ đến sửng sốt với một bức tranh sống động, mềm mại, tự nhiên đến từng chi tiết. Kể từ đó, người yêu tranh thêu trong nước và nước ngoài đã dần biết đến cái tên Hoàng Thị Khương, một nghệ nhân thêu tay giàu nghị lực và tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu nghề.

Khách trong và ngoài nước đến với xưởng thêu của chị bởi nhận thấy cái tâm của chị và cái “hồn” trong tranh thêu của chị. Trong từng bức tranh của chị, người xem có thể nhìn thấy được sự chuyển động của cuộc sống, nhìn thấy được sự yêu đời và sức sống đang căng tràn.

Ngày ngày sống trong ngôi nhà cũ kĩ cùng những bức tranh thêu tiền triệu, nhiều người cho rằng chị gàn, dở, mà ít ai có thể biết rằng chị đang nuôi ước mơ về một phòng tranh riêng cho mình. “Tôi chỉ có ước mơ sẽ mở cho riêng mình một phòng trưng bày, trước hết để giới thiệu những bức tranh của mình, sau đó là để quảng bá nghề thêu Quất Động tới người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Tiền là phương tiện sống nhưng tôi chấp nhận sống nghèo để biến ước mơ của mình thành hiện thực”, chị trải lòng.

Cái “tâm” với nghề và nỗi niềm trăn trở

Người đam mê nghề thêu đến với chị ngày càng đông. Hiện tại, xưởng thêu của chị Khương luôn có từ 10-12 tay thêu chính. Thậm chí, một số em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở khắp nơi trên cả nước cũng tìm về đây để học nghề.

Năm 2004, chị nhận dạy cho 10 em ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, trong vòng 8 tháng. Đây là một lớp học nằm trong một dự án của người Pháp nhằm đào tạo giáo viên để mở làng thêu tại địa phương. Trong suốt 8 tháng đó, chị hết lòng chỉ bảo, chỉ mong học trò sẽ trở thành những người thợ, người thầy giỏi để truyền nghề thêu một cách rộng rãi. Với ánh mắt hạnh phúc, chị nói: “Các cháu giờ đã là những người thầy giỏi ở đất Hà Tĩnh. Thỉnh thoảng, chúng vẫn gọi điện cho tôi để tâm sự và hỏi “thầy” những cách thêu mới để làm phong phú thêm cho bài giảng của mình”.  

Chị Khương tâm sự: “Giúp đỡ được mọi người cũng là niềm vui cho chính mình, họ cũng là những người làm công ăn lương, có công việc thì kêu gọi chị em làm cùng. Còn các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mình cố gắng hết sức giúp đỡ để các em có điều kiện vượt qua số phận bất hạnh. Tôi không tiếc thời gian dạy dỗ những ai muốn học nghề thêu, chỉ cần họ muốn học, ham học và hơn hết có cái tâm với những gì mình đang làm.”

Đối với chị, để kéo người yêu tranh đến với mình, trước hết mình phải làm cho người ta nhớ tới mình, bức tranh của mình phải tinh tế và phải “chuẩn”. Chị tâm sự rằng, có những bức tranh khi thêu gần xong nhưng thấy vẫn chưa ưng ý, lại phải tháo ra làm lại từ đầu, dù thời gian cho mỗi bức thêu không phải là ngắn. Có những bức phải đến hàng mấy năm mới hoàn thành.

Để có một bức tranh thêu đẹp, theo chị Khương, cần hội tụ đủ 3 yếu tố, đó là tạo hình phải ấn tượng, đường kim mũi chỉ phải mịn màng, và đặc biệt, người thêu phải biết tạo “hồn” cho bức tranh thông qua các đường nét và sự sáng tạo độc đáo. Mà muốn có được điều này, người thợ phải thật kiên trì và có tình yêu lớn đối với nghề.

Giờ đây khi sức khỏe không còn được như xưa, mắt không còn tinh nữa, chị vẫn muốn được thêu, được ghi lại sự chuyển động của cuộc sống, được lưu giữ những nụ cười của con người trong những bức tranh thêu đặc sắc.

Chị còn mong muốn sẽ có nhiều người yêu nghề thêu tìm đến với chị, không chỉ để ngắm tranh của chị mà đến để học nghề từ chị và từ những người thợ thêu ở Quất Động, góp phần tạo thêm uy tín cho thương hiệu, xây dựng và bảo tồn làng nghề.

Tạm biệt sự bình yên ở Quất Động khi bóng xế chiều, chúng tôi trở về với sự hối hả, ồn ào của phố xá giờ tan tầm mà lòng không khỏi suy nghĩ về những gì mình vừa được nghe, được thấy và chạm tới. Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay cần biết bao những người tâm huyết với nghề truyền thống như chị Hoàng Thị Khương, cần có thêm những ước mơ giản dị như của chị và cần nhiều hơn nữa một tấm gương như chị để thế hệ trẻ ngày hôm nay học tập.

Bài, ảnh: Trần Hoài – Nguyễn Thảo