QĐND - Bà con khối phố luôn dành cho các thành viên trong gia đình ông Lê Đình Duật ở ngõ 328 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội sự trân trọng và cảm mến. Hơn 11 năm qua, ông đã vận động được 230 lượt người hiến máu nhân đạo, thu được 201 đơn vị máu tốt, riêng 4 thành viên của gia đình đã tham gia 67 đơn vị máu tốt.

Tấm lòng của người cựu chiến binh

Ngày nghỉ cuối tuần, tôi tìm đến gia đình ông Lê Đình Duật. Bước vào nhà, tôi bắt gặp ngay cảnh vợ chồng ông bà đang miệt mài bên những tài liệu hiến máu nhân đạo. Dừng tay, ông chào tôi bằng nụ cười phúc hậu. Ngôi nhà tập thể rộng gần 40m2 của gia đình tuy giản dị nhưng luôn tràn đầy tình yêu thương và lòng nhân ái. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy chữ “Tâm” của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trao tặng, được gia đình treo ở vị trí trang trọng nhất. Ông luôn dạy các con sống trên đời phải có cái tâm, bởi theo ông, "sống bằng chữ “tâm” là con đường ngắn nhất dẫn đến thành đạt và hạnh phúc”.

Vừa trò chuyện, ông Duật vừa lật giở cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ từng lần các thành viên tham gia hiến máu. Từ năm 2000 đến nay, ông đã vận động được 230 lượt người tham gia hiến máu nhân đạo, thu được 201 đơn vị máu tốt. Trong đó, 4 thành viên của gia đình ông đã hiến được 67 đơn vị máu tốt: Con gái lớn Lê Thanh Hà 11 lần, con gái thứ hai Lê Thanh Nam 27 lần, con trai út Lê Quyết Thắng 18 lần và điều đặc biệt là vợ ông bà Lê Thị Kim Dinh dù đã ngoài 60 tuổi cũng đã hiến máu 11 lần.

Ông Lê Đình Duật sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng ở xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 21-4-1963, ông là một trong những thanh niên xuất sắc của địa phương vinh dự và tự hào được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tròn 18 tuổi. Kết nạp Đảng lúc 8 giờ thì 14 giờ ông lên đường nhập ngũ. Hòa bình, ông được chuyển về công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân, đến năm 1990 thì nghỉ hưu. Hơn 20 năm qua, ông nhiệt tình tham gia các công tác xã hội ở địa phương.

Ông kể: “Năm 1966, khi đang chiến đấu tại chiến trường Quân khu 4, lúc chỉ huy một tiểu đội qua khu vực Phà Đại Lợi, tôi và đồng đội gặp một trạm cứu thương có rất nhiều thương binh bị mất máu nghiêm trọng. Bác sĩ kêu gọi bộ đội cho máu vì ở trạm không còn đủ máu cung cấp cho các thương binh. Không một chút đắn đo, suy nghĩ, tôi cùng tiểu đội cho máu để cứu sống những đồng đội của mình. Lúc ấy, tiểu đội tôi có 7 anh em thì chỉ 4 người đủ tiêu chuẩn để cho máu. Cho xong, chúng tôi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Năm 1967, tôi đau đớn khi nhận được tin dữ từ hậu phương: Bố vợ bị bom Mỹ giết hại thật đau lòng. Cụ bị một mảnh bom cắt ngang đùi. Vì mất máu quá nhiều, bệnh viện không đủ máu tiếp, nên cụ đã ra đi mãi mãi...”.

Là người lính từng xông pha trận mạc, từng chứng kiến nhiều đồng đội bị thương rồi hy sinh do thiếu máu truyền, ông luôn day dứt trước cái chết của người thân. Hơn ai hết, ông hiểu rõ máu quan trọng và cần cho cuộc sống biết nhường nào. Ông nói: “Có tiền trong tay không chắc đã cứu được người bệnh, nhưng chỉ cần một giọt máu cho đi thì có thể cứu sống được một người ở lại”.

Năm 1999, phong trào hiến máu nhân đạo được phát động rộng rãi trong xã hội và nhanh chóng lan tỏa về quận Thanh Xuân, nơi ông cư trú. Xác định bản thân là cựu chiến binh, là cán bộ đảng viên, ông đã tự nguyện đăng ký tham gia hiến máu ngay từ đầu. Nhưng thật buồn, bác sĩ đã từ chối, do ông bị huyết áp thấp.

Không hiến được máu, ông quyết định đi vận động mọi người và lấy gia đình mình làm gương. Giúp mọi người hiểu và làm theo, ông lấy việc thật, người thật của gia đình để chứng minh một điều: Hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe. Năm 2000, ông thuyết phục được con gái thứ hai là Lê Thanh Nam ghi tên vào danh sách hiến máu khi cô đang là sinh viên Trường Đại học Mở (Hà Nội). Lần lượt đến con gái lớn Lê Thanh Hà và con trai út Lê Quyết Thắng cũng tham gia hiến máu lúc 18 tuổi. Một điều đặc biệt là năm 2005 bà Lê Thị Kim Dinh - vợ ông cũng đồng lòng cùng gia đình tham gia hiến máu.

"Đám cưới hồng" của ông Lê Đình Duật và bà Lê Thị Kim Dinh.

Ông bắt đầu đến gõ cửa từng nhà trong phố để kêu gọi mọi người tham gia, dù biết đó là việc làm không đơn giản. Vì lúc ấy, phong trào hiến máu nhân đạo còn hạn chế, chỉ phổ biến tình trạng bán máu kiếm sống của nhiều người. Ông đã tự tìm hiểu các tài liệu liên quan để giải thích và tuyên truyền đến mọi người. Trên chặng đường ấy, ông đã gặp không ít khó khăn, thậm chí bị nhiều người mắng nhiếc thậm tệ. Có người "độp" thẳng vào mặt: “Ông muốn lấy thành tích, muốn nổi tiếng, muốn báo, đài nói về gia đình mình thì tự làm lấy, đừng có rủ rê, lôi kéo con cái chúng tôi vào cuộc. Chúng tôi không thừa máu như nhà ông”.

- Nếu gia đình mình không may có người bị bệnh cần đến máu thì lấy máu ở đâu? - tôi hỏi lại họ.

- Việc đó là của Nhà nước, của bệnh viện, không cần đến ông phải lo.

Song cũng có những người thông cảm, nhẹ nhàng nói với ông: “Tôi sẵn sàng bỏ từ 5 đến 10 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn để làm việc thiện nhưng hiến máu thì không. Bởi máu là xương thịt, là một phần cơ thể của mình cơ mà, sao lại cho đi được”.

Nhưng vì cái tâm, vì người bệnh, ông không từ bỏ. Hằng ngày, với chiếc xe đạp, ông đến các trường học, xóm trọ tiếp tục vận động mọi người hiến máu cứu người. Ông vận động con cháu mình đang học tập, công tác ở Hà Nội tham gia hiến máu. Sau những tháng ngày vất vả, mọi người cũng hiểu được tấm lòng của ông và công việc ý nghĩa này. Dần dần, nhiều người đồng ý tham gia, nhất là các bạn sinh viên. Nhưng có những lúc tưởng chừng như đã thành công thì đến ngày hiến máu, bố mẹ lại nhốt các em trong nhà, hết giờ mới được ra ngoài. Hoặc có nhiều trường hợp trùng vào lịch thi học kỳ, bị sốt, có công việc đột xuất... vì vậy số lượng máu thu được rất ít. Những lần như vậy, về nhà ông lại trăn trở, suy nghĩ tìm cách giải quyết. Ông quyết định phân từng nhóm nhỏ cho con cháu phụ trách, vận động thêm bạn bè, người thân tham gia hiến máu nhân đạo. Khi có thành viên đồng ý, ông tập hợp tại nhà mình rồi chủ động liên hệ với các trung tâm, bệnh viện để hiến máu. Chính điều đó đã giúp những người bệnh thêm nhiều đơn vị máu tốt. Trong số các bạn sinh viên được ông vận động hiến máu, có nhiều bạn đã tình nguyện hiến máu nhiều lần, như: Lê Quốc Huy (1987) sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: 11 lần; Hoàng Văn Quân (1990) sinh viên Trường Đại học FPT: 6 lần; Nguyễn Phương Thúy (1989) sinh viên Trường Đại học Công Đoàn: 5 lần...

Không chỉ bỏ công sức, thời gian vận động mọi người hiến máu, ông còn dùng đồng lương hưu ít ỏi của mình làm kinh phí đi lại, bồi dưỡng cho những người đi hiến máu và in những tấm ảnh hiến máu của từng người để lưu giữ và tặng làm kỷ niệm. Ông dành thời gian nghỉ của mình đến thăm hỏi các cháu sinh viên từng tham gia hiến máu, động viên họ phấn đấu học tập và rèn luyện tốt. Với ông, những việc làm đó rất đỗi bình thường nhưng ông cảm thấy vui và hạnh phúc lắm.

“Đám cưới hồng”

Hơn 11 năm qua, hiến máu và vận động hiến máu đối với gia đình ông Lê Đình Duật đã trở thành việc làm quen thuộc và cũng để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ: Ngày 18-1-2009, con gái lớn Lê Thanh Hà đã tham gia hiến máu đúng vào ngày sinh nhật của mình và cũng là ngày hiến máu lần thứ 10 của cậu con út Lê Quyết Thắng. Rồi lần sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (năm 2007), khi nghe tin có nhiều người bị nạn đang cần đến máu, ông đã kêu gọi được 6 người tham gia hiến máu. Ngay ngày hôm đó, ông đã thuê ta-xi đưa họ đến bệnh viện để hiến máu, kịp thời chuyển vào Cần Thơ.

Chị Lê Thanh Hà - con gái lớn của ông - tâm sự: “Hiến máu là một việc làm bình thường, ai cũng có thể bớt chút thời gian nghỉ ngơi, giải trí để chia sẻ những giọt máu của mình đến những người bệnh nhằm đem lại cho họ niềm vui và sự sống. Tôi thấy vui và ý nghĩa khi mình làm được công việc này. Từ năm 2009 đến nay, tôi thường tham gia hiến máu đúng vào ngày sinh nhật của mình”.

- Vì sao chị tham gia hiến máu nhân đạo vào đúng ngày sinh của mình? – tôi hỏi.

- Tôi muốn đem niềm vui chia sẻ cùng mọi người và xem đó là món quà, là kỷ niệm đối với bản thân.

Với những việc làm ấy, đến nay, gia đình ông đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các cơ quan chức năng. Điều bất ngờ và cảm động nhất là ngày 14-2-2009, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Hội Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo thành phố Hà Nội đã tổ chức “Lễ hội Xuân Hồng” tuyên dương những gia đình hiến máu tiêu biểu của thành phố Hà Nội và “đám cưới hồng” kỷ niệm 35 năm ngày cưới của ông bà.

“Đó là một phần thưởng lớn, món quà vô giá mà gia đình tôi nhận được. Là sự ghi nhận, chia sẻ lớn lao mà cộng đồng đã dành cho gia đình tôi, đó vừa là niềm vui, vừa là lời nhắn nhủ, trách nhiệm đối với xã hội. Gia đình phải phấn đấu làm việc nhân đạo tốt hơn và “mãi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đến khi nào không còn sức lực”- ông Duật phấn khởi cho biết.

Không chỉ vậy, ông Duật còn mong muốn và hy vọng rằng sẽ có hàng trăm, hàng nghìn gia đình khác sẽ được tổ chức “đám cưới hồng” như gia đình mình. Nghĩa là họ cũng dám chia sẻ hạnh phúc cho người khác, dám làm nhiều việc nghĩa, việc nhân đạo, chia sẻ hạnh phúc cho cộng đồng, xã hội.

Điều hạnh phúc nhất của gia đình ông là “Lễ hội Xuân Hồng” năm 2009 đã thu hút 13.000 người, 107 đơn vị, trường học tại Hà Nội đến tham dự. Cũng tại đây, có 6.500 người đăng ký hiến máu, thu được 4.158 đơn vị máu tốt tại một điểm hiến máu trong một ngày. Và có 1.435 ý tưởng sáng tạo về hiến máu nhân đạo.

Trong ngày đặc biệt đó, những người con của ông, bà đã thể hiện lòng biết ơn tới bố mẹ trong bức thư cảm động: “Thấy họ vui là mình vui! Mỗi lần giúp được ai đó, bố mẹ lại hân hoan, rạng rỡ như chính mình được khen! Bố mẹ dạy chúng con học cách yêu cuộc sống và cách sống có ý nghĩa! Trái tim chúng con biết thổn thức trước những số phận kém may mắn hơn mình; chúng con biết quan tâm, thông cảm, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người xung quanh! Có những hạnh phúc vô biên khi mang lại hạnh phúc cho người khác! Nỗi khổ được sẻ chia sẽ vơi đi một nửa, nhưng hạnh phúc được sẻ chia sẽ được nhân đôi...”.

Ông Duật tâm sự: "Mỗi cá nhân, tập thể hãy cùng đồng lòng mang niềm vui đến cho những người bệnh đang cần đến máu để xã hội ta ngày một tốt đẹp hơn, nhân đạo hơn và vì nhau hơn".

Bài và ảnh: Nguyễn Liên