QĐND - “Biết bao lần chứng kiến những cháu bé tái mét, những người bệnh chết oan chỉ vì mất máu, thiếu máu… tôi xót xa lắm. Mình còn khỏe mạnh thì hiến đi ít máu để người ta được sống. Mỗi người hiến một ít máu, sẽ góp phần cứu được sinh mạng nhiều người bệnh. Việc ấy cũng như là làm phúc vậy”.

Chị Phạm Thị Lan, người được coi là “kiện tướng hiến máu” ở Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh tâm sự với chúng tôi vậy.

11 năm làm “Tình nguyện viên hiến máu”

Chúng tôi không mấy khó khăn khi hỏi đường đến nhà chị Phạm Thị Lan, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ (khu phố 3, phường 15, quận Gò Vấp). Những người trong khu phố khi tiếp xúc với chúng tôi đều bày tỏ lòng yêu mến, quý trọng chị và nhiệt tình chỉ đường giúp. Người dân ở đây thường gọi chị một cách thân thương là “Cô Lan hiến máu”. Ông Vũ Xuân An, Tổ trưởng khu phố 3 tâm sự: Cả chục năm nay, cô Lan ân cần đi gõ cửa từng nhà vận động bà con hiến máu, phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Noi gương cô, bà con dân phố cũng tích cực hiến máu cứu người. 

Chị Lan vừa làm cán bộ Hội Chữ thập đỏ, vừa kiêm Tổ phó khu phố 3, vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi trong bộ đồ bà ba giản dị. Chị luôn mỉm cười thân thiện, khiêm tốn khi được hỏi về công việc của mình:

- Thấy người ta bị bệnh hiểm nghèo lại không có máu để truyền thì mình thương rồi vận động chị em trong khu phố làm từ thiện. Bản thân đang khỏe mạnh thế này, cho đi chút máu để cứu được mạng sống cho người khác là việc nên làm.

11 năm qua, chị Lan gắn bó với công việc vận động hiến máu nhân đạo. Để bà con tin tưởng, tự giác làm theo, bản thân chị đã 31 lần hiến máu nhân đạo để nêu gương. 31 lần hiến máu là bấy nhiêu lần chị cảm nhận được niềm vui, cảm xúc từ công việc thầm lặng này. Chị kể cho chúng tôi nghe về cái duyên đưa chị đến với công việc này:

- 11 năm trước, vào mùa hè năm 1999, con gái tôi bị sốt xuất huyết phải nhập viện. Đang chăm con trong phòng bệnh thì có một phụ nữ khắc khổ, hớt hơ hớt hải chạy vội đến đặt vào tay tôi đứa bé chừng 7 tháng tuổi, giọng mếu máo: “Chị bế giùm con em. Em phải chạy về dưới quê tìm người hiến máu cho cháu”. Lúc đó, tôi không biết gì đến việc truyền máu, hay cho máu. Ôm đứa bé tái mét, ngặt nghẽo trên tay cả đêm, tôi thấy quặn lòng, thương cháu như thể con mình vậy. Mờ sáng hôm sau, mẹ của cháu chạy lên đón con đi phẫu thuật. Tuy nhiên, vì bị bệnh nặng, cháu bé đã không qua khỏi. Nhìn người mẹ trẻ kêu khóc thảm thiết vì mất con, tôi đứng sững trước hành lang bệnh viện, nước mắt trào ra. Có cái gì đó nghẹn cứng nơi cổ họng tôi. Lẽ ra cháu bé đã có thể được cứu sống nếu như có máu để truyền kịp thời.

Chị Phạm Thị Lan.

Chị Lan dừng lời, khẽ đưa tay áo lau dòng nước mắt đang trào ra. Chuyện xảy ra từ 11 năm rồi nhưng với chị, cái chết của cháu bé tội nghiệp ấy cứ ám ảnh như mới hôm qua.

Sau lần ấy, một nỗi trăn trở trào dâng trong lòng chị. Phải làm một điều gì đó để góp phần cứu rỗi những thân phận kém may mắn. Chị tìm hiểu qua sách báo, đến gặp bác sĩ tư vấn rồi quyết định xung phong vào Hội Chữ thập đỏ ở địa phương để tham gia hiến máu và vận động hiến máu nhân đạo. Chị vận động mọi người hiến máu cứu người bằng những khẩu hiệu hết sức giản dị nhưng sâu lắng tình người như: “Sống để cho tốt hơn là nhận”; “Sống phúc âm trọn đạo làm người”; “Mến chúa và yêu người”… Bản thân chị luôn đi đầu trong các phong trào hiến máu của địa phương, thành phố. Hễ chỗ nào có người cần máu là chị lại gõ cửa từng nhà vận động bà con, bạn bè, người thân của mình tham gia hiến máu cứu người.

Thiên sứ của người nghèo

Sinh năm 1958, ở cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” nhưng người nữ cán bộ năng động này có làn da hồng hào và khuôn mặt trẻ hơn so với tuổi. Đây cũng chính là lợi thế để chị đi vận động bà con hiến máu. Chị cười xuề xòa: “Mỗi lần đi vận động bà con, tôi nói: Hiến máu da dẻ nó sẽ đẹp hơn, người sẽ trẻ dai như tôi nè. Thế là mọi người tin tưởng rồi cùng mình đi hiến máu cứu người”. Không khí vui vẻ bao trùm ngôi nhà nhỏ của người phụ nữ giản dị, chị vừa kể vừa pha trò để chúng tôi thoải mái trò chuyện. Bà Ngọc An, ngụ cùng khu phố với chị Lan tâm sự: “Ban đầu tôi cũng ngại việc cho máu, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng thấy chị Lan đã mấy chục lần hiến máu mà vẫn mạnh khỏe nên tôi làm theo. Tôi nghĩ, mình cho đi giọt máu để cứu được sinh mạng của ai đó là một niềm hạnh phúc”.

Chị Lan từng là giáo viên dạy cấp ba. Do hoàn cảnh gia đình nên chị xin nghỉ việc sớm để nuôi 4 đứa con ăn học. Đến tháng 9 - 1994, bà con bầu chị làm Tổ phó khu phố. 6 năm sau, chị tình nguyện vào Hội Chữ thập đỏ của phường và được bầu làm Chi hội trưởng cho đến nay.

Là người giàu tình cảm, chị hay xúc động trước những hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ. Tiếng lành đồn xa, chuyện về “cô Lan hiến máu” được người dân nhiều nơi biết đến. Nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân thiếu máu đã tìm đến tận nhà xin chị giúp. Lúc nào cũng vậy, dù đêm hôm khuya khoắt hay mưa gió, lúc nào bệnh nhân cần máu là chị sẵn lòng. Những người thân thích trong tổ dân phố như: Cô Phương bán thịt, cô Thu bán cá, cô Lệ dát cườm, anh Đường bán tạp hóa, mấy chị em dâu trong nhà, con trai, rồi sinh viên, công nhân trong các nhà trọ…, khi được chị Lan kêu gọi là họ sẵn sàng bỏ công bỏ việc vào bệnh viện để hiến máu cứu người. Chị Lan nhớ như in người nào thuộc nhóm máu nào để khi người bệnh cần là vận động đúng người, đúng việc. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ mà chị kể cho chúng tôi nghe là trường hợp của bé Nguyễn Thị Phương Uyên (4 tuổi) bị thủng van tim, cần truyền máu gấp:

- Khi mẹ của bé gọi điện đến cầu cứu, tôi liền huy động mọi người trong nhà và một số bà con khu phố, tất cả gần chục người, tức tốc đến Viện Tim để cho máu. Hoàn cảnh của bé Uyên rất đáng thương. Bố bị tai nạn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mẹ đi làm thuê nuôi cả gia đình. Sau khi được truyền máu, cháu đã được cứu sống, da dẻ hồng hào trở lại. Tiếp đó, tôi cùng mấy chị em góp mỗi người một ít mua sữa cho bé.

Cũng có những trường hợp bệnh nhân chị cho máu nhưng chưa một lần gặp mặt. Chị không biết tên, tuổi của họ mà chỉ biết họ đang cần máu để được sống. Rồi có những người bệnh sau khi được cứu sống nhờ những giọt máu quý của chị và bà con, đã tìm đến tận nơi để cảm ơn, biếu quà nhưng chị nhất định không nhận mà còn cho thêm thuốc để họ chữa bệnh.

Cũng có những câu chuyện buồn mà người cán bộ như chị cứ bứt rứt không nguôi. Chứng kiến những bệnh nhân chỉ vì cái nghèo, vì một phút thiếu trách nhiệm của một vài y bác sĩ mà họ phải thiệt tính mạng. Bà con ở khu phố 3 nơi chị phụ trách hầu hết cũng là dân lao động, làm thuê, nhà nào khá giả thì mở được tiệm tạp hóa buôn bán. Mỗi lần ốm đau nhẹ thì không sao, chứ bệnh tật nặng là họ “gồng lưng”, có khi ngậm ngùi nhìn người thân mình ra đi chỉ vì không có tiền đến bệnh viện hay chẳng biết bệnh gì rồi cứ để liều như thế…

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (47 tuổi), hàng xóm và cũng là bạn trên hành trình hiến máu cứu người cùng chị Lan, nói: “Chị Lan là người cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, là hàng xóm tốt bụng, sống hòa đồng, bà con ai cũng quý mến. Bao giờ trong các phong trào chị cũng xung phong làm đầu. Vì vậy, mỗi lần chị ấy đi vận động là chúng tôi sẵn sàng làm theo”.

Là người theo đạo với quan niệm “Sống phúc âm, mến chúa và yêu người”, chị Lan luôn chiếm được cảm tình của đa số bà con nơi xứ đạo Hoàng Mai bởi những việc làm thiện tâm. Chị có người anh trai ở nước ngoài thỉnh thoảng gửi về cho chị nhiều loại thuốc quý chữa bệnh. Chị đã dành để hỗ trợ, giúp đỡ bà con chữa bệnh. Niềm tin tưởng của bà con đối với chị xuất phát từ sự tin yêu, cảm phục.

Tổ dân phố nơi chị sinh sống có gần 3000 hộ dân, trong đó hơn 2/3 bà con theo đạo Thiên Chúa. Chị Lan đã xây dựng được một “ngân hàng máu sống” với hơn 300 người tham gia hiến máu nhân đạo ở khu phố. Bất cứ lúc nào có người bệnh cần, chị Lan đều huy động đủ số lượng máu cần hiến. Riêng những người thân trong gia đình chị, ngoài việc hiến máu đột xuất, mỗi năm đều tham gia hiến máu hai đợt, mỗi đợt hơn 50 đơn vị máu.

Nghe theo lời vận động của nữ Chi hội trưởng năng động, không những bà con xứ đạo Hoàng Mai mà nhiều hộ dân ở các khu phố lân cận cũng đã tham gia đi theo chị hiến máu cứu người. Chị Lan cho chúng tôi xem danh sách từng người hiến máu được chị ghi chép cẩn thận từ tên, tuổi, số nhà, tên đường... cho đến số lần hiến máu, nhóm máu...

Suốt 11 năm làm người đi đầu trong phong trào hiến máu, chị Phạm Thị Lan đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen “Tôn vinh người hiến máu” của các cấp, các ngành trao tặng. 

 “Ước muốn của tôi là có sức khỏe tốt để tiếp tục hiến máu và vận động ngày càng nhiều bà con tham gia hiến máu. Chúng ta cho đi giọt máu, sẽ được nhận về ân phúc của cuộc đời”! - Chia tay chúng tôi, chị Lan mỉm cười nói như vậy.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGA