QĐND - Cứ vào ngày 17 âm lịch hằng tháng, căn gác cũ kỹ của ông Nguyễn Văn Cẩm lại đông vui khác thường. Khách đến đi tay không nhưng khi về lại khệ nệ ôm những bao gạo nặng. Đã nhiều năm liền, ông Cẩm tích góp từng đồng để giúp đỡ người nghèo trong khi bản thân ông vẫn nằm trên manh chiếu cũ. Nhiều người không hiểu vì sao ông sống nghèo khó mà vẫn hết lòng giúp đỡ người nghèo và càng không biết năm xưa ông từng là một chiến sĩ biệt động Sài Gòn xuất sắc…
Một mình "đẩy lui" trận càn
Sở hữu căn nhà mặt tiền 3 tầng trên con phố đông đúc Lê Văn Sĩ, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, không ai nghĩ ông Cẩm lại có cuộc sống giản dị đến vậy. Ông cùng cậu con trai duy nhất sống ở tầng 2 với 3 phòng được ngăn bằng những tấm gỗ ép phủ bụi lâu ngày. Ngoài mấy chiếc ghế sa lông sờn rách đặt quanh một cái bàn nhỏ và chiếc ti vi cũ kỹ, căn phòng của ông không có bất kỳ một đồ vật xa xỉ nào. Với ông, thứ quý giá nhất là những tấm hình chụp người thân trong gia đình và vô số bằng khen “người tốt, việc tốt”, Huân chương kháng chiến được treo cẩn thận trên tường. Ông Cẩm cho người khác thuê tầng 1 làm cửa hàng cầm đồ và xưởng sản xuất sa lông nệm. Còn tầng 3, ông thường cho các sinh viên nghèo ở miễn phí hoặc cho ở với giá rất rẻ.
Anh Đài, quê Quảng Ngãi, thuê một nửa tầng 1 làm xưởng sản xuất sa lông nệm đã được hơn 10 năm. Nói là thuê chứ thực chất là được ông Cẩm cho mượn, bởi anh không phải trả tiền thuê theo tháng. Tháng nào làm ăn tốt, trả ông bao nhiêu là tùy anh. Tháng nào ít khách, anh đưa tiền, ông Cẩm không nhận. Có lẽ, nhờ vậy mà từ bàn tay trắng khi mới bước chân vào TP Hồ Chí Minh, giờ đây anh đã mua được nhà và có một gia đình hạnh phúc. Sống gần “ân nhân” từng đó năm nhưng anh cũng chỉ biết ông Cẩm từng tham gia cách mạng, sau đó làm ở một nhà máy dệt và chạy xe ôm khi đã nghỉ hưu. Anh Đài và nhiều người hàng xóm không hề biết, ông Cẩm từng là một chiến sĩ biệt động gan dạ, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Hồi đó, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Cẩm tham gia Đội biệt động 67 thuộc Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với bí danh Sáu E. Trong suốt 4 năm (1960-1964), Sáu E hoạt động bí mật trong sân bay Tân Sơn Nhất dưới vỏ bọc là thợ hàn, thợ điện và thợ sửa ống nước. Không những thường xuyên báo cáo chính xác tình hình địch cho cấp trên, ông còn tham gia trực tiếp đánh nhiều trận tại sân bay, gây thương vong lớn cho địch. Trong đó, trận đánh vào Câu lạc bộ sĩ quan không quân Mỹ năm 1964 là chiến công xuất sắc nhất. Đầu tháng 8 năm đó, không quân Mỹ kết hợp với xe tăng, thiết giáp và bộ binh, mở trận càn lớn hòng san bằng căn cứ cách mạng Bời Lời (Trảng Bàng, Tây Ninh). Lực lượng biệt động Sài Gòn được lệnh phải tìm mọi cách ngăn chặn trận càn này. Đại tá Trần Minh Sơn, khi đó là Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng phân khu 6 (Sài Gòn - Chợ Lớn), xác định, muốn chặn nhanh trận càn chỉ có một cách là tiêu diệt nhóm sĩ quan không quân Mỹ tham gia. Rà soát toàn bộ lực lượng đang hoạt động trong nội thành, ông quyết định chọn Sáu E đánh vào Câu lạc bộ sĩ quan không quân Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nhận mật lệnh, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Cẩm biết rằng, có thể phải hy sinh tính mạng nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
 |
Ông Nguyễn Văn Cẩm và cậu con trai duy nhất. |
Là người làm việc trong sân bay, Sáu E phát hiện, bọn sĩ quan không quân Mỹ thường xuyên tổ chức ăn nhậu, vui chơi tại Câu lạc bộ vào mỗi buổi trưa sau khi bay thả bom về. Ông xác định, phải đánh thuốc nổ ngay chính giữa Câu lạc bộ mới có thể tiêu diệt được nhiều địch. Tuy nhiên, mang thuốc nổ vào trong Câu lạc bộ vô cùng khó khăn vì địch luôn kiểm tra kỹ lưỡng. Ông vắt óc suy nghĩ cách đánh hằng đêm nhưng vẫn chưa ra. Một chiều đi trinh sát, Sáu E phát hiện đường trèo lên trần nhà của Câu lạc bộ thông qua khu vệ sinh. Cách đánh vụt sáng trong đầu Sáu E. Ông sẽ leo lên la phong và đặt thuốc nổ ngay chính giữa trần nhà Câu lạc bộ. Sau khi báo cáo và được cấp trên đồng ý, trưa 24-8-1964, Sáu E trèo lên trần nhà Câu lạc bộ, mang theo một thùng có chứa 4kg thuốc nổ TNT và hơn 500 viên bi, mảnh sắt vụn. Trưa hè nắng, trần nhà nóng như lửa đốt, Sáu E cẩn thận ôm thùng thuốc nổ di chuyển đến vị trí thích hợp. 11 giờ, từng tốp phi công Mỹ tấp nập kéo vào Câu lạc bộ ăn uống, nhậu nhẹt. Chúng cởi trần trùng trục, cười nói hả hê. Thời cơ đã đến, ông đặt thùng thuốc nổ vào chính giữa trần nhà và bấm đồng hồ hẹn giờ nổ đúng 11 giờ 30 phút. Xong việc, Sáu E nhanh chóng xuống và ra khỏi sân bay an toàn. 15 phút sau, một tiếng nổ lớn rung trời phát ra từ phía sân bay, ông biết, trận đánh đã thành công. Vụ nổ tại Câu lạc bộ đã làm 88 sĩ quan không quân Mỹ chết và bị thương. Sợ quân ta tiếp tục tiến công vào sân bay và mất lực lượng chi viện trên chiến trường, ngay hôm sau, không quân Mỹ và 15 tiểu đoàn ngụy vội vàng thu quân.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng Sáu E bị địch bắt ngay sau đó do có kẻ chỉ điểm. Ông bị tra tấn dã man và bị chuyển hết nhà tù này tới nhà giam khác, cuối cùng chúng đưa ông ra Côn Đảo. Trong suốt 8 năm trong tù, nếm trải không biết bao nhiêu cực khổ, Sáu E không hề khai bất kỳ thông tin nào về tổ chức. Sau này khi gặp lại thủ trưởng - Đại tá Trần Minh Sơn, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ông Cẩm mới biết trận đánh vào Câu lạc bộ đã làm địch phải dừng ngay trận càn gồm 16 nghìn quân tham gia, góp phần đảm bảo an toàn cho nhân dân và đồng đội ở căn cứ cách mạng.
Còn sức là còn giúp đỡ người nghèo
Chiến tranh kết thúc, ông Cẩm xin làm bảo vệ tại nhà máy dệt Thắng Lợi và xây dựng gia đình khi tuổi đã ngoài 40. Con nhỏ, vợ đau ốm thường xuyên, đã có lúc ông phải chạy xe ôm để kiếm thêm tiền khi đã nghỉ hưu. Sau 10 năm chống chọi với căn bệnh nan y, người vợ thân yêu của ông qua đời khi đang ở tuổi trung niên. Cũng từ lúc đó, ông Cẩm chỉ nghĩ tới việc chăm sóc cậu con trai lớn khôn thành người và hết mình giúp đỡ người nghèo. Hơn 6 năm qua, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng mỗi tháng ông đều cố gắng dành dụm một khoản tiền để mua gạo tặng những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông không nhớ đã tặng gạo và tiền cho bao nhiêu người...
Dù là chủ ngôi nhà mặt tiền rộng nhưng mỗi tháng tổng thu nhập của ông Cẩm chỉ khoảng 9 triệu đồng, bao gồm 5 hoặc 6 triệu đồng từ tiền cho thuê nhà và gần 3 triệu tiền lương hưu. Người dân trên phố cho biết, nếu theo giá thuê của thị trường, tầng 1 nhà ông Cẩm có thể thu được ít nhất 20 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều người thắc mắc, sao ông không cho thuê với giá cao rồi lấy tiền tu sửa ngôi nhà, mua sắm đồ đạc hay đi du lịch đâu đó. Ông chỉ cười giải thích: “Những người thuê nhà đều là người quen biết đã lâu, tôi coi như người thân trong nhà, bây giờ thấy họ làm ăn khá thì mừng cho họ chứ quan trọng gì chuyện tiền nong”. Hiện tại, ông cũng đang cho hai bạn sinh viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh thuê tầng 3 chỉ với giá 500.000 đồng/tháng và còn tặng thêm 10kg gạo/tháng.
Mỗi tháng, ông Cẩm chi tiêu tiết kiệm cho cuộc sống gia đình và cố gắng để dành khoảng 2 triệu đồng để mua gạo hoặc tặng tiền giúp đỡ người nghèo. Đầu tháng, ông ra cửa hàng mua gạo và đóng thành nhiều bao nhỏ, mỗi bao 10kg, để sẵn trong nhà. Thông thường, vào ngày 17 âm lịch hằng tháng, mọi người lại đến nhà ông nhận gạo, nhiều lúc họ cũng xin thêm tiền để mua thức ăn. Trước kia, có những tháng ông tặng tới 200kg gạo giúp người nghèo. Hiện tại, ông đang tặng gạo cho khoảng 10 người. Nhiều người nhờ những bao gạo nghĩa tình của ông mà giờ đây thoát khỏi đói nghèo và có cuộc sống ổn định. Bản thân ông cũng thấy vui vì đã giúp họ vượt qua những thời khắc khó khăn.
Niềm vui của ông Cẩm còn đến từ cậu con trai đang học năm thứ ba ngành công nghệ thông tin - Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Dù thiếu tình yêu của mẹ từ khi còn nhỏ nhưng Nam - tên con ông, luôn là người con hiếu thảo, ham học và hiền lành. Ngày nào, Nam cũng đi chợ, nấu cơm, giúp cha làm những việc vặt trong nhà. Ngoài giờ học, Nam còn làm thêm tại một quán cà phê để đảm bảo chi tiêu cá nhân và giúp cha làm từ thiện. Ước mơ lớn nhất của cậu sinh viên trẻ là mong sao cha luôn khỏe mạnh, không bị đau ốm. Còn với ông, ông hy vọng cậu con trai ra trường sẽ có một công việc tốt, giúp ích cho xã hội. Những tháng ngày hoạt động gian khổ trong lòng địch và 8 năm trong tù khiến sức khỏe của ông giờ đây không được tốt. Mỗi khi trái gió trở trời, ông lại đau hết mình mẩy. Khi được hỏi sao ông không tiết kiệm tiền lo cho sức khỏe sau này, ông chỉ nói: “Mình từng có thời gian khó khăn nên hiểu người nghèo phải chịu nhiều cực khổ như thế nào. Tôi còn sức là còn giúp đỡ họ”.
Chiều chiều, mọi người lại thấy một ông già dáng người gầy gò với nét mặt hiền hậu ngồi uống nước và hút thuốc đầu hẻm 137 Lê Văn Sĩ. Với nhiều người qua đường, ông chỉ là một ông già đáng thương, nhưng với những ai biết ông, người lính biệt động Sáu E năm xưa là “ông bụt” giữa đời thường.
Bài và ảnh: DUY MINH