QĐND-Khu tập thể N2, phố Vạn Bảo, một sáng thu Hà Nội. Bước chân vội vã của tôi gặp “thử thách” trước hai lối cầu thang vuông góc nhau. Sau “thử nghiệm” với lối cầu thang thứ hai, chưa kịp ngước nhìn biển phòng xem nhà nhạc sĩ Phạm Tuyên ở đâu, đập vào mắt tôi là một hình ảnh có thể cho biết đây đúng là địa chỉ mình cần tìm: Một nốt nhạc xinh được in khắc trên chiếc nút ấn chuông trước cửa nhà.
Nhạc sĩ xuất hiện. Vẫn nụ cười hồn hậu, phong thái khiêm nhường, nhạc sĩ Phạm Tuyên điềm đạm nói với tôi:
- Thật quý! Nhà nước chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nên hai bài hát “Hà Nội những đêm không ngủ”, “Hà Nội - Điện Biên Phủ” của tôi vẫn được nhiều người đến “hỏi thăm”.
Nói rồi, ông đứng dậy, lục tìm vật gì đó trên giá sách ngay cạnh chỗ ngồi. Nhìn dáng vẻ người nhạc sĩ 80 tuổi “ôm” tập sách vừa to, vừa dày một cách nâng niu và nhọc nhằn, tôi đỡ vội tập sách, giúp ông đặt xuống bàn. Ông lần giở đến trang 1956:
- Cô xem cuốn “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long” này, đọc bài “Tên gọi Điện Biên Phủ trên không xuất hiện từ đâu và từ bao giờ” của tác giả Lưu Trọng Lân nhé!
 |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh tư liệu. |
Tôi đọc một đoạn của bài viết đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 29-12-1972, bên cạnh bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ở trang 2 có một dòng chữ: “Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không”. Như vậy, cái tên đầy hình ảnh và đầy ý nghĩa “Điện Biên Phủ trên không” ấy đã xuất hiện đầu tiên trên báo chí Việt Nam, lập tức được báo chí phương Tây hưởng ứng”. Và đây là một phần trong câu chuyện ông muốn kể. Chuyện về “một bối cảnh thật quyết liệt mà bản thân người viết cũng không chắc mình có còn được nghe bài hát vang lên hay không”.
Hồi đó, khi đại bộ phận anh em trong Đài Tiếng nói Việt Nam đều đi sơ tán thì ông cùng một số nhạc sĩ xung phong ở lại Hà Nội để được “chứng kiến với tư cách người viết nhạc”. Những ngày đầu, nỗi nhớ người thân đến nao lòng hối thúc Phạm Tuyên trải xúc cảm trong một ca khúc trữ tình: “Hà Nội những đêm không ngủ”. Tối 20-12, trong một đợt báo động kéo dài, ngồi dưới căn hầm ở phố Quán Sứ - trụ sở chính của Đài, nhạc sĩ xúc động nhớ lại hình ảnh Đài phát sóng ở Mễ Trì, ở Bạch Mai liên tiếp hứng chịu những trận bom đánh phá của địch hai ngày qua. Đêm, Hà Nội rực sáng, vợ và con của ông đang sơ tán ở Bắc Ninh hẳn sẽ nhìn về vầng lửa đạn bao trùm Thủ đô:
Ơi, các chị các em đang giờ đây tạm xa Hà Nội
Trông thấy chăng ráng đỏ rực hào quang trên thành phố chúng ta?
… thì hãy gửi trọn niềm tin nơi Hà Nội:
Hà Nội đêm nay vẫn vang bài tình ca
Hà Nội anh hùng, Thủ đô của
chúng ta!
Người ở lại, người ra đi thức cùng
Hà Nội.
Song có một sự thật rằng, sự tăng cấp của thời gian đồng nghĩa với sự tăng cấp của số bom đạn mà giặc Mỹ rải thảm. Không còn những thanh âm trữ tình của “Hà Nội những đêm không ngủ”, “cảm giác âm nhạc” trong Phạm Tuyên trở nên thật khác biệt. Đó là sự phẫn nộ, sự dữ dội trước tội ác của giặc Mỹ. Bốn giờ sáng ngày 22-12, một lần nữa B-52 Mỹ lại rải bom xuống khu vực Đài phát sóng Bạch Mai (Ngã Tư Vọng), nơi có khu nhà tập thể của ông. Lần này bom vệt ngang nhà ông. Sách nhạc, bản nhạc cháy sém; chiếc đàn dương cầm cũng bị vỡ một mảng lớn, bàn phím xộc xệch… Nếu như trên đường đạp xe về Đại La thăm nhà, nỗi lo lắng chiếm hết tâm trí người nhạc sĩ thì khi trở lại cơ quan, chỉ còn lại nỗi cay đắng… Ga Hàng Cỏ, Bệnh viện Bạch Mai rồi sau đó là khu phố Khâm Thiên trùm lên màu tang tóc, đổ vỡ.
 |
Trận địa pháo ở Đông Anh, Hà Nội tháng 12-1972. Ảnh: Cảnh trong phim “Hà Nội - Bản hùng ca” của Điện ảnh Quân đội.
|
Nhưng phải chăng, đây là phút giây để con người thấm thía một ý niệm: “Sức sống trong khổ đau mới là sức sống đích thực của kiếp người”. Lòng người nhạc sĩ ấm lại khi trông thấy một Hà Nội gan góc, một Hà Nội kiên cường: Đội dân phòng giúp dân cứu sập hầm, người dân giúp nhau nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Bên ngoài một hiệu giặt là chông chênh tấm bảng: “Nhà tôi bị sập, tôi đi sơ tán. Quần áo của ông bà tôi sẽ trả lại” hay trước hiệu đồng hồ có viết: “Chúng tôi đưa đồng hồ đi chữa nơi khác. Khi nào hết B-52, mời ông bà quay lại lấy đồng hồ”. Ngày 26-12, Báo Nhân Dân đăng bài: “Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người” khiến ông vô cùng xúc động!
Đau thương, tự hào, tất cả dồn nén như chỉ chờ một chất xúc tác để chực tuôn trào. Sáng 27-12, tại phòng giao ban của Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng giám đốc Trần Lâm thông báo: “Đêm qua bộ đội ta bắn rơi 8 B-52. Từ Sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương các đơn vị lập công và ra lời kêu gọi: “Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội”. Từng trải mình trong khói lửa những năm chống Pháp, ba từ “Điện Biên Phủ” từ lời của Đại tướng như một luồng điện chạy qua cơ thể ông, làm biến chuyển những xúc cảm, lay động cõi tâm tư. Ngay đêm hôm đó, trong căn hầm của Đài Tiếng nói Việt Nam, những nốt nhạc của “Hà Nội - Điện Biên Phủ” rộn ràng trên trang giấy. Đoạn một rắn rỏi, kiên định:
B-52 tan xác cháy sáng bầu trời
Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời
Đoạn hai lại hào hùng, tha thiết:
Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta?
… Ghi chiến công tuyệt vời: một “Điện Biên” sáng chói!
Được sự động viên của anh em trong Đài, chỉ chờ hết còi báo động, nhạc sĩ vội đạp xe sang 71 Hàng Trống, trụ sở Báo Nhân Dân. Chuyến đi ấy của ông đã được nhà báo Hữu Thọ ghi nhanh trong tập thơ văn “Hà Nội mười hai ngày ấy” (NXB Văn học, 1973) như sau: “Buổi sáng ngày 28-12-1972, một nhạc sĩ đến gặp tòa soạn. Anh mang đến một bản nháp bài nhạc mới làm đêm qua. Trên ghế đá, dưới gốc đa, anh hát cho mấy người nghe. Mọi người đều biết: bom địch ném vào khu anh ở. Chiếc dương cầm của anh bị hỏng. Nhưng anh muốn đóng góp tâm hồn mình vào cuộc chiến chung. Bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ” ra đời như thế! Hôm sau, bài hát được đăng trên một tờ báo. Cũng tối hôm đó, Đài phát thanh dựng bài đầu tiên về Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu của ta phát đi muôn phương”.
Khoảnh khắc miền Bắc phát đi bài hát đầu tiên về Hà Nội 12 ngày đêm là khoảnh khắc miền Nam đón nhận niềm hy vọng lớn. Sau 1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên có dịp vào TP Hồ Chí Minh và gặp một số đồng nghiệp. Họ nói về tháng 12-1972: “Bọn em lo cho Hà Nội, đêm áp tai nghe đài về Hà Nội. Tối 29-12, từ chiếc đài nhỏ bỗng vang lên lời bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ”. Trời đất ơi! Hà Nội vừa đánh giặc vừa hát. Chắc chắn Hà Nội sẽ đánh thắng”. Như ông nói, có lẽ đó là trùng hợp bởi 7 giờ sáng ngày 30-12, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.
- Vậy “Hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn Điện Biên Phủ ngay trên bầu trời Hà Nội” - lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “Ghi chiến công tuyệt vời: một “Điện Biên” sáng chói, Hà Nội ơi” - lời trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên - phải chăng là những gợi ý đầu tiên cho sự ra đời của cụm từ đặc biệt “Điện Biên Phủ trên không”, theo sách “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long”? - Tôi hỏi.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên ôn tồn:
- Qua cuốn sách này, tôi chỉ muốn nói một điều: Trong dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được nhắc đến chứng tỏ 12 ngày đêm ấy có ý nghĩa đặc biệt với lịch sử Thủ đô. Và tôi hạnh phúc được là người ghi lại tư liệu lịch sử ấy bằng âm nhạc mà thôi!
Ghi lại cũng là kể lại. Với những ca khúc của mình, người nhạc sĩ gốc Hải Dương này đã kể lại bao câu chuyện lịch sử: Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, ông viết về không khí sản xuất, chiến đấu trên các miền đất Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tây với: “Bài ca người thợ mỏ”, “Bám biển quê hương”, “Chiếc gậy Trường Sơn”. “Tiếng hát những đêm không ngủ” là nhạc khúc ông hướng về cuộc đấu tranh của thanh niên, sinh viên đô thị miền Nam. Chia sẻ với phong trào âm nhạc chống chiến tranh ở Mỹ, ông viết “Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ”. Ngày 30-4-1975 lịch sử sẽ thiếu đi sự sinh động nếu không có bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên. Sau ngày thống nhất đất nước, ông viết những bản nhạc xây dựng quê hương thanh bình như “Gửi nắng cho em” (thơ Bùi Văn Dung), “Con kênh ta đào” (thơ Bùi Văn Dung).
Trong căn phòng khách nhỏ, tấm bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về văn học nghệ thuật năm 2012 được chủ nhân dành trọn một góc trân trọng. Nổi bật trên giá sách là sắc màu vui tươi của bìa tuyển tập nhạc “Cánh én tuổi thơ”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, thời gian này ông dành nhiều công sức cho các hoạt động âm nhạc dành cho thiếu nhi. Vì những giá trị đích thực của âm nhạc cũng như lịch sử, cần được nhanh chóng “kể” lại cho tuổi trẻ!
LÊ NA