Một tối cuối tuần, mâm cơm nóng sốt được Nguyễn Hà My bưng lên đặt giữa nhà.
Em mời ông bà và bố ra ăn cơm. Vừa gắp thức ăn cho cháu, bà Dương Thị Thái vừa căn dặn cháu cố gắng học hành chăm chỉ. Cô cháu gái là niềm vui, cũng là niềm hy vọng vào tương lai của ông bà...
Nhìn cháu gái, ký ức chợt ùa về như một cuốn phim quay chậm trong tâm trí ông bà.
Đám cưới "cổ tích"
Chuyện cô thôn nữ đẹp nhất, nhì làng là Dương Thị Thái tình nguyện kết duyên với anh thương binh nặng Nguyễn Văn Bình đến bây giờ vẫn được người dân xóm Cậy nhắc nhớ với lời tấm tắc ngợi khen.
Tháng 1-1973, trong một trận chiến đấu, Nguyễn Văn Bình lấy tay gạt quả lựu đạn đang xì khói ngay bờ công sự, trước mặt anh và đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304.
Bình chưa kịp thu tay về thì lựu đạn đã nổ. Tuy không lấy đi tính mạng của hai người, nhưng anh lính thông tin Nguyễn Văn Bình đã bị mảnh lựu đạn cắt đi 4 ngón của bàn tay trái, một bên mắt hỏng và mấy mảnh đạn vẫn nằm lại trong đầu. Khi ấy, Nguyễn Văn Bình mới 20 tuổi.
 |
Thương binh Nguyễn Văn Bình chia sẻ về cuộc đời mình. |
Trở về với cơ thể không còn lành lặn, nhưng Nguyễn Văn Bình vẫn thấy mình may mắn bởi nhiều đồng đội của anh đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Anh khát khao được xây dựng quê hương và gia đình với bàn tay, khối óc của mình. Anh để ý đến người con gái tên Dương Thị Thái, nhà ở xóm bên, đẹp người đẹp nết. Anh mạnh dạn qua nhà thăm hỏi, chuyện trò.
Trong trí nhớ của bà Dương Thị Thái, vẫn còn in dấu hình ảnh người thanh niên mới ở chiến trường về, xanh xao, gầy gò, thường đến nhà mình trò chuyện vui vẻ với mẹ cùng các anh chị em trong nhà. Mới 18 tuổi, Thái chưa nghĩ đến chuyện lứa đôi. Có chàng trai nào đến nhà dạm hỏi, cô đều khéo léo khước từ.
Chỉ có anh thương binh Nguyễn Văn Bình mới ở chiến trường ra, trên mình vẫn còn đầy những vết thương của cuộc chiến, thì cô thấy vừa thương, vừa ngưỡng mộ. Cô chỉ nghĩ, những người như anh thật đáng trân trọng và nể phục!
Rồi một ngày, mẹ cô nói gia đình anh Bình đã xin mẹ hỏi cô về làm dâu con trong nhà. Mẹ thấy cô vui vẻ tiếp chuyện anh, chứ không giống những người khác, nên đồng ý ngay. Thái lúc đầu cũng phân vân, vì mình chưa yêu mà chỉ quý mến anh như một người anh trai. Nhưng vốn bản tính hiền hậu, hiếu thuận, cô thuận tình trước sự sắp xếp của hai gia đình.
Tháng 5-1974, Bình và Thái làm lễ kết hôn trong sự chúc mừng của họ hàng và bà con lối xóm. Trong đêm tân hôn, Bình nói với vợ, anh mong muốn có thật nhiều con cháu, hai vợ chồng sẽ cố gắng làm ăn để nuôi các con ăn học thành tài. Thái e lệ nép người bên chồng, tin tưởng vào tương lai, hạnh phúc đang đến. Cô không thể ngờ những sóng gió cuộc đời cô từ đây mới bắt đầu...
 |
Vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Bình - Dương Thị Thái tại nhà riêng. |
Không ngừng hy vọng
Kể từ ngày cưới, vợ chồng Thái - Bình luôn bảo nhau cố gắng làm ăn.
Bình tập luyện để ngón tay trái còn lại vẫn có thể giúp làm những công việc hằng ngày. Nhưng, cưới nhau 2 rồi 3 năm, mà tin vui vẫn chưa đến với Thái. Làng xóm đã có tiếng xì xào, bàn ra tán vào về việc vợ chồng cô cưới nhau đã lâu mà chưa có con. Thái cũng lo lắng, bàn với chồng đi khám xem thế nào.
Họ đi khắp các bệnh viện trong tỉnh, ai mách có thầy lang hay là tìm đến. Các thầy thuốc đều nói hai người bình thường, rồi cắt cho một vài đơn thuốc bổ và bảo hai người về chờ đợi. Họ còn trẻ, còn nhiều hy vọng. Thái nghĩ thế và càng tích cực làm ăn để chờ ngày chào đón thiên thần nhỏ đến với mình. Nhưng 4 năm trôi qua, cô vẫn chưa thấy dấu hiệu khác lạ nào trong cơ thể. Thái bàn với chồng, hay mình nhận con nuôi, vừa có tiếng trẻ bi bô trong nhà, vừa cũng là để con nhanh đến với mình hơn!
Một ngày, có người báo tin có đứa trẻ ở xóm trên bị gia đình bỏ rơi. Hai người liền tìm đến. Con bé mới được vài tuần tuổi, tím đen, co quắp trong mớ khăn xô, khiến tim Thái xa xót. Nhìn nó, nhiều người đến rồi bỏ đi, bởi nghĩ nó chẳng sống lâu được. Nhưng cô nghĩ “còn nước, còn tát”, trái tim của một người phụ nữ nhân hậu luôn khát khao làm mẹ, khiến cô ôm bé lên bồng bế về nhà.
Con bé được hai người đặt tên là Nguyễn Thị Hường. Nhưng Thái chưa từng làm mẹ thì làm sao có sữa cho con. Đứa bé quặt quẹo, thiếu tháng, cô phải chăm sóc từng ly từng tí, hết bế đi xin sữa ở các nhà có con trẻ trong vùng, rồi ngâm gạo, kiếm sữa bò cho con... Bà Thái bảo, không thể kể hết những tháng ngày vất vả nuôi đứa con còn đỏ hỏn. Nhưng nhờ giời, nó cũng nhanh lớn, phổng phao trông thấy.
Có con, ông bà càng tích cực lao động. Nuôi lợn, làm đậu rồi đồng ruộng, vườn tược... Ông bà cứ xoay trần từ 2-3 giờ sáng, hết xay, vắt làm đậu, lại nấu cám chăm lợn, nuôi gà... Trời chưa sáng rõ đã lại ra vườn, ra đồng trồng màu, chăm lúa. Ông kể: "Vợ chồng cứ làm quần quật từ sáng tới khuya. Thế mới có thể nuôi sống được gia đình và có chút của ăn của để...”.
Kinh tế gia đình dần một khấm khá, nhưng ông bà vẫn canh cánh bên lòng một mối băn khoăn.
Hơn 15 năm kể từ ngày về bên nhau, đứa con của hai người vẫn chưa xuất hiện, dù ông bà đã đi khắp các bệnh viện, thầy lang, đã uống không biết bao nhiêu loại thuốc. Bà thì khổ tâm bởi những tiếng xì xào, còn ông thì câu hỏi “vì sao” vẫn đeo bám khiến hằng đêm không thể chợp mắt.
Rồi một ngày, người ta mách ông bà về Hà Nội, đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám. Ông bàng hoàng khi biết, vì ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin những ngày ở chiến trường, ông không thể sinh con được nữa. Bà lại động viên ông: “Thì mình còn con Hường. Trời không cho mình con đẻ, thì mình dành hết cho con nuôi ông ạ!”.
 |
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên thăm hỏi thương binh Nguyễn Văn Bình (thứ hai, từ trái sang). Ảnh: KHÁNH AN |
Niềm tin vào tương lai
Thế rồi, ông bà lại có thêm một người con nuôi nữa, là anh Nguyễn Đình Minh.
Chuyện là, năm 2000, bà đi chợ, thấy người ta đang đánh mắng một thanh niên khoảng 20 tuổi. Bà đến bên hỏi thăm, mới biết hoàn cảnh của anh rất đáng thương, vì cha mẹ đều mất sớm, nên mới phải lang thang khắp nơi như vậy. Bà nhận anh làm con và đưa anh về nhà, dạy anh làm các công việc của nhà nông.
Nhưng dường như, số phận hẩm hiu không thôi đeo bám ông bà. Hường lớn lên không lanh lợi như con người ta và có những biểu hiện của người thần kinh không bình thường, nhiều lần bỏ ông bà mà đi. Ông bà luôn nghĩ “con dại thì cái mang”. Mỗi lần Hường bỏ đi, ông bà lại đi khắp nơi tìm con về. Dần dần, sức khỏe tinh thần của Hường cũng khá lên đôi chút.
Rồi niềm vui cũng đến, khi hai người con nuôi của ông bà bén duyên nhau và sinh cho ông bà hai người cháu thông minh, hiếu thảo là Nguyễn Minh Quang (sinh năm 2004) và Nguyễn Hà My (2006). Năm 2021, cháu Nguyễn Minh Quang không may bị tai nạn rồi mất. Đây là nỗi mất mát vô cùng lớn với ông bà!
Ông Bình chia sẻ: “Cuộc đời không dành nhiều ưu ái cho chúng tôi. Nhưng không vì thế mà chúng tôi ngừng yêu thương và lo lắng cho con cháu. Hạnh phúc của chúng tôi bây giờ chính là con cháu. Chúng tôi sẽ chăm lo để Hà My trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định và vững vàng trước mọi biến cố trong cuộc đời!”.
Bằng tấm lòng nhân ái, gia đình thương binh Nguyễn Văn Bình đã đem đến "bến đỗ" bình yên cho những mảnh đời khiếm khuyết.
Chia tay ông bà, trong tôi vẫn vương vấn câu ca dao mà thương binh Nguyễn Văn Bình dạy cháu Hà My bữa ấy: "Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây...".
THỦY TIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.